Saturday, June 7, 2008

Đường Khuynh Diệp Phần III


"Tôi làm nghề cạp đất!” Anh bạn học chung trung học với tôi ngày xưa tuyên bố một câu bình dị. Tôi chăm chú nhìn mắt anh thắc mắc. Anh giải thích chậm rãi về công việc lấy đất nơi cao đổ xuống vùng bùn lầy nước đọng—một phương cách bán đất hai lần.

Đất, nói chung, không còn chỉ là chuyện nặng hồn sỏi đá. Mà là câu chuyện của một cơn sốt thời đại. Điển hình là đất ở miền Nam.

Sau bao nhiêu ngày vất vả với khí hậu hai miền Trung Bắc, tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm khi đón nhận bầu không khí rất mát và dễ chịu của sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng cái dễ chịu đó dần dần bị mất đi trong khung cảnh chen lấn của những dòng người và xe sôi sục trên những con đường từ sân bay về trung tâm thành phố.

Tôi vào Sài Gòn để tư vấn cho một công ty Mỹ về việc lập hợp đồng với một số công ty nước ngoài hiện đang làm việc tại Việt Nam. Thế là kế hoạch đi tìm khuynh diệp của tôi bị đi lệch đi một chút. Vì ỷ y, phái đoàn đi cùng với tôi đã không lo đặt phòng trước, nên vừa đặt chân xuống phi trường là đã phải đương đầu với việc đi tìm khách sạn có đủ 5 phòng ngủ. Chúng tôi bắt đầu với những khách sạn 4 sao trên đường Nguyễn Huệ, từ Rex đến Majestic. Họ chỉ có 1 hoặc 2 phòng trống chứ không đủ 5 phòng. Chúng tôi liền quay qua khách sạn 3 sao như Bông Sen trên đường Đồng Khởi nhưng cũng vô dụng. Tất cả đều bị “sold out”. Xe phái đoàn cứ loanh quanh những con phố, hết khách sạn này đến khách sạn khác, và sau 7 nơi dừng chân, chúng tôi may mắn tìm đến một khách sạn nhỏ trên đường Thủ Khoa Huân sau chợ Bến Thành. Giá phòng là $63 Mỹ kim cho một căn phòng hẹp, không có gì sang trọng, mà cách đây hơn một năm tôi chỉ phải trả khoảng $25 Mỹ kim. Khi chúng tôi trả phòng, một người trong nhóm chúng tôi nói với cô tiếp tân là anh ta cần quay lại vào đầu tháng 3, và được cô tiếp tân cho biết là giá phòng sẽ tăng lên $70 đô một người. Sự lên giá xảy ra ngay trước mắt chỉ trong vòng có mấy ngày. Hỏi ra mới biết cái xứ của nước dừa rau má này đang lên cơn sốt đất đai và giá cả!

Dù có mua bán hay không, chuyện giá cả đất đai lên cơn sốt nghe ra đến phải rùng mình. Cả nước Việt đang oằn oại trong tình trạng này. Riêng ở Sài Gòn, câu tục ngữ “bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu” đã trở thành hiện thực. Giá của cả đất lẫn vàng thi nhau vượt kỷ lục và qua một thời gian, chuyện định giá đất theo giá vàng (một phương cách quen thuộc mà xưa nay người Việt vẫn thường dùng) đã trở thành vô nghĩa. Đối với chuyện mua đi bán lại đất hoặc nhà cửa, nếu tính theo đồng đô la thì người ta có lời, lời nhiều lắm, nhưng nếu tính theo vàng thì người bán sẽ bị lỗ. Lỗ nặng.

