Từ cơn nóng hơn 30 độ C của Siem Reap, tôi bay vào vùng đất rét 7 độ C của Hà Nội.
26 Tết thủ đô những hàng hoa muôn màu sắc.
Đỏ hồng vàng rực trời trong những cơn gió buốt xương.
Hoa đào và cây cam quát (quất) ngập đường, đèn cờ rợp lối, điểm thêm sức sống cho bầu trời xám tái của miền Bắc.
Xe cộ quá nhiều kẹt cứng trên đường trong những cơn mưa lạnh căm, đám đông chen chúc tranh nhau mua hàng ngoài phố, nhưng sự hỗn độn của cái xã hội thiếu trật tự kia không làm mất đi không khí của ngày đón Xuân.
Hàng hóa từ Trung Quốc tràn về ngự trị đất Hà Nội, kể cả những vật trang trí cho ngày Tết Mậu Tí.
Khách viếng thăm không thể phủ nhận được cái nhộn nhịp tưng bừng của một thành phố háo hức đón xuân, mặc dù thời tiết còn đang khắc nghiệt.
Tôi nhập bọn với các anh bạn họa sĩ của tôi để lên rừng hái hoa.
Họ là thế.
Lúc nào cũng phải khác người, không thích chạy theo đám đông.
Tuy hoa đào đầy rẫy khắp chợ hoa, các anh lại muốn đi tìm hoa mận.
Thời buổi này mọi người chạy xe Honda với những model mới nhất như SH300 gì gì đó, thì các anh họa sĩ của tôi lại chạy những chiếc Vespa cũ kỹ của thời 70.
Mấy năm qua tôi vẫn thường về thăm và trao đổi nghệ thuật với họ.
Tôi đã gia nhập những chuyến đi xa với những mục đích thật vu vơ chẳng hạn như lên miền cao Hà Giang tìm rượu ngô của Cô Thu Bột.
Hoặc những cuộc hành trình sưu tầm gốm cổ nhà Mạc, hay đi kiếm xác chiếc xe Landrover mãi tận đảo Ngọc Vừng hoang dã cuối Vịnh Hạ Long.
Thú vị nhất là chuyến đi về làng gốm cổ truyền Phù Lãng, nơi mà cả ngàn năm nay vẫn duy trì cách nấu gốm bằng củi, mặc dầu xung quanh làng không một bóng cây ngọn gió.
Tôi nhớ mãi lời nói của một anh họa sĩ khi chúng tôi đứng ngắm nghía một số mẫu gốm tân thời trang trí tính cách lập thể (cubism): “đây là cái tát vào nghệ thuật!”
Họ có những nhận xét rất khắt khe và cực đoan trong lãnh vực nghệ thuật, chẳng hạn như đến nay họ vẫn không chịu nghe dĩa nhạc CD mà chỉ nghe dĩa nhựa (vinyl records) hoặc băng nhựa (audio tapes).
Một anh cho rằng những dĩa này có những lỗi do thời gian và bụi bặm tạo ra, nhưng do đó đã mang theo lịch sử và thời gian của nhạc.
Có lẽ vì những sự cực đoan đó, tôi hết sức yêu mến họ.
Chúng tôi đánh xe lên Hòa Bình, đất đỏ, núi xanh rì cao sững như trong tranh cổ Trung Quốc.
Xe chúng tôi đi sâu vào các miền đất của người Dao, cứ thế mà đi mãi đi mãi, hết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu lần dừng lại ngẩn ngơ ngắm sương mù rơi xuống các nhà tranh bên đường.
Hoa mận vẫn biệt tăm.
Thì ra năm nay hoa mận nở sớm và đã rụng hết khi cái rét tràn về.
Chúng tôi tay trắng quay về Hà Nội, đến Lê Thạch Quán gần bờ Hồ Gươm, nơi tụ tập thường xuyên của giới văn nghệ, thì trời đã tối.
