Monday, December 15, 2008

KINH CẦU NGƯỜI NHƯỢC TIỂU

Cho tôi về lại nhà tôi
Dù hoang tàn đổ nát
Cho tôi tìm lại hình tôi
Dù tật nguyền què quặt

Em có mơ thấy trời xa
Trong đêm tuổi thơ quá ngắn
Em có mơ lúa mượt mà
Mọc trên ruộng khô hạn hán

Em có hát khúc thanh bình
Khi hai chân giờ cụt ngắn
Em có nhớ những bãi mìn
Nơi em đào tìm khoai sắn

Em có cất lên tiếng cười
Mặc kệ vết thương rỉ máu
Em tiếc gì tuổi hai mươi
Khi sương mù che khuất đời mai hậu

Em có nói tiếng yêu đời
Khi đời người giờ lạnh lẽo
Em có nói tiếng yêu người
Khi người đời nay bạc bẽo

Cho tôi xin lại một
Trong muôn ngàn ước mơ
Hay để tôi mất nốt
Ảo tưởng được tự do
tôi đang
bám lấy để sống hờ.

Đỗ Quý Dân

VÌ TRĂNG CẦN BÓNG ĐÊM

Vì trăng cần bóng đêm
Nên xua đuổi mặt trời
Đêm và ngày chia tay từ đó

Vì người cần lấn người
Nên xua đuổi cảm thông
Ngôn ngữ bắt đầu từ đó

Vì lòng cần dối lòng
Nên xua đuổi hồn nhiên
Tôn giáo bắt đầu từ đó

Tôi mở rộng đôi ngươi
Không xua đuổi bóng tối
Để khỏi nhìn thấy rõ
Về thân phận con người

Đỗ Quý Dân

Monday, December 8, 2008

Gánh nặng quá khứ

Tôi hỏi Thích Ca:
-Tại sao ngài ích kỷ
bỏ quá khứ, cũng chẳng tính tương lai
chỉ đòi sống vui với những gì hiện tại?
- Này, hỡi kẻ ngu muội !
Ngươi đã bơi trong bể khổ bao lâu?
Quá khứ ngươi đầy rẫy những thương đau
Không vứt gánh nặng làm sao ngươi tỉnh mộng?
Nỗi ray rứt sẽ tạo thêm ray rứt
Từ đắng cay sinh nảy những đắng cay
Không nuốt đi khổ đau sao còn ngồi nhai lại?
Ta dạy ngươi quên hôm qua là để ngươi không thù oán hôm nay
Ta dạy ngươi vứt gánh nặng là dạy ngươi đứng thẳng
dạy ngươi nhìn, hiểu cái đẹp của bây giờ
để ngươi trân trọng, để ngươi giữ gìn, để ngươi cùng ta bồi dưỡng!
- Thế sao ngài bỏ mặc tương lai?
- Nếu ngươi không chất chồng thêm quá khứ
thì đâu còn gánh nặng hôm nay
thì cần gì lo đến ngày mai
Ngày mai và hôm nay sẽ chẳng còn ý nghĩa
Thời gian chẳng còn tiến một chiều
mà sẽ tỏa vòng trên vũ trụ
Không tính tương lai là để nuôi dưỡng hôm nay
là để hôm nay không thành quá khứ ngày mai
tiếp tục vòng đau khổ.
(Và Thích Ca tát mặt tôi để cho tôi tỉnh mộng)

Tôi căn vặn Giê Su:
-Thich Ca bảo tôi quên quá khứ
Đã hai ngàn năm sao ngài vẫn chịu bị đóng đinh?
- Này, hỡi thằng ngu xuẩn !
Ta chịu cực hình cũng là để ngươi quên quá khứ
Cha ta có nhỏ nhen đâu mà đổ lỗi người đọa đày các ngươi vì nguyên tội ?
Kiến thức nhỏ nhoi của các ngươi có đáng bao nhiêu?
Cha ta hay quên nên quên để “chất quên” vào trái cấm
để các ngươi mặc cảm tội lỗi mấy ngàn năm
Ta chịu đóng đinh để các ngươi quên đi nguyên tội đó
và đã hồi sinh để dạy các ngươi
trong khổ đau có mầm cội thăng hoa
Ngươi ngu không hiểu, còn lắm điều chất vấn
Ta đạp cho ngươi lộn mấy tầng địa ngục
để cho ngươi quên cái khổ hôm qua
để cho ngươi quên toan tính ngày mai
Ngươi lựa chọn đi, hiện tại hay địa ngục?
(Giê Su co chân, và tôi co giò chạy trốn)

Đỗ Quý Dân

Sunday, December 7, 2008

hai bài thơ

MỘT GIỜ I

Một giờ
Giờ nghỉ trưa cũng là giờ hò hẹn của những tình nhân bận rộn
Một giờ hối hả trong căn phòng quen thuộc
Em đi tìm tình yêu sau buổi sáng đợi chờ
Đóa hoa hồng ai tặng như hải đăng soi đường
cho con tàu lạc hướng trên biển cả
Tàu em cập bến nơi phòng hẹn
như hòn đảo giữa sóng xanh bồng bềnh trên ảo tưởng
Em ngã mình lên bờ cát đam mê, sáu mươi phút đắm say không câu hỏi
Áo xiêm vội vàng trút bỏ, tình yêu không kịp cất tiếng chào
Một giờ chỉ đủ cho khoái cảm dâng ngập vùng hơi thở
để sau một giờ em phải đối diện với băn khoăn
khi em ngồi một mình tự tìm câu giải đáp
khi suy tư đã làm loãng đam mê
của một giờ
Sao giờ hôm nay vẫn như giờ hôm qua?
Em chợt hiểu giờ ngày mai sẽ không thay đổi
và em biết sẽ có một giờ em chia tay với ảo tưởng:
là một giờ sẽ biến thành mãi mãi.

Một giờ
Một giờ giữa trưa giữa bốn bức tường sơn trắng
trắng như tấm trải giường, như áo y tá, như cuộn băng để quấn những vết thương
trắng như lòng trắng đôi mắt em vô cảm
trắng như linh hồn em đang để tang
cho một mối tình mong manh
vào thuở em để tin yêu gối đầu lên giấc ngủ
những đêm em nằm mơ thấy dấu chân người cạnh dấu chân em trên bãi cát tương lai
Sự thật giờ đây trắng như khăn tang
Y sĩ như phán quan từ cõi âm về tuyên án
Những dụng cụ kẹp, nạo như hình cụ thời Trung cổ
Em thụ hình, tiếng thở em đứt quãng
Màu đỏ tối sầm túa ra phủ lên màu trắng
giải thoát cho em khỏi hình phạt làm cai ngục
giam tù nhân vô tội hơn chín tháng
tất cả chỉ khoảng một giờ
sáu mươi phút để tháo bỏ gông xiềng trách nhiệm
sáu mươi phút dài như một đời:
bây giờ là đoạn kết.

Một giờ
Một giờ trong bóng đêm
Đường em đi gót giày bươn chải không vang nổi tiếng bước chân
Em vừa ngả xuống nệm xe hào nhoáng
đã thấy mình ngồi dậy trong khách sạn tối tăm
phòng thuê từng giờ một
Một giờ
Mười phút là một giờ
Hai mươi phút, ba mươi phút
cũng vẫn là một giờ
Nếu em hoàn thành trách nhiệm:
một cuộc mua bán
hàng bán là tủi nhục chán chường gói trong nụ cười khiêu khích
ánh mắt gọi mời, đôi tay mơn trớn
nhưng hồn em giờ vắng lạnh
như một căn nhà hoang không người lai vãng
Em đã bít lối vào từ ngày nắng tắt
để bắt đầu cuộc phiêu lưu trong đêm . . .
Em tự bước đi hay bị cuốn vào dòng nước xoáy?
Em không còn nhớ. Bây giờ
đời em em phải tính từng giờ
mỗi giờ vài mươi phút
dài như mấy thế kỷ nhục nhằn
nên em già ngàn tuổi chẵn
Nhưng hôm nay em vẫn đau như hôm qua
cơn đau rõ như làn roi ai vừa quất
trên làn da non như một vùng hồn nhiên em đã cất đi
từ dạo em bước chân vào cõi thực
Em thèm đau và mừng đón ngọn roi
vì khi đau em biết trong em còn chút em ngày trước
ngày cuộc phiêu lưu chưa bắt đầu
ngày một giờ còn nguyên sáu mươi phút
một giờ còn là một giờ
Em còn của chính em.

Một giờ
Em một mình ngồi chờ ai?
Một giờ đã qua, lại một giờ tiếp nối
Em tìm lại em trong gương
Em đã từng cất em trong đó
Có đổi thay nào trong em
sau bao nhiêu giờ trong quá khứ?
Có phải em đang đợi cho thời gian quay lại?
Em ngồi không em đợi
từng giờ
Em ngồi đợi chính em…
Nếu em về với em và mở rộng vòng tay
ôm hình hài mình hôm nay oằn cong như dấu hỏi
làm ướt lại giọt nước mắt đã khô theo ngày tháng
để em được ngủ yên với em
thì sáu mươi phút mỏi mòn mong đợi
sẽ là một giờ thanh thản nhất đời em.





MỘT GIỜ II

Một giờ
Giờ nghỉ trưa cũng là giờ hò hẹn của những tình nhân bận rộn
Một giờ hối hả trong căn phòng quen thuộc
Em đi tìm tình yêu sau buổi sáng đợi chờ
Đóa hoa hồng ai tặng như hải đăng soi đường
Cho con tàu lạc hướng trên biển cả
Tàu em cập bến nơi phòng hẹn
Như hòn đảo giữa sóng xanh bồng bềnh trên ảo tưởng
Em sẽ ngã mình lên bờ cát đam mê, sáu mươi phút lặng im không câu hỏi
Nhưng giờ hôm nay chợt khác giờ hôm qua
Vì bắt đầu bằng một lời hò hẹn mới sau nụ hôn không vội vã
Niềm vui chợt òa vỡ
Ríu rít như tiếng chim đón một mùa Xuân đến sớm
Niềm vui vang vọng đến vô tận
Vì cuộc hẹn mới của em
Không còn là buổi hẹn từng giờ
Em sẽ không còn phải ghi vào trong trí nhớ
Em sẽ không còn đối diện với băn khoăn
Em không phải ngồi một mình tự tìm câu giải đáp
Ngày mai sẽ thay đổi
Em sẽ chỉ còn một lần hẹn
Của từng giờ nối tiếp từng giờ như một vòng tròn không khởi đầu không đoạn kết
Như vòng tròn chiếc nhẫn em ép vào trước ngực
Em đã đến vùng mộng mơ nơi em ghé qua thuở ban đầu làm quen tình ái
Nơi em từng sợ sẽ không bao giờ đến
Hơi thở hôm nay hòa với nhịp tim em
Hạnh phúc chen vào giữa đam mê
Niềm tin sẽ không còn là ảo tưởng:
Một giờ sẽ biến thành mãi mãi.