Trong những câu chuyện họp mặt, chủ đề đất đai thường hay được đề cập đến. Đất đai giờ đây là chuyện gây lo âu và đồng thời cũng gây hào hứng vì đã làm giàu cho nhiều người. Tôi phải vuốt trán khi nghe một cuộc mua bán vừa xảy ra tại Quận Nhất với giá bán 315 triệu VND (20.000 ngàn Mỹ kim) một mét vuông! Ông thân chủ người Mỹ hỏi tôi: “Như vậy là đất ở trung tâm thành phố này còn đắt hơn cả đất của Tokyo ư?” Tuy tôi không giám khẳng định như thế nhưng cứ theo cái đà này, cái gì cũng có thể xảy ra. Anh bạn chuyên môn trong nghề đất cho tôi biết là đất trên đồi còn được giá hơn vì đất trên cao có một giá trị mới khác hơn xưa rất nhiều. Tôi hỏi thêm thì anh cho biết là ngoài nghề mua bán đất, anh còn có nghề “cạp đất”.

Anh bảo tôi rằng ngày xưa anh học phổ thông bị điểm yếu, bà anh thường chê rằng “sau này mày chỉ đi cạp đất mà sống.” Anh hiện đã làm theo lời bà. Anh mua đất trên đồi rồi bốc đất lên để bán cho những công trình xây dựng vùng bùn lầy hoặc các khu vực ven bờ sông cần làm thành ngăn ngừa đất lở. Sau khi sang bằng mặt đất và gỡ được một nửa số vốn, anh lại bán miếng đất đó đi. Kết cục anh lấy lại tổng số vốn cộng thêm một món tiền lời, coi như là mua một lời hai. Dĩ nhiên tất cả không đơn giản như vậy, cạp đất cũng đòi hỏi phải thông thạo nghề và nắm vững thông tin chính xác, chẳng hạn như phải tìm hiểu kế hoạch đầu tư của các thương gia nước ngoài và dự án khai thác giải tỏa của chính quyền địa phương như thế nào, từ đó người buôn đất mới biết nên đầu tư ở đâu thì mới nắm được phần thắng trong tay.


Cơn nóng sốt đất đai này có lẽ cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sự sôi sục kinh tế tại Việt Nam. Chuyện đầu tư của các nước ngoài vào miền Nam thật sự là một hiện tượng đáng kể. Mới từ đầu năm đến giờ mà Việt Nam đã được hứa con số đầu tư trên 15 tỷ Mỹ kim từ các nước ngoài, đứng đầu là Canada và sau đó là Singapore. Có lẽ vì cơ hội làm ăn được gia tăng quá nhanh, dân chúng đổ dồn về các thành phố nên dân số tại Sài Gòn chắc hẳn đã tăng gấp đôi so với một năm trước đây. Đi đâu và bất cứ lúc nào cũng bị kẹt xe, không phải chỉ trong giờ cao điểm. Ng
ười và người ngập đầy phố chợ. Ai ai cũng dồn về Sài Gòn hoặc về các vùng có nhiều nhà máy lớn.

Nói đến các nhà máy lớn là tôi cảm thấy có gì đó sờ s
. Trên đường từ thành phố đi ra các tỉnh như Bình Dương, Long An, v.v., tôi đã chứng kiến các hãng xưởng mới mọc lên thật quy mô và rầm rộ. Điểm đặc biệt là đa số các xưởng này không mang những cái tên được đặt bằng tiếng Việt.

Điều này làm tôi liên tưởng đến các khu vực tô giới quốc tế ở thành phố Thượng Hải thuở xưa lúc triều đình Mãn Thanh phải nhượng đất lại cho các cường quốc Tây phương và Nhật Bản. Hình như hiện tượng đó đang xảy ra trên miền Nam Việt Nam. Mỗi một khu vực cận Sài Gòn là nơi chiếm đóng của một số công ty lớn thuộc về một nước ngoài. Đi về phía Bình Dương, bạn chỉ thấy toàn là những công ty Đài Loan, cây số này nối cây số khác. Qua một khu vực khác thì thấy toàn những công ty của Hàn Quốc. Rôì đến những khu vực của Trung Quốc. Và những hãng xưởng nước ngoài cứ thế mà nối tiếp nhau. Trên đường đi Long An, nếu đi đúng vào giờ “tan xưởng” của các công ty sản xuất giày dép (trong đó có cả công ty Nike), người ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy hàng ngàn công nhân tràn ra như biển người làm kẹt cứng đường. Đúng ra điều này phải làm cho tôi phấn khởi, vì nếu có nhiều công ty đầu tư, thì người dân sẽ có nhiều cơ hội được công ăn việc làm, nhưng sao tôi cứ cảm tưởng như có cái gì không ổn.