Riêng tôi cảm thấy một cái gì đó thật hả hê và thỏa mãn, mặc dù không hái được một nhánh hoa mận nào, và mặc dù cây khuynh diệp vẫn vắng bóng.
Có lẽ là do những mẩu chuyện vụn trên đường, nhất là những chuyện của trước ngày “đổi mới”.
Anh “Tâm Mải Ch
ơi” chắc hẳn phải hắt h
ơi vì chúng tôi nói rất nhiều về anh hôm ấy.
Anh là một họa sĩ mê chơi hơn mê tranh.
Có lần anh dặn vợ ở nhà để anh đi ăn sáng với bạn, rút cuộc là 3 ngày sau anh mới quay về nhà.
Còn khi vào Sài Gòn triển lãm, anh thuê 2 chiếc xích lô, một chiếc chở anh và chiếc kia chở tranh.
Đi giữa đường gặp người quen vẫy vào quán uống cà phê, anh liền nhảy xuống xe và quên mất xe tranh.
Ngày khai mạc cuộc triển lãm của anh, anh đến tay không và cười trừ với mọi người.
Tệ hơn nữa là có lần anh Tâm bắt gặp một anh bạn của mình hớn hở dẫn cô tình nhân mới quen vào một căn nhà nhỏ trên lầu cao để tỏ tình.
Chủ nhà này lúc ấy vắng nhà đi Tam Đảo.
Anh Tâm Mải Chơi bèn lén lút khóa cửa nhốt họ lại.
Chỉ định đùa nghịch đôi tình nhân kia một lúc cho vui nhưng rồi anh bỏ đi nhậu với bạn bè và quên béng mất mọi chuyện.
Ba ngày sau anh mới nhớ ra và chạy đến mở cửa cho cặp tình nhân nọ thì hai người này đã bơ phờ rũ rượi. Chuyện kể lại là từ đó hai người tình nhân kia không bao giờ nhìn mặt nhau nữa.
Rồi lại đến chuyện lạc núi.
Mấy anh họa sĩ thì thường đi lên miền cao để tìm “cảm hứng sáng tác”.
Đêm về sương mù dày đặc các anh không sao tìm ra đường xuống núi.
Cuối cùng các anh ghé vào một căn nhà bên đường để xin trọ qua đêm.
Đó là căn nhà tranh của 2 bố con người thiểu số.
Ông bố bằng lòng cho 3 anh họa sĩ ở trọ và quay dặn dò cô con gái bằng tiếng bản xứ, cô gái này người độ khoảng trong ngoài 18 tuổi có làn da trắng mịn.
Cô nghe bố dặn rồi lui vào nhà trong.
Các anh họa sĩ ngồi bên ngoài uống trà trên nền đất.
Họ đợi mãi vẫn không thấy cô gái trở lại và cũng không được chỉ dẫn chỗ ngủ ở nơi nào.
Cơn lạnh miền núi tràn ngập gian nhà nhỏ, cằm của các anh bắt đầu run lên thì cô gái kia lại đột ngột xuất hiện.
Ông bố lúc đó mới quay lại nói với các anh bạn tôi rằng: “con tôi đã nằm sưởi ấm chăn giường cho các anh rồi đó, xin mời các anh vào nghỉ.”
Đêm đó các anh bạn tôi ngủ rất ngon.
Và còn bao nhiêu câu chuyện thú vị khác nữa đã làm tôi lưu luyến họ.
Chuyện họ kể không có gì thâm thúy lắm nhưng khi người kể có duyên thì chuyện gì cũng hấp dẫn.
Tôi luôn luôn tìm ra những nguồn sinh lực mới khi gặp lại những người bạn này, nhưng dù mến họ cách mấy tôi cũng không muốn nương lại Hà Nội ăn tết năm nay vì cái rét quá tàn khốc.
Ở khách sạn, nước không đủ nóng để tắm và máy sưởi không đủ ấm nên tôi không sao chạy trốn được cái lạnh.
