Sunday, April 8, 2012

CÁI GƯƠNG HỎNG

Theo lời người thuật, câu chuyện này được lấy từ một quyển nhật ký, có nhiều chỗ đã bị rách hoặc dơ không đọc được. Anh ta quên không cho biết nhật ký nhặt được ở đâu, viết bằng ngôn ngữ gì và nhặt được trong trường hợp nào. Lúc thuật chuyện, mặt anh có nét lo âu nhớn nhác, giọng anh kể nhiều lúc bị lạc đi làm tôi (người ghi lại lời anh thuật) không tập trung vào câu chuyện được. Do đó, mức độ chính xác của những điều tôi ghi lại dưới đây chỉ ở khoảng 50-60 phần trăm mà thôi. Tôi lại không phải là lục sự tòa án, nên chưa được huấn luyện cách ghi chép cho đầy đủ và chính xác. Tôi thành thật xin lỗi vì đã bỏ sót nhiều chi tiết quan trọng. Có lẽ 50 phần trăm (chính xác) cũng là nói quá. Thôi thì bạn hãy coi như đây là một câu chuyện thật dựa trên những thông tin không chính xác.

À, xin thưa với bạn người xưng “tôi” ở phía dưới không phải là tôi mà là tác giả của quyển nhật ký người thuật đã nhặt được. Tôi muốn bạn được nghe người viết nhật ký kia “tự mình” kể lại câu chuyện này.



1.

Ngày… tháng… năm …

Tôi có thói quen hay đứng trước gương ngắm mình vào buổi sáng trước khi đi làm và vào lúc chiều tối khi tan sở về nhà.

Thành phố … (chữ mờ quá người thuật không đọc được), nơi tôi đã lớn lên từ bé, rất nổi tiếng về công nghệ làm gương. Có những tấm gương giá đắt bằng tiền lương tôi làm một năm. Thế mà vẫn có người mua. Tôi may mắn được thừa hưởng tấm gương của cha tôi để lại. Tôi mơ hồ được biết tấm gương đó là bảo vật gia truyền do ông cố phía bên nội của tôi tự tay làm ra. Ông cố tôi đã từng là thợ làm gương nổi tiếng trên đất nước này. Nhiều lúc soi gương tôi có cảm tưởng như thấy hình ảnh của ông cố tôi trong ấy.

Tôi làm kế toán cho sở thông tin thành phố. Tức là nhân viên của nhà nước. Nói là kế toán chứ công việc của tôi chỉ vẻn vẹn là tính lương cho các nhân viên trong sở, và làm sổ sách ghi lại những chi phí của sở cũng như của các xếp khi họ đi thi hành công vụ ở ngoài. Tôi làm toán giỏi, chưa bao giờ có nhân viên nào than phiền bị tôi tính sai tiền lương. Mặc dù tôi làm toán nhanh, những bài tính cộng trừ nhân chia cũng chiếm hết ngày giờ của tôi, nên tôi rất ít khi rảnh rỗi.

Con đường đi từ nhà tôi đến sở không dài lắm. Cạnh nhà tôi có một tu viện bỏ hoang, phía trước có hàng rào sắt (đã hoen rỉ) chạy dài từ cột đá này sang cột đá khác. Tu viện nằm trên một khu đất khá dài, và con đường tôi đi làm mỗi ngày chạy dọc theo khu đất đó. Tôi không rõ tu viện đã bỏ hoang từ thời nào, nhưng ngày nay nhà nước cấm không cho ai vào và để cỏ hoang mọc đầy phía sau hàng rào sắt. Vì thế khu đất của tu viện lúc nào cũng đượm vẻ hoang vắng, mỗi lần đi ngang qua đấy tôi cảm thấy lòng mình lạnh lẽo.

Đi hết khu đất tu viện là đến công trường L. Bên kia công trường là cây cầu đá bắc ngang sông H (trong nhật ký tên công trường và tên sông viết tắt, người thuật lại chuyện cũng không rõ tên gì, nên cứ để nguyên như thế). Bên kia sông là sở thông tin nơi tôi làm việc sáu ngày trong tuần.

