Saturday, June 28, 2008

My Trip to Hue

At the beginning it was an adventure. Yes, going to Vietnam by myself to photograph such an exotic place was very appealing. But then I got to Hue, and my life changed. I really didn't know what to expect, but I never thought meeting those children was one of the most richening experiences I have ever had. It was such a great lesson of life. They welcomed me with a wonderful party, they sang, danced and opened their hearts to me. I was in awe to see that these children that had gone through traumatic life experiences, were incredibly happy and shared so much love. There was this palpable pride among them and there was hope floating in every corner of the room.They have each other's backs, someone to lean on. They know it. And it makes them strong; you could see it in those beautiful dark eyes. They are going through life knowing they will not be alone anymore and that they are being loved. And that love will help them grow and become someone... whoever they want to be. At least they have doors to open now.I left Hue with my heart full of hope and love. We always forget about the power of a hug, a warm bed, and a plate of food on our table, because they are things we take for granted. We don't stop to think about how we can make a difference if we cared more, if we shared a hug, if we comforted someone in need or in pain. And how the world would be a much better place if we did.I still have those faces with their huge smiles and sweet eyes in my mind... and they will never go away...I will make sure they don't.


Children at the Friends of Hue Foundation's Shelter
Eleonora Ronconi

Sunday, June 15, 2008

Đường Khuynh Diệp - Đoạn Kết

Đoạn Kết

Tôi đến Mỏm Đá Chim trong cơn hối hả, như đang chạy trốn một điều gì. Từ
Indonesia về, tôi cố gắng hoàn tất một số công việc đã dự định trước nhưng rồi cũng không đuợc như ý muốn. Lòng bồn chồn, tôi cắn môi bấm điện thoại gọi Hoài, cô bạn khố chuối của tôi. Ngay hôm sau hai đứa tôi lên đường đến vùng đất đỏ xen cát trắng của Hàm Tân.

Dinh Thầy Thím. Khi nói đến đất Hàm Tân Bình Thuận, ai ai cũng nhắc đến ngôi đền thờ Thầy Thím. Sau đêm đầu tiên dan díu với trăng và sóng biển, tôi lười biếng đợi đến lúc nắng xếch trưa hôm sau mới cùng Hoài tìm đến viếng Dinh. Khi vừa đến cổng vào sân Dinh, tôi bỗng thấy lòng hiếu kỳ nổi dậy khi đọc chữ “Thím” trên cổng và phát giác ra mình không nhớ chữ ấy khi đánh vần có cần chữ “ê” hay không. Tôi cười thầm chính mình và mỉm cười cảm nhận sự duyên dáng rất miền Nam trong cách phát âm chữ “Dinh”, chữ “Thím”.

“Cô ơi mua mấy ký gạo cúng Thầy Thím đi cô! Dinh không có lấy tiền cúng dường đâu Cô. Cô mua gạo dùm cháu đi Cô!”

“Cô mua chim thả phóng sinh đi Cô!”

“Cô mua giọt dầu cúng Dinh đi Cô!....” Những người bán hàng trước cổng Dinh phá vỡ sự quan sát thư thả của tôi và giục tôi phải mau mau vào Dinh để khỏi bị họ kêu réo. Có một người chạy vội vã qua mặt tôi, trên vai khệ nệ bưng một con heo quay. Tôi rời đám bán hàng và nhanh chân bước theo anh ta. Khói nhang bay cay mắt, sân Dinh gạch đỏ trải dài nắng chói. Tiếng rì rào khấn vái. Trong chánh điện người quỳ nhấp nhỏm. Và con heo quay đã được đặt lên bàn thờ.

Tôi miên man nhìn đám đông và những đĩa hoa quả xôi thịt đầy ắp nằm khuất trong khói nhang mà quên rằng Hoài đã biến mất tự hồi nào. Mãi tôi mới thấy nàng ta tất tả chạy vào hai tay ôm trầu cau, nhang, dầu và gạo. “Ê, sao bồ nghĩ mình có nên mua chim thả phóng sinh không zậy?” Tôi lắc đầu nhìn Hoài: “Sao Hoài lẩm cẩm quá. Thời buổi này mà còn tin vào chuyện phóng sinh sao?” Tôi đưa tay đỡ bịch gạo cho Hoài và tiếp tục trách cô ấy là không hiểu rõ vấn đề trong việc “phóng sinh”. Hoài cười nài nỉ: “để mình lấy chút phước đó mà.”

“Hoài ơi, nếu không vì tham vọng của mấy người muốn lấy phước thì những chú chim vô tội kia đâu có bị tù tội trong những cái lồng khốn khổ đó. Hoài nghĩ xem, vì những người suy nghĩ như Hoài mà khiến cho những kẻ buôn bán kia tìm đủ cách để giam bắt loài chim.”

“Ừa, bồ nói cũng phải, mấy tháng trước Hoài thả phóng sinh chim mà đến hôm nay vẫn còn bị ám ảnh.” Tôi nhìn bạn tôi thắc mắc.

“Hoài dốt lắm bạn biết không? Hôm đó Hoài đi chùa bên Thủ Thiêm. Hoài cũng mua một lồng chim nhưng không để ý mấy con chim ra sao. Khấn vái xong, Hoài đến cạnh bờ hồ và thả chúng ra. Không ngờ, mấy con chim vừa bay ra khỏi lồng là rớt tõm ngay xuống hồ…dãy dụa một hồi rồi chết chìm. Nhìn chúng chết, mà Hoài chẳng làm gì được. Có biết bơi đâu mà xuống hồ.” Bạn tôi nói một cách thiểu não như một đứa trẻ lạc đường. “Hoài đâu có biết là họ bỏ đói mấy con chim lâu quá như vậy đâu. Vừa thả ra là chúng té xuống, không bay được. Nếu biết trước, Hoài thả chúng trên đất thì chắc chúng không đến nỗi. Hoài buồn hết mấy ngày đó.” Tôi đã chạy trốn Sài Gòn ra đây để được thảnh thơi nên cố tình tránh ánh mắt của Hoài và tránh câu chuyện trùng ruột của cô ấy. Thảo nào nàng ta mải mê ngoài cổng Dinh, chắc định mua chim để phóng sinh. Tôi chuyển câu chuyện : “Sao mình không thấy hình của Thầy Thím, Hoài hả?”

“Bồ lãng xẹt, Thầy Thím đã thành thánh rồi, không cần hình nữa.” Câu nói ngây thơ của Hoài làm tôi vui trở lại. Hoài bằng tuổi tôi, một chồng hai con, đứng đầu một công ty doanh nghiệp, nhưng đối với tôi, cô ấy vẫn trẻ con hết sức. Có lẽ Hoài chỉ cư xử như vậy với tôi, vì mỗi lần gặp tôi, Hoài dường như được sống lại những ngày xưa đi học về, đạp xe dưới mưa, bụng đói meo và đầu óc hết sức là ngô nghê.

Đứng trước bàn thờ Thầy Thím, tôi cùng đám đông chắp tay trước ngực và liên tưởng đến những lời nói của cô bé nhân viên ở Mỏm Đá Chim. “Thầy Thím là hai vợ chồng bị đày tù oan về đây. Sau khi được thả ra, Thầy Thím xả mình cứu độ dân chài. Người ở đây xa gần ai cũng mang ơn của Thầy Thím. Nhưng khi hai vị này qua đời, người ta tìm không ra xác của hai vị. Người chài cho rằng hai vị đã thành thánh và từ đó thiết lập đền thờ.” Cô bé nói giọng pha chút nét đậm đà tiếng miền Trung. Đang giải thích về Thầy Thím, cô bé vội vã cắt đứt câu chuyện để đi tiếp khách mới vào tiệm ăn của khách sạn. Vì cô phải chạy lo cho nhiều bàn, nên tôi không được dịp hỏi thêm chi tiết. Lâu lâu tôi lại chặn cô lại: “Tại sao Thầy Thím lại bị tù hả em?” Rất nhiều câu hỏi của tôi tương tự như thế không có câu trả lời. “Em không biết nữa, em chỉ biết rằng Thầy Thím đã hiến dâng đời mình cho dân nghèo. Giỏi lắm và tận tụy lắm.” Tôi nhìn lên bàn thờ lòng ấm lại:

Các vị anh hùng dân tộc giờ ở mô? Tại sao các vị không ra tay cứu đỡ những kẻ đang quá sức lầm than. Đầu óc tôi nghĩ đến những chuyện vừa xảy ra ở Sài gòn. Con cảm thấy bất lực, con không sao giúp được người, nếu vậy thì cho con cảm nhận để làm gì? Tôi không để tâm cầu khẩn mà lại trách người quá cố một cách vu vơ. Tôi quay qua hỏi một người trung niên vừa khấn niệm xong.