Vì không khí mang nhiều hơi nước nên c
ơn lạnh dường như lúc nào cũng bám vào da và ngấm vào tận xương tủy.
Các người dân miền núi phải bỏ nhà dắt trâu bò xuống núi để tránh tuyết, dẫu rằng họ phải ngủ ngoài đường chợ.
Nếu trâu bò chết là họ mất hết gia sản.
Có những người phải đem hết chăn mền của họ đắp cho súc vật để rồi bị lâm bệnh vì cơn lạnh.
Có người chở con đi trên xe gắn máy ngồi đằng trước, khi xuống xe mới biết con đã chết cứng tự lúc nào.
Tôi đầu hàng cái lạnh nên phải chạy vào Dốc Lết gần Nha Trang tìm hơi nóng.
May cho tôi vùng cát trắng biển xanh này quá thơ mộng nên tôi có chỗ dừng chân để thảo vội bài tường thuật này gửi về bạn đọc.
Dốc Lết cũng thật hoang dã, nhưng sau vài bữa lang thang, cuối cùng tôi cũng tìm được bóng mát của cây khuynh diệp đợi mong.
Tôi vò mãi lá khuynh diệp để tay thêm xanh nhưng không hiểu sao bàn tay tôi vẫn trắng và mùi hương chỉ thoang thoảng.
Thế nghĩa là sao?
Tay tôi đã khác xưa và mùi khuynh diệp đã thay đổi?
Tôi lần mò đến một ngôi chợ hải sản ven biển.
Vừa ngồi xuống chiếc ghế bố thuê 5000 đồng, vài người bán hàng đã lại vây quanh tôi mời mua mực và tôm tích ăn tại chỗ.
Tôi hiếu kỳ nên bằng lòng mua nửa kí tôm tích và nửa kí mực.
Con tôm này chắc có họ hàng với con rết nên có rất nhiều chân.
Chị bán hàng là một phụ nữ nhìn già dặn hơn tôi nhưng khi hỏi ra thì chị còn nhỏ tuổi hơn tôi nhiều.
Tuy da chị bị nám nắng biển muối, chị không dấu được cái vẻ đẹp duyên dáng rất Việt
Nam.
Nghe lời chị, tôi ngồi ăn rất “dã chiến”, ăn trong gió cát không có khăn lau tay hay bát muối chanh mà tất cả chỉ nằm vẹn trong hai bao ny lông.
Không sao.
Tôi xin nửa chai rượu đế để phòng hờ không bị đau bụng và sẵn sàng chiến đấu với mực và tôm.
Chị bán hàng nhất định không để tôi bóc tôm lấy.
Tôi hỏi tại sao thì chị bảo rằng nếu bóc không quen thì thịt tôm sẽ nát vì tôm này mang nhiều trứng.
Thế là chị ngồi dưới cát bóc từng con tôm cho tôi ăn.
Và nhất định không ăn chung với tôi rồi cũng không chịu ngồi trên ghế sợ tôi tốn tiền.
Trong gió cát mờ mắt, tôi thấy tôm thật đậm đà.
Tôi bắt chuyện vu vơ và hỏi về chồng con của chị.
Nghe giọng chị hạnh phúc tôi phán một câu chung chung: “cuộc sống của các chị đây coi ra thì vất vả về thể xác một chút nhưng tinh thần thật thoải mái, không căng thẳng như chúng tôi bên đó.”
Chị đỡ lời tôi ngay: “Căng thẳng lắm chị!
Không đơn giản như chị tưởng.
Chị có khi nào lo sợ chồng chị đi làm mà không bao giờ về nữa không?”
Tôi lắc đầu.
“Chồng em đi đánh cá, mỗi đêm là em mỗi phập phồng.
Khi bão lớn mà chồng em chưa về thì em cảm thấy mình già đi mấy tuổi.