Một giờ
Một giờ giữa trưa giữa bốn bức tường sơn trắng
Trắng như tấm trải giường, như áo y tá, như cuộn băng để quấn những vết thương
Trắng như áo cô dâu ngày cưới
Trắng như trang giấy em sẽ ghi nhật ký mới
Cho một cuộc sống mới
Không còn là của riêng em
Trên bãi cát tương lai bên dấu chân em sẽ hiện ra dấu chân khác
Y sĩ như thuyền trưởng đưa tàu em cập bến
Dây neo thả xuống, đến bao giờ tàu sẽ lại ra khơi?
Em chờ trên bàn mổ, em ghé qua để tránh cơn bão lớn
Gió mưa đêm qua báo hiệu cho giông tố
Con dao giải phẫu không đe dọa như hình cụ thời Trung cổ
Em biết sẽ đối diện cơn đau, nhưng giờ đây tiếng thở em đều đặn không đứt quãng
Có tiếng khóc lẫn màu đỏ òa lên trên màu trắng
Giải thoát cho em khỏi những ngày dài chờ đợi
Em đã đợi chờ hơn chín tháng
Và chờ thêm một giờ sau cơn nước vỡ
Sáu mươi phút trước một đời trách nhiệm
Cuộc đời mới do em tự nguyện:
Bây giờ là khởi đầu.

Một giờ
Đã một giờ em ngồi trong bóng đêm
Một giờ như vô tận
Em đang ngồi chờ ai khi lâu nay em chẳng còn hò hẹn?
Em không rõ, em chỉ biết mình đang đợi
Căn phòng ấm cúng, nệm giường êm ả
Em đã quen với những đêm nằm một mình chờ đợi
Em mơ lại khoảng thời gian hò hẹn
Những buổi hẹn từng giờ
Mỗi giờ sáu mươi phút
Mỗi giờ là một giờ hối hả
Em không còn hối hả
Từ ngày em bước vào vòng tròn của tương lai cố định
Tròn như vòng chiếc nhẫn em đã ép vào trước ngực
Và đang bám chặt vào ngón tay em gầy guộc
Như sợ bị tháo ra
Em sống giữa một rừng thói quen
Chung quanh em có đám đông
Sao em vẫn thấy mình cô độc?
Phải chăng vì em chẳng còn hò hẹn
Vì hôm nay từng giờ lại nối tiếp từng giờ
Từng giờ hôm nay dài như từng thế kỷ
Để em cảm thấy em già thiên niên kỷ
Không đủ sức bắt đầu cuộc phiêu lưu mới
Căn nhà em ấm cúng
Nhưng lòng em sao trống trải?
Phải chăng vì mỗi giờ hôm nay
Đều giống như giờ ngày hôm qua
Và ngày mai sẽ không thay đổi.
Ngày mai?

Một giờ
Em một mình ngồi chờ ai?
Một giờ đã qua, lại một giờ tiếp nối
Em tìm lại em trong gương
Em đã từng cất em trong đó
Có đổi thay nào trong em
Sau bao nhiêu giờ trong quá khứ?
Có phải em đang đợi cho thời gian quay lại?
Em ngồi không em đợi
Từng giờ
Em ngồi đợi chính em…
Em nhớ đã từng hứa mình không thay đổi
Sao giờ đây lại khao khát đổi thay
Nếu có một giờ
Em bước ra khỏi chiếc vòng hôm nay
Hình hài em sẽ phải oằn cong như dấu hỏi
Giọt nước mắt sẽ chẳng còn đẫm niềm vui
Của lần cuối em hẹn sáu mươi phút
Nhưng chắc em sẽ có câu trả lời
Để khỏi còn một mình mỏi mòn mong đợi
Để em tìm lại được chính em.

Đỗ Quý Dân

© 2006 Dan Do – All Rights Reserved

Saturday, December 6, 2008

ở tuổi mình

Ở tuổi mình, tôi ngại tình yêu trai gái
Ngại yêu người, ngại cả được người yêu
Những cuồng nhiệt xa xưa nay biến thành uể oải
Em bảo yêu tôi, tôi viện cớ hiểu đời
Ngụy trang tim khô bằng ngôn từ trách nhiệm:
"Đừng yêu anh nếu không muốn khổ đau".

Ở tuổi mình, tôi ngại đối đầu đam mê xác thịt
Những vết sẹo thời gian, những mệt mỏi lúc ngày tàn.
Bản năng tính đực còn chưa cạn kiệt
Ám ảnh phụ tình chực ngập phút ái ân
Khoái cảm vỡ vụn, không kịp tràn dâng
Khi em thì thầm "Em yêu anh" qua hơi thở
Ba chữ nhọn như kim đâm sau cổ
Mũi thuốc tê thấm lạnh cứng toàn thân.
Em ơi !
Da thịt em gọi mời
Khuy áo em phập phồng
Sao tay tôi luôn chậm mở?
Khi xác thân tìm về thân xác,
Mồ hôi trộn mồ hôi, chất ướt nhào chất ướt
Sao hơi thở lại không hòa hơi thở?
Khi bờ môi thả xuống bờ môi,
Mắt đam mê rơi vào mắt dại
Sao lưỡi vẫn tê, răng vẫn còn ngần ngại?

Em tự nhiên nên lòng tôi áy náy
Em tắm hồ mê tưởng, tôi đứng đợi trên bờ
Em ngụp lặn gió trăng, tôi đắm chìm trong lưỡng lự
Và tình tôi ngừng lại ở thịt da…
Em chẳng hiểu đâu. Em còn nhắm mắt,
Còn đang say giấc mộng của đợi chờ.

Em ơi!
Có những chỗ tôi đã từng đi lạc
Nơi tình yêu và thể xác kết duyên
Nơi bản năng khiêu vũ với niềm tin
Nơi chữ yêu là tiếng chào cởi mở
Tôi đã từ lâu rời chốn đó
Như Từ Thức một thuở giã cõi tiên
Muốn trở lại, không tìm ra lối cũ.
Ở tuổi mình, tôi ngại phải đi tìm.

Đỗ Quý Dân

BÓNG VANG

Có những ngôi sao đang sáng trong mắt em
đã tắt lửa từ ngàn năm về trước
Có những âm thanh đang vang vọng chung quanh
đã nổi lên từ khi vũ trụ khởi đầu
Có những bài thơ mới viết
đã nằm trong tâm thức của biết bao thế hệ
Có em trong tôi
từ thuở tôi chưa hiểu tiếng loài người

Ngọn gió làm bật gốc cây
bắt đầu từ không khí nhẹ tênh
như tiếng vang trên cỏ lá
như bóng mát che phủ tình người
thuở gió còn mơn man đùa giỡn
chưa khoác lên cơn nộ cuồng phong
vô cớ.

Biển cả bắt đầu từ giọt nước trong veo
rơi xuống thành sông
Những huyền bí của biển
là chuyện kể của những dòng sông
thì thào với biển khi biển còn chưa mặn
vô cớ.

Loài người sinh ra từ bào thai
bắt đầu từ hình bóng
của hai thể xác đan vào nhau trong nhục cảm
và tiếng vọng
của hơi thở, của những âm thanh vô nghĩa
lúc xác thân quyện với xác thân
để kết hợp những tế bào vô tri vô giác
chưa quen biết linh hồn
vô cớ.

Vạn vật là bóng của những hình không còn nữa
là âm vang của những tiếng xa xưa.

Tôi sống
và yêu em
vô cớ.

Đỗ Quý Dân

Tuesday, December 2, 2008

BÀI THƠ TÌNH CHO EM

tôi muốn gặp em hôm nay
khác hơn em hôm qua
dù hôm qua tình ta tuyệt vời

tôi muốn gặp em ngày mai
khác hơn em hôm nay
dù hôm nay ta đang đắm say trong hạnh phúc

tôi muốn nước mãi trôi
dù hôm nay nước đang trong vắt
trong hồ tĩnh lặng

tôi muốn gió không ngừng thổi
dù hôm nay không khí trong lành
trời không mưa bão

nước không thể ứ đọng
gió không thể ngừng
em cần thay đổi

nên tôi muốn thấy
nét nhăn của em trên nụ cười khóe mắt
tóc bạc da mồi
tình ta đổi nhịp

nên em cứ bay xa
tắm gió sương những chân trời lạ
tôi sẽ lướt sóng ngàn
tìm những hoang đảo nằm xa hơn tưởng tượng

ta sẽ gặp lại nhau
và cùng nhau
vượt biên giới thời gian
và yêu nhau
ngoài phạm vi cổ tích

tôi sẽ tìm đến những chân trời em bay qua
trên nụ cười hiểu biết
vết da nhăn hiền triết
em sẽ khám phá những hoang đảo cùng tôi
sau màn sương trắng phủ trên bờ tóc
nơi nắng hoàng hôn soi dài bóng tháng năm

rồi em sẽ cùng tôi
về nơi căn nhà nhỏ
đốt bếp hồng sưởi ấm
kể chuyện cho nhau nghe
và hát lại những bài ca cũ
để khám phá đổi thay
cũng quay theo vòng tròn
đưa ta cùng trở lại
nơi tình yêu bắt đầu.