“Anh ơi, người ta đến đây để cầu chi đó anh?” Người đàn ông nhìn tôi hồi lâu rồi nhanh lời giải thích: “Nếu ai đi biển thì phải đến đây. Cầu xin Thầy Thím đi theo mình và che chở cho mình tránh bị lật thuyền”. Chuyện sống chết, hai cõi âm dương gắn liền với đời sống người dân đây liên tục triền miên như thế. Trời nắng trong vắt, cảnh sắc hiền hòa, nhưng trong cái bình yên đó vất vưởng những đe dọa của cuộc sống. Tôi chạy đi đâu cũng không thoát. Sau khi tôi ngỏ lời cầu xin Thầy Thím tiếp tục phù hộ cho muôn người, tôi kéo Hoài đi về. Ra đến đầu cổng, tôi lại bị đám bán hàng bu lại. Những lồng chim lại được dâng lên trước mắt tôi. Nhưng lần này tôi không quay đi được mà dán mắt mình vào những đôi mắt chim bé tròn. Nhớ lời của Hoài, tôi ngần ngại không nỡ bước đi khi nghĩ rằng những chú bé chim kia đang bị giam cầm trong đói khát. Bụng tôi đầy ắp những bất mãn sẵn mang về tục phóng sinh, nhưng lòng tôi lại không muốn nhìn thấy các con vật bị hành hạ. Không biết làm sao, tôi lên tiếng trách người bán hàng: “Tôi nghĩ các chị bắt chim giam cầm như vậy là mang tội lắm.” Chị bán hàng lắc đầu ngay:

“Chị ơi, sống để làm phước là cuộc sống của những người có của. Còn em nghèo thì em đành mang tội để mua gạo cho con em ăn. Không bắt được hay không bán được mấy con chim này là ngày mai con em đói.” Tôi như một người mù quáng đưa tay mua hết hai lồng chim của chị ấy. Hoài mừng rỡ như thấy mẹ về chợ, loay hoay đốt nhang khấn vái gì đó. Thế rồi hai chị bán chim khác đến gây với chị này “Tui mời chỉ trước mà! Tại sao lại giựt khách của người ta.” Tôi giơ tay can các chị và trả giá mua hết tất cả các lồng chim. Hoài đắc chí. Biết rằng mình một lần nữa bị mắc bẫy nhưng những hành động của tôi lúc đó căn bản không còn suy tính nữa.

Tôi lưu lại Mỏm Đá Chim thêm một ngày nữa rồi lên đường trở lại Sài Gòn. “Tại sao lại đặt tên này cho khách sạn vậy em?” Trước khi giã từ, tôi không quên hỏi với theo. “Ở đây đất lành chim đậu chị ạ. Chim tứ phương kéo về đây….” Để rồi bị bắt, để rồi được thả. Tôi lẩm bẩm lên xe. Tôi từ giã những hàng thùy dương nghiêng ngả và dường như không còn cảm thấy cái nóng gay gắt nhiệt đới nữa. Đường về thành phố chói chang với những bảng hiệu “Cơm Phở” lác đác đây đó bên đường.

“Bác tài ơi, xin dừng xe lại!” Tôi nhảy ngay xuống xe khi xe vừa tấp vào lề đường. Hàng khuynh diệp phất phơ trước gió dưới bầu trời xanh ngắt như kêu gọi tên tôi. Hoài và người tài xế chắc hẳn nghĩ tôi không được bình thường. Tôi mon men mãi và khó khăn lắm mới xuống dốc vệ đường để đến gần mấy cây khuynh diệp. Vội vàng tôi tước hết lá này đến lá khác, vò vẫm rồi hít hà. Gíó lộng. Hương khuynh diệp man mác, dễ chịu nhưng không hồi sinh. Hoài cũng cố gắng leo xuống rồi hỏi tôi đủ điều. Làm sao tôi giải thích cho cô ấy hiểu được. Tôi hít vào đầy gió và ngắt một cành non trước khi trở lại xe. Tôi ép cành này vào cuốn sách đang đọc dở. Những bảng hiệu “Cơm Phở Bình Dân” lại chạy ngược qua xe tôi. Đâu đó vấn vương nỗi niềm trống vắng. Chạy đi đâu đi nữa rồi tôi cũng phải quay về với thực tại. Sài Gòn mấy hôm trước đã làm tôi quá buồn, tôi đã phải rời nó ra Hàm Tân thế rồi cũng phải quay về với nó. Đúng là “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.

Mấy ngày trước đây, tôi dự định khi đi Indonesia về sẽ ghé qua thăm Viện Ung Thư Bướu cạnh nhà thương Nguyễn Văn Học cũ, rồi nhà thương dưỡng lão và viện trẻ em khuyết tật ở Thị Nghè. Nghĩ sao tôi lại đến trại khuyết tật trước.

Các phòng của trung tâm hôm đó tối om và các em nằm lây lất trên sàn nhà. Tôi ngồi đâu là bị muỗi cắn đến đó. Vậy mà các em nằm ngoắt ngoẻo, vất vưởng nơi đây hết năm này qua năm khác. Trong mười mấy năm nay tôi đã ghé qua đây mấy lần, nhưng lần đầu tiên năm 1990 là lần tôi chứng kiến cảnh tượng đau buồn thê thảm nhất. Các em bé lúc đó bị cột vào thành nôi để giữ cho các em khỏi leo ra ngoài. Mỗi lần tôi ngừng đến nôi nào là lại có một em nhón người từ trong nôi vươn ra để ôm lấy tôi—một người hoàn toàn xa lạ mà các em chưa hề thấy. Ở đây, nếu các em được cho ăn ngày hai bữa và được thay tã là tốt lắm rồi. Thì giờ đâu mà các cô bảo mẫu ôm ấp ve vuốt các em? Nên khi thấy hơi người đi qua là các em vồ lấy một cách thèm khát. Giờ đây môi trường sống của các em đã có phần hơn trước, không mấy em bị trói cột, nhưng sao tôi vẫn thấy lòng héo hắt. Tôi ôm lấy một em đầu ghẻ lở có khuôn mặt tươi sáng nhưng hai chân bị teo lại không đi được. Em cười rạng rỡ thích thú nhưng tôi không sao ngồi lâu được vì muỗi đã thịt hết đôi chân trần của tôi. Ngay lúc đó Soeur giám đốc trung tâm mời tôi lên văn phòng nói chuyện. Sau một lúc hàn huyên về chương trình và hướng đi của trung tâm, Soeur nhờ tôi giúp một việc:

“Thưa Sơ, Sơ cần gì xin Sơ cứ nhắn nhủ, nếu em không làm được em sẽ đi nhờ người khác giúp.” Tôi ân cần và hết lòng.

“Ồ nếu chị nói vậy thì tốt quá!” Ngay lúc đó Soeur vẫy tay ra lệnh ai đó. Trong chớp mắt hai đứa bé khập khễnh đi từng bước vào phòng. Ôi, thôi chết tôi rồi!

“Hai em này đang hết sức cần xe lăn chị ạ. Các em đi học tội nghiệp và vất vả lắm. Chị thấy hai chân gỗ này không? Nếu các em đi lâu thì thịt ở đầu chân cụt bị sưng lên.” Trước mặt tôi là một em trai và một em gái độ khoảng từ mười đến mười ba tuổi, đang vịn vào bàn để không phải dựa vào chiếc chân gỗ trọc cũ mèm.

Tôi nghẹn lời không nói được một câu vì sực nhớ ra là cách đây ba năm về trước mình đã ngồi đây và đã nói chuyện về hai em này, cũng câu chuyện chân gỗ, câu chuyện xe lăn, những lời hứa hẹn tôi trao cho Soeur. Ôi, thế mà tôi đã quên các em. Ba năm trước khi quay lại Mỹ tôi có đi xin xe lăn để rồi cuối cùng xin không được, tôi lại lao đầu lo cho những trại mồ côi khác, những trẻ em bị chất độc da cam, và tôi dần dần quên đi hai em này.

“Dạ, Sơ để đó em lo. Em sẽ kiếm xe lăn cho các em.” Tôi lí nhí nói trong miệng mà thấy hổ thẹn vô cùng. Soeur gật gù cám ơn mà không hề biết rằng tôi chính là người hứa “lèo” của ba năm trước. Tôi phân vân nhưng không dám thú nhận lỗi của mình trước mặt các em. Tôi không muốn các em phải thất vọng khi nhìn tôi. Mọi người đã không nhận ra tôi.

Tôi bước ra khỏi trung tâm mà lòng thắt lại. Ba năm trời các em phải chịu đựng vì tôi. Tôi từ đó bỏ quyết định đi thăm viện dưỡng lão cũng như viện ung thư bướu. Để rồi đi Hàm Tân như để chạy trốn lầm lỗi của mình. Trăng Hàm Tân đã khoan hồng cho tôi nhưng hình như Thầy Thím còn trách tôi. Nghĩ đến đây, tôi rút cành khuynh diệp để đưa lên mũi. Xin Thầy Thím tha cho con.