Tôi được dịp theo thân chủ tôi vào thăm các hãng xưởng sản xuất ny lông. Khi nhìn thấy cảnh tượng và điều kiện làm việc của các công nhân, phản ứng đầu tiên của tôi là tìm máy chụp hình.

“Không! Xin chị đừng chụp.”

Người hướng dẫn viên chặn tay tôi lại, không cho tôi chụp hình. Thật cả là một tiếc nuối, vì tôi muốn bạn đọc nhìn thấy tận mắt những guồng máy bóc lột công sức lao động của người dân ở đây quy mô đến cỡ nào. Mỗi tòa nhà tôi bước vào là mỗi sự ngạc nhiên, trước tiên là hơi nóng từ các máy móc ùa ập vào người tôi như muốn hâm chín da thịt, kế tiếp là tiếng sầm sập của máy nghe ù cả đôi tai. Tôi đưa tay bịt lấy lỗ tai và bàng hoàng nhìn xung quanh để nhận xét tình hình. Ái chà, nó là cả một câu chuyện. Từ đầu bên này của tòa nhà, tôi không nhìn được đến đầu bên kia, nó là những tòa nhà khổng lồ sâu thăm thẳm. Những cuộn ny-lông to lớn sừng sộ từ trên cao tuôn chảy xuống, những máy kéo nhựa nghe như rên rỉ thay nhau hòa âm với những máy đập sình sịch chung quanh. Trong khung cảnh uy hiếp này là những công nhân nam nữ ốm tong teo, đứng thành hàng luôn tay làm những động tác giống như là đuổi theo các máy móc kia. Trong nhóm người này tôi nhận ra có những đôi mắt còn quá trẻ, quá non nớt. Bên cạnh các đôi mắt đó tôi thấy xuất hiện những nhãn hiệu quen thuộc như Albertson's, Gamestop, Pizza Hut, 99 Cents, KFC, Safeway, v.v.

Hết khu vực này đến khu vực khác, tôi không thể ước lượng được có bao nhiêu những con người lam lũ kia đang làm việc trong hoàn cảnh đó. Họ làm việc trong cơn nóng ác nghiệt, trong sự ồn ào đe dọa của máy móc, không mũ bảo hiểm, không găng tay, không có gì để bảo vệ lỗ tai. Tôi không thể tưởng tượng được họ có thể làm việc như thế ngày này qua ngày khác. Thấy khó chịu, tôi muốn hỏi người quản lý công ty, nhưng không sao cất tiếng được vì tiếng máy quá ồn. Tôi chỉ có thể lên tiếng được mỗi khi đi ra hành lang để băng qua một khu xưởng khác. Tôi hỏi tại sao xưởng không có những trang bị an toàn cho công nhân. Người quản lý Đài Loan trả lời:

“Lúc ban đầu chúng tôi cũng có cho họ mũ và găng tay, nhưng những người này ngoan cố lắm, họ không chịu sử dụng, nên chúng tôi dẹp đi, không dùng đến nữa.”

Tôi không thể tin vào những lời nói kia vì tôi đã biết khá nhiều về hoàn cảnh làm việc của các công nhân Việt Nam tại Đài Loan. Tôi đã nhìn thấy hình ảnh của những người bị cụt tay, cụt chân hoặc nằm chết trên giường bệnh tại nhà thương. Rồi đến hình ảnh những người cha, người mẹ với những khuôn mặt nhăn nheo thảm hại qua xứ người để nhận xác con về. Những người con này chết vì tai nạn lao động, và vì chết trước cha mẹ nên quan tài quấn khăn tang như nhắc nhở rằng họ đã không sống đủ để báo hiếu cho cha mẹ--để cho cha mẹ đã già còn phải ôm lấy đống nợ khổng lồ vì trước đó đã phải bôn ba vay mượn để có thể gửi con đi ra nước ngoài làm công!