Đỗ Quý Dân

Tuesday, November 11, 2008

BLIND MEN AND THE ELEPHANT: THE DANGER OF HALF-TRUTHS

You all know the story. When asked to describe an elephant, the blind man who feels the animal’s leg says the elephant is like a pillar. For the one who feels the ear, it is a fan. And so on. What these blind men describe is not totally untrue. They base their descriptions on partial truth.

The blind men have a good excuse for not discerning the truth: they are blind and cannot see the true picture. In our society, however, persons with perfect vision often choose not to say the truth. Instead, they only say half-truths when asked to describe a thing or an event. Because what they say is based on the truth, their statements become highly convincing. These half-truths thus are much more dangerous than outright lies. They expose their recipients to real danger.

During the months leading to the recent presidential election, supporters of the McCain/Palin ticket actively engaged in the dissemination of half-truths. Because he grew up in Indonesia, a predominantly Muslim country, Barack Obama was called a Muslim. Because he worked in education reform with Bill Ayers, a former member of a militant group, Barack Obama was accused of “palling with terrorists.” Ayers’s former group, the Weathermen, committed violent acts that could be described as terrorist activities. However, such acts were committed at the time Obama was just eight years old.

Those half-truths about Obama’s faith and association were aimed to deceive the voters and to generate their fear of the candidate. Terrorist acts such as the 9/11 attack were committed by terrorists who were of the Muslim faith. It was easy to arouse the anger of the crowd by the mere mentioning of the words “Muslim terrorists.” The “Muslim” and “terrorist” half-truths about Barack Obama combined into a powerful guilty verdict (Muslim terrorist) rendered by people who already had a strong prejudice against a liberal candidate as well as against the color of his skin.

As the blind man who believes the elephant to be a pillar, a voter who looks at a single act or event concerning a candidate, will reach a voting decision based on half-truth. The McCain campaign employed this half-truth tactic by either disseminating or tolerating the dissemination of information surrounding one single act or event relating to Obama or his running mate. Blogs and emails containing the picture of Obama not putting his hand on his chest during a flag ceremony were widely disseminated to raise questions about the candidate’s patriotism. A statement made by the vice-presidential candidate Joe Biden during the days of the fall of South Vietnam showing his lack of support for the Vietnamese refugees was quoted to the Vietnamese as the reason for this group not to vote for the Democrats. Pictures of African relatives of Obama were shown in the most unflattering manner to expose the “unworthy” roots of the candidate. The voters were asked to contemplate this type of information in deciding their votes. The truly important issues got lost in the process.

A presidential election demands the careful examination of multiple issues. This is particularly true during a time that the people of this country are facing a serious economic crisis, two costly wars, a bitterly divisive society, repeated revelations of political abuses and corruptions, among a myriad of issues of concern. The personal attacks on the candidate, each of them being claimed to provide sufficient justification to vote against the candidate, became half-truths even if they could be verified, as they by themselves could not constitute a telling analysis of the candidate’s qualifications for the presidency.

A voter can become a blind man when issues of concern are veiled by trivialities. John McCain himself employed this tactic of hiding the truth from voters. He trivialized his opponent by labeling him a socialist, a wealth distributor (a distributionist in McCain’s vocabulary), and condoned his running mate's accusation that his opponent was a terrorist's pal. He also condoned his followers' labeling tactics (Obama was a Muslim and anti-American). He resorted to that character of Joe the Plumber to symbolize his economic policy and even invited Joe to go to Washington with him in the event he was elected President. Worst of all, he trivialized the office of the Vice-president by selecting a clearly unqualified running mate, Sarah Palin. The mottos of “Country first” and “Experience counts” became a joke. By trivializing these matters, McCain was asking the voters to forget the serious problems that the country was facing. Either that or McCain had some real contempt for the regular voter.

Many among the Vietnamese intelligentsia supported the McCain/Palin ticket and contributed to this half-truth dissemination effort. These are mainly members of the first generation of Vietnamese refugees resettling in the US. These members are strongly anti-communist as they were witnesses of the atrocities of the Vietnamese communist regime. They somehow identify the Republican party as the party that fights the communists, and on that assumption give the party their full (and almost blind) support. This probably originated from the strong antiwar stance of the Democrat George McGovern who, during his 1972 presidential campaign, made statements that were offensive to the South Vietnamese regime, and in the process offended the South Vietnamese people. History taught us that the Republican president Richard Nixon and his close adviser Henry Kissinger were the authors of the selling out of South Vietnam. Yet Nixon continues to be admired by many Vietnamese. Lyndon Johnson who had to abandon a bid for a second presidency term because of his commitment to the war, was never much of a friend or comrade-in-arms to them. Gerald Ford who opened the US border to Vietnamese refugees was highly praised, but Jimmy Carter who established a panoply of refugee assistance programs was hardly recognized for his work. The Democrats who were champions of refugee causes such as Ted Kennedy, Frank Church, and Joe Biden did not receive much affection from the Vietnamese refugees.

The danger of the half-truths disseminated by the overly eager McCain supporters is that, while not succeeding in helping McCain win the presidency, they managed to divide the country into two camps, more distinct than ever before. Barack Obama now appeals to both camps to work together. For the winners, it is easy to reconcile. For the losers, resentment will linger. Those people who were responsible for half-truths will seek to justify their conduct, and again will use more half-truths to veil the truth.

For the Vietnamese-Americans, it is time for them to no longer associate with one party or another simply because of the Vietnamese experience. Such association is a half-truth association, which will only alienate them from the mainstream. They exclude people who may sympathize with their plight, lose them as allies, and thus weaken themselves. They will also face a skeptic younger generation who is more liberal and has no direct experience with communism. As half-truths have divided this country, a half-truth alignment with a party will divide the community.

As a last note, the rhetoric used in disseminating half-truths during this campaign may germinate into trees that bear poisonous fruits. There will be individuals who remain fully convinced that Barack Obama is a Muslim terrorist and that his supporters are unpatriotic and anti-American. Some of them may be susceptible to violent and irrational acts, and may assume for themselves patriotic duties to rectify the situation, which will lead to tragic consequences. This writer wishes that no person shall take upon himself or herself to harm our newly elected president. We need to believe that this is the beginning of a new dawn, full of hope and good intent. Can we turn our hope into reality? This writer certainly hopes that “Yes we can!”

Dan Do

Monday, November 10, 2008

ĐIỂM TỰA

trong nỗi cô đơn xuyên chiều sâu vũ trụ
thượng đế dựa vào niềm tin của loài người
mặt trăng bị lãng quên khi không tựa bóng đêm
anh gối đầu nghỉ ngơi trên nổi loạn
của cơ thể em
để biết mình hiện hữu.

không gì thê lương hơn tiếng rì rầm máy xe trong đêm khuya thành phố
bầu tĩnh lặng thuở khai nguyên đã vỡ
thiên nhiên đã đánh mất vô tư
anh không phân biệt được nhịp tim đập dưới cồn ngực em
đón mời hay xua đuổi?
sự tranh chấp cần thiết của nội tâm
tạo nên trái cấm của cuộc sống
chơi vơi
anh ở đây
đôi mắt em sáng rực, bờ vai
uốn lên
như con báo săn mồi trong đêm tối
anh tìm ra điểm tựa

thuở khu rừng hết trinh nguyên muông thú không còn nơi trú ẩn
giờ chỉ còn người và người
nghịch lý không sao hiểu được
con chim bói cá lả cánh vì đói giữa không gian một hồ nước bao la
lon Coca Cola để làm vơi cơn khát, dưới cơn mưa bát ngát
anh vin vào mắt môi em
như ảo giác trong sa mạc
anh chao đảo
không tìm ra điểm tựa
không nhìn ra đường về ốc đảo
nằm giữa đôi chân em

giữa đôi chân em anh tìm ra điểm tựa
để ngước lên thấy khoảng cách giữa loài người
thấy được khác biệt giữa anh và em
để biết mình hiện hữu
đôi mắt bờ môi
dù hóa trang bằng phấn son nét kẻ
vẫn là môi mắt
tâm hồn và tâm hồn
chưa hòa hợp đã ngừng nơi ánh mắt
khô héo trong tiếng nói miệng môi
ánh mắt tan vào ánh mắt
môi miệng quấn lấy miệng môi
hồn pha trộn với hồn
khi ta tìm ra điểm tựa
khi trăng tìm thấy bóng đêm
khi thượng đế tìm ra niềm tin nhân loại

anh trở về nguồn sông
nơi khởi đầu của nước
anh hôn lên em nơi anh sẽ tựa
điểm tựa của anh
và chờ em tìm ở người anh
điểm tựa của em

điểm tựa của anh ở người em
là nơi linh hồn nhường ngôi cho thể xác
dù điểm tựa ấy chỉ vỏn vẹn một hình tam giác
mắt môi
thiếu điểm tựa chỉ là môi mắt
đôi tay
thiếu điểm tựa chỉ là vẫy chào
tình yêu
thiếu điểm tựa không tồn tại được với thời gian
không gian
hình học căn bản anh học bằng đầu lưỡi
cặp môi không son nhưng ma quái như nam châm
bờ da không phấn nhưng ép vào bàn tay anh cơn váng sốt
hình tam giác đen không khoe khoang màu sắc lạ
nhưng nối được mắt em vào mắt anh
in được môi em lên môi anh
quấn được lưỡi em vào lưỡi anh
hòa được hồn em, hồn anh, vào bất tận
để anh hiện hữu trong em
em hiện hữu trong anh
để loài người tồn tại với thời gian
giữa vũ trụ

trăng tìm ra bóng đêm
thượng đế tìm ra niềm tin loài người
ta vẫn chờ nhau
nơi điểm tựa ấy…

Đỗ Quý Dân

VŨ TRỤ TRONG TÔI

Tôi nhìn cỏ cây
Hồn tôi trong đó
Tôi nhìn đá sỏi
Thân tôi trong đó
Tôi nhìn muông thú
Tính tôi trong đó
Tôi nhìn biển cả
Tình tôi trong đó
Tôi nhìn muôn sao
Hoài nghi trong đó
Tôi nhìn vũ trụ
Vũ trụ nhìn tôi
Tôi trong đó
Vũ trụ trong tôi.