Đã mấy lần thuyền bị lật mà chồng em may sao vẫn chưa mất mạng.”
Tôi nhìn ra những chiếc thuyền thúng tròn nhỏ đang lao chao trên biển trong nắng chói chang, rồi quay qua đỡ con tôm từ tay chị và ăn một cách rất thận trọng.
Đây là do công sức của nhiều người tôi mới có được bữa ăn đó.
Tuy mùi khuynh diệp nơi đây không nồng đủ, tôi rời Dốc Lết cảm thấy lòng mãn nguyện.
Đã đến ngày tôi phải bay ngược ra Huế để thăm các con tôi, 42 đứa trẻ của Hội Friends of Huế Foundation (www.friendsofhue.org).
Huế thân thương vẫn đang còn say sưa trong hương vị Tết nhưng không may cơn lạnh miền Bắc đã xâm lấn đất Thần kinh.
Tôi đến thăm Trung tâm trong khí trời lạnh giá.
Tuy nhiên, đêm hôm đó chúng tôi cảm thấy thật ấm vì hơn 50 người vừa trẻ con vừa người lớn (tôi và các bảo mẫu) ngồi xung quanh căn phòng học nhỏ hàn huyên tâm sự.
Ánh mắt các em sáng rỡ trong niềm vui, nụ cười nở ròn tan trong sự hân hoan.
Có ai biết được quá khứ của mỗi em khó khăn sóng gió như thế nào.
Nơi đây, các em đã có đại gia đình sống trong tình thương và sự bảo bọc của nhiều người, được như thế này một phần lớn là nhờ công đức của các nhà hảo tâm bên Mỹ.
Đêm tàn tôi đi quan sát nơi các em ngủ mới giật mình khi thấy các em co rúm trong một chiếc chăn mỏng.
Tôi giận run lên và chất vấn các bảo mẫu là tại sao lại để đến tình trạng như thế.
Một chị bảo mẫu rươm rướm nước mắt trả lời: “thưa cô, em cũng định thưa với cô để mua thêm chăn cho các cháu nhưng bận ri chăn mắc quá cô nờ.
Và các thức ăn gạo nước còn mắc hơn.
Hội đã mấy lần tăng chi phí cho mỗi em nhưng chúng em đòi hoài thì sợ Hội hiểu lầm.
Món chi rứa cũng lên quá cao, cô nì.”
Tôi cũng thấy chuyện này trong lúc ở ngoài Hà Nội nhưng không nghĩ nó ảnh hưởng Huế nhiều như vậy.
Theo báo chí thì vật giá leo thang đến 14% nhưng lương bổng cho công nhân vẫn vậy.
(Ngày tôi gửi bài này đến tòa soạn thì vật giá đã lên đến 17%.)
Tôi vẫn không chấp nhận để các em nằm trong cơn lạnh này, nhất là các phòng đều không có máy sưởi.
Tôi yêu cầu các chị là bằng mọi giá ngày mai các em phải có thêm chăn.
Tôi hỏi: “nhưng đắt là đắt bao nhiêu, thưa chị?”
“Phải chăn Trung Quốc thì mới ấm, mà một cái thì khoảng 170,000 ngàn chị Jenny à.”
“Tại sao chúng ta từ trước đến giờ không chuẩn bị chăn ấm này cho các cháu để giờ phải ra cảnh này?”
“Thưa chị, vì xưa nay có bao giờ lạnh như chừ đâu. Lần cuối là khoảng 40 năm trước.”
Đêm hôm ấy tôi mới nếm mùi.
Khi về khách sạn, tôi bật máy sưởi lên 30 độ C và ngồi chùm chăn để chờ người được ấm lại.
Ngồi mãi, càng ngồi càng lạnh.
Tôi gọi tiếp tân cho người lên xem tại sao máy sưởi không ấm.
"Thưa chị, máy của khách sạn chúng em chỉ có một chiều thôi chị ạ.”