Chuyện ở Đài Loan có lẽ cũng như chuyện của bao nhiêu người Việt đi làm mướn ở các nước khác như Mã Lai, Nam Dương, Cao Ly, Trung Quốc, Congo, hay Dubai. Gần một triệu con người bỏ sông Hương, sông Hồng và sông Cửu Long để đến đất người kiếm ăn, không hề biết rằng cứ một người thành công là có mười người phải chịu cảnh đọa đầy. Phụ nữ bị hãm hiếp là chuyện thường không mấy đáng sợ, nhưng làm sao bạn đọc có thể hình dung được có những phụ nữ bi giam cầm trong phòng tối không được mặc quần áo, hết ngày này qua ngày khác?

“Nếu lúc cần, chúng vào phòng hành xác, chúng dùng cây gậy hoặc nắm đấm để làm trò chơi với cơ thể tôi.” Một nạn nhân với khuôn mặt đờ đẫn thuật lại. “Bao nhiêu ngày không có quần áo, tôi phải ngồi nép vào góc tường co đầu gối lên để có thể che chở cho thân mình.” Rồi nước mắt chị từ từ tuôn ra: “Tôi lúc đó cảm thấy mình như một con thú vật. Không còn là người nữa chị à.” Liên tưởng tới những câu chuyện tôi gom góp được từ các nạn nhân lao động ở nước ngoài, tôi cố tự nhủ rằng có lẽ môi trường làm việc ở Việt Nam không đến nỗi tệ như thế? Trong trường hợp bất đắc dĩ thì những nhân công làm việc tại quê nhà còn có thể nghỉ việc ở các công xưởng này để đi bán vé số hoặc đạp xích lô.

Trong hai cái xấu, mình phải chọn con đường có lối thoát. Có lẽ họ sẽ không bị hãm hiếp, không bị chủ đánh cho mù mắt, không bị bỏ đói, không bị bắt buộc làm việc trên 14 tiếng một ngày, và quan trọng hơn hết là không bị tước đoạt quyền làm người.

Nếu lỡ họ có bị cụt tay, cụt chân, điếc tai hay mất mạng trong công việc thì cũng không sao, vì dẫu gì đi chăng nữa họ cũng còn giữ lại được cái vinh dự cá nhân, vinh dự làm người.

Tôi nhiều lần cố nhủ lòng mình như thế.

Trở lại với cuộc tham quan các công ty đầu tư nước ngoài tại miền Nam, tôi tiếp tục cùng thân chủ tôi khảo sát các công ty. Đến ngày thứ tư, tôi không khỏi ngạc nhiên khi phải đối diện một công ty đồ sộ gấp mấy lần các công ty tôi đã khảo sát trong ba ngày trước. Xưởng máy vĩ đại này do người Trung Quốc làm chủ và tôi được thân chủ tôi cho biết rằng nơi đây sản xuất đa số các bao hàng cho Wal-Mart và Target. Ngoài sự kinh ngạc về tầm vóc quy mô của nó, tôi còn thắc mắc là tại sao các công ty tại Trung Quốc lại chuyển sang hoạt động tại Việt Nam. Chắc không phải vì nhân công rẻ vì tôi được biết là có nhiều vùng ở Trung Hoa, mức lương lao động của người dân còn thấp hơn lương công nhân Việt Nam.