Ba ngày sau tôi về đến San Jose với một chương trình công việc đặt ra thật dài, vừa văn phòng luật, vừa viết văn, vừa chuyện cứu trợ dân nghèo. Bao nhiêu người đang chờ tôi, bao nhiêu dự án cần phải giải quyết. Song, tôi vẫn phải quay lại làm công việc hàng ngày. Trong một buổi họp tôi đang dự ở San Francisco thì điện thoại reo. Tôi nhìn xuống máy thì thấy số của mẹ tôi. Tôi vội vàng chạy ra khỏi phòng họp để nghe điện thoại:

“Con về đi, bé Thi đang nằm bệnh viện, nguy cập lắm!” Tôi bàng hoàng lấy áo choàng rồi chạy ra bến xe điện (BART Station). Thi là con gái đỡ đầu của tôi, cháu sắp gần hai tuổi, mắt xanh, da trắng, tóc quăn nâu óng ánh. Mẹ của bé và tôi cùng lớn lên với nhau từ lúc chín tuổi. Chúng tôi thương nhau và lo cho nhau như chị em ruột. Tôi là người đỡ cho cô ấy sanh và đón Thi chào đời. (Cô ấy cũng là người chăm nom và lo cho con tôi như con ruột. Con tôi gọi cô ấy là “Má”). Vì yêu thơ nên tôi đặt tên cho bé là “Thi”. Xe điện chạy gầm thét. Điện thoại lại reng.

“Em hả, anh không biết nói sao. Thi chết rồi em à!” Tiếng chồng tôi nói chậm rãi trong điện thoại.

“No!” Tôi hét lên. Chồng tôi giải thích thêm sự việc nhưng tôi đã không còn nghe rõ mấy. Cái gì là bé bị cảm, rồi nhiễm trùng phổi, rồi Kaiser bảo về đi không sao cả, rồi trong tích tắc hôm trước hôm sau, chúng tôi mất bé. Mãi sau tôi mới bình tĩnh lại và nhờ anh đón tôi ở sân ga. Anh bảo tôi:

“Anh sẽ đón em nhưng mình phải về đón ngoại của Thi để đưa bà lên nhà thương với cháu.” Ôi có cơn đau nào bằng cơn đau này, chắc Bác đang khổ lắm.

“Bác vẫn chưa biết chuyện em à. Anh nghĩ em cần phải nói cho Bác biết.” Trời ơi, nói thế nào đây. Biết bắt đầu làm sao?

Mẹ của bạn tôi ra mở cửa. Mắt cụ đỏ hoe: “Em nó không có nhà con à, nó đưa bé Thi đi nhà thương rồi.” Tôi cố gắng cầm nước mắt: “Bác ạ, cháu đến để đưa Bác vào nhà thương thăm bé Thi.” Cụ mắt sáng mừng rỡ, vội vàng đi lấy khăn lấy áo. Khi lên xe xong và sau khi cài dây an toàn hẳn hòi cho cụ, tôi mới ôm lấy cụ và nói cho cụ biết. Cụ khóc đập người vào ghế. Chúng tôi đi như chạy trong các hành lang của nhà thương. Khi đến được phòng ICU thì tim tôi như ngừng đập. Bé Thi của tôi đang nằm đó như một thiên thần đang ngủ say. Lời thơ Nguyễn Bính bỗng đâu vang vang: “…cạn giòng nước mắt còn đâu khóc người….”

Chiều hôm ấy tôi lái xe đưa hai vợ chồng bạn tôi từ nhà thương về. Họ như những người mất hồn không một lời trao nhau. Khi bước vào nhà, tôi như người điên, chạy tứ phía để vơ vét tất cả các đồ chơi của bé Thi đang còn nằm ngổn ngang khắp nhà. Tôi càng giấu chúng đi thì chúng lại càng tạo nên những tiếng động, của máy móc và ca nhạc chợt bật lên bởi dòng điện chạm. “I love you, you love me….” Mỗi lần như thế thì bạn tôi lại nấc lên nức nở. Cô ôm lấy tôi: “we lost our daughter!”

Ngày hôm sau, tôi và bố mẹ của Thi bôn bả đi mua đất để làm mộ cho bé. Tìm mãi mới chọn được một chỗ có bóng cây tươi mát.

Ngày chôn Thi, bé nằm trong chiếc áo đầm trắng lỗng lẫy mà tôi và Hoài khổ công lắm mới mua được cách đây khoảng mười ngày trước ở Sài Gòn. Chiếc áo mua để chuẩn bị cho tiệc sinh nhật của Thi, nhưng tôi đâu có ngờ rằng tôi mua áo để chôn bé.

Trong lúc thầy đang làm lễ để hạ huyệt, tôi buông tay thả bong bóng lên trời cho bé. Nhìn theo bong bóng bay, tôi mới sực nhận ra là tôi và mộ của bé đang nằm dưới bóng cây khuynh diệp!

Tôi òa lên khóc như chưa từng được khóc. Đáng lẽ ra, tôi phải là người ra đi chứ không phải Thi. Tôi xin thêm những ngày sống để làm gì, khuynh diệp đang theo tôi hay theo Thi? Khuynh diệp che chở cho ai? Trong tiếng chuông và tiếng khóc, tôi với tay nắm lấy một mớ lá khuynh diệp. Như cái máy, tôi vò nát và đưa lá lên mũi. Mùi khuynh diệp nồng hăng đến nỗi làm tôi muốn sặc. Thế là thế. Bây giờ tôi mới nhận thấy khuynh diệp ở đây to và đồ sộ, và mùi hương thì không một cây ở Đông Nam Á nào mạnh bằng. Như vậy nghĩa là sao? “Đi đâu loanh quanh cho đời…” chạm đời.

Khi tôi in hai tập của bài này lên báo thì một người thân chủ cũ của tôi gọi để xin vào thăm tôi. Anh là người chỉ có một chân khập khễnh đi từng bước từng bước một, hai tay ôm gói nấm linh chi và bao nhiêu thuốc khác.

“Trời ơi, những thứ này đắt tiền lắm, Jenny không dám nhận đâu anh ạ.”

“Không, luật sư cần phải uống, luật sư cần phải sống.” Anh nói một cách khẳng định như ra lệnh.

Sau khi Thi nằm xuống, bố mẹ Thi yêu cầu trao tất cả tiền phúng điếu cho hội Friends of Huế Foundation để giúp các trẻ em khác. Mộ của Thi chưa xanh thì chúng tôi nhận được tin từ miền Trung là có 6 em nhỏ đang cần mổ tim cấp bách. Nếu không thì các em sẽ không thoát hiểm. Trong đó có một em cũng cùng ngày tháng sinh của Thi. Mỗi một cuộc mổ tim tốn khoảng 1000 Mỹ kim. Mẹ Thi yêu cầu Hội ra tay ngay. Chúng tôi liền lập tức chuyển số tiền phúng điếu khoảng 5000 Mỹ kim cộng thêm 1000 nữa của một gia đình khác cho để cứu sáu em này. Và chúng tôi cũng sẽ lo luôn thủ tục mua xe lăn cho hai em ở Thị Nghè.

Trên đường khuynh diệp, tôi đã đối diện những cánh chim đói khát gãy đường bay, những cặp chân gỗ khập khễnh, những lằn roi cá đuối, những bờ vai nhỏ quắp co trong cơn lạnh, những da thịt bị xâm lăng và hành hạ, những cái chết vì sinh nhai, những xác thân vô tội bị hành quyết trên thân cây, những bàn tay run rẩy nhận gạo, những nụ cười nhân ái, những ánh mắt đầy tình người, những vòng tròn nhân quả ... Tôi đã đi suốt một vòng tròn. Đã tưởng mất mùi hương có tác động hồi sinh. Để tìm lại được nó ở nơi bất ngờ nhất. Ở điểm bắt đầu.

Đường khuynh diệp là thế. Không dài nhưng rất tròn. Vòng tròn tử sinh. Vòng tròn tiếp trợ. Đây là vòng tròn của những người tìm người để thấy mình, tìm ra rồi lại cho đi, cho đi nhưng vẫn còn đó, còn đó lại chia cho lẫn nhau, một chút tình người, một chút tương lân, một nỗi cảm thông, đơn sơ mà quyết liệt. Tôi đã đi tìm khuynh diệp ở vùng quá khứ. Nhưng khuynh diệp vẫn ở quanh tôi, trong hiện tại. Và trên vùng tương lai. Của tôi. Và của mọi người.

Đáng lẽ bài này viết xong khi tôi vừa về Mỹ, nhưng khi mất bé Thi, tôi không thể viết nổi mặc dầu muốn viết để bỏ Thi vào văn. Xin bạn đọc thứ lỗi.

Tuesday, June 10, 2008

Bóng tối

Bóng tối rơi xuống trần

Tháo đi màu ánh nắng

Cho nhân gian bình đẳng

Cho người bớt phân vân

Khi về qua lối vắng


Những nuối tiếc nặng nhẹ

Những phiền muộn mông lung

Quay mặt đi thật khẽ


Đứng trước ngã ba đường

Chân bước thôi ngập ngừng

Thuận đường thì cứ rẽ


Thực hư dưới mặt trời

Bóng tối phủ đi rồi

Giờ đây toàn mộng ảo

Hỏi đời có thật không?