Hôm qua giám đốc gọi tôi vào văn phòng. Ông bảo tôi cho A (cũng viết tắt) nghỉ việc. A làm việc rất giỏi, cả sở ai cũng biết. Tính tình anh lại cởi mở và hòa đồng nên ai cũng mến. Tôi không dám từ chối giám đốc nhưng không nghĩ mình có đủ can đảm và thẩm quyền để làm việc giám đốc nhờ. Tôi đang ấp úng tìm lời nói để thoái thác thì giám đốc đã gằn giọng:

- Anh trả lương cho hắn thì đuổi hắn là hợp lý. Đừng thắc mắc gì cả!

Chao ôi, tôi chỉ là người tính tiền lương chứ đâu phải là người trả lương cho A. Nhưng thấy giám đốc đã quắc mắt và sẵng tiếng với tôi, tôi chỉ biết gật đầu và lặng lẽ cáo lui. Tôi về bàn mình, bỏ dở công việc đang làm, ngồi loay hoay suy tính hết nửa giờ mới nghĩ ra phương pháp để thi hành lệnh của giám đốc. Tôi lấy một tờ giấy, viết lên đó một dòng chữ, đại khái nói là ông giám đốc bảo tôi cho A nghỉ việc. Tôi đến bàn của A đưa tờ giấy đó cho anh. A mở giấy ra đọc rồi ngước lên nhìn tôi, ánh mắt quắc lên như định gây sự. Xong chỉ ngay sau đó, ánh mắt A dịu đi, anh mở ngăn kéo, gom góp vài món đồ bỏ vào cặp rồi bình tĩnh đứng lên, quay lưng đi ra cửa. Anh cũng không quay lại nhìn tôi hoặc nói một lời nào. Tuy áy náy, tôi cũng rất mừng vì đã thi hành xong nhiệm vụ. Tôi nhặt tờ giấy mình viết (A đã để lại trên bàn), xé vụn đi rồi trở lại bàn mình. Sau đó, tôi cứ bần thần không làm việc được nên mãi đến gần 9 giờ đêm mới hoàn tất những công việc phải làm trong ngày. Lúc khoác áo bước ra cửa, tôi tưởng như ai đó đã đem một tấm gương đặt trước cửa sở…

Tôi đang cảm thấy người mệt rã rời.



2.

Ngày … thàng … năm …

Hôm qua tôi mệt nên không đủ sức ghi lại chuyện đã xảy ra cho tôi trên đường về nhà lúc băng qua công trường L. Ai đã sống ở thành phố này cũng biết công trường L xưa kia là một bãi tha ma, sau này nhà nước cho dọn hết mồ mả đi chỗ khác rồi lát xi-măng lên trên. Một pho tượng cao lớn dựng trên bệ xi-măng đứng sừng sững giữa công trường. Đây là tượng của một người đàn ông cụt chân, có chân gỗ gắn thay vào. Người đàn ông tay phải chống gậy, tay trái thọc vào túi áo, vẻ mặt rất nghiêm khắc nên tôi chưa bao giờ dám nhìn lâu vào mặt ông. Từ trước đến nay tôi vẫn không rõ ông là ai, chỉ đoán lờ mờ là một người đã có công lớn trong cuộc cách mạng đẫm máu của dân tộc ngày trước. Lúc cuộc cách mạng xảy ra, tôi chỉ là đứa bé lên năm nên không có một ấn tượng nào về các biến cố lịch sử ngày đó.

Tôi đi ngang qua công trường L vào khoảng 9 giờ tối. Bóng của pho tượng dưới ánh đèn đường hiu hắt bỗng tự nhiên khoác lên một vẻ huyền bí. Tôi ít khi đi ra ngoài vào ban đêm, mọi ngày chỉ đi làm về ngang công trường lúc hoàng hôn chưa chìm vào bóng tối. Tôi biết mình là người nhút nhát nhưng xưa nay chưa bao giờ tôi có cảm giác sợ hãi như tối hôm qua.