Đỗ Quý Dân

Monday, October 13, 2008

ÂM DƯƠNG

Nếu mặt trời tắt lửa
Anh sẽ chẳng thấy được mặt trăng
Nếu mặt trăng bỏ rơi màn đêm
Mặt trời kia anh chẳng cần thắp lửa.

Nếu biển không còn nước
Sẽ chẳng còn hơi nước để làm mây
Nếu gió không gặp mây
Sông sẽ lười không thèm trôi về biển.

Nếu mùa đông không lạnh giá
Anh chẳng tìm nắng ấm sưởi tâm hồn
Nếu em không nóng hực như trưa hè
Anh cứ ngủ quên trong mùa đông giá lạnh.

Nếu em thuộc về Âm
Sao người gọi Cõi Âm là cõi chết?
Anh loanh quanh ở Dương Thế
Sẽ còn lạc lối suốt trăm năm.

Đỗ Quý Dân

© 2006 Dan Do – All Rights Reserved

Tuesday, September 9, 2008

Trọng Thủy

Mỵ Châu!
Khi lệ trộn máu hồng
Vỡ giọt xuống Biển Đông
Nước biển tái xanh, trân châu ngời chói
Anh giờ đây không còn nghe em nói
Áo trắng màu tinh khiết
Đẫm máu hồng màu chung thủy
Đã bị màu bội phản nhuộm khô đen
Anh nghe dòng máu anh
Đang chuyển sang màu âm u cõi chết…

Em đã biết tình anh không trọn vẹn
Giữ làm gì lời hứa buổi tiễn đưa ?
Đường lông ngỗng ghi dấu cũng bằng thừa
Chỉ tố cáo em thông đồng với giặc.

Tình em sáng thuở thanh bình Âu Lạc
Lòng anh đục như tiếng ốc Cổ Loa
Anh đã tập hát bản hùng ca
Những lời lẽ dệt ra từ tham vọng
Những bài hát hùng tâm
Thường mang tên thủ đoạn
Tiếng ca phảng phất bóng Thủy Hoàng
Anh nghe để thấy hào quang
Quên đi lối cũ con đường trăng thanh…
Và quên câu ca dao thanh bình
Em đã dạy anh
Ngày đôi ta chưa thành phu phụ.

Mỵ Châu!
Anh vừa giết em vừa giết anh
Khi ngựa Triệu binh vượt Loa Thành
Anh vừa dối em vừa dối anh
Khi nói cùng em chữ chân tình
Trời Âu anh nhớ ngày hôm ấy
Giông tố đập tan ánh bình minh

Anh muốn trả nỏ thần anh đã trộm
Làm phạm nhân xưng tội dưới chân em
Anh chẳng sợ mang ô danh phản quốc
Nếu được cùng em sống lại phút êm đềm.

Triệu Vương ơi ! Thục Vương ơi !
Vì đại nghĩa diệt thân tình
Lấy thành bại luận hùng anh
Chém con gái chung tình, phải chăng tiểu lượng phi quân tử?
Dạy con trai lừa vợ, xứng danh vô độc bất trượng phu !
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì !
Mỵ Châu !
Em cứ ngủ đi, anh sẽ về cùng em tạ tội
Ta sẽ gặp lại nhau nơi không còn phản bội
Hãy chờ anh, cửa vĩnh cửu kia rồi.

Đỗ Quý Dân

Thursday, September 4, 2008

Hỏi thăm thức giả đáo nơi neo?

Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
(Chùa Quàn Sứ)


Hai câu đầu nghe hơi sỗ sàng của một bài thơ nôm làm ra vào những năm đầu tiên của triều Nguyễn vang lên như chất vấn và lên án sự hủ bại của xã hội Việt Nam mấy nghìn năm phong kiến. Người đặt câu hỏi là một nữ nhân. Không cần nói ra, ai cũng biết đó là Hồ Xuân Hương, nhà thơ lỗi lạc trong văn học sử Việt Nam.

Hồ Xuân Hương công nhiên sử dụng thuật “nói lái” đầy tính dân giã để cảnh báo giới lãnh đạo. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Sư cụ không tu, tín đồ có quyền lắt léo. Nhà thơ cũng từ đó báo hiệu cho người đọc để ý đến những chữ nói lái trong thơ bà, cái lắt léo đầy tính chất dân gian của người Việt:

Chày kình tiểu để xuông không đấm
Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo.
(Chùa Quán Sứ)


hoặc:

Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
Vị gì một chút tẻo tèo teo.
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo.
(Sư hoang dâm)


Trong môi trường văn hóa Khổng Nho, trọng nam khinh nữ, người lên tiếng chất vấn lẽ ra phải là kẻ sĩ thuộc nam giới. Thế nhưng ở cái thời đại nhiễu nhương đó, phản ứng của người đàn ông lại hoàn toàn tiêu cực. Ngay cả đại thi hào Nguyễn Du, người đứng đầu giới trí thức đương thời, chỉ biết cảm thán bằng cách gửi gấm tâm sự mình qua nhân vật Thúy Kiều, và mong được sự thông cảm của hậu thế:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như?

Sống trong bối cảnh như thế, không trách Hồ Xuân Hương coi thường đám sĩ tử đàn ông. Biết rằng chỉ trích các bậc danh nho đương thời là quá đáng, bà quay qua mắng lũ học trò:

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ…
(Mắng học trò dốt)


Và để chế giễu sự bất tài, bất lực của đàn ông triều Nguyễn, bà mượn tướng giặc Sầm Nghi Đống làm đối tượng để chê bai:

Ví đổi thân này làm trai nhỉ
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu?
(Đề đền Sầm Nghi Đống)


Qua giọng thơ Hồ Xuân Hương, ta thấy bà là một người năng động và tích cực. Đúng như bà nói, nếu bà là đàn ông, sự nghiệp bà sẽ tiến xa. Thế nhưng, nếu bà là đàn ông, ai là người sẽ nói lên nỗi đau của người đàn bà đất Việt? Ai là người dám công khai nói lên những ước vọng bình thường nhưng khó nói ra của phụ nữ?

Gần một thế kỷ trước Kate Chopin, Colette và Anais Nin, những nữ văn hào Tây phương đã đem bản năng tính dục của phụ nữ vào đề tài văn chương, Hồ Xuân Hương đã thẳng thắn chiêm nghiệm và bộc lộ cái khát khao về tính dục của mình. Có khác chăng, bà lên tiếng trong một môi trường khắt khe với phụ nữ gấp mấy lần xã hội Tây phương. Bà nói thẳng, bà nói bóng gió, nhưng cái ý của bà thì rõ ràng, không thể hiểu lầm được.

Trừ kẻ si ngốc, không ai không cảm thấy cái đòi hỏi xác thịt của nàng thiếu nữ ngủ trưa:

Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc lỏng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm
Một suối Đào Nguyên lạch chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở, ở chẳng xong.
(Thiếu nữ ngủ ngày)


Đối với Hồ Xuân Hương, những đòi hỏi xác thịt là những nhu cầu căn bản của con người, đàn ông cũng như đàn bà, không cần phải giấu giếm. Người đàn bà của Hồ Xuân Hương đi trước cả những Emma Bovary (Gustave Flaubert), (Lady) Connie Chatterley (D. H. Lawrence), hoặc Anna Karenina (Leo Tolstoy) của hơn nửa thế kỷ sau. Nàng thẳng thắn mời gọi phái nam đáp ứng nhu cầu xác thịt của mình, mà không cần phải ngoại tình, đóng kịch, hay che giấu như các bạn nữ phương Tây. Ta hãy thử nghe nàng mời gọi:

Quân tử có yêu thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay.
(Vịnh quả mít)


hoặc

Quân tử có thương thì bóc yếm
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.
(Con ốc nhồi)


Vì tính dục là bản năng, Hồ Xuân Hương không thấy bộ phận kín của phụ nữ là ghê, là xấu, như một số đông đàn bà khác. Bà kiêu hãnh diễn tả bộ phận ấy một cách thẳng thắn, đôi khi với ngụ ý mời mọc:

Quả trau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi…
(Mời trầu)


Mỏng dày chừng ấy, chành ba góc
Rộng hẹp dường nào, cắm một cây.
(Vịnh cái quạt)


Người đàn bà của Hồ Xuân Hương nồng nhiệt trong vấn đề chăn gối, nhập cuộc vui một cách tự nhiên:

Hai chân đạp xuống năng năng nhấc
Một suốt đâm ngang thích thích nhau.
Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả
Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau.
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ…
(Dệt cửi)


hoặc:

Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
(Đánh đu)


Chuyện tình cảm là chuyện tự nhiên, Hồ Xuân Hương không ngại nói thẳng lòng mình ra:

Quân hữu tâm
Ngã hữu tâm
Mộng hồn tương luyến liễu hoa âm.
(Chàng có lòng, tôi cũng có lòng. Mơ được quấn quýt với nhau bên bóng hoa, rặng liễu)
(Thuật y kiêm trình hữu nhân Mai Sơn Phủ - Lưu hương ký)


Chuyện chăn gối cũng là chuyện tự nhiên, mà người phụ nữ phải được bình đẳng trong cuộc vui đó:

Chàng với thiếp canh khuya trằn trọc
Đét đồn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi…
(Cờ người)

Khi chơi ván cờ thú vị kia, không phải lúc nào người đàn bà cũng được như ý. Trong nền văn hóa Khổng Mạnh, đề cập đến tính dục là dâm ô, đồi trụy. Người đàn ông trong môi trường đó trở thành thiếu cương quyết và bất lực trong tư tưởng. Thế cho nên chàng sẽ chỉ mân mó hay ngó ngoáy mà thôi chứ không đủ dũng lực để bóc yếm hay đóng cọc. Khi đứng trước một thiếu nữ ngủ trưa, đang vô tình hay cố ý phơi bày những nét đẹp thiên nhiên, chàng chỉ dám nghĩ đến chuyện quay lưng bỏ đi nhưng chân lại không nỡ cất bước.