Hỏi mình có thật không?


Câu hỏi trong bóng tối

Va vào vách hư vô

Vang vang vào vời vợi

Vọng về nguyên câu hỏi.


Giấc ngủ về bước nhẹ

Mộng mở cửa sẽ sàng

Từng bước nhỏ nhẹ nhàng

Lạc vào vùng ảo giác

Vô sắc thành hữu sắc

Tịch lặng hóa nhạc thơ

Sắc không, tâm lác đác

Hờ hững chẳng ngóng chờ

Thân trở về cõi thực


Bóng tối sinh ra mộng

Mộng làm quên bóng tối

Bóng tối xóa bóng tối


Chợt mưa từ đâu tới

Bùn lầy vương gót chân

Vách hư vô chợt vỡ

Giọng trầm mất tiếng ngân

Mưa còn mang mang đổ


Giọt nhỏ biến thành sông

Cuốn trôi đi giấc ngủ

Xóa tan đi cơn mộng

Bóng tối thành hư không.

Đỗ Quý Dân

Saturday, June 7, 2008

Đường Khuynh Diệp Phần III


"Tôi làm nghề cạp đất!” Anh bạn học chung trung học với tôi ngày xưa tuyên bố một câu bình dị. Tôi chăm chú nhìn mắt anh thắc mắc. Anh giải thích chậm rãi về công việc lấy đất nơi cao đổ xuống vùng bùn lầy nước đọng—một phương cách bán đất hai lần.

Đất, nói chung, không còn chỉ là chuyện nặng hồn sỏi đá. Mà là câu chuyện của một cơn sốt thời đại. Điển hình là đất ở miền Nam.

Sau bao nhiêu ngày vất vả với khí hậu hai miền Trung Bắc, tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm khi đón nhận bầu không khí rất mát và dễ chịu của sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng cái dễ chịu đó dần dần bị mất đi trong khung cảnh chen lấn của những dòng người và xe sôi sục trên những con đường từ sân bay về trung tâm thành phố.

Tôi vào Sài Gòn để tư vấn cho một công ty Mỹ về việc lập hợp đồng với một số công ty nước ngoài hiện đang làm việc tại Việt Nam. Thế là kế hoạch đi tìm khuynh diệp của tôi bị đi lệch đi một chút. Vì ỷ y, phái đoàn đi cùng với tôi đã không lo đặt phòng trước, nên vừa đặt chân xuống phi trường là đã phải đương đầu với việc đi tìm khách sạn có đủ 5 phòng ngủ. Chúng tôi bắt đầu với những khách sạn 4 sao trên đường Nguyễn Huệ, từ Rex đến Majestic. Họ chỉ có 1 hoặc 2 phòng trống chứ không đủ 5 phòng. Chúng tôi liền quay qua khách sạn 3 sao như Bông Sen trên đường Đồng Khởi nhưng cũng vô dụng. Tất cả đều bị “sold out”. Xe phái đoàn cứ loanh quanh những con phố, hết khách sạn này đến khách sạn khác, và sau 7 nơi dừng chân, chúng tôi may mắn tìm đến một khách sạn nhỏ trên đường Thủ Khoa Huân sau chợ Bến Thành. Giá phòng là $63 Mỹ kim cho một căn phòng hẹp, không có gì sang trọng, mà cách đây hơn một năm tôi chỉ phải trả khoảng $25 Mỹ kim. Khi chúng tôi trả phòng, một người trong nhóm chúng tôi nói với cô tiếp tân là anh ta cần quay lại vào đầu tháng 3, và được cô tiếp tân cho biết là giá phòng sẽ tăng lên $70 đô một người. Sự lên giá xảy ra ngay trước mắt chỉ trong vòng có mấy ngày. Hỏi ra mới biết cái xứ của nước dừa rau má này đang lên cơn sốt đất đai và giá cả!

Dù có mua bán hay không, chuyện giá cả đất đai lên cơn sốt nghe ra đến phải rùng mình. Cả nước Việt đang oằn oại trong tình trạng này. Riêng ở Sài Gòn, câu tục ngữ “bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu” đã trở thành hiện thực. Giá của cả đất lẫn vàng thi nhau vượt kỷ lục và qua một thời gian, chuyện định giá đất theo giá vàng (một phương cách quen thuộc mà xưa nay người Việt vẫn thường dùng) đã trở thành vô nghĩa. Đối với chuyện mua đi bán lại đất hoặc nhà cửa, nếu tính theo đồng đô la thì người ta có lời, lời nhiều lắm, nhưng nếu tính theo vàng thì người bán sẽ bị lỗ. Lỗ nặng.

Trong những câu chuyện họp mặt, chủ đề đất đai thường hay được đề cập đến. Đất đai giờ đây là chuyện gây lo âu và đồng thời cũng gây hào hứng vì đã làm giàu cho nhiều người. Tôi phải vuốt trán khi nghe một cuộc mua bán vừa xảy ra tại Quận Nhất với giá bán 315 triệu VND (20.000 ngàn Mỹ kim) một mét vuông! Ông thân chủ người Mỹ hỏi tôi: “Như vậy là đất ở trung tâm thành phố này còn đắt hơn cả đất của Tokyo ư?” Tuy tôi không giám khẳng định như thế nhưng cứ theo cái đà này, cái gì cũng có thể xảy ra. Anh bạn chuyên môn trong nghề đất cho tôi biết là đất trên đồi còn được giá hơn vì đất trên cao có một giá trị mới khác hơn xưa rất nhiều. Tôi hỏi thêm thì anh cho biết là ngoài nghề mua bán đất, anh còn có nghề “cạp đất”.

Anh bảo tôi rằng ngày xưa anh học phổ thông bị điểm yếu, bà anh thường chê rằng “sau này mày chỉ đi cạp đất mà sống.” Anh hiện đã làm theo lời bà. Anh mua đất trên đồi rồi bốc đất lên để bán cho những công trình xây dựng vùng bùn lầy hoặc các khu vực ven bờ sông cần làm thành ngăn ngừa đất lở. Sau khi sang bằng mặt đất và gỡ được một nửa số vốn, anh lại bán miếng đất đó đi. Kết cục anh lấy lại tổng số vốn cộng thêm một món tiền lời, coi như là mua một lời hai. Dĩ nhiên tất cả không đơn giản như vậy, cạp đất cũng đòi hỏi phải thông thạo nghề và nắm vững thông tin chính xác, chẳng hạn như phải tìm hiểu kế hoạch đầu tư của các thương gia nước ngoài và dự án khai thác giải tỏa của chính quyền địa phương như thế nào, từ đó người buôn đất mới biết nên đầu tư ở đâu thì mới nắm được phần thắng trong tay.


Cơn nóng sốt đất đai này có lẽ cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sự sôi sục kinh tế tại Việt Nam. Chuyện đầu tư của các nước ngoài vào miền Nam thật sự là một hiện tượng đáng kể. Mới từ đầu năm đến giờ mà Việt Nam đã được hứa con số đầu tư trên 15 tỷ Mỹ kim từ các nước ngoài, đứng đầu là Canada và sau đó là Singapore. Có lẽ vì cơ hội làm ăn được gia tăng quá nhanh, dân chúng đổ dồn về các thành phố nên dân số tại Sài Gòn chắc hẳn đã tăng gấp đôi so với một năm trước đây. Đi đâu và bất cứ lúc nào cũng bị kẹt xe, không phải chỉ trong giờ cao điểm. Ng
ười và người ngập đầy phố chợ. Ai ai cũng dồn về Sài Gòn hoặc về các vùng có nhiều nhà máy lớn.

Nói đến các nhà máy lớn là tôi cảm thấy có gì đó sờ s
. Trên đường từ thành phố đi ra các tỉnh như Bình Dương, Long An, v.v., tôi đã chứng kiến các hãng xưởng mới mọc lên thật quy mô và rầm rộ. Điểm đặc biệt là đa số các xưởng này không mang những cái tên được đặt bằng tiếng Việt.

Điều này làm tôi liên tưởng đến các khu vực tô giới quốc tế ở thành phố Thượng Hải thuở xưa lúc triều đình Mãn Thanh phải nhượng đất lại cho các cường quốc Tây phương và Nhật Bản. Hình như hiện tượng đó đang xảy ra trên miền Nam Việt Nam. Mỗi một khu vực cận Sài Gòn là nơi chiếm đóng của một số công ty lớn thuộc về một nước ngoài. Đi về phía Bình Dương, bạn chỉ thấy toàn là những công ty Đài Loan, cây số này nối cây số khác. Qua một khu vực khác thì thấy toàn những công ty của Hàn Quốc. Rôì đến những khu vực của Trung Quốc. Và những hãng xưởng nước ngoài cứ thế mà nối tiếp nhau. Trên đường đi Long An, nếu đi đúng vào giờ “tan xưởng” của các công ty sản xuất giày dép (trong đó có cả công ty Nike), người ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy hàng ngàn công nhân tràn ra như biển người làm kẹt cứng đường. Đúng ra điều này phải làm cho tôi phấn khởi, vì nếu có nhiều công ty đầu tư, thì người dân sẽ có nhiều cơ hội được công ăn việc làm, nhưng sao tôi cứ cảm tưởng như có cái gì không ổn.

