Friday, June 19, 2009

Thi Sĩ và Nàng Thơ

Em đã lìa xa miền ngôn ngữ
Để anh chết đuối giữa biển thơ
Trăng xưa hấp hối tìm hơi thở
Suối cạn vẫy vùng chúa kình ngư

Em đã bay qua vùng mộng lạ
Để anh quanh quẩn chốn trần ai
Chiều hôm lột xác tìm bản ngã
Thét vang cho vỡ bóng đêm dài

Em đã quên dòng sông ký ức
Để anh lạc lõng cõi nhớ mong
Đêm mơ thấy tiền thân tỉnh giấc
Khơi đống tro xưa nhúm lửa hồng

Em đã quay lưng về giác ngộ
Để anh vật vã với ăn năn
Nửa đêm bừng tỉnh nghe chuông đổ
Trăng khuyết bẻ cong cõi niết bàn.

Đỗ Quý Dân

© 2009 Dan Do – All Rights Reserved

6 comments:

  1. Thi sĩ có thể giảng về câu thơ cuối được không?
    Tôi thấy câu này khó đọc (vì nó không vần), và rất khó hiểu.

    Cảm ơn thi sĩ nhiều,
    A reader

    ReplyDelete
  2. Bài thơ này thực ra chẳng có gì cao siêu. Người viết chỉ muốn nói lên giới hạn của thi sĩ và cái vô hạn của thơ. Thơ vượt qua giới hạn của ngôn ngữ ("Em đã lìa xa miền ngôn ngữ"), của trí tưởng tượng ("Em đã bay qua vùng mộng lạ"), của những kinh nghiệm và hiểu biết của con người ("Em đã quên dòng sông ký ức"), và vượt khỏi tâm linh ("Em đã quay lưng về giác ngộ"). Tôi dùng chữ "giác ngộ" làm biểu tượng cho tâm linh (và tôn giáo). Và đường cong của vầng trăng khuyết cũng chỉ là biểu tượng cho cái đẹp nhìn qua một góc cạnh có "tính cách khám phá"(mặc dù chẳng có gì là mới), giống như khám phá ra những đường cong mới từ cơ thể người tình. Sự khám phá này có thể làm tâm linh lạc hướng trên con đường tìm giác ngộ. Và từ đó thi sĩ sẽ còn phải "vật vã với ăn năn."

    Tôi không thích làm thơ vần, vì vần làm cho thơ bị giới hạn. Tôi đã viết hai bài thơ tự do về Nàng Thơ cũng dựa trên những khái niệm tương tự. Nhưng lần này tự nhiên tôi muốn "hoài cổ" một chút, nên trở lại làm thơ vần như mấy chục năm về trước. Vần thơ gieo ở đây được dựa vào cách gieo vần của Pháp gọi là "rimes croisées" (ABAB, "ngộ" vần với "đổ", "năn" vần với "bàn"), và luật bằng trắc cũng thay đổi một chút. Tiết tấu ở đây là "bằng trắc, trắc bằng, trắc trắc bằng." Tôi thích thơ tự do, nhưng vẫn quan tâm đến nhạc tính của thơ. Câu cuối cùng của bài thơ này vẫn còn nhạc tính đôi chút, nếu đọc liền với câu trước. Đọc lên nghe không tệ lắm đâu.

    Cám ơn "Anonymous Reader" đã chiếu cố đến bài thơ của tôi. Có dịp, mình sẽ bàn nhiều hơn về thi ca, nhất là thi ca Việt.

    Nếu có thể, Anonymous Reader cho Thi Sĩ Say được biết quý danh để tiện hầu trò chuyện.

    ReplyDelete
  3. Cái đẹp của trăng khuyết là ở đường cong. Cái đẹp của người đàn bà cũng ở những đường cong. Đường cong của người tình làm cong đi cái ước muốn được giác ngộ. Đường cong của vầng trăng khuyết là biểu hiệu cho tất cả những cái đẹp có thể xúi dục ta rời bỏ niết bàn!

    ReplyDelete
  4. Ồ, ý thơ thật sâu xa!
    Cảm ơn thi sĩ đã giảng ý giùm tôi và ngỏ ý kết giao

    Tôi là một ni cô "tập sự" thi sĩ ạ, tên đời thì đã quên, tên đạo còn chưa xứng, trong lòng đã có lúc tĩnh lặng như hồ thu, tưởng như cõi niết bàn không còn xa là mấy, vậy mà rồi vẫn có lúc lại cuộn sóng phong ba mù mịt bụi trần, không còn thấy con đường giải thoát đâu nữa…

    Tôi có duyên được đọc thơ thi sĩ, song e không có duyên được gặp mặt thi sĩ.
    Thôi thì xin thi sĩ vui lòng coi tôi là một người đọc vô danh quen thuộc vậy, chẳng hay thi sĩ có cảm phiền không?