Hồ Xuân Hương thương cảm cho những người đàn bà không có được sự tự nhiên và bình đẳng trong liên hệ tính dục. Bà xót cho cái thân phận nô lệ của kẻ làm vợ, làm mẹ:

Hỡi chị em ơi, có biết không?
Một bên con khóc, một bên chồng.
Bố cu lổm ngổm bò trên bụng,
Thằng bé hu hơ khóc dưới hông…
(Thân phận đàn bà)


Bà cảm thán cho nỗi đau của những kẻ cam chịu cảnh lấy chung một chồng:

Kẻ đáp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
. . .
Thân này ví biết đường này nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong.
(Lấy chồng chung)


Thương cho kẻ bị phụ tình, để đến nỗi phải bụng mang dạ chửa, bà viết:

Cả nể cho nên phải dở dang
Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng?
. . .
Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa
Mảnh tình một khối thiếp xin mang.
(Không chồng mà chửa)


Người đàn bà thời Hồ Xuân Hương có bổn phận phải thỏa mãn đòi hỏi tính dục của người đàn ông, nhưng lại không được phép đề cập đến nhu cầu của chính bản thân mình. Hồ Xuân Hương là người thay mặt họ để đòi cái quyền được thỏa mãn những nhu cầu đó.

Lấy tính dục làm cảm hứng nguồn thơ vào cái thời đại phong kiến kia, lẽ cố nhiên là Hồ Xuân Hương bị công kích nặng nề (tình trạng này vẫn còn tiếp diễn đến ngày hôm nay, như trường hợp gần đây của tập truyện ngắn Bóng Đè của Đỗ Hoàng Diệu). Thế nhưng thơ Hồ Xuân Hương hay quá, lôi cuốn quá, nên dù đám “thức giả” phong kiến có công kích đến mấy cũng không sao ngăn cản thơ bà được phổ biến rộng rãi. Thế là những “huyền thoại” được đặt ra, trong đó có “huyền thoại” bà là đàn ông! Không ai tin vào “huyền thoại” đó, giới “thức giả” kia bèn bàn rộng về thơ bà, kẻ thì lên án, người thì nhấn mạnh về tinh thần dân tộc và cách mạng trong thơ, tính chất nhân bản trong tư tưởng của thi sĩ. Rồi từ đó, giới “thức giả” biến đề tài tính dục trong thơ bà thành ngụ ngôn, thành chi tiết không đáng kể. Có nhắc đến, chỉ thấy một nụ cười tủm tỉm che đậy dấu vết của một quá khứ mốc meo phong kiến. Tiếng nói dũng cảm của nhà thơ nữ lỗi lạc kia vẫn còn vang lên trên văn đàn xứ Việt, tiếng nói đó thẳng thắn, đồng âm điệu với tiếng nói của những phong trào phụ nữ của hơn trăm năm sau, nhưng thông điệp của người nói vẫn còn bị bóp méo, bị che đậy bởi tấm bình phong của tinh thần lạc hậu.

Đỗ Quý Dân

Tuesday, July 22, 2008

Vô Ngôn

Người tìm đâu tiếng nói

để kể chuyện loài người

khi giữa người và người còn biên giới?

Người tìm đâu nét vẽ

để tô điểm cuộc đời

khi biên giới chẳng còn giữa những gì xấu đẹp?

Tôi bẻ gãy bút đi tìm vô ngôn

phơi da trên thạch bản, khai quật cốt hài từ thân xác

hỏi thăm nguồn cội của linh hồn

trong quên lãng nghe tiếng kêu tức tưởi

trời đất mênh mông mất biệt bóng chim Hồng

Tôi bẻ gãy hồn thơ

bập bẹ lời ngây ngô

của giọt sương buổi sớm

pha vị mặn khổ đau

hòa thành nước mắt tình nhân

rơi xuống đời từ ngàn năm nhẫn nhục

Tôi lang thang từ Văn Lang

để giờ đây lạc lối

hôm nay cười nghiêng ngả giữa hỗn mang

ngồi vào tiệc nâng ly mơ chiến thắng

tôi đang ngủ say trong mộng tưởng

hay khát khô trong ảo giác?

Con đường trước mặt

đã bao lần tôi tìm sang lối rẽ

hôm nay là huyền thoại

đời thôi đơn giản như cổ tích


Người tìm đâu lối về

khi hành trình ngày mai chưa định hướng

đi là trở lại

bến đỗ là thuở ban đầu

hàng cây đánh dấu đường xưa

hôm nay đã mọc thành rừng

lối về chẳng còn trong ký ức

mặt trăng đã quên mất bình minh

Người tìm chẳng thấy người

nên mượn mặt trời nuôi dưỡng bóng.


Người tìm đâu nụ cười

người đã bỏ quên từ dạo Ca Diếp nhìn hoa trên Linh Thứu

tôi chỉ còn nỗi ám ảnh

của một vườn hoa lan mạnh như ung thư.



Đỗ Quý Dân

Monday, July 21, 2008

Hoa Ung Thư - Flower of Cancer

Khi định mệnh đưa em vào khu rừng hoang lạ

em nhìn lên, chợt chẳng thấy lối ra . . .

hình hài hôm qua, giờ đây xa lạ quá

như có, như không, như ảo, như mờ

mong manh như đôi cánh phù du

lung linh trong hoang mang một cõi.


Đường em đi sẽ mọc những loài hoa

sắc màu hòa bóng tối

đường em đi sẽ òa những âm vang

kinh dị như tiếng sét ngang trời

trong một ngày không giông bão

đường em đi chân trần sẽ vướng phải gai đâm, cỏ sắc

em cứ yên tâm

vết sẹo hôm nay, rồi cũng sẽ liền da

đường ngày mai sương mù sẽ tan trong nắng mới

dù em đã đánh mất hôm qua

đường hôm nay, đường dài gập ghềnh

anh biết em sẽ còn khuỵu ngã

hãy hít thở những hơi dài và nằm im nghe tĩnh lặng

anh vẫn biết

chung quanh em, trăm thú muông soi mói

chúng sẽ biến đi sau cơn nhật thực bất ngờ.


Anh sẽ tìm em, để dìu em về bên suối

rồi đưa em ngược bước trở về nguồn

để em uống giọt nước thuở ban đầu, và lắng nghe

những âm thanh từ ấu thơ trỗi dậy.

hãy đi cùng anh trước khi cảm quan chìm trong bóng tối

và thực hư lùng bùng, ô nhiễm cõi mộng du

em hãy mở rộng mắt đen, trong đêm trắng vô bờ

nhìn cho rõ những giấc mơ chưa trọn vẹn.

anh sẽ ru em thâu đêm thức trắng

bắt hộ em những ngôi sao sáng long lanh

đang sa xuống tự đỉnh trời

để ngày mai ta trùng tu vũ trụ.


Anh biết em sẽ từ từ vươn thẳng

chốn điêu tàn rồi sẽ hồi sinh

em sẽ hòa hài với cái đẹp của tự nhiên,

của hương trời, của bóng mát bên bờ cây cỏ

đêm sẽ lại về, nhưng ấm cúng như vùng trời hò hẹn

ta sẽ nhìn trăng lặn

và cùng đón bình minh

của một ngày thật mới.

Đỗ Quý Dân

Thursday, July 17, 2008

Thơ

NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG TÔI

mượn thuyết phát triển “anima” của Carl Jung


Eve

Em đến từ đâu gọi tên anh

đánh thức anh bằng tình yêu thánh thiện

hay gọi mời anh bằng cám dỗ?

Em hay anh là nguyên tội trần gian?

Eve! Trong anh, em là vùng khám phá

Em để anh yêu hay để anh tìm hiểu tình yêu?

Em biến anh thành kình ngư săn mồi còn em cứ vô tình đùa vui trên sóng biển

Em gieo mấm mồng tội lỗi khi trong em vẫn mãi mãi hồn nhiên

Eve! Em là trái ngon bất lực bị biến thành trái cấm?

Em bị giam cầm

để cai ngục tôn em thành nữ chúa

để anh không tự chủ và không hiểu

mình sẽ chìm sâu trong vũng xoáy cơn mê

hay bừng tỉnh từ nụ cười em ngây thơ như lần đầu tiên bước chân vào thế giới?

Em vẫn mãi mãi trong anh

ở điểm ban đầu

nối với đoạn kết

của vòng tròn định mệnh.

Helen

Em giờ đây lột xác

đã hiểu tình yêu, đã quên thuở ban đầu

em đã biết được sức toàn năng

của nụ cười ánh mắt

em đam mê với khả năng làm đam mê

yêu mãnh liệt để chứng minh

tình yêu mãnh liệt

Anh không họa nổi chân dung em

vì sao trời không thể giam trong giới hạn

em cất tiếng ca để vũ trụ lắng nghe

bước xuống thi đàn để hồn thơ chết yểu

Helen! Em bước sang phương Đông cho thành trì đổ vỡ

không ăn năn, không nuối tiếc

vì nguồn sống của em là sức mạnh ái tình

yêu và chinh phục

chinh phục rồi yêu

Em thản nhiên khi Hector ngã gục

Dưới lưỡi gươm tàn bạo của Achilles

Trong trời thơ, em phá tan yên tĩnh

Em hút khô dòng sáng tạo, để anh trần truồng trong tâm tưởng

Rồi em trút áo xiêm

Thả người bơi trong hồ tự mãn

Maria

Em ngồi ngước mắt nhìn sao đêm

giữa tĩnh lặng nghe tình yêu

kết đọng lại trong sương đêm tinh khiết

nhỏ xuống từng giọt như Cam Lồ

rửa sạch những vết thương anh

đang bị những lở loét của thời gian làm bưng mủ

những giòi bọ cuộc đời ăn nát thịt da và xương tủy

ăn sâu đến tận linh hồn

chỉ cần bàn tay em vuốt ve

ánh mắt xoa dịu

sẽ lành lặn, hồi sinh

tình yêu giờ là bao dung, tha thứ

Maria! Trong em, một người yêu, một người mẹ

Anh tìm về chốn ấm cúng thuở ban đầu

gối đầu ngủ, mỉm cười như thơ trẻ

Em yêu không tự nghĩ đến bản thân

chỉ nghĩ đến phép màu

của tình yêu ban cho kẻ khác

thánh thiện hay lỗi lầm

những linh hồn hấp hối tìm bao dung để hồi sinh

Maria! Em đã quên hết đam mê

những kiêu hãnh, những mãnh lực của bờ môi, ánh mắt

sức thuyết phục của vùng thịt da

và biến tình yêu thành từ ái

đổi hoài nghi thành bao dung

anh vẫn nhớ nụ cười thân ái

trong ánh mắt chờ đợi

hôm anh cất bước ra đi.

