Nếu phải tính số lượng của những chiếc lá rơi trong thơ văn Việt Nam, chắc ta phải kết luận là đường phố Việt Nam bị lá vàng rơi ngập khi mùa thu về. Chẳng cần biết mùa thu như thế nào (người viết được biết là Việt Nam, hoặc ít ra là miền Nam nước Việt, chỉ có hai mùa mưa nắng), ta cũng cứ vẽ ra kỷ niệm "Thu đi cho lá vàng bay". Không biết thi nhân, nhạc sĩ, có bao giờ nhìn thấy lá vàng bay trên đường phố Sàigòn chưa? Chưa à. Không sao. Lá vàng rơi đầy trong thơ nhạc. Lá rơi nhiều quá chiếm hết không gian của bất cứ một hình ảnh nào khác, mới hơn và thực hơn. Cái không gian cần thiết nhất để chứa được những hình ảnh mới và thực đó là khoảng không gian nằm trong đầu của thi nhân, của nhạc sĩ. Khoảng không gian đó gọi là sáng tạo.
Lá thu rơi nhiều quá. Làm rối loạn khoảng không gian kia. Nhiều khi ta gọi rối loạn là xào sáo. Đầu óc thì xào sáo. Thơ nhạc nói gọn đi là sáo.
Có lẽ vì ít nghiên cứu về thực vật học, thi nhân Việt Nam cứ tiếp tục vẽ hoa phượng vào mùa hè, năm này qua năm khác. Đọc thơ, nghe nhạc Việt Nam, mà cứ tưởng phượng nở đỏ cả bầu trời thế giới. Muốn pha chút màu tím ư? Hãy ghé qua những đồi ở thôn quê Việt Nam ngắm hoa sim, hoặc ra ngoại ô nhìn bằng lăng. Chưa thấy sim và bằng lăng bao giờ ư? Cứ viết đại vào thơ nhạc đi. Cả nước ai cũng hiểu. Hoặc chẳng cần phải nhờ đến cây cỏ làm gì cho mệt. Chiều hôm nay đã tím lịm rồi. Tím từ chân trời. Tím đến tận ánh mắt người tình. Nhìn qua lăng kính ngập lá thu, màu gì tô cũng dễ.
Có lẽ thi nhân và nhạc sĩ Việt Nam là những kẻ chung thủy. Anh sẽ yêu em suốt cả đời. Thế nhưng buổi tối anh cần phải đi nhậu riêng với bạn bè. Yêu em nhưng vẫn để em khóc suốt cả hành trình thơ nhạc. Người đọc thơ, nghe nhạc, muốn đong những giọt lệ giai nhân chắc phải đào cả một bể chứa để hứng những suối nước mắt (đau khổ vì) tình ái. Thảo nào TCS chẳng thốt "Ta nghe nghìn giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh". Nước mắt càng rơi, lá thu càng rụng.
Yêu giai nhân mà sao lại để nàng khóc nhiều thế?
Yêu người, yêu cả tà áo, nhất là tà áo trắng. Thi nhân năm mươi, sáu mươi tuổi vẫn bị hình ảnh nữ sinh áo trắng cắp cặp đi học ám ảnh. Nhưng thi nhân lại quên mất cái hình ảnh dễ thưong hơn là hình ảnh các nàng áo trắng ngồi xụp xuống bên đường ăn vặt. Ăn vặt nhưng rất thơ mộng. Thực ra là ăn thật chứ không phải ăn vặt. Chén một lúc mười quả hột vịt lộn mà nói là ăn vặt, thì thế nào mới là ăn thật đây? Tiếc rằng thi nhân, nhạc sĩ chỉ tả áo trắng bay, mà quên tả áo trắng vắt lên trong tư thế ngồi xổm rất lãng mạn của thời con gái. Mà thi sĩ lại không dám nhớ đến cái áo dài trắng bị lột ra một cách vội vã của thời các nàng đã trở thành thiếu phụ! Lá thu rơi làm thi sĩ thánh thiện, không thèm để ý đến những chuyện xác thịt tầm thường.
Mười ông thi sĩ, nhạc sĩ đương đại, là hết chín ông thích đi nhậu, uống bia ôm. Sao không bỏ các ả bia ôm vào thơ? Lúc hôn nhau dùng cả lưỡi chứ chẳng chỉ có môi mà thôi. Sao không kể cho nhau nghe cái cảm giác lưỡi đó đê mê như thế nào? Cũng tại lá thu rơi.
Thôi thì phải uống cho say. Có say mới quên được lá thu. Mới nhớ đến chuyện khác được. Hãy thử nghe cái tên say làm thơ:
"Em ơi !
Da thịt em gọi mời
Khuy áo em phập phồng
Sao tay tôi luôn chậm mở?
Khi xác thân tìm về thân xác,
Mồ hôi trộn mồ hôi, chất ướt nhào chất ướt
Sao hơi thở lại không hòa hơi thở?
Khi bờ môi thả xuống bờ môi,
Mắt đam mê rơi vào mắt dại
Sao lưỡi vẫn tê, răng vẫn còn ngần ngại?" (thơ Drunken Poet DQD)
Thằng say này láo lếu. Nhưng nó thật. Thơ nó có đủ cả mồ hôi, chất ướt. Răng và lưỡi cũng hoạt động theo môi. Nhưng nó vẫn bị cái khuôn sáo của thơ văn Việt Nam kềm hãm, chưa lột nổi áo em ra để chiêm ngưỡng. Một ngày nào đó nó sẽ lột hết ra. Lúc đó là lúc bản ngã đã biến thành thơ.
Còn bây giờ, đường nó đi vẫn ngập đầy lá thu, không tiến tới được.
ĐQD
No comments:
Post a Comment