Tôi gắng bước nhanh hơn để về đến ngôi nhà quen thuộc của mình. Lúc từ công trường L băng qua đường để đi đến khu đất của tu viện bỏ hoang, tôi chợt nghe thấy một tiếng động lớn như có ai dùng gậy đập vỡ một tấm gương. Tôi quay đầu nhìn quanh không thấy có bóng người nào ngoại trừ một vài chiếc xe gắn máy trên đường. Tôi đứng yên một lúc để quan sát chung quanh rồi lại tiếp tục đi về nhà.

Tôi chỉ vừa đi được vài bước đã nghe có tiếng chân người theo sau. Mặc dù chưa bao giờ để ý đến âm thanh của những bước chân đi bộ, tôi tin chắc tiếng chân sau lưng tôi là của người tàn tật phải chống gậy. Tôi ngoái đầu ra sau mà chẳng thấy ai, bất giác đưa mắt nhìn về phía pho tượng ở giữa công trường. Chỉ thấy pho tượng vẫn sừng sững đứng trong bóng đèn đêm mờ ảo. Tôi cố bật cười để tự trấn an rồi tiếp tục bước chân về nhà.

Lúc về nhà đứng soi gương, tôi thấy tấm gương có một đường gạch dài chạy xéo từ góc trái phía trên xuống góc phải phía dưới. Tôi tưởng gương bị nứt nhưng không phải. Tôi không rõ đường gạch đó là gì nữa. Đứng nhìn mình trong gương, tôi bỗng khám phá ra mình thay đổi rất nhiều, nhưng không xác định được mình thay đổi như thế nào.

Giấc ngủ đêm qua đầy mộng mị, tôi không nhớ rõ mình nằm mơ những gì, chỉ mơ hồ cảm thấy lòng mình không yên ổn.

Sáng nay tôi quan sát lại tấm gương thì thấy nét gạch xéo trên gương đã biến mất. Nhưng tôi có cảm tưởng gương đã mờ đi như bị một làn hơi nước mỏng phủ lên. Tôi đưa ngón tay giữa lên xoa mặt gương thì thấy vẫn khô không dính chút hơi nước nào.



3.

Ngày ... tháng ... năm ...

Giám đốc lại bảo tôi đuổi việc ông K (lại viết tắt). Ông K là phó giám đốc ở sở, quyền uy gấp mấy lần tôi. Nhìn ánh mắt của giám đốc, tôi biết mình không thể nào từ chối trách nhiệm. Tôi soạn tờ giấy giống như tờ giấy đã đưa cho A, và hồi hộp tiến lại phòng riêng của ông K.

Phản ứng của ông K không nhẹ nhàng như của A. Ông đọc xong, bật mấy tiếng chửi thề rồi tát vào mặt tôi một cái nên thân. Người tôi bật về phía sau, tôi không nhớ rõ chuyện gì xảy ra sau đó, chỉ cảm thấy vô cùng tức giận, mặc dù tôi đủ trấn tĩnh để trở về bàn làm việc.

Chiều hôm ấy lúc gần giờ tan sở, giám đốc gọi tôi vào phòng. Ông tự tay mở cửa phòng cho tôi, vỗ vỗ vai tôi rồi khen tôi làm việc giỏi.

- Cậu lần tới cứ nói thẳng lệnh tôi ra, đừng viết lên giấy như thế nữa. Chúng giữ lại tấm giấy đó thì lại lôi thôi phiền phức.

Ông cười cười đưa tôi xem tờ giấy tôi viết cho phó giám đôc K rồi xé nó đi. Ông nói tiếp:

- Cậu làm việc giỏi lắm, không phải sợ chúng nó đâu. Cứ nghe lời tôi, cậu sẽ khá. Tin tôi đi.

Ông mở ngăn kéo, lấy ra một chai rượu đưa cho tôi.

- Cầm về nhà mà uống đi. Trông cậu mệt mỏi rồi đấy.

Quả thật lúc ấy tôi đang cảm thấy mệt mỏi. Cơn tức giận buổi chiều làm tôi mất bình tĩnh. Đầu óc tôi nổi lên những ý tưởng hung bạo cả đời tôi chưa bao giờ có. Tức giận làm tôi rã rượi cả người. Tôi cầm chai rượu, lí nhí cám ơn giám đốc, về bàn thu xếp đồ đạc vào cặp rồi bỏ ra về. Lần đầu tiên trong cuộc đời làm việc, tôi bỏ dở những công việc chưa hoàn tất trong ngày.