Tôi được dịp theo thân chủ tôi vào thăm các hãng xưởng sản xuất ny lông. Khi nhìn thấy cảnh tượng và điều kiện làm việc của các công nhân, phản ứng đầu tiên của tôi là tìm máy chụp hình.

“Không! Xin chị đừng chụp.”

Người hướng dẫn viên chặn tay tôi lại, không cho tôi chụp hình. Thật cả là một tiếc nuối, vì tôi muốn bạn đọc nhìn thấy tận mắt những guồng máy bóc lột công sức lao động của người dân ở đây quy mô đến cỡ nào. Mỗi tòa nhà tôi bước vào là mỗi sự ngạc nhiên, trước tiên là hơi nóng từ các máy móc ùa ập vào người tôi như muốn hâm chín da thịt, kế tiếp là tiếng sầm sập của máy nghe ù cả đôi tai. Tôi đưa tay bịt lấy lỗ tai và bàng hoàng nhìn xung quanh để nhận xét tình hình. Ái chà, nó là cả một câu chuyện. Từ đầu bên này của tòa nhà, tôi không nhìn được đến đầu bên kia, nó là những tòa nhà khổng lồ sâu thăm thẳm. Những cuộn ny-lông to lớn sừng sộ từ trên cao tuôn chảy xuống, những máy kéo nhựa nghe như rên rỉ thay nhau hòa âm với những máy đập sình sịch chung quanh. Trong khung cảnh uy hiếp này là những công nhân nam nữ ốm tong teo, đứng thành hàng luôn tay làm những động tác giống như là đuổi theo các máy móc kia. Trong nhóm người này tôi nhận ra có những đôi mắt còn quá trẻ, quá non nớt. Bên cạnh các đôi mắt đó tôi thấy xuất hiện những nhãn hiệu quen thuộc như Albertson's, Gamestop, Pizza Hut, 99 Cents, KFC, Safeway, v.v.

Hết khu vực này đến khu vực khác, tôi không thể ước lượng được có bao nhiêu những con người lam lũ kia đang làm việc trong hoàn cảnh đó. Họ làm việc trong cơn nóng ác nghiệt, trong sự ồn ào đe dọa của máy móc, không mũ bảo hiểm, không găng tay, không có gì để bảo vệ lỗ tai. Tôi không thể tưởng tượng được họ có thể làm việc như thế ngày này qua ngày khác. Thấy khó chịu, tôi muốn hỏi người quản lý công ty, nhưng không sao cất tiếng được vì tiếng máy quá ồn. Tôi chỉ có thể lên tiếng được mỗi khi đi ra hành lang để băng qua một khu xưởng khác. Tôi hỏi tại sao xưởng không có những trang bị an toàn cho công nhân. Người quản lý Đài Loan trả lời:

“Lúc ban đầu chúng tôi cũng có cho họ mũ và găng tay, nhưng những người này ngoan cố lắm, họ không chịu sử dụng, nên chúng tôi dẹp đi, không dùng đến nữa.”

Tôi không thể tin vào những lời nói kia vì tôi đã biết khá nhiều về hoàn cảnh làm việc của các công nhân Việt Nam tại Đài Loan. Tôi đã nhìn thấy hình ảnh của những người bị cụt tay, cụt chân hoặc nằm chết trên giường bệnh tại nhà thương. Rồi đến hình ảnh những người cha, người mẹ với những khuôn mặt nhăn nheo thảm hại qua xứ người để nhận xác con về. Những người con này chết vì tai nạn lao động, và vì chết trước cha mẹ nên quan tài quấn khăn tang như nhắc nhở rằng họ đã không sống đủ để báo hiếu cho cha mẹ--để cho cha mẹ đã già còn phải ôm lấy đống nợ khổng lồ vì trước đó đã phải bôn ba vay mượn để có thể gửi con đi ra nước ngoài làm công!

Chuyện ở Đài Loan có lẽ cũng như chuyện của bao nhiêu người Việt đi làm mướn ở các nước khác như Mã Lai, Nam Dương, Cao Ly, Trung Quốc, Congo, hay Dubai. Gần một triệu con người bỏ sông Hương, sông Hồng và sông Cửu Long để đến đất người kiếm ăn, không hề biết rằng cứ một người thành công là có mười người phải chịu cảnh đọa đầy. Phụ nữ bị hãm hiếp là chuyện thường không mấy đáng sợ, nhưng làm sao bạn đọc có thể hình dung được có những phụ nữ bi giam cầm trong phòng tối không được mặc quần áo, hết ngày này qua ngày khác?

“Nếu lúc cần, chúng vào phòng hành xác, chúng dùng cây gậy hoặc nắm đấm để làm trò chơi với cơ thể tôi.” Một nạn nhân với khuôn mặt đờ đẫn thuật lại. “Bao nhiêu ngày không có quần áo, tôi phải ngồi nép vào góc tường co đầu gối lên để có thể che chở cho thân mình.” Rồi nước mắt chị từ từ tuôn ra: “Tôi lúc đó cảm thấy mình như một con thú vật. Không còn là người nữa chị à.” Liên tưởng tới những câu chuyện tôi gom góp được từ các nạn nhân lao động ở nước ngoài, tôi cố tự nhủ rằng có lẽ môi trường làm việc ở Việt Nam không đến nỗi tệ như thế? Trong trường hợp bất đắc dĩ thì những nhân công làm việc tại quê nhà còn có thể nghỉ việc ở các công xưởng này để đi bán vé số hoặc đạp xích lô.

Trong hai cái xấu, mình phải chọn con đường có lối thoát. Có lẽ họ sẽ không bị hãm hiếp, không bị chủ đánh cho mù mắt, không bị bỏ đói, không bị bắt buộc làm việc trên 14 tiếng một ngày, và quan trọng hơn hết là không bị tước đoạt quyền làm người.

Nếu lỡ họ có bị cụt tay, cụt chân, điếc tai hay mất mạng trong công việc thì cũng không sao, vì dẫu gì đi chăng nữa họ cũng còn giữ lại được cái vinh dự cá nhân, vinh dự làm người.

Tôi nhiều lần cố nhủ lòng mình như thế.

Trở lại với cuộc tham quan các công ty đầu tư nước ngoài tại miền Nam, tôi tiếp tục cùng thân chủ tôi khảo sát các công ty. Đến ngày thứ tư, tôi không khỏi ngạc nhiên khi phải đối diện một công ty đồ sộ gấp mấy lần các công ty tôi đã khảo sát trong ba ngày trước. Xưởng máy vĩ đại này do người Trung Quốc làm chủ và tôi được thân chủ tôi cho biết rằng nơi đây sản xuất đa số các bao hàng cho Wal-Mart và Target. Ngoài sự kinh ngạc về tầm vóc quy mô của nó, tôi còn thắc mắc là tại sao các công ty tại Trung Quốc lại chuyển sang hoạt động tại Việt Nam. Chắc không phải vì nhân công rẻ vì tôi được biết là có nhiều vùng ở Trung Hoa, mức lương lao động của người dân còn thấp hơn lương công nhân Việt Nam.

Vì bận kỳ kèo thương lượng hợp đồng cho thân chủ, tôi không tiện chất vấn mấy ông trong ban quản trị của công ty này. Vả lại cuộc nói chuyện làm ăn căng thẳng đến khôi hài. Mặc dầu có sự chuẩn bị trước, nhưng vấn đề đàm thoại vẫn thật rườm rà. Mấy người trong ban quản trị chỉ nói được tiếng Quảng Đông và lúc nào cũng có cô thông dịch tiếng Việt tóc dài đi kèm bên cạnh. Thêm vào đó là có hai người từ Đài Loan đi với chúng tôi để đến cung cấp máy móc cho công ty này, hai người ấy lại chỉ nói tiếng Phổ Thông kèm theo chút tiếng Anh. Còn thân chủ tôi thì chỉ nói được tiếng Anh. Thế là thân chủ tôi phải nói qua tôi, tôi chuyển lời lại bằng tiếng Việt cho cô bé tóc dài kia, cô ấy thông dịch sang tiếng Quảng Đông cho mấy ông quản lý công ty. Những phần liên quan đến máy móc, tôi dịch lại tiếng Anh cho hai người Đài Loan. Và ngược lại. Dòng nói chuyện cứ đi vòng, xéo, ngang, dọc đến hết ngày, vì thế chuyện đơn giản cũng trở nên thật phức tạp.