Vì bận kỳ kèo thương lượng hợp đồng cho thân chủ, tôi không tiện chất vấn mấy ông trong ban quản trị của công ty này. Vả lại cuộc nói chuyện làm ăn căng thẳng đến khôi hài. Mặc dầu có sự chuẩn bị trước, nhưng vấn đề đàm thoại vẫn thật rườm rà. Mấy người trong ban quản trị chỉ nói được tiếng Quảng Đông và lúc nào cũng có cô thông dịch tiếng Việt tóc dài đi kèm bên cạnh. Thêm vào đó là có hai người từ Đài Loan đi với chúng tôi để đến cung cấp máy móc cho công ty này, hai người ấy lại chỉ nói tiếng Phổ Thông kèm theo chút tiếng Anh. Còn thân chủ tôi thì chỉ nói được tiếng Anh. Thế là thân chủ tôi phải nói qua tôi, tôi chuyển lời lại bằng tiếng Việt cho cô bé tóc dài kia, cô ấy thông dịch sang tiếng Quảng Đông cho mấy ông quản lý công ty. Những phần liên quan đến máy móc, tôi dịch lại tiếng Anh cho hai người Đài Loan. Và ngược lại. Dòng nói chuyện cứ đi vòng, xéo, ngang, dọc đến hết ngày, vì thế chuyện đơn giản cũng trở nên thật phức tạp.

Đấu trí cả ngày nên đêm hôm ấy tôi mệt lạ lùng, tôi khước từ lời mời đi ăn chung với mấy ông thân chủ và gọi một người bạn cũ để đi ăn một bữa cơm thật bình dân. Tôi đề nghị cô ta là hai đứa nên đến tiệm bánh mì Như Lan trên đường Hàm Nghi ăn vặt. Vừa đậu xe xuống trước cửa tiệm là tôi đã thấy không vui vì bị mấy đứa trẻ ăn xin “tấn công”.

“Các em có ăn bánh bao không thì cô mua, chứ tiền thì cô không cho.” Tôi trả lời sự van nài của mấy đứa bé đầy nước mũi khô rằn rì trên mặt và quay mắt tránh cái nhìn cầu khẩn của chúng. Mấy bé chíu chit thương lượng với nhau điều gì đó rồi quay lại bảo tôi:

"Cô mua cho mỗi đứa một cái nhen.” Tôi gật đầu và nói cô hàng bánh gói năm cái bánh bao nóng khói bay nghi nghút. Nhưng tôi vừa quay lại thì đã thấy mười em đứng chìa tay ra. Biết rằng mình đã bị mắc bẫy, nhưng tôi cũng vui vẻ chấp nhận cái bẫy này. Tôi mua hết tất cả mười hai cái bánh bao rồi sau đó tuyên bố là sẽ không mua nữa và sẽ phải vào tiệm để ăn cơm. Cô bạn tôi lắc đầu:

“Chán đi với bồ quá. Cái mặt của bồ đi đến đâu là tui rầu đến đó. Không bị ăn xin bao vây thì cũng bị người ta “cắt cổ”.” (Ý cô ta nói là mặt tôi nhìn rõ là người nước ngoài, đi mua bán thì cứ phải trả giá gấp ba người trong nước. Tôi nghĩ chuyện đó cũng công bằng thôi.) Khi chúng tôi bước vào tiệm ăn thì các em ăn xin không dám vào theo. Đây có lẽ là luật bất thành văn. Tôi ngồi trong tiệm ăn nhìn ra quan sát các em đang ngấu nghiến ăn bánh bao mà thấy mất cảm hứng ăn tối. Trong đám đó có hai em da thật đen ngồi cách biệt mấy em kia. Tôi sực nhớ trong lúc nghe mấy em van xin, hai em này nói nhỏ hơn và giọng tiếng Việt có vẻ lờ lợ. “Thôi chết rồi, có phải mấy em này là người Cam Bốt bị bắt qua đây để đi ăn xin chuyên nghiệp?” Tôi buồn muốn nghẹt thở và vội vàng xua đuổi ý nghĩ đó đi. Tôi trách mình là đã đọc quá nhiều bài thống kê TIP (Trafficking In-Person Report)
của chính phủ Mỹ nên đầu óc bị ảnh hưởng.