Sophia

Em đứng cạnh anh thuở bây giờ

xúi anh cùng cất cánh

bay lên đỉnh trời cao

để ngắm từng hành tinh trong vũ trụ

em bảo anh đừng ngưng khám phá

đừng ngại đập tan

những miếu xưa đền cũ

để xây lại tự ban đầu

cất bước từ hồn nhiên để tìm ra hiểu biết

bơi những dòng sông lỗi lầm

để tắm được nước mát của bản năng

phiêu lưu những vùng bị lãng quên hay ghê sợ

để đo lại nhịp tim của mình

và độ mở của cặp mắt tâm linh

Em cũng kiêu hãnh làm cho anh chao đảo

thu phục anh như một tín đồ

rồi trả lại anh ánh sáng của lương tri

em không ngại cùng anh ngụp lặn hồ mê

hoặc leo lên núi cao hít thở bầu không khí trong lành vùng siêu ngã

em xua đuổi anh khi anh ngưng thôi khám phá

và xót đau khi anh quỵ ngã

chăm sóc như mẹ hiền khi anh hấp hối trong cơn mê

em cũng đủ bao dung trong tình yêu để anh được hồi sinh sau cơn thụ hình

chuộc tội

giọt nước mắt em long lanh

nụ cười em rạng rỡ

lúc khuyến khích, lúc chế nhạo,

lúc kiêu hãnh, lúc bao dung

ở nơi em tình yêu anh ngừng lại

để thấm, để hòa, để kích thích, để dịu xoa

để hồn nhiên, để tội lỗi, để hiểu, để quên

và luôn luôn để tìm đường đi mới

dù anh không lạc lối

Sophia! Tên em anh không hiểu

Em hiền ngoan hay phù thủy

Em tượng trưng cho thuần khiết hay biểu tượng của đam mê?

Có lẽ em là tất cả

và em ở trong anh

và anh ở trong em.

Đỗ Quý Dân

Saturday, June 28, 2008

My Trip to Hue

At the beginning it was an adventure. Yes, going to Vietnam by myself to photograph such an exotic place was very appealing. But then I got to Hue, and my life changed. I really didn't know what to expect, but I never thought meeting those children was one of the most richening experiences I have ever had. It was such a great lesson of life. They welcomed me with a wonderful party, they sang, danced and opened their hearts to me. I was in awe to see that these children that had gone through traumatic life experiences, were incredibly happy and shared so much love. There was this palpable pride among them and there was hope floating in every corner of the room.They have each other's backs, someone to lean on. They know it. And it makes them strong; you could see it in those beautiful dark eyes. They are going through life knowing they will not be alone anymore and that they are being loved. And that love will help them grow and become someone... whoever they want to be. At least they have doors to open now.I left Hue with my heart full of hope and love. We always forget about the power of a hug, a warm bed, and a plate of food on our table, because they are things we take for granted. We don't stop to think about how we can make a difference if we cared more, if we shared a hug, if we comforted someone in need or in pain. And how the world would be a much better place if we did.I still have those faces with their huge smiles and sweet eyes in my mind... and they will never go away...I will make sure they don't.


Children at the Friends of Hue Foundation's Shelter
Eleonora Ronconi

Sunday, June 15, 2008

Đường Khuynh Diệp - Đoạn Kết

Đoạn Kết

Tôi đến Mỏm Đá Chim trong cơn hối hả, như đang chạy trốn một điều gì. Từ
Indonesia về, tôi cố gắng hoàn tất một số công việc đã dự định trước nhưng rồi cũng không đuợc như ý muốn. Lòng bồn chồn, tôi cắn môi bấm điện thoại gọi Hoài, cô bạn khố chuối của tôi. Ngay hôm sau hai đứa tôi lên đường đến vùng đất đỏ xen cát trắng của Hàm Tân.

Dinh Thầy Thím. Khi nói đến đất Hàm Tân Bình Thuận, ai ai cũng nhắc đến ngôi đền thờ Thầy Thím. Sau đêm đầu tiên dan díu với trăng và sóng biển, tôi lười biếng đợi đến lúc nắng xếch trưa hôm sau mới cùng Hoài tìm đến viếng Dinh. Khi vừa đến cổng vào sân Dinh, tôi bỗng thấy lòng hiếu kỳ nổi dậy khi đọc chữ “Thím” trên cổng và phát giác ra mình không nhớ chữ ấy khi đánh vần có cần chữ “ê” hay không. Tôi cười thầm chính mình và mỉm cười cảm nhận sự duyên dáng rất miền Nam trong cách phát âm chữ “Dinh”, chữ “Thím”.

“Cô ơi mua mấy ký gạo cúng Thầy Thím đi cô! Dinh không có lấy tiền cúng dường đâu Cô. Cô mua gạo dùm cháu đi Cô!”

“Cô mua chim thả phóng sinh đi Cô!”

“Cô mua giọt dầu cúng Dinh đi Cô!....” Những người bán hàng trước cổng Dinh phá vỡ sự quan sát thư thả của tôi và giục tôi phải mau mau vào Dinh để khỏi bị họ kêu réo. Có một người chạy vội vã qua mặt tôi, trên vai khệ nệ bưng một con heo quay. Tôi rời đám bán hàng và nhanh chân bước theo anh ta. Khói nhang bay cay mắt, sân Dinh gạch đỏ trải dài nắng chói. Tiếng rì rào khấn vái. Trong chánh điện người quỳ nhấp nhỏm. Và con heo quay đã được đặt lên bàn thờ.

Tôi miên man nhìn đám đông và những đĩa hoa quả xôi thịt đầy ắp nằm khuất trong khói nhang mà quên rằng Hoài đã biến mất tự hồi nào. Mãi tôi mới thấy nàng ta tất tả chạy vào hai tay ôm trầu cau, nhang, dầu và gạo. “Ê, sao bồ nghĩ mình có nên mua chim thả phóng sinh không zậy?” Tôi lắc đầu nhìn Hoài: “Sao Hoài lẩm cẩm quá. Thời buổi này mà còn tin vào chuyện phóng sinh sao?” Tôi đưa tay đỡ bịch gạo cho Hoài và tiếp tục trách cô ấy là không hiểu rõ vấn đề trong việc “phóng sinh”. Hoài cười nài nỉ: “để mình lấy chút phước đó mà.”

“Hoài ơi, nếu không vì tham vọng của mấy người muốn lấy phước thì những chú chim vô tội kia đâu có bị tù tội trong những cái lồng khốn khổ đó. Hoài nghĩ xem, vì những người suy nghĩ như Hoài mà khiến cho những kẻ buôn bán kia tìm đủ cách để giam bắt loài chim.”

“Ừa, bồ nói cũng phải, mấy tháng trước Hoài thả phóng sinh chim mà đến hôm nay vẫn còn bị ám ảnh.” Tôi nhìn bạn tôi thắc mắc.

“Hoài dốt lắm bạn biết không? Hôm đó Hoài đi chùa bên Thủ Thiêm. Hoài cũng mua một lồng chim nhưng không để ý mấy con chim ra sao. Khấn vái xong, Hoài đến cạnh bờ hồ và thả chúng ra. Không ngờ, mấy con chim vừa bay ra khỏi lồng là rớt tõm ngay xuống hồ…dãy dụa một hồi rồi chết chìm. Nhìn chúng chết, mà Hoài chẳng làm gì được. Có biết bơi đâu mà xuống hồ.” Bạn tôi nói một cách thiểu não như một đứa trẻ lạc đường. “Hoài đâu có biết là họ bỏ đói mấy con chim lâu quá như vậy đâu. Vừa thả ra là chúng té xuống, không bay được. Nếu biết trước, Hoài thả chúng trên đất thì chắc chúng không đến nỗi. Hoài buồn hết mấy ngày đó.” Tôi đã chạy trốn Sài Gòn ra đây để được thảnh thơi nên cố tình tránh ánh mắt của Hoài và tránh câu chuyện trùng ruột của cô ấy. Thảo nào nàng ta mải mê ngoài cổng Dinh, chắc định mua chim để phóng sinh. Tôi chuyển câu chuyện : “Sao mình không thấy hình của Thầy Thím, Hoài hả?”

“Bồ lãng xẹt, Thầy Thím đã thành thánh rồi, không cần hình nữa.” Câu nói ngây thơ của Hoài làm tôi vui trở lại. Hoài bằng tuổi tôi, một chồng hai con, đứng đầu một công ty doanh nghiệp, nhưng đối với tôi, cô ấy vẫn trẻ con hết sức. Có lẽ Hoài chỉ cư xử như vậy với tôi, vì mỗi lần gặp tôi, Hoài dường như được sống lại những ngày xưa đi học về, đạp xe dưới mưa, bụng đói meo và đầu óc hết sức là ngô nghê.