Đấu trí cả ngày nên đêm hôm ấy tôi mệt lạ lùng, tôi khước từ lời mời đi ăn chung với mấy ông thân chủ và gọi một người bạn cũ để đi ăn một bữa cơm thật bình dân. Tôi đề nghị cô ta là hai đứa nên đến tiệm bánh mì Như Lan trên đường Hàm Nghi ăn vặt. Vừa đậu xe xuống trước cửa tiệm là tôi đã thấy không vui vì bị mấy đứa trẻ ăn xin “tấn công”.

“Các em có ăn bánh bao không thì cô mua, chứ tiền thì cô không cho.” Tôi trả lời sự van nài của mấy đứa bé đầy nước mũi khô rằn rì trên mặt và quay mắt tránh cái nhìn cầu khẩn của chúng. Mấy bé chíu chit thương lượng với nhau điều gì đó rồi quay lại bảo tôi:

"Cô mua cho mỗi đứa một cái nhen.” Tôi gật đầu và nói cô hàng bánh gói năm cái bánh bao nóng khói bay nghi nghút. Nhưng tôi vừa quay lại thì đã thấy mười em đứng chìa tay ra. Biết rằng mình đã bị mắc bẫy, nhưng tôi cũng vui vẻ chấp nhận cái bẫy này. Tôi mua hết tất cả mười hai cái bánh bao rồi sau đó tuyên bố là sẽ không mua nữa và sẽ phải vào tiệm để ăn cơm. Cô bạn tôi lắc đầu:

“Chán đi với bồ quá. Cái mặt của bồ đi đến đâu là tui rầu đến đó. Không bị ăn xin bao vây thì cũng bị người ta “cắt cổ”.” (Ý cô ta nói là mặt tôi nhìn rõ là người nước ngoài, đi mua bán thì cứ phải trả giá gấp ba người trong nước. Tôi nghĩ chuyện đó cũng công bằng thôi.) Khi chúng tôi bước vào tiệm ăn thì các em ăn xin không dám vào theo. Đây có lẽ là luật bất thành văn. Tôi ngồi trong tiệm ăn nhìn ra quan sát các em đang ngấu nghiến ăn bánh bao mà thấy mất cảm hứng ăn tối. Trong đám đó có hai em da thật đen ngồi cách biệt mấy em kia. Tôi sực nhớ trong lúc nghe mấy em van xin, hai em này nói nhỏ hơn và giọng tiếng Việt có vẻ lờ lợ. “Thôi chết rồi, có phải mấy em này là người Cam Bốt bị bắt qua đây để đi ăn xin chuyên nghiệp?” Tôi buồn muốn nghẹt thở và vội vàng xua đuổi ý nghĩ đó đi. Tôi trách mình là đã đọc quá nhiều bài thống kê TIP (Trafficking In-Person Report)
của chính phủ Mỹ nên đầu óc bị ảnh hưởng.

Nếu các em từ Cam Bốt qua thì chắc là ăn xin ở những thành phố cận biên giới như An Giang, Rạch Giá chứ không vào đến đây đâu. Một lần nữa tôi lại tự nhủ lòng. Để dễ thở hơn, tôi đề nghị cô bạn tôi đi qua tiệm khác. Tôi đứng lên rất nhanh trong sự ngơ ngác của bạn tôi. Cô lắc đầu: “Bây giờ nàng lại muốn chạy trốn đi đâu?”

“Mình đi qua Bà Cả Đọi đi. Tớ bỗng nhiên thèm món ốc xào chuối với tía tô và canh rau đay nấu ghẹ quá đi.” Bình dân đến thế là cùng.

Trên đường đi tôi tự trách mình là sao lúc nãy không hỏi xuất xứ của hai đứa bé kia. Rõ là mình vẫn nhát như cáy, không dám đương đầu với sự thật.

Sang ngày hôm sau, tôi theo thân chủ tôi cùng một số người nữa đi qua Nam Dương để tham quan một công ty chuyên sàn xuất loại thùng giấy rất đặc biệt. Tôi hí hửng nghĩ rằng đường khuynh diệp có thể sẽ đến với tôi trong những ngày ở quần đảo này. Ngoài sự ăn hối lộ trắng trợn tại phi trường, thủ đô Jakarta (dạo trước gọi là Djakarta) đón chào tôi với những hàng cây xanh thắm nhìn no con mắt. Nhưng sống ở thành phố cây xanh này cũng có lắm điều không thoải mái, mà điều khó chịu nhất là sự khám xét rất chặt chẽ khi mình đi vào các nơi công cộng.

Mỗi khi bước vào khách sạn hoặc những tiệm ăn lớn, tôi đều phải đi qua máy rà vũ khí, túi cầm tay tôi thì bị lục soát, tương tự như lúc tôi bị khám xét ở phi trường trước khi lên máy bay. Gầm và cốp xe hơi cũng bị rà xem có giấu vũ khí hoặc bom nổ. Nếu mà cuộc sống ở nước Mỹ ngày mai cũng trở thành như thế này thì thật là đáng buồn. Tội nghiệp cho Jakarta, một thành phố tươi mát ngợp bóng cây nhưng lại phải nằm thoi thóp trong sự sợ hãi.

Đêm hôm đó, chúng tôi được chủ xưởng máy nổi tiếng kia mời đi ăn cơm Nhật. Một bữa ăn gần bốn tiếng đồng hồ, kéo dài từ 8 giờ tối đến gần 12 giờ khuya. Trong đời tôi có lẽ sẽ không bao giờ quên được buổi ăn sách vở này. Sau khi được xét duyệt kỹ càng, người tiếp tân dẫn chúng tôi vào một phòng riêng. Vừa ngồi xuống, một người đàn ông trung niên xuất hiện từ sau một bức màn lửng. Ông ta gập người chào rồi tự giới thiệu là một đầu bếp người Nhật nổi tiếng trong vùng, hôm đó được vinh dự phục vụ chúng tôi. Ông đến từng người để bắt tay và trao danh thiếp một cách rất trịnh trọng.

Chỉ cần nghi thức rửa tay bằng nước nóng thơm mùi hoa lài rồi uống rượu khai vị trước khi ăn cũng đã kéo dài hơn bốn mươi phút. Thế rồi món đầu tiên xuất hiện. Mỗi người một chiếc ly, cao như ly uống trà làm bằng đá có nắp đậy. Tôi thận trọng mở nắp ly. Một làn khói nhẹ bay lên thơm mùi trứng. Người đầu bếp lại xuất hiện giải thích đây là canh trứng hấp. Tôi lấy muỗng sắn nhẹ từng miếng mỏng, cảm tưởng như ăn chè đậu hũ hay bánh flan. Qua món thứ hai, chúng tôi mỗi người được dọn cho một chiếc thớt gỗ có chân trên đó có hoa rau trưng bày một cách mỹ miều gây chú ý cho một điểm tròn ở góc thớt: điểm tròn đó là cá thu tươi (sashimi). Tôi không thể nào diễn tả bằng lời hương vị của những miếng cá sống này. Ngọt, mềm, tan trong miệng. Quá lạ và quá ngon. Vị giác ăn cá sống này tôi chưa hề được cảm nhận. Nếu đây mới thật là cá tươi, thì từ trước đến giờ tôi ăn cái gì? Món thứ ba, rồi đến món thứ tư, tất cả đều rất cầu kỳ thịnh soạn và mỗi khi món ăn dọn ra, người đầu bếp lại trân trọng mời và giải thích nguồn gốc cho chúng tôi nghe. Khi món thứ năm được dọn ra, ông chủ xưởng máy Nam Dương lên giọng:

“Tôi chắc hẳn quý vị chưa hề ăn món này. Đố quý vị nó là món gì?” Ông chủ xưởng là một người cao lớn vạm vỡ nhìn có uy lực, nói chuyện như một vị tướng ra lệnh cho mọi người. Trong sự lễ phép của ông có lẫn lộn một chút kiêu ngạo khác thường. Mỗi lần cụng ly, ông đều tuyên bố: “Không nơi nào tốt bằng Nam Dương.” Ông cho rằng Nam Dương thật hùng tráng và đang có đường hướng đi lên, và công ty ông là biểu hiển của sự thành công của Nam Dương. Tôi mỉm cười kín đáo. Rồi chăm chăm nhìn cái khay sứ trước mặt với những miếng gì đó thon dài như râu bạch tuộc nằm châu mình vào rong biển cuộn thành những vòng xoáy, trông rất cầu kỳ nhưng lại mộc mạc. Không ai đoán được nó là món gì. Tôi khẽ gắp một miếng bỏ vào miệng. Giòn như sụn, dai dẻo như cháy cơm nếp , ngọt bùi như khô mực, rất lạ vị và cũng rất quen thuộc. Trong mỗi miếng có bao nhiêu cảm giác khác nhau. Mọi người ai cũng đoán già đoán non, nhưng cuối cùng phải đầu hàng. Ông chủ xưởng nhìn mọi người một hồi rồi cất lên từng tiếng từng tiếng một:

“Kính thưa quý khách, quý ông bà vừa thưởng thức đuôi của một con cá đuối già tuổi đời. Quý khách đã được gia tăng tuổi thọ rồi đó. Cá đuối này đã hy sinh để đem lại sự trường tồn cho việc hợp tác lâu dài của các công ty chúng ta!”