Tôi mới hiểu ra là máy này chỉ là máy lạnh mà không có máy sưởi.
Đã lạnh tôi còn bật thêm máy lạnh!
Đêm ấy tôi mặc quần jeans, 2 đôi vớ và 5 cái áo để đi ngủ.
Ngày hôm sau, người bảo mẫu hớt hải vào phòng làm việc của tôi và báo cho tôi biết là giá chăn đã tăng lên 230,000 đồng một cái.
Tôi đồng ý cho chị mua với giá này.
Đến chiều chị lại lấp ló trước cửa phòng họp của chúng tôi.
Tôi mời chị vào và chị rụt rè nói là không tìm đủ số lượng chăn ấm.
Chị cho biết thông tin ở ngoài chợ là chăn bắt đầu không còn để bán.
Các cửa tiệm thông báo cho Hà Nội để chở thêm chăn vào.
Ngay hôm đó, xe chuyển hàng đang đi giữa đường vào Huế thì bị điều trở lại Hà Nội vì nhu cầu ngoài Bắc cao hơn.
Khách mua hàng từ Trung Quốc phải qua Việt
Nam để mua lại chăn chính họ nhập qua, bây giờ mua lại giá một gấp hai.
Cuối cùng chúng tôi chỉ mua được 20 cái chăn và các em phải ngủ chung giường để đủ ấm.
Sáng hôm sau các em gặp tôi cám ơn rối rít.
“Chăn ấm quá cô nì.”
Đương đầu với cái lạnh và bao nhiêu chuyện phức tạp của công việc Hội FHF, tôi cũng không nhớ đến chuyện đi tìm cây khuynh diệp.
Lo xong mọi chuyện cho Trung tâm, tôi lại cùng một số tình nguyện viên đi thăm các vùng lân cận nơi bị bão lụt của năm 2007 tàn phá.
Biết bao nhiêu nơi cần sự giúp đỡ của hội FHF, hội không thể nào giúp cho xuể.
Một nơi đã gây lại ấn tượng cho tôi là xã Quan Hòa.
Nơi này là một trong các vùng thấp nhất của Tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đường vào xã chỉ như con
đê hẹp rộng độ 2 mét ngang.
Xung quanh là ruộng lúa nước xanh thắm.
Nhưng khi lụt đến thì các xã ở khu vực này chìm trong biển nước mênh mông.
Bao nhiêu xã hợp lại cũng không có được một ngôi nhà hai tầng để chạy khi nước lên.
Trong thời gian bị lụt của năm 2007 vừa qua thì các xã này bị cách biệt hẳn với các xã lớn bên ngoài.
Cả tuần lễ sau mới có thuyền vào để cứu người già và trẻ em.
Người dân nơi đây van xin chúng tôi xây thêm tầng 2 cho ngôi trường làng để họ có nơi chạy lụt trong mùa nước dâng.
Chúng tôi đến khảo sát ngôi trường mới cảm thấy thật xúc động.
Ngôi trường chỉ là một căn nhà cũ lụp xụp 3 gian nền đất, nơi tập trung 76 trẻ em đi học hàng ngày.
Hai người chủ nhà bên cạnh ngôi trường thấy chúng tôi đến liền chạy ra.
Họ nói rằng nếu chúng tôi cần thêm đất để xây cầu thang cho trường thì họ xin dâng vì sự cần thiết quá cao.
Họ mong cho con cháu trong làng có thêm chỗ học, đồng thời có tầng lầu cao để dùng làm nơi chạy lụt.
Dân làng đã thu góp lại được 100 triệu đồng và mong hội chúng tôi giúp cho phần còn lại của cuộc xây cất.
Tôi rất muốn nhận lời nhưng không dám vì vẫn cần phải thông qua Ban Chấp Hành FHF.
Khi xe chúng tôi chuẩn bị ra về thì có người chạy theo và hỏi xem chúng tôi có thể giúp gì được cho một gia đình có 2 người vừa bị chết.