Đứng trước bàn thờ Thầy Thím, tôi cùng đám đông chắp tay trước ngực và liên tưởng đến những lời nói của cô bé nhân viên ở Mỏm Đá Chim. “Thầy Thím là hai vợ chồng bị đày tù oan về đây. Sau khi được thả ra, Thầy Thím xả mình cứu độ dân chài. Người ở đây xa gần ai cũng mang ơn của Thầy Thím. Nhưng khi hai vị này qua đời, người ta tìm không ra xác của hai vị. Người chài cho rằng hai vị đã thành thánh và từ đó thiết lập đền thờ.” Cô bé nói giọng pha chút nét đậm đà tiếng miền Trung. Đang giải thích về Thầy Thím, cô bé vội vã cắt đứt câu chuyện để đi tiếp khách mới vào tiệm ăn của khách sạn. Vì cô phải chạy lo cho nhiều bàn, nên tôi không được dịp hỏi thêm chi tiết. Lâu lâu tôi lại chặn cô lại: “Tại sao Thầy Thím lại bị tù hả em?” Rất nhiều câu hỏi của tôi tương tự như thế không có câu trả lời. “Em không biết nữa, em chỉ biết rằng Thầy Thím đã hiến dâng đời mình cho dân nghèo. Giỏi lắm và tận tụy lắm.” Tôi nhìn lên bàn thờ lòng ấm lại:

Các vị anh hùng dân tộc giờ ở mô? Tại sao các vị không ra tay cứu đỡ những kẻ đang quá sức lầm than. Đầu óc tôi nghĩ đến những chuyện vừa xảy ra ở Sài gòn. Con cảm thấy bất lực, con không sao giúp được người, nếu vậy thì cho con cảm nhận để làm gì? Tôi không để tâm cầu khẩn mà lại trách người quá cố một cách vu vơ. Tôi quay qua hỏi một người trung niên vừa khấn niệm xong.

“Anh ơi, người ta đến đây để cầu chi đó anh?” Người đàn ông nhìn tôi hồi lâu rồi nhanh lời giải thích: “Nếu ai đi biển thì phải đến đây. Cầu xin Thầy Thím đi theo mình và che chở cho mình tránh bị lật thuyền”. Chuyện sống chết, hai cõi âm dương gắn liền với đời sống người dân đây liên tục triền miên như thế. Trời nắng trong vắt, cảnh sắc hiền hòa, nhưng trong cái bình yên đó vất vưởng những đe dọa của cuộc sống. Tôi chạy đi đâu cũng không thoát. Sau khi tôi ngỏ lời cầu xin Thầy Thím tiếp tục phù hộ cho muôn người, tôi kéo Hoài đi về. Ra đến đầu cổng, tôi lại bị đám bán hàng bu lại. Những lồng chim lại được dâng lên trước mắt tôi. Nhưng lần này tôi không quay đi được mà dán mắt mình vào những đôi mắt chim bé tròn. Nhớ lời của Hoài, tôi ngần ngại không nỡ bước đi khi nghĩ rằng những chú bé chim kia đang bị giam cầm trong đói khát. Bụng tôi đầy ắp những bất mãn sẵn mang về tục phóng sinh, nhưng lòng tôi lại không muốn nhìn thấy các con vật bị hành hạ. Không biết làm sao, tôi lên tiếng trách người bán hàng: “Tôi nghĩ các chị bắt chim giam cầm như vậy là mang tội lắm.” Chị bán hàng lắc đầu ngay:

“Chị ơi, sống để làm phước là cuộc sống của những người có của. Còn em nghèo thì em đành mang tội để mua gạo cho con em ăn. Không bắt được hay không bán được mấy con chim này là ngày mai con em đói.” Tôi như một người mù quáng đưa tay mua hết hai lồng chim của chị ấy. Hoài mừng rỡ như thấy mẹ về chợ, loay hoay đốt nhang khấn vái gì đó. Thế rồi hai chị bán chim khác đến gây với chị này “Tui mời chỉ trước mà! Tại sao lại giựt khách của người ta.” Tôi giơ tay can các chị và trả giá mua hết tất cả các lồng chim. Hoài đắc chí. Biết rằng mình một lần nữa bị mắc bẫy nhưng những hành động của tôi lúc đó căn bản không còn suy tính nữa.

Tôi lưu lại Mỏm Đá Chim thêm một ngày nữa rồi lên đường trở lại Sài Gòn. “Tại sao lại đặt tên này cho khách sạn vậy em?” Trước khi giã từ, tôi không quên hỏi với theo. “Ở đây đất lành chim đậu chị ạ. Chim tứ phương kéo về đây….” Để rồi bị bắt, để rồi được thả. Tôi lẩm bẩm lên xe. Tôi từ giã những hàng thùy dương nghiêng ngả và dường như không còn cảm thấy cái nóng gay gắt nhiệt đới nữa. Đường về thành phố chói chang với những bảng hiệu “Cơm Phở” lác đác đây đó bên đường.

“Bác tài ơi, xin dừng xe lại!” Tôi nhảy ngay xuống xe khi xe vừa tấp vào lề đường. Hàng khuynh diệp phất phơ trước gió dưới bầu trời xanh ngắt như kêu gọi tên tôi. Hoài và người tài xế chắc hẳn nghĩ tôi không được bình thường. Tôi mon men mãi và khó khăn lắm mới xuống dốc vệ đường để đến gần mấy cây khuynh diệp. Vội vàng tôi tước hết lá này đến lá khác, vò vẫm rồi hít hà. Gíó lộng. Hương khuynh diệp man mác, dễ chịu nhưng không hồi sinh. Hoài cũng cố gắng leo xuống rồi hỏi tôi đủ điều. Làm sao tôi giải thích cho cô ấy hiểu được. Tôi hít vào đầy gió và ngắt một cành non trước khi trở lại xe. Tôi ép cành này vào cuốn sách đang đọc dở. Những bảng hiệu “Cơm Phở Bình Dân” lại chạy ngược qua xe tôi. Đâu đó vấn vương nỗi niềm trống vắng. Chạy đi đâu đi nữa rồi tôi cũng phải quay về với thực tại. Sài Gòn mấy hôm trước đã làm tôi quá buồn, tôi đã phải rời nó ra Hàm Tân thế rồi cũng phải quay về với nó. Đúng là “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.

Mấy ngày trước đây, tôi dự định khi đi Indonesia về sẽ ghé qua thăm Viện Ung Thư Bướu cạnh nhà thương Nguyễn Văn Học cũ, rồi nhà thương dưỡng lão và viện trẻ em khuyết tật ở Thị Nghè. Nghĩ sao tôi lại đến trại khuyết tật trước.

Các phòng của trung tâm hôm đó tối om và các em nằm lây lất trên sàn nhà. Tôi ngồi đâu là bị muỗi cắn đến đó. Vậy mà các em nằm ngoắt ngoẻo, vất vưởng nơi đây hết năm này qua năm khác. Trong mười mấy năm nay tôi đã ghé qua đây mấy lần, nhưng lần đầu tiên năm 1990 là lần tôi chứng kiến cảnh tượng đau buồn thê thảm nhất. Các em bé lúc đó bị cột vào thành nôi để giữ cho các em khỏi leo ra ngoài. Mỗi lần tôi ngừng đến nôi nào là lại có một em nhón người từ trong nôi vươn ra để ôm lấy tôi—một người hoàn toàn xa lạ mà các em chưa hề thấy. Ở đây, nếu các em được cho ăn ngày hai bữa và được thay tã là tốt lắm rồi. Thì giờ đâu mà các cô bảo mẫu ôm ấp ve vuốt các em? Nên khi thấy hơi người đi qua là các em vồ lấy một cách thèm khát. Giờ đây môi trường sống của các em đã có phần hơn trước, không mấy em bị trói cột, nhưng sao tôi vẫn thấy lòng héo hắt. Tôi ôm lấy một em đầu ghẻ lở có khuôn mặt tươi sáng nhưng hai chân bị teo lại không đi được. Em cười rạng rỡ thích thú nhưng tôi không sao ngồi lâu được vì muỗi đã thịt hết đôi chân trần của tôi. Ngay lúc đó Soeur giám đốc trung tâm mời tôi lên văn phòng nói chuyện. Sau một lúc hàn huyên về chương trình và hướng đi của trung tâm, Soeur nhờ tôi giúp một việc:

“Thưa Sơ, Sơ cần gì xin Sơ cứ nhắn nhủ, nếu em không làm được em sẽ đi nhờ người khác giúp.” Tôi ân cần và hết lòng.

“Ồ nếu chị nói vậy thì tốt quá!” Ngay lúc đó Soeur vẫy tay ra lệnh ai đó. Trong chớp mắt hai đứa bé khập khễnh đi từng bước vào phòng. Ôi, thôi chết tôi rồi!

“Hai em này đang hết sức cần xe lăn chị ạ. Các em đi học tội nghiệp và vất vả lắm. Chị thấy hai chân gỗ này không? Nếu các em đi lâu thì thịt ở đầu chân cụt bị sưng lên.” Trước mặt tôi là một em trai và một em gái độ khoảng từ mười đến mười ba tuổi, đang vịn vào bàn để không phải dựa vào chiếc chân gỗ trọc cũ mèm.

Tôi nghẹn lời không nói được một câu vì sực nhớ ra là cách đây ba năm về trước mình đã ngồi đây và đã nói chuyện về hai em này, cũng câu chuyện chân gỗ, câu chuyện xe lăn, những lời hứa hẹn tôi trao cho Soeur. Ôi, thế mà tôi đã quên các em. Ba năm trước khi quay lại Mỹ tôi có đi xin xe lăn để rồi cuối cùng xin không được, tôi lại lao đầu lo cho những trại mồ côi khác, những trẻ em bị chất độc da cam, và tôi dần dần quên đi hai em này.

“Dạ, Sơ để đó em lo. Em sẽ kiếm xe lăn cho các em.” Tôi lí nhí nói trong miệng mà thấy hổ thẹn vô cùng. Soeur gật gù cám ơn mà không hề biết rằng tôi chính là người hứa “lèo” của ba năm trước. Tôi phân vân nhưng không dám thú nhận lỗi của mình trước mặt các em. Tôi không muốn các em phải thất vọng khi nhìn tôi. Mọi người đã không nhận ra tôi.

Tôi bước ra khỏi trung tâm mà lòng thắt lại. Ba năm trời các em phải chịu đựng vì tôi. Tôi từ đó bỏ quyết định đi thăm viện dưỡng lão cũng như viện ung thư bướu. Để rồi đi Hàm Tân như để chạy trốn lầm lỗi của mình. Trăng Hàm Tân đã khoan hồng cho tôi nhưng hình như Thầy Thím còn trách tôi. Nghĩ đến đây, tôi rút cành khuynh diệp để đưa lên mũi. Xin Thầy Thím tha cho con.