Nếu các em từ Cam Bốt qua thì chắc là ăn xin ở những thành phố cận biên giới như An Giang, Rạch Giá chứ không vào đến đây đâu. Một lần nữa tôi lại tự nhủ lòng. Để dễ thở hơn, tôi đề nghị cô bạn tôi đi qua tiệm khác. Tôi đứng lên rất nhanh trong sự ngơ ngác của bạn tôi. Cô lắc đầu: “Bây giờ nàng lại muốn chạy trốn đi đâu?”

“Mình đi qua Bà Cả Đọi đi. Tớ bỗng nhiên thèm món ốc xào chuối với tía tô và canh rau đay nấu ghẹ quá đi.” Bình dân đến thế là cùng.

Trên đường đi tôi tự trách mình là sao lúc nãy không hỏi xuất xứ của hai đứa bé kia. Rõ là mình vẫn nhát như cáy, không dám đương đầu với sự thật.

Sang ngày hôm sau, tôi theo thân chủ tôi cùng một số người nữa đi qua Nam Dương để tham quan một công ty chuyên sàn xuất loại thùng giấy rất đặc biệt. Tôi hí hửng nghĩ rằng đường khuynh diệp có thể sẽ đến với tôi trong những ngày ở quần đảo này. Ngoài sự ăn hối lộ trắng trợn tại phi trường, thủ đô Jakarta (dạo trước gọi là Djakarta) đón chào tôi với những hàng cây xanh thắm nhìn no con mắt. Nhưng sống ở thành phố cây xanh này cũng có lắm điều không thoải mái, mà điều khó chịu nhất là sự khám xét rất chặt chẽ khi mình đi vào các nơi công cộng.

Mỗi khi bước vào khách sạn hoặc những tiệm ăn lớn, tôi đều phải đi qua máy rà vũ khí, túi cầm tay tôi thì bị lục soát, tương tự như lúc tôi bị khám xét ở phi trường trước khi lên máy bay. Gầm và cốp xe hơi cũng bị rà xem có giấu vũ khí hoặc bom nổ. Nếu mà cuộc sống ở nước Mỹ ngày mai cũng trở thành như thế này thì thật là đáng buồn. Tội nghiệp cho Jakarta, một thành phố tươi mát ngợp bóng cây nhưng lại phải nằm thoi thóp trong sự sợ hãi.

Đêm hôm đó, chúng tôi được chủ xưởng máy nổi tiếng kia mời đi ăn cơm Nhật. Một bữa ăn gần bốn tiếng đồng hồ, kéo dài từ 8 giờ tối đến gần 12 giờ khuya. Trong đời tôi có lẽ sẽ không bao giờ quên được buổi ăn sách vở này. Sau khi được xét duyệt kỹ càng, người tiếp tân dẫn chúng tôi vào một phòng riêng. Vừa ngồi xuống, một người đàn ông trung niên xuất hiện từ sau một bức màn lửng. Ông ta gập người chào rồi tự giới thiệu là một đầu bếp người Nhật nổi tiếng trong vùng, hôm đó được vinh dự phục vụ chúng tôi. Ông đến từng người để bắt tay và trao danh thiếp một cách rất trịnh trọng.