Tôi hỏi cặn kẽ hơn thì được biết rằng nạn nhân là một đôi vợ chồng trẻ làm nghề đánh cá tôm ở xã này.
Để gia tăng thu nhập họ sử dụng bình điện xe hơi cho dây chạy vào trong nước để điện giật chết những con vật sống dưới nước quanh đó.
Kết quả là bao nhiêu cá to tôm nhỏ rùa già lươn non trứng mỏng rắn rít gì ở vùng nước lân cận đều bị giết chết.
Họ chỉ cần nhẹ nhàng lấy lưới vớt lên và đem bán.
Lần này, không may vì bất cẩn, người chồng đã để hở tay và bị điện giật.
Vợ thấy vậy chạy lại cứu chồng và cũng bị mất mạng theo.
Sanh nghề tử nghiệp.
Một anh tình nguyện viên nhún vai nói: “Chị thấy người mình có
hai tếch không?
Mình chẳng thèm câu từng con một, mình phải giết cả sông mới được.”
Đây là phương cách “đánh cá” đang rất thịnh hành ở các nơi mặc dù có sự cấm đoán khắt khe của chính quyền. Hai vợ chồng xấu số này mất đi để lại 6 đứa con thơ.
Mọi người đề nghị là chúng tôi nên nhận các em vào Trung tâm để nuôi.
Tôi liền cho nhân viên FHF điều tra thêm vấn đề này.
Nhưng điều làm tôi băn khoăn là người dân bất chấp hậu quả tìm kế sinh nhai bằng những phương thức nguy hiểm và bất hợp pháp để rồi phải trả những cái giá thật đắt. Vì miếng ăn, nhiều người đã không màng làm thiệt hại môi trường và nguy hại đến tính mạng.
Lòng buồn buồn tôi tạm biệt xã Quan Hòa để đi lên xã Thụy Biều, vùng ngày xưa có giam nhiều tù binh, để thăm những gia đình nghèo mượn tiền vốn của Hội FHF để trồng rừng cao su.
Những đồi cao su xanh mạnh mẽ nhưng
mùi hương khuynh diệp lúc đó như đã bay rất xa tôi.
Rời Thụy Biều, chúng tôi đến một làng nhỏ ở xã Phú An.
Làng này chỉ có 47 gia đình, tổng cộng dân số khoàng 350 người.
Làng nhỏ, nhu cầu nhỏ, người dân sống mộc mạc và đơn giản. Họ không xin chúng tôi giúp đỡ gì cả.
Nhưng trời đất xui khiến cho chúng tôi gặp một đám tang đang trên đường ra bãi tha ma.
Đường đưa người quá cố về nơi yên nghỉ đòi hỏi người ta phải đi qua một chiếc cầu xi măng rất hẹp bắc ngang con kênh nông đầy bùn ngăn trở Phú An với bên ngoài.
Rất tiếc là chiếc cầu cũ đã lòi sườn sắt lại quá hẹp không đủ chỗ cho hai hàng người khiêng quan tài đi qua.
Muốn dùng thuyền cũng không được vì kênh cạn không đủ nước.
Thế là người phải khiêng hòm xuống kênh, lội bùn nặng nề từng bước tiến, vất vả chông chênh mãi mới qua được bên kia bờ kênh.
Từ bao năm nay người chết ở vùng này đã phải gian truân như thế mới đến được nơi an nghỉ.
Chúng tôi trong hội FHF nhìn nhau và biết là mình phải làm gì.
Tuy không tìm ra hương vị khuynh diệp tại đất Thần kinh, tôi đã quên hết đi căn bệnh của mình và cảm thấy ngày sao quá ngắn.
Trên đ
ường về, tôi thấy bóng tôi như một trong những người khiêng quan tài.
Xác nặng hai vai, chân nặng bùn, chậm rãi tiến về phía trước.