Trong lúc mọi người trầm trồ cụng ly, tôi thấy hiện ra một hình ảnh kinh hoàng của thuở xa xưa nay chợt trở về trong trí nhớ. Đó là hình ảnh đứa bé hàng xóm đứng hứng những lằn roi đuôi cá đuối quất lên tấm lưng để trần nhỏ bé đang rướm máu. Lúc đó tôi mới mười tuổi cũng bằng tuổi đứa bé kia. Tôi áp mặt vào tường để tránh phải nhìn cậu bé oằn oại trong cơn đau, khóc không thành tiếng. Ôm lấy tường, tôi cầu trời cho mưa to, thật to, để tôi không còn nghe tiếng roi cá đuối vun vút trên lưng cậu bé.

Trong khoảnh khắc đó, tôi biết ngay là hợp đồng trên 10 triệu Mỹ kim của thân chủ tôi đã không thi hành được. Khách sạn sang trọng mà chúng tôi được đài thọ cũng như buổi tiệc này và chai rượu Louis XIII vừa được gọi ra là để che lấp khả năng không sản xuất được hàng như đã từng hứa hẹn. Sau một tháng cố gắng, thân chủ tôi đã phải công nhận sự tiên đoán này của tôi là chính xác.

Đến món thứ 13 của đêm đó là tôi đã giơ khăn trắng lên đầu hàng. Tôi biết rõ là người chủ xưởng đãi chúng tôi buổi tiệc đó là để mua chuộc thân chủ của tôi, để thân chủ của tôi xiêu lòng gia hạn thêm thời gian cho họ thi hành hợp đồng. Đối với tôi, họ là cái thùng giấy rỗng tuếch. Thật là một bữa ăn tội lỗi, khi tôi liên tưởng đến các em bé lem luốc ngồi bên vệ đường ngấu nghiến những miếng bánh bao. Người đầu bếp khoe với chúng tôi trái “dưa mật”. Một trái dưa không khác gì dưa tôi thấy ngoài chợ, giá độ khoảng 5 Mỹ Kim. Vậy mà trái “dưa mật” này trị giá 350 Mỹ kim vì phải trồng trong mồ hôi kỳ ảo của các cô thiếu nữ còn trinh! Tôi lắc đầu không ăn. Phải chăng người ta thừa giấy vẽ voi?


Qua những diễn tiến phức tạp khi làm việc tại Nam Dương, tuy biết câu trả lời, tôi vẫn chất vấn các ông người Trung Hoa và Đài Loan là tại sao họ lại di chuyển công ty sang làm việc ở Việt Nam. Trên đường đi về Sài Gòn, mấy ông Trung Hoa giải thích cho tôi qua cô thông dịch viên:

“Cô không biết là làm việc bên Trung Hoa khó đến thế nào? Luật chống ô nhiễm môi trường đòi hỏi quá nhiều ở chúng tôi. Nếu làm theo chính sách nhà nước thì lại mất hợp đồng với khách hàng bên Mỹ. Cô cứ hỏi thân chủ cô thì rõ, họ kỳ kèo từng xu thành ra giá phải thật là cạnh tranh. Thêm vào đó, các bao hàng có quai nhập vào từ Trung Quốc bị chính phủ Mỹ đánh thuế rất cao (high tariff). Nhưng hàng đi từ Việt Nam qua thì không sao. Và chỉ có ở Việt Nam chúng tôi mới không phải lo về vấn đề phá hoại môi trường.” Thân chủ tôi nhìn tôi gật gù.

“Thế còn các anh ở Đài Loan thì sao? Lý do gì thúc đẩy các anh sang đất An Nam?” Anh người Đài Loan cười hả hê:

“Ở đâu có tiền, thì ở đó có chúng tôi.” Anh ôn tồn giải thích là vì Việt Nam bằng lòng mua máy của họ. Máy của họ rẻ hơn máy của Đức nhiều. Chỉ trong vòng mấy tháng họ đã nhập bao đầu máy qua Bình Dương với giá trị trên 25 triệu Mỹ Kim.

“Vậy máy của các anh khác với máy của Đức như thế nào?”

“Thật ra thì cũng không khác là mấy. Chúng tôi mua máy của Đức về, mướn nhân công rẻ cho tháo gỡ ra, thay đổi hình dạng, bỏ vào một số bộ phận rẻ tiền, đơn giản hóa máy đi. Biến nó trở thành máy của chúng tôi. Dĩ nhiên chúng tôi cũng nói với cả Đức lẫn khách hàng là cơ bản máy này là máy Đức.”

Nghe rất xuông tai nhưng tôi chắc hẳn chuyện không đơn giản như vậy.

Trên máy bay nhìn ra mây, tôi chợt quyết định phải kết thúc chuyến đi này bằng cách ghé qua Hàm Tân vài ngày. Tôi không thể trở lại Mỹ khi lòng vẫn chưa thanh thản. Tôi bỗng thấy thương cho số phận người dân nghèo Việt Nam. Những người
này đầu tư làm giàu trên cái mạng quá rẻ của người dân tôi.

Nghèo là một cái tội, mà nghèo từ lúc còn thơ thì cái tội còn nặng hơn, hình phạt cũng nặng hơn. Ôi những cơn đau đuôi cá đuối!


Jenny Do

Friday, June 6, 2008

Tôi là một xác suất

Tôi là một sự tình cờ

tình cờ sống

tình cờ gặp em

tình cờ làm việc

tình cờ rong chơi.

Tôi tình cờ như một phần mấy tỷ trong nhân loại

Tôi biết mình sống

Cogito ergo sum

Sum et cogito

Em bảo tôi hay suy nghĩ

Không,

em bảo: "Anh là thằng đực có trí tuệ".

Tôi là thằng đực

cũng là sự tình cờ

50, 50

tôi chẳng để ý

cho đến lúc em nhắc tôi.

Em nhắc đến trí tuệ

chắc em bảo tôi hay suy nghĩ

lúc làm tình

hoặc nói chuyện như Socrates

khi làm tình với em

cũng chỉ là sự tình cờ.

Đực không trí tuệ chỉ như khẩu súng

thiếu đạn

hoặc chỉ bắn lung tung

Có trí tuệ mà không đực thì chỉ là

nhiều đạn

biết nhắm giỏi

nhưng lại thiếu súng

Những nhà tu không có súng

nhưng rất nhiều đạn

100/100

Em đã từng đi ngang tôi, nhìn

mà không thấy

chỉ thấy thằng đực

hoặc trí tuệ

50, 50


Tôi

đang làm việc

tình cờ làm nghề tôi

từ lúc thấy trong nghề -

nghề tôi ngày hôm nay-

có đám vô tích sự

xác suất còn chưa rõ


Tôi tình cờ ngứa mắt


Tôi làm mọi chuyện đều tình cờ

bởi từ lâu tôi không còn suy tính

100/100

Tôi không mệt mỏi

chỉ lười

quá nhiều chuyện vô nghĩa.


Tôi làm thơ

Vũ trụ xoay tròn

ai bảo có Thượng Đế?

Lúc tôi chết vũ trụ không tồn tại

tôi chẳng còn đối thoại

thì tồn tại với ai?

Vũ trụ ngắn bởi thời gian ngắn

Thời gian ngắn bởi cuộc sống tôi ngắn

(Vũ trụ và thời gian chỉ có được 4 chiều)

Tôi chẳng nên lý luận dài dòng

chẳng nên phí thì giờ

còn phải rong chơi

Tôi chơi chữ nghĩa

không phải tôi học

hoặc có học nhưng không tin

vì không muốn có định kiến

tôi chơi với đám đông

gọi chung là loài người

tôi làm quen nhưng không làm thân

vì chẳng muốn hiềm khích

tôi chơi cái tôi làm ra

chẳng giữ gì lại cho mình

để khỏi ai dòm ngó

đỡ chiến tranh

90/100

(10/100 còn lại, đủ diệt vong nhân loại)

tôi sẽ mãi rong chơi

dù vũ trụ giới hạn


Đêm

Thế giới của ảo tưởng

Giấc ngủ không phải là hòa bình

không hiền hòa

im lặng trước bão tố

Ngày

không phải là tỉnh thức

máy mở lên

có thế thôi



Tôi làm thơ

mộng du


Kệ, vẫn rong chơi


Âm thanh, ánh sáng

những làn sóng, những làn sóng

Thơ tôi không có âm thanh ánh sáng

không phải những làn sóng

nên nghe rõ được, thấy rõ được

Nhìn mà không thấy

vểnh tai mà không nghe

tại không rong chơi

thiếu thơ


Tôi chưa hiểu rõ thuyết Quantum


những làn sóng không thể phẳng lặng

phải lên xuống nhấp nhô

như tôi lên xuống trên em

như em lên xuống trên tôi

mới tạo ra âm thanh

ánh sáng

âm thanh ánh sáng không thể phẳng lặng

phải lên xuống nhấp nhô

như tôi lên xuống trên em

như em lên xuống trên tôi

mới thành ngôn ngữ

ấn tượng

khi rong chơi tôi lên xuống nhấp nhô

nên tôi toàn năng toàn bích

lý thuyết Einstein do Vatican diễn dịch

khi ngưng rong chơi tôi thành tượng đá

di tích của lịch sử

Lịch sử

tuyệt đại tình cờ

chỉ để nuôi ảo tưởng

con người bất tử trong thời gian (tưởng là) bất tận

trong vũ trụ (tưởng là) vô cùng

nhưng thời gian không bất tận

vũ trụ đầy giới hạn

chỉ có bây giờ là mông mênh

bây giờ

100/100

Tôi phải dựa vào bây giờ

Tôi biết thế

không cần hiểu tại sao

ngày mai không cần nhớ


Trí nhớ

làm tôi không biết

vì cái biết thay đổi

mà trí nhớ thì không

tôi không muốn nhớ

nhớ là hết rong chơi

rong chơi làm gì

khi chốn chơi đọng lại trong vũng bùn trí nhớ?