Chỉ cần nghi thức rửa tay bằng nước nóng thơm mùi hoa lài rồi uống rượu khai vị trước khi ăn cũng đã kéo dài hơn bốn mươi phút. Thế rồi món đầu tiên xuất hiện. Mỗi người một chiếc ly, cao như ly uống trà làm bằng đá có nắp đậy. Tôi thận trọng mở nắp ly. Một làn khói nhẹ bay lên thơm mùi trứng. Người đầu bếp lại xuất hiện giải thích đây là canh trứng hấp. Tôi lấy muỗng sắn nhẹ từng miếng mỏng, cảm tưởng như ăn chè đậu hũ hay bánh flan. Qua món thứ hai, chúng tôi mỗi người được dọn cho một chiếc thớt gỗ có chân trên đó có hoa rau trưng bày một cách mỹ miều gây chú ý cho một điểm tròn ở góc thớt: điểm tròn đó là cá thu tươi (sashimi). Tôi không thể nào diễn tả bằng lời hương vị của những miếng cá sống này. Ngọt, mềm, tan trong miệng. Quá lạ và quá ngon. Vị giác ăn cá sống này tôi chưa hề được cảm nhận. Nếu đây mới thật là cá tươi, thì từ trước đến giờ tôi ăn cái gì? Món thứ ba, rồi đến món thứ tư, tất cả đều rất cầu kỳ thịnh soạn và mỗi khi món ăn dọn ra, người đầu bếp lại trân trọng mời và giải thích nguồn gốc cho chúng tôi nghe. Khi món thứ năm được dọn ra, ông chủ xưởng máy Nam Dương lên giọng:

“Tôi chắc hẳn quý vị chưa hề ăn món này. Đố quý vị nó là món gì?” Ông chủ xưởng là một người cao lớn vạm vỡ nhìn có uy lực, nói chuyện như một vị tướng ra lệnh cho mọi người. Trong sự lễ phép của ông có lẫn lộn một chút kiêu ngạo khác thường. Mỗi lần cụng ly, ông đều tuyên bố: “Không nơi nào tốt bằng Nam Dương.” Ông cho rằng Nam Dương thật hùng tráng và đang có đường hướng đi lên, và công ty ông là biểu hiển của sự thành công của Nam Dương. Tôi mỉm cười kín đáo. Rồi chăm chăm nhìn cái khay sứ trước mặt với những miếng gì đó thon dài như râu bạch tuộc nằm châu mình vào rong biển cuộn thành những vòng xoáy, trông rất cầu kỳ nhưng lại mộc mạc. Không ai đoán được nó là món gì. Tôi khẽ gắp một miếng bỏ vào miệng. Giòn như sụn, dai dẻo như cháy cơm nếp , ngọt bùi như khô mực, rất lạ vị và cũng rất quen thuộc. Trong mỗi miếng có bao nhiêu cảm giác khác nhau. Mọi người ai cũng đoán già đoán non, nhưng cuối cùng phải đầu hàng. Ông chủ xưởng nhìn mọi người một hồi rồi cất lên từng tiếng từng tiếng một:

“Kính thưa quý khách, quý ông bà vừa thưởng thức đuôi của một con cá đuối già tuổi đời. Quý khách đã được gia tăng tuổi thọ rồi đó. Cá đuối này đã hy sinh để đem lại sự trường tồn cho việc hợp tác lâu dài của các công ty chúng ta!”

Trong lúc mọi người trầm trồ cụng ly, tôi thấy hiện ra một hình ảnh kinh hoàng của thuở xa xưa nay chợt trở về trong trí nhớ. Đó là hình ảnh đứa bé hàng xóm đứng hứng những lằn roi đuôi cá đuối quất lên tấm lưng để trần nhỏ bé đang rướm máu. Lúc đó tôi mới mười tuổi cũng bằng tuổi đứa bé kia. Tôi áp mặt vào tường để tránh phải nhìn cậu bé oằn oại trong cơn đau, khóc không thành tiếng. Ôm lấy tường, tôi cầu trời cho mưa to, thật to, để tôi không còn nghe tiếng roi cá đuối vun vút trên lưng cậu bé.

Trong khoảnh khắc đó, tôi biết ngay là hợp đồng trên 10 triệu Mỹ kim của thân chủ tôi đã không thi hành được. Khách sạn sang trọng mà chúng tôi được đài thọ cũng như buổi tiệc này và chai rượu Louis XIII vừa được gọi ra là để che lấp khả năng không sản xuất được hàng như đã từng hứa hẹn. Sau một tháng cố gắng, thân chủ tôi đã phải công nhận sự tiên đoán này của tôi là chính xác.