Ba ngày sau tôi về đến San Jose với một chương trình công việc đặt ra thật dài, vừa văn phòng luật, vừa viết văn, vừa chuyện cứu trợ dân nghèo. Bao nhiêu người đang chờ tôi, bao nhiêu dự án cần phải giải quyết. Song, tôi vẫn phải quay lại làm công việc hàng ngày. Trong một buổi họp tôi đang dự ở San Francisco thì điện thoại reo. Tôi nhìn xuống máy thì thấy số của mẹ tôi. Tôi vội vàng chạy ra khỏi phòng họp để nghe điện thoại:

“Con về đi, bé Thi đang nằm bệnh viện, nguy cập lắm!” Tôi bàng hoàng lấy áo choàng rồi chạy ra bến xe điện (BART Station). Thi là con gái đỡ đầu của tôi, cháu sắp gần hai tuổi, mắt xanh, da trắng, tóc quăn nâu óng ánh. Mẹ của bé và tôi cùng lớn lên với nhau từ lúc chín tuổi. Chúng tôi thương nhau và lo cho nhau như chị em ruột. Tôi là người đỡ cho cô ấy sanh và đón Thi chào đời. (Cô ấy cũng là người chăm nom và lo cho con tôi như con ruột. Con tôi gọi cô ấy là “Má”). Vì yêu thơ nên tôi đặt tên cho bé là “Thi”. Xe điện chạy gầm thét. Điện thoại lại reng.

“Em hả, anh không biết nói sao. Thi chết rồi em à!” Tiếng chồng tôi nói chậm rãi trong điện thoại.

“No!” Tôi hét lên. Chồng tôi giải thích thêm sự việc nhưng tôi đã không còn nghe rõ mấy. Cái gì là bé bị cảm, rồi nhiễm trùng phổi, rồi Kaiser bảo về đi không sao cả, rồi trong tích tắc hôm trước hôm sau, chúng tôi mất bé. Mãi sau tôi mới bình tĩnh lại và nhờ anh đón tôi ở sân ga. Anh bảo tôi:

“Anh sẽ đón em nhưng mình phải về đón ngoại của Thi để đưa bà lên nhà thương với cháu.” Ôi có cơn đau nào bằng cơn đau này, chắc Bác đang khổ lắm.

“Bác vẫn chưa biết chuyện em à. Anh nghĩ em cần phải nói cho Bác biết.” Trời ơi, nói thế nào đây. Biết bắt đầu làm sao?

Mẹ của bạn tôi ra mở cửa. Mắt cụ đỏ hoe: “Em nó không có nhà con à, nó đưa bé Thi đi nhà thương rồi.” Tôi cố gắng cầm nước mắt: “Bác ạ, cháu đến để đưa Bác vào nhà thương thăm bé Thi.” Cụ mắt sáng mừng rỡ, vội vàng đi lấy khăn lấy áo. Khi lên xe xong và sau khi cài dây an toàn hẳn hòi cho cụ, tôi mới ôm lấy cụ và nói cho cụ biết. Cụ khóc đập người vào ghế. Chúng tôi đi như chạy trong các hành lang của nhà thương. Khi đến được phòng ICU thì tim tôi như ngừng đập. Bé Thi của tôi đang nằm đó như một thiên thần đang ngủ say. Lời thơ Nguyễn Bính bỗng đâu vang vang: “…cạn giòng nước mắt còn đâu khóc người….”

Chiều hôm ấy tôi lái xe đưa hai vợ chồng bạn tôi từ nhà thương về. Họ như những người mất hồn không một lời trao nhau. Khi bước vào nhà, tôi như người điên, chạy tứ phía để vơ vét tất cả các đồ chơi của bé Thi đang còn nằm ngổn ngang khắp nhà. Tôi càng giấu chúng đi thì chúng lại càng tạo nên những tiếng động, của máy móc và ca nhạc chợt bật lên bởi dòng điện chạm. “I love you, you love me….” Mỗi lần như thế thì bạn tôi lại nấc lên nức nở. Cô ôm lấy tôi: “we lost our daughter!”

Ngày hôm sau, tôi và bố mẹ của Thi bôn bả đi mua đất để làm mộ cho bé. Tìm mãi mới chọn được một chỗ có bóng cây tươi mát.

Ngày chôn Thi, bé nằm trong chiếc áo đầm trắng lỗng lẫy mà tôi và Hoài khổ công lắm mới mua được cách đây khoảng mười ngày trước ở Sài Gòn. Chiếc áo mua để chuẩn bị cho tiệc sinh nhật của Thi, nhưng tôi đâu có ngờ rằng tôi mua áo để chôn bé.

Trong lúc thầy đang làm lễ để hạ huyệt, tôi buông tay thả bong bóng lên trời cho bé. Nhìn theo bong bóng bay, tôi mới sực nhận ra là tôi và mộ của bé đang nằm dưới bóng cây khuynh diệp!

Tôi òa lên khóc như chưa từng được khóc. Đáng lẽ ra, tôi phải là người ra đi chứ không phải Thi. Tôi xin thêm những ngày sống để làm gì, khuynh diệp đang theo tôi hay theo Thi? Khuynh diệp che chở cho ai? Trong tiếng chuông và tiếng khóc, tôi với tay nắm lấy một mớ lá khuynh diệp. Như cái máy, tôi vò nát và đưa lá lên mũi. Mùi khuynh diệp nồng hăng đến nỗi làm tôi muốn sặc. Thế là thế. Bây giờ tôi mới nhận thấy khuynh diệp ở đây to và đồ sộ, và mùi hương thì không một cây ở Đông Nam Á nào mạnh bằng. Như vậy nghĩa là sao? “Đi đâu loanh quanh cho đời…” chạm đời.

Khi tôi in hai tập của bài này lên báo thì một người thân chủ cũ của tôi gọi để xin vào thăm tôi. Anh là người chỉ có một chân khập khễnh đi từng bước từng bước một, hai tay ôm gói nấm linh chi và bao nhiêu thuốc khác.

“Trời ơi, những thứ này đắt tiền lắm, Jenny không dám nhận đâu anh ạ.”

“Không, luật sư cần phải uống, luật sư cần phải sống.” Anh nói một cách khẳng định như ra lệnh.

Sau khi Thi nằm xuống, bố mẹ Thi yêu cầu trao tất cả tiền phúng điếu cho hội Friends of Huế Foundation để giúp các trẻ em khác. Mộ của Thi chưa xanh thì chúng tôi nhận được tin từ miền Trung là có 6 em nhỏ đang cần mổ tim cấp bách. Nếu không thì các em sẽ không thoát hiểm. Trong đó có một em cũng cùng ngày tháng sinh của Thi. Mỗi một cuộc mổ tim tốn khoảng 1000 Mỹ kim. Mẹ Thi yêu cầu Hội ra tay ngay. Chúng tôi liền lập tức chuyển số tiền phúng điếu khoảng 5000 Mỹ kim cộng thêm 1000 nữa của một gia đình khác cho để cứu sáu em này. Và chúng tôi cũng sẽ lo luôn thủ tục mua xe lăn cho hai em ở Thị Nghè.

Trên đường khuynh diệp, tôi đã đối diện những cánh chim đói khát gãy đường bay, những cặp chân gỗ khập khễnh, những lằn roi cá đuối, những bờ vai nhỏ quắp co trong cơn lạnh, những da thịt bị xâm lăng và hành hạ, những cái chết vì sinh nhai, những xác thân vô tội bị hành quyết trên thân cây, những bàn tay run rẩy nhận gạo, những nụ cười nhân ái, những ánh mắt đầy tình người, những vòng tròn nhân quả ... Tôi đã đi suốt một vòng tròn. Đã tưởng mất mùi hương có tác động hồi sinh. Để tìm lại được nó ở nơi bất ngờ nhất. Ở điểm bắt đầu.

Đường khuynh diệp là thế. Không dài nhưng rất tròn. Vòng tròn tử sinh. Vòng tròn tiếp trợ. Đây là vòng tròn của những người tìm người để thấy mình, tìm ra rồi lại cho đi, cho đi nhưng vẫn còn đó, còn đó lại chia cho lẫn nhau, một chút tình người, một chút tương lân, một nỗi cảm thông, đơn sơ mà quyết liệt. Tôi đã đi tìm khuynh diệp ở vùng quá khứ. Nhưng khuynh diệp vẫn ở quanh tôi, trong hiện tại. Và trên vùng tương lai. Của tôi. Và của mọi người.

Đáng lẽ bài này viết xong khi tôi vừa về Mỹ, nhưng khi mất bé Thi, tôi không thể viết nổi mặc dầu muốn viết để bỏ Thi vào văn. Xin bạn đọc thứ lỗi.

Tuesday, June 10, 2008

Bóng tối

Bóng tối rơi xuống trần

Tháo đi màu ánh nắng

Cho nhân gian bình đẳng

Cho người bớt phân vân

Khi về qua lối vắng


Những nuối tiếc nặng nhẹ

Những phiền muộn mông lung

Quay mặt đi thật khẽ


Đứng trước ngã ba đường

Chân bước thôi ngập ngừng

Thuận đường thì cứ rẽ


Thực hư dưới mặt trời

Bóng tối phủ đi rồi

Giờ đây toàn mộng ảo

Hỏi đời có thật không?

Hỏi mình có thật không?


Câu hỏi trong bóng tối

Va vào vách hư vô

Vang vang vào vời vợi

Vọng về nguyên câu hỏi.


Giấc ngủ về bước nhẹ

Mộng mở cửa sẽ sàng

Từng bước nhỏ nhẹ nhàng

Lạc vào vùng ảo giác

Vô sắc thành hữu sắc

Tịch lặng hóa nhạc thơ

Sắc không, tâm lác đác

Hờ hững chẳng ngóng chờ

Thân trở về cõi thực


Bóng tối sinh ra mộng

Mộng làm quên bóng tối

Bóng tối xóa bóng tối


Chợt mưa từ đâu tới

Bùn lầy vương gót chân

Vách hư vô chợt vỡ

Giọng trầm mất tiếng ngân

Mưa còn mang mang đổ


Giọt nhỏ biến thành sông

Cuốn trôi đi giấc ngủ

Xóa tan đi cơn mộng

Bóng tối thành hư không.

Đỗ Quý Dân