Cái thằng K khốn nạn, rồi đây nó sẽ biết tay tôi.

Cái thằng K khốn nạn, rồi đây nó sẽ biết tay tôi.



4.

Ngày … tháng … năm ...

Tôi hiện đang rất xao xuyến. Rất hoang mang. Tôi không còn biết, không còn nhớ tôi là ai nữa.

Tấm gương của tôi càng ngày càng mờ đi, chắc nước sơn ở mặt sau có vấn đề. Tôi cần phải nhờ thợ sửa cho tấm gương gia truyền của tôi sáng lại.

Nhưng cái xao xuyến, hoang mang của tôi không phải từ chuyện đó. Những chuyện dồn dập xảy ra gần đây làm tôi mất thăng bằng. Tôi cảm thấy tức giận mà không hiểu vì lẽ gì. Tôi cũng cảm thấy rất sợ hãi.

Chiều hôm qua trên đường về tôi lại nghe tiếng chân người chống gậy đi phía sau. Tôi quay lại thì cũng vẫn chẳng thấy bóng người nào. Tiếng chân theo tôi một quãng khá xa rồi mới dứt.

Tôi có đang bị mất trí không?



5.

Ngày … tháng … năm …

Bây giờ ngày nào tôi cũng nghe thấy tiếng lộp cộp sau lưng tôi trên đường về nhà mỗi tối. Chắc chắn là có người theo dõi tôi, nhưng tôi không thấy được người ta. Tôi không thèm quay lưng nhìn về phía sau nữa. Tôi sẽ không sợ hãi nữa.

Trời ơi, sao lòng tôi cứ bồn chồn mãi thế này?



6.

Ngày … tháng … năm …

Cái răng cửa của tôi bị lung lay. Từ ngày thằng K tát vào mặt tôi. Thằng K sẽ chết với tôi nếu tôi bị mất cái răng cửa.

Cái thằng K khốn nạn, mày sẽ chết với tao!

Cái thằng K khốn nạn, mày sẽ chết với tao!




7.

Ngày … tháng … năm …

Người thợ sửa gương báo cho tôi biết tấm gương gia truyền của tôi bị hỏng. Không sửa được.

- Những cái gương cổ như cái gương của ông đang bị hỏng ở khắp thành phố. Không ai hiểu rõ nguyên nhân. Tôi nghĩ là có chất ẩm lạ trong không khí hôm nay mà ngày xưa không có. Gương cổ không quen với chất ẩm này nên bị mờ đi. Đã đến lúc phải vứt những tấm gương này đi rồi, ông ạ.

Tôi phải vứt cái tấm gương gia truyền do ông cố tôi để lại? Tôi phải vứt tấm gương của tôi đi? Trời ơi, tôi phải vứt nó đi hay sao?



8.

Ngày … tháng … năm …

Tôi được nghỉ phép một tuần. Hôm qua tôi vào thư viện để tìm hiểu về công trường L và về pho tượng người đàn ông cụt chân.

Đây là những bản tin tôi tìm thấy trên vài tờ báo cũ (cũ lắm) còn lưu trữ ở thư viện.

Bản tin thứ nhất:
Ngày 17 tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thanh Niên đã trao huy chương Sao Bạc cho ba cựu đoàn viên của Đoàn Thiếu Niên Tình Nguyện số 3 trong thời kỳ đấu tranh cách mạng. Ba chiến hữu này đã từng là Đoàn viên số 6, số 7 và số 18 của Đoàn Thiếu Niên Tình Nguyện số 3.

Được biết là Đoàn Thiếu Niên Tình Nguyện số 3 trước kia gồm 38 đoàn viên, nhưng 35 đoàn viên đã hi sinh khi tình nguyện băng qua một bãi mìn trước đồn địch để mở đường cho cuộc tiến quân của sư đoàn 40. Duy có Đoàn viên số 6, số 7 và số 18 còn sống sót mặc dù bị thương nặng.