    ReplyDelete
  5. Niết bàn và bể khổ chẳng xa nhau là mấy. Chỉ cách nhau mấy làn sóng khuấy động của nội tâm. Nếu hôm nay có phong ba thì ta về nhà trùm chăn đắp kín người, có cớ để lười biếng. Hôm nao lòng tĩnh mịch như hồ thu thì nên cười vang và tự nhủ mình đã quẳng thêm được một gánh rồi.

    Cái khổ là đôi khi ta thất vọng vì thấy đời mù mịt không lối thoát và sự thất vọng kia lại làm ta thêm hoang mang, như xoáy nước cứ liên tục cuốn ta xuống đáy sông. Đừng để sóng gió, bụi trần làm ta bận tâm. Sóng gió là tự nhiên, bụi trần là kiếp người, không nên cưỡng. Cái buồn nhiều khi là cái đẹp, cái khổ là sức mạnh. Trong bóng tối có ánh sáng.

    Mong "Ni Cô" tìm được sự bình yên trong tâm hồn.

    Dưới đây là bài thơ có tựa là "Bóng Tối" đã đăng trên blog này. Đề NC đọc chơi cho vui vậy.

    BÓNG TỐI

    Bóng tối rơi xuống trần
    Tháo đi màu ánh nắng
    Cho nhân gian bình đẳng
    Cho người bớt phân vân
    Khi về qua lối vắng

    Những nuối tiếc nặng nhẹ
    Những phiền muộn mông lung
    Quay mặt đi thật khẽ

    Đứng trước ngã ba đường
    Chân bước thôi ngập ngừng
    Thuận đường thì cứ rẽ

    Thực hư dưới mặt trời
    Bóng tối phủ đi rồi
    Giờ đây toàn mộng ảo
    Hỏi đời có thật không?
    Hỏi mình có thật không?

    Câu hỏi trong bóng tối
    Va vào vách hư vô
    Vang vang vào vời vợi
    Vọng về nguyên câu hỏi.

    Giấc ngủ về bước nhẹ
    Mộng mở cửa sẽ sàng
    Từng bước nhỏ nhẹ nhàng
    Lạc vào vùng ảo giác
    Vô sắc thành hữu sắc
    Tịch lặng hóa nhạc thơ
    Sắc không, tâm lác đác
    Hờ hững chẳng ngóng chờ
    Thân trở về cõi thực

    Bóng tối sinh ra mộng
    Mộng làm quên bóng tối
    Bóng tối xóa bóng tối

    Chợt mưa từ đâu tới
    Bùn lầy vương gót chân
    Vách hư vô chợt vỡ
    Giọng trầm mất tiếng ngân
    Mưa còn mang mang đổ

    Giọt nhỏ biến thành sông
    Cuốn trôi đi giấc ngủ
    Xóa tan đi cơn mộng
    Bóng tối thành hư không.

    Thi Sĩ Say

    ReplyDelete
  6. Ai cũng làm được như thi sĩ nói thì kiếp người nhẹ nhàng quá, còn đâu bể khổ, thì có lẽ niết bàn không còn là một ước vọng (hay niềm tuyệt vọng) xa vời nữa
    Phải chăng thi sĩ thực hành được như vậy thì thi sĩ đã là một tiên ông giữa cõi tạm này rồi.
    Tôi cũng muốn thế, như ai đó, mà nặng lòng quá với một giấc mơ hoang hoải.
    Dẫu biết đời người ngắn ngủi, mà tự mình không cho mình rẽ sang lối khác được, thôi thì đành lòng vậy, cầm lòng vậy…
    Xin mượn lời một bài hát của Phó Đức Phương đáp từ cho bài thơ của thi sĩ.
    Mạn đàm về thơ, xin thi sĩ cho tôi được nợ lại một dịp không xa, tôi sẽ gắng bổ túc thêm vốn kiến thức hạn hẹp của mình về thi ca để có thể hầu chuyện thi sĩ ít nhiều…

    http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=eOPexB9-3q

    Best wishes,

    ReplyDelete