Có lẽ trong chúng ta, chẳng mấy ai lại không biêt đến bài Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức ?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô ?
Lưu Trọng Lư đã có công biến mùa thu thành hồn thơ vượt không gian và thời gian. Từ sau khi ánh trăng mờ đi vì thổn thức bởi ý thu, từ khi con nai ngơ ngác đạp lá vàng, thi nhân Việt Nam đã để lá vàng rơi ngập thi văn đàn, những mong tìm được hình bóng chú nai vàng cùng dư âm của tiếng trăng thu. Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ? Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương? Hình ảnh của những chiếc lá rơi và của chú nai vàng ngơ ngác đã khiến thi nhân không quên được mùa thu, mặc dù rất nhiều thi sĩ, nhạc sĩ chưa bao giờ được sống ở một nơi có mùa thu thực sự, mà chỉ biết có hai mùa mưa nắng. Mặc dù bộ lông của chú nai không cùng màu vàng của những chiếc lá thu rơi.
Và vì mải tìm chú nai vàng và ngắm lá thu rơi, thi nhân đã quên đi cái hay chính của bài Tiếng Thu. Vâng, bài thơ có ca tụng mùa thu đấy, nhưng không phải chỉ ca tụng xuông mà thôi. Bài Tiếng Thu thực sự là lời tuyên ngôn của thi sĩ giã từ nền thơ cổ để dấn bước vào một hành trình tư tưởng mới. Lời tuyên ngôn đó được tóm tắt bằng hai chữ “rạo rực”.
Bài thơ mang nét cổ kính qua các từ “chinh phu”, “cô phụ”, chứng tỏ thi sĩ rất trân trọng nền thơ cổ. Dư âm của Chinh Phụ Ngâm còn vang lên đâu đó. Nhưng người vợ cô đơn của Tiếng Thu không chỉ nhung nhớ người chồng đi chinh chiến một cách đơn thuần như nàng Tô thị ngày trước. Nàng công nhiên thú nhận mối “rạo rực” trong người khi nhớ tới hình bóng của người đàn ông trong đời nàng. Hai chữ “rạo rực” ám chỉ sự khát khao về xác thịt. Người đàn bà trong Chinh Phụ Ngâm không dám nhắc đến, mà có lẽ cũng không dám nghĩ đến sự rạo rực đó. Cái hay của Lưu Trọng Lư là trình bày cái rạo rực của thời đại mới một cách tế nhị, để cái cảm giác xác thịt kia xen vào giữa những khái niệm cổ xưa về sự tương quan giữa kẻ chinh phu và người cô phụ. Điều người xưa không dám nói, người chinh phu không dám ngờ vợ lại có thể nhắc đến giữa công chúng, đã được người cô phụ nói ra, thẳng thắn và đầy tình cảm. Người đọc thơ dễ ngủ quên trong dư âm của Chinh Phụ Ngâm mà không để ý đến trận bão rạo rực trong lòng của người đàn bà thời đại mới, phức tạp hơn nhưng cũng quyến rũ hơn. Người đàn bà này sẽ không còn ngồi đợi chồng rồi biến thành tượng đá đầu non. Nàng không còn chỉ là biểu tượng của những tiết liệt đoan trinh ngày xưa. Nàng đã thật sự trở thành đàn bà. Có những đòi hỏi của đàn bà. Và dám nói ra những đòi hỏi đó.
Ngoài hình thức mới, Tiếng Thu cũng đề nghị một lối sống mới, một ngôn ngữ mới. Ta vẫn yêu quý cái cổ xưa, nhưng phải sống đời sống ngày nay. Phải để mình rạo rực khi lòng nghe rạo rực. Tiếng Thu là tiếng sét nổ trên thi đàn Việt Nam, giữa một bầu trời quang tạnh. Chỉ tiếc là tiếng sét đó không vang xa đến hậu thế, để cho thi nhân Việt Nam hôm nay chỉ mãi đuổi theo con nai vàng và ngồi chờ lá đổ mùa thu.
Drunken Poet
No comments:
Post a Comment