Đoàn viên số 6 bị mất một chân. Từ ngày mất chân, anh được các chiến hữu đặt biệt danh là Sáu L. . . .


(Không hiểu vì lí do gì, người thuật chuyện không cho tôi biết tên của những người trong chuyện.)

Bản tin thứ 2:
Tòa án quân sự vừa lên án tử hình 108 tên phản quốc đã âm mưu phá hoại cuộc cách mạng của nhân dân trong tiến trình thành lập nền cộng hòa trên đất nước ta. Tòa đã giao cho chiến hữu Sáu L nhiệm vụ hành hình các tội phạm phản quốc. Chiến hữu Sáu L đã từng được nhà nước trao huy chương Sao Bạc để tuyên dương tinh thần hi sinh cho cách mạng. Được biết chiến hữu Sáu L đã cho dựng một bộ máy chém tại khu đất trống ở nghĩa địa cũ trong thành phố . . .

Bản tin thứ 3:
Sáu L, nguyên Trưởng phòng An Ninh Quân Đội, vừa bị Hội đồng Quân Nhân Cách Mạng cách chức. Sáu L trước kia là một đao phủ thủ giết người không gớm tay, đã từng ra lệnh hành quyết hơn 300 nạn nhân trong chiến dịch Duyệt Công Luận Tội do Hội đồng Cách Mạng Nhân Dân khởi xướng năm năm về trước. Được biết tòa án quân sự chỉ tuyên án tử hình 108 tội phạm, nhưng Sáu L đã tự tiện ra lệnh hành quyết hơn 300 người. Vì Sáu L trước kia đã có công với cách mạng, Hội đồng Quân Nhân Cách Mạng đã khoan hồng, không chuyển hồ sơ Sáu L qua tòa án quân sự . . .

Thì ra người đàn ông kia đã từng là một anh hùng cách mạng. Một thiếu niên đã dám hi sinh tính mạng để giải tỏa cả một bãi mìn. Dù ông có giết hơn 300 người như báo chí tường thuật, bọn người đó không ít thì nhiều đã có ý định phản bội cách mạng. Tôi thực tâm ngưỡng mộ ông ta.

Cái răng cửa của tôi đã bị gãy. Sáng nhìn vào gương, tôi chỉ thấy một khuôn mặt mất răng, dị hợm. Cái thằng K, mày bây giờ ở đâu?

Tấm gương gia truyền của tôi càng ngày càng mờ đi, không có cách gì sửa được.



9.

Đù mẹ mày K, mày đã chết chưa, mày đã thấy thế nào là bị người khác đánh chưa, mày đừng tưởng mày ăn hiếp được ai thì cứ ăn hiếp, tao đã ném đá cho mày vỡ đầu đấy con ạ, tao đã trả được cái thù mất răng, tổ cha mày, đù mẹ mày, ôm đầu máu có sướng không con, bố sẵn sàng gãy mấy cái răng nữa, bố hiền mày cứ tưởng bố mày sợ, bố mày không sợ đâu, bố mày ném mày vỡ đầu là còn nhẹ, bố mày còn chưa lột xác mày là may đấy con ạ.

Mày đừng tưởng, bố mày hàng ngày đồng hành với người hùng cách mạng đấy, bố mày quen với sát thủ nổi tiếng đấy, bố mày chẳng sợ ai cả, bố mày nếu có dịp dùng chân đạp nổ mìn bố mày cũng sẵn sàng làm, mày có dám vậy không, thằng mặt chó, bố mày sẽ chém đầu lũ mất dạy như chúng mày, à còn cả thằng giám đốc nữa, bọn mày toàn một lũ chó đẻ.

Bọn mày toàn một lũ chó đẻ. Bọn mày toàn một lũ chó đẻ.



10.

Hôm nay ngày mấy nhỉ? Tôi không nhớ. Cũng chả sao. Thời gian không là chuyện cần phải nhớ. Tôi vẫn đi làm. Đồng nghiệp của tôi thân mật với tôi hơn thì phải. Tôi trò chuyện thường xuyên với họ trong sở.

Xếp tôi tuyển vợ thằng C vào làm việc. Tôi ghét cái thằng C này, lúc nào nó cũng xum xoe với xếp. Mắt nó lúc nào cũng láo liên, miệng cười giả tạo. Thế nhưng con vợ nó trông được ra phết. Hình như xếp cũng thích vợ nó, cho ngồi luôn vào bàn thằng K dạo trước.

Tôi được xếp cho rượu hàng tuần. Uống cũng tạm được.



11.

Tiếng chân theo sau lưng tôi dạo này bắt đầu nhẹ đi. Và hình như quãng đường có tiếng chân càng ngày càng ngắn hơn. Có dạo tiếng chân kia đã theo tôi đến tận nhà. Ngày tôi ném đá vỡ đầu K, tiếng chân còn vang lên khi tôi đứng ngắm mình trước gương.

Tôi cảm thấy băn khoăn trong lòng. Tôi sợ sẽ không còn được nghe tiếng chân kia nữa.

Cái gương của tôi hình như hơi sáng ra, không còn mờ như mấy ngày trước. Tôi mừng quá.



12.

Tôi chợt có một ý nghĩ táo bạo. Biết đâu tiếng chân tôi nghe mỗi ngày trên đường về lại chính là tiếng chân của tôi. Ừ nhỉ, tại sao tôi chưa bao giờ nghe thấy tiếng chân của hai người? Tại sao, nếu tiếng chân kia không là tiếng chân của chính tôi?

Tôi cảm thấy rất thích thú. Tôi đã đưa ra được một giả thuyết rất hay, rất có lý.

Cái gương ở nhà vẫn bị mờ, mặc dù có sáng ra được chút it.



13.

Tôi là ai? Tại sao tôi lại mất tiếng chân tôi? Tại sao?

Đã hai ngày tôi không nghe thấy tiếng chân sau lưng nữa. Tôi đã quên thời gian. Tôi lại để mất tiếng chân. Âm thanh kia đã chứng minh sự hiện hữu của tôi. Cuộc sống cần phải có âm thanh. Không có tiếng chân, chung quanh tôi chỉ là một màn đêm yên lặng. Chắc tôi đang ngủ, đang mơ. Chứ nếu không, tại sao lại không nghe thấy tiếng chân? Tại sao lại chỉ có im lặng ở chung quanh?

Đã mấy ngày tôi không soi gương. Tôi cũng không còn tiếc nuối cái gương gia truyền kia nữa. Dù gì nó cũng đã hỏng, không chữa được.




14.

Tôi chắc phải ra đi. Không thể ở lại nơi đây được nữa. Tôi đã đánh mất tất cả.

Hôm qua về nhà, tôi chỉ nghe một bầu tĩnh lặng ngập tràn thành phố. Dù mấy hôm trước tôi không nghe thấy tiếng chân, tôi vẫn cảm thấy có người theo sau tôi. Hôm qua thì không thế. Hôm qua tôi biết rõ chỉ còn một mình tôi trong bóng đêm.

Lúc về soi gương, tôi cảm thấy an ủi vì tấm gương đã sáng hẳn ra. Nhưng hình như gương lại khác hẳn mọi ngày.

Và tôi chợt nhận ra điểm khác biệt đó. Gương vẫn treo ở chỗ cũ. Sáng hơn mọi ngày. Nhưng tôi soi gương mà không thấy hình mình trong đó.

Chỉ thấy trong gương là một căn phòng trống không người…

* * * * *

Người thuật chuyện bỗng dưng cắt ngang rồi vội vã ra về. Tôi nài nỉ anh ta ở lại kể tiếp nhưng không được. Anh ta bảo chữ viết ở phần cuối quyển nhật ký nguệch ngoạc không đọc được, vả lại cũng chỉ còn có khoảng hơn một trang mà thôi. Anh bảo sẽ cố tìm hiểu trang cuối rồi sẽ kể tiếp cho tôi nghe. Anh bảo cần về sớm vì trời đã bắt đầu tối.

Nghe giọng anh cuống quýt, tôi đoán anh sợ bóng tối.


Đỗ Quý Dân
San Jose, April 2012

No comments:

Post a Comment