Lãng quên

là cần thiết

khoa học không tiến bộ

nếu loài người không chịu quên


Nếu cứ nhớ người đóng đinh thập tự giá

đau khổ thì làm sao tiến bộ

nhìn người đau khổ để tìm giải thoát

Sao ta tàn ác thế?

Nếu cứ nhớ cuộc ly dị vĩ đại

một mẹ trăm con

mẹ ly dị cha, dẫn năm mươi con lên núi

tội cho em còn nghĩ chuyện chồng con?

Nếu cứ nhớ con người là tội lỗi

rửa trăm năm cũng chẳng sạch vết nhơ

sao còn cứ rửa?

Nếu cứ nhớ trên mai rùa là thế giới

ha ha

con rùa kia đứng ở đâu đây?


Phải quên em ạ.


Chỉ cần nhớ bây giờ


Bây giờ là tình yêu

Bây giờ là rong chơi

Bây giờ là cuộc sống

Bây giờ luôn thay đổi

100/100

Cuộc sống luôn thay đổi

Rong chơi luôn thay đổi

Tình yêu luôn thay đổi

Rất tình cờ

Thơ

Xác suất không tính được.

Đỗ Quý Dân

Thursday, June 5, 2008

A Journey - Một Chuyến Đi

An English translation of a poem I wrote during a trip to Vietnam. The original Vietnamese version follows.

A JOURNEY

I went on a long journey
Whence I came, where I went, I try but cannot remember
The storm of the past wakens today’s tidal wave
And sinks my boat in the river of self-destruction.

I visited the ruins, desolate and decayed
Darkness swallowed the sun and swallowed my own shadow
In the cracked mirror appeared a strange face
Its eyes staring like an open coffin
awaiting a dead corpse.

I knocked at the door of the reality house
Strange architecture - thatched roof atop a high-rise
I smelled the scent of aloes wood and incense
Blended with the stench of garbage
I heard anguishing sobs being hushed by voices bragging satisfaction
I saw figures that appeared familiar
Playing the roles of great men in this theatre of change
They spat out happiness and anger in their phlegm and saliva
Defined freedom by the lack of self-restraint
Happiness was a patchwork of millions of petty treacheries
When again would nobility survive poverty?
Passion was shaped in the mold of crudeness
Arrogance paraded to hide the lack of confidence
They greeted me: could they be old friends?
Who could ever guess the depth of this quagmire?

Where I went, blue turned into gray
Gray like your livid lips; your rosy youth had vanished into oblivion
Your pure black hair had tangled with the silver threads of a betraying moon
Ease was wanting on your twenty-year-old smile.
Who built the Emperor’s harem in this dark hamlet?
You grew like a rose in the thick of wild weeds
Flashing your thorns at crickets and grasshoppers
Lacking bees and butterflies, you entertained yourself with flies.
I tore my polluted lungs wailing out of love for you
And stayed up at night singing you a lullaby.

Where I went, the streets were crowded like an ant colony
Ants would form lines, humans would not care
Pushing was necessity, yielding suicide
Each person, a shaky vehicle
When two of them shared the same destination
Running the risk of a collision, they'd rather change their course
Than to yield and allow the other to be the first to reach the goal
The itinerary of the future could not be determined
On the river of my return, lost rafts floated aimlessly.

I met the sage who sat alone bracing his knees
The words of the old scriptures had evaporated into a fog
Novel tricks filled the new lexicons
Ambition was capitalized in the handbook of humanity
The mountains in the East blurred like a mirage
Home became more distant with each step I took on this pilgrimage
The sage told me: “You are confused because you do not blend in!
To find enlightenment, you have to cross the fathomless divide.”
"Where there is will, there is hope"
Such illusion, how long will I continue to nourish?

I have retailed my soul so that I could remain in this syndicate of robots
Swirling amid electrical circuits, I vaguely understand this virtual world
I am lost in this life and want to return to my previous existence to search for myself
But I will have to wait for my next life, as the old bridge may collapse
Under the weight of the luggage I now carry.


MỘT CHUYẾN ĐI
Tôi đi một chuyến du hành dài
Không nhớ nổi nơi đi chốn đến
Bão hôm qua làm dậy sóng hôm nay
Thuyền tôi đắm trong dòng sông tự hủy.
Tôi về thăm những tàn hoang phế tích
Bóng tối nuốt mặt trời, nuốt cả bóng của tôi
Trong gương nứt hiện hình khuôn mặt lạ
Đôi mắt mở tung như hòm đón thây người.

Tôi về gõ cửa căn nhà thực tại
Kiến trúc dị kỳ, cao ốc lợp mái tranh
Mùi nồng trầm hương pha mùi tanh rác rưởi
Giọng rêu rao thỏa mãn chẹn tiếng nấc buồn tênh
Nhiều bóng hình tôi tưởng chừng thân thuộc
Trên sân khấu đổi đời tập đóng kịch vĩ nhân
Những hỉ nộ nhổ ra theo đờm rãi
Định nghĩa tự do: thiếu tự kỷ bản thân
Hạnh phúc vá víu bằng trăm ngàn ti tiện
Còn đâu thời nghèo rách vẫn phong lưu?
Chất đam mê đem đổ khuôn trơ trẽn
Thiếu tự tin nên ôm dáng tự kiêu
Họ đón chào tôi: hình như tình cố cựu?
Hố lầy này, ai đoán được chiều sâu?

Nơi tôi về màu xanh pha màu xám
Xám ngoét môi em, tuổi hồng vội lãng quên
Tóc đen thuần rối sợi bạc của mùa trăng bội phản
Nụ cười hai mươi vắng hẳn bóng tự nhiên.
Ai dựng cung A Phòng trên xóm nghèo tăm tối?
Em như đóa hồng mọc giữa bụi cỏ hoang
Thản nhiên khoe gai cùng cào cào châu chấu
Thiếu bướm ong, mượn ruồi nhặng giải buồn!
Vì thương em, tôi gào rách buồng phổi nám đen ô nhiễm
Thức suốt đêm trường ru em ngủ giấc ngoan…

Nơi tôi về, phố người đông như kiến
Kiến biết xếp hàng, người bất kể trước sau
Chen lấn là nhu cầu, nhịn nhường là tự sát
Mỗi cá nhân, một xe máy chao đao
Hai chiếc xe, cùng chung một điểm đến
Tránh đụng nhau đành bỏ mất mục tiêu
Thà thế còn hơn nhường kẻ kia đến trước
Lộ trình tương lai từ đây không định được
Dòng sông tôi về, bè lạc nổi lêu bêu.

Tôi gặp triết nhân cô đơn ngồi ôm gối
Kinh điển năm xưa, văn tự bốc mù sa
Muôn mánh khóe lạ ghi đầy từ điển mới
Cẩm nang làm người, tham vọng viết chữ hoa.
Ngọn núi phương Đông nhập nhòe như ảo giác
Đường hành hương mỗi bước lại thêm xa
Triết nhân bảo tôi: "Ngươi hoang mang vì ngươi không hòa nhập!
Tìm giác ngộ, hố thẳm phải vượt qua."
"Có ý chí là vẫn còn hy vọng"
Ảo tưởng kia, tôi nuôi đến bao giờ?

Tôi đã bán lẻ linh hồn để nương thân từng ngày trong tập đoàn người máy
Quay cuồng theo dòng mạch điện, cõi vi tính tôi chỉ hiểu lơ mơ
Tôi đã lạc lối kiếp này nên muốn trở về tìm mình trong kiếp trước
Cầu xưa chừng muốn gãy, nặng hành trang tôi phải đợi đời sau…

Đỗ Quý Dân
© 2006 Dan Do – All Rights Reserved