Đến món thứ 13 của đêm đó là tôi đã giơ khăn trắng lên đầu hàng. Tôi biết rõ là người chủ xưởng đãi chúng tôi buổi tiệc đó là để mua chuộc thân chủ của tôi, để thân chủ của tôi xiêu lòng gia hạn thêm thời gian cho họ thi hành hợp đồng. Đối với tôi, họ là cái thùng giấy rỗng tuếch. Thật là một bữa ăn tội lỗi, khi tôi liên tưởng đến các em bé lem luốc ngồi bên vệ đường ngấu nghiến những miếng bánh bao. Người đầu bếp khoe với chúng tôi trái “dưa mật”. Một trái dưa không khác gì dưa tôi thấy ngoài chợ, giá độ khoảng 5 Mỹ Kim. Vậy mà trái “dưa mật” này trị giá 350 Mỹ kim vì phải trồng trong mồ hôi kỳ ảo của các cô thiếu nữ còn trinh! Tôi lắc đầu không ăn. Phải chăng người ta thừa giấy vẽ voi?


Qua những diễn tiến phức tạp khi làm việc tại Nam Dương, tuy biết câu trả lời, tôi vẫn chất vấn các ông người Trung Hoa và Đài Loan là tại sao họ lại di chuyển công ty sang làm việc ở Việt Nam. Trên đường đi về Sài Gòn, mấy ông Trung Hoa giải thích cho tôi qua cô thông dịch viên:

“Cô không biết là làm việc bên Trung Hoa khó đến thế nào? Luật chống ô nhiễm môi trường đòi hỏi quá nhiều ở chúng tôi. Nếu làm theo chính sách nhà nước thì lại mất hợp đồng với khách hàng bên Mỹ. Cô cứ hỏi thân chủ cô thì rõ, họ kỳ kèo từng xu thành ra giá phải thật là cạnh tranh. Thêm vào đó, các bao hàng có quai nhập vào từ Trung Quốc bị chính phủ Mỹ đánh thuế rất cao (high tariff). Nhưng hàng đi từ Việt Nam qua thì không sao. Và chỉ có ở Việt Nam chúng tôi mới không phải lo về vấn đề phá hoại môi trường.” Thân chủ tôi nhìn tôi gật gù.

“Thế còn các anh ở Đài Loan thì sao? Lý do gì thúc đẩy các anh sang đất An Nam?” Anh người Đài Loan cười hả hê:

“Ở đâu có tiền, thì ở đó có chúng tôi.” Anh ôn tồn giải thích là vì Việt Nam bằng lòng mua máy của họ. Máy của họ rẻ hơn máy của Đức nhiều. Chỉ trong vòng mấy tháng họ đã nhập bao đầu máy qua Bình Dương với giá trị trên 25 triệu Mỹ Kim.

“Vậy máy của các anh khác với máy của Đức như thế nào?”

“Thật ra thì cũng không khác là mấy. Chúng tôi mua máy của Đức về, mướn nhân công rẻ cho tháo gỡ ra, thay đổi hình dạng, bỏ vào một số bộ phận rẻ tiền, đơn giản hóa máy đi. Biến nó trở thành máy của chúng tôi. Dĩ nhiên chúng tôi cũng nói với cả Đức lẫn khách hàng là cơ bản máy này là máy Đức.”

Nghe rất xuông tai nhưng tôi chắc hẳn chuyện không đơn giản như vậy.

Trên máy bay nhìn ra mây, tôi chợt quyết định phải kết thúc chuyến đi này bằng cách ghé qua Hàm Tân vài ngày. Tôi không thể trở lại Mỹ khi lòng vẫn chưa thanh thản. Tôi bỗng thấy thương cho số phận người dân nghèo Việt Nam. Những người
này đầu tư làm giàu trên cái mạng quá rẻ của người dân tôi.

Nghèo là một cái tội, mà nghèo từ lúc còn thơ thì cái tội còn nặng hơn, hình phạt cũng nặng hơn. Ôi những cơn đau đuôi cá đuối!


Jenny Do

No comments: