Monday, May 26, 2008

Song of the drunken poet

This drunken poet does not have Rimbaud's drunken boat (bateau ivre)

. . .

Et dès lors, je me suis baigné dans le Poème
De la Mer, infusé d'astres, et lactescent,
Dévorant les azurs verts ; où, flottaison blême
Et ravie, un noyé pensif parfois descend ;

Où, teignant tout à coup les bleuités, délires
Et rhythmes lents sous les rutilements du jour,
Plus fortes que l'alcool, plus vastes que nos lyres,
Fermentent les rousseurs amères de l'amour !

. . .

Arthur Rimbaud

[. . . And henceforth, I bathed in the Poem
Of the Sea, infused with stars and turned into milk,
Devouring the green azures; where, drifting faintly
And delightedly, a pensive drowned man sometimes goes down;

Where, suddenly dyeing the bluenesses, deliriums
And slow rhythms under the gleams of daylight,
Stronger than the alcohol, vaster than our lyres,
Ferment the bitter rednesses of love! . . .]

This drunken poet can only write a song.

Here it is.

Bài ca gã say thơ

Bóng trăng rộng quá, bơi không xuể

Rượu sắp cạn ly, uống mãi chẳng say

Cùng nhau ngồi ngất ngưởng trên mây

Một đám người

Gối mỏi chân chồn, mắt nhìn không ra lối

Đầu óc xoay tròn một câu hỏi

"Ta là ai?"

. . .

Chẳng có tiếng trả lời

Chúng ngơ ngác đòi đi tìm chân lý!

Ôi, một đám tâm thần phân liệt

Nửa thân người quằn quại lao đao

Gãi rách vết thương, rồi nghiện cơn đau

Nửa người còn lại

Là khoảng không trống rỗng

Nhưng thừa chỗ chứa linh hồn tê dại

Như bệnh nhân vừa bị đánh thuốc mê

Đang mộng du để đi tìm hủy hoại!


Nào, ta cùng ngâm bài "Tương Tiến Tửu"

Hồn ở đâu, Lý Bạch hay Vương Duy?

Hãy cạn chén mau mau, đêm nay

Chẳng còn dài mấy nữa!


Nhạc sĩ bạn ta

Cứ lầm thơ là nhạc

Tôn họ Trịnh làm thi sĩ muôn đời

Tấu nhạc lên như một khúc thở dài

Vết lăn trầm đã trở về cát bụi[1]

Ôi cát bụi tuyệt vời

Người đi rồi, còn ai ngóng tin vui?


Nhà văn ngồi bên đang khắc khoải

Mình giờ đây làm báo hay văn?

Đám bạn bè xưa ra đi lặng lẽ

Còn riêng mình ở lại với mình thôi

Ôi tháng năm

Nhớ thuở bột bồng tình trai trẻ

Mắt cùng chung lệ

Khóc cho những mối tình xa

Ở tận chân trời Budapest[2]

Rồi khi bóng sắp xế tàn

Dìu dắt nhau về căn nhà trầm mặc

Nhìn vào nhau để thấy những miếu đền[3]


Bạn giáo sư văn chương

Trong men rượu thả hồn về Hy Mã

Những huyền thoại bi hùng

Nghe rồi tưởng thấy mình đâu trong đó

Bạn cứ hỏi Shakespeare rồi sẽ rõ

Đời chỉ là chiếc bóng biết đi

Một kẻ đóng tuồng vênh vang điệu bộ

Một câu chuyện toàn âm thanh và cuồng nộ

Mà người kể là một gã ngốc si[4].


Nàng họa sĩ vẽ tranh theo vần điệu

Nhịp cọ tung bay theo bóng hạc vàng

Đã bay xa về vùng trời Thôi Hiệu

Bỏ mình nàng ở lại với tiếc thương

Nàng sẽ tìm say mê trong giao hưởng mới

Âm điệu trỗi lên trên lá cỏ sáng ngời[5]

Nàng chợt vỡ: "Thơ cũng là thể xác"

Và từ đó thơ cũng là khoái lạc

Nên lúc thơ tàn lòng bỗng thấy âm u

Chờ đêm về ngắt cánh hoa tàn ác[6]

Nghe quạ kêu nhắc cuộc sống phù du[7].


Ly rượu cuối ta rót cho người tình

Uống say xong nàng sẽ bỏ ta đi

Để lơi lả với chàng nhà quê Nguyễn Bính…

Còn ta vẫn ngồi lại

Hầu chuyện với Tố Như.


Ôi Tâm Linh

Ta muốn bay về gò Calvaire tìm cứu rỗi

Cặp cánh mỏng chuồn chuồn[8]

Còn lẩn quẩn giữa năm ngón Như Lai

Như con khỉ, thần thông mà chẳng thoát[9].

Đi một bước, xa thêm mười bước

Phải chăng ta chưa sống đủ kiếp người?


Ôi bạn ta, đã bao lần rồi nhỉ ?

Cùng ta say, cười, khóc, mộng mơ

Hãy nâng chén chào nhau tình bằng hữu

Đốt bài thơ để cúng những hồn thơ

Ngày mai tỉnh sẽ thấy đời xa lạ

Lúc gặp nhau đã chắc nhận ra nhau?

Bạn ta ơi,

Khi ta say là lúc lòng ta Phật

Men bao dung thấm được đến bao lâu?

Nếu tỉnh trước, đừng lay ta bạn nhé.

Đỗ Quý Dân

© 2006 Dan Do – All Rights Reserved



[1] Mượn ý Trịnh Công Sơn

[2] Mượn ý thơ Thanh Tâm Tuyền

[3] Mượn ý thơ Mai Thảo

[4] Mượn lời MacBeth, kịch của Shakespeare

[5] Mượn tựa tập thơ “Leaves of Grass” của Walt Whitman

[6] Mượn tựa tập thơ “Les Fleurs du Mal” của Charles Beaudelaire

[7] Mượn ý bài thơ “The Raven” của Edgar Allen Poe

[8] Mượn cách ví von của Bùi Giáng

[9] Mượn ý truyện Tây Du Ký

No comments:

Post a Comment