Tuesday, May 13, 2008

a commentary on Nàng Thơ

LƯU NGUYỄN ĐẠT

JENNY, NÀNG THƠ & ĐỖ QUÝ DÂN: NHÂN CÁCH HOÁ NGUỒN THƠ

H

iện tượng thi cảm với người làm thơ đã được nhắc tới nhiều, qua các thời đại và nền văn hoá khác nhau. Văn chương Tây Âu căn cứ vào thần thoại Hy lạp đã dùng Phi Mã, ngựa thần có cánh (pégase/pégasus) lướt sóng gió để tiêu biểu cho nguồn thi cảm như ám chỉ dòng nước tinh khiết mà thi nhân tìm tới để khởi trào sáng tạo. Ngược lại, thi sĩ Đỗ Quý Dân (ĐQD) đã dùng một mĩ tự, một mĩ nhân kế để kích thích thi cảm. Khi đặt tên “nàng thơ” là “Jenny”, thi sĩ Đỗ Quý Dân đã nhân cách hoá nguồn thơ trong sứ mạng tạo sáng tư tưởng thành thi ca, thành cảm xúc.

Đặt tên người là cả một trào lực tình tứ, gắn bó vào đối tượng những nhận định căn bản, những ao ước và kỳ vọng sâu xa. Ý nghĩa của tên có lúc huyền hoặc (Mỵ Sương, Huyền Chân, Huệ Chân), cao siêu (Hùng, Kiệt, Thiên Kỳ, Việt), có lúc thực tế, lý tài (Hiền, Nhàn, Năng, Lộc). Tại sao một nhà thơ Việt lại đặt tên Nàng Thơ mình là ”Jenny”? Phải chăng ông muốn ghi rõ dòng thơ ông xuất phát từ một nguồn mĩ lực, từ những thế cao siêu, đẹp đẽ nhất của dòng sáng tạo hải ngoại? Hay thi sĩ muốn “chơi chữ” trong thế đối âm, đối chiếu từ ngữ như kết thơ trong thể liên thảo,[1] trên căn bản đối thoại “phá cách bổ sung”.[2] Ta hãy tiếp tay với tác giả để tìm hiểu ý nghĩa của mĩ tự “Jenny”, và từ đó, bước vào thế giới thi ca của thi sĩ Đỗ Quý Dân.

Theo quan niệm sáng tạo cởi mở, chúng ta có thể căn cứ vào nhận định của Michel Foucault [3] để cho rằng khi sáng tác xong, tác giả chết đi (trong phép ẩn dụ) để độc giả được ra đời (cũng từ cái ẩn dụ trên). Roland Barthes cũng tuyên bố tương tự khi ông đề cập tới vấn đề này trong “La mort de l'auteur”. [4] Ý muốn nói tác giả không đích thân “hiện diện” trong tác phẩm nữa, nên độc giả toàn quyền tìm hiểu, nhận định và phán đoán tác phẩm trao gửi theo sở trường, kiến thức và trách nhiệm riêng tư của từng người. Nếu tác giả sáng tạo tác phẩm, thì độc giả “tái tạo tác phẩm đó”, như người mua áo đem về sửa lại cho vừa ý, theo đúng kích thước và nhu cầu của mình. Đôi khi từ cái áo đó, người tiêu thụ tái tạo một tấm áo mới lạ khác. Nhưng nếu tiếp tục suy luận như vậy, chúng ta có thể nói rằng “độc giả cũng sẽ mệnh một”, chết đi để một độc giả khác xuất hiện, mỗi lần đọc lại tác phẩm, với những nhận định và phán đoán mới mẻ hơn. Pháp ngữ có danh từ “lecture”, là đọc một tác phẩm; còn “relecture”, tức đọc lại, xét lại tác phẩm đó để tìm ra những khía cạnh khác biệt hoặc để bổ túc cách đọc lúc ban đầu. Tôi đã đọc bài thơ “Jenny” nhiều lần, và mỗi lần lại khám phá thêm nhiều điều mới mẻ về bài thơ đó, mỗi lần lại thấy một “Jenny” mới lạ.

Khác với “Pégase/Pégasus” là giống đực, thơ ĐQD ẩn tướng đàn bà, dưới âm hưởng “Jenny”, vốn là tên của nữ phái, của con gái. Đi sâu thêm một bước, tên này liên âm với “Gin(ger)”, gái gừng, gái rượu, đọc và viết ngắn gọn từ chữ “Virgin”, trinh nữ. Tác giả không những gọi nguồn cảm hứng đích danh là “nàng thơ”, mà còn khoác lên thân phận và sứ mạng Người Thơ một viễn vọng không kém hào hứng, thần thoại. Thật vậy, “Jenny” láy âm với “Genny”, “Ginny”, cố ý hay vô tình nhắc tới GenieJin/Jinn, vốn trong thần thoại văn hoá Hồi là những vị á thần á thánh (spirits, angels), những tiên nga đa diện, đa trạng, dẫn dắt con người vào tội lỗi, hoang lạc, đồng thời cũng đem lại ánh sáng cải thiện, hướng thưọng. Nàng Thơ của Đỗ Quý Dân có lẽ nghiêng vào cái thế nhị trùng, đa ứng, đa dạng đa năng như vậy.

Thoáng qua, người đọc cảm thấy có nhiều nghịch lý trong thơ Đỗ Quý Dân, nhưng nếu đọc lại, phối hợp lại những dị điểm thì lại nhận ra thuần lý ngay trong cùng dòng thơ. Lúc thì “Jenny” có chất “Jen” trong Hoa ngữ (phiên âm từ Zhun, Run) với cái nghĩa nhân từ, nhân ái; lúc thì có “dáng người”, dù bí ẩn như trong cụm từ “Nhân Sâm”, Genseng/Ginseng, khi “Nàng Thơ” phát hiện ban cho tác giả thần dược, dưới hình thức “cẩm nang làm thi sĩ”. Căn cứ vào chi tiết này, độc giả thấy đây là một nhà thơ có học, có khả năng ứng dụng phép tắc thi phú đàng hoàng, có bản lãnh mở túi gấm đời xưa để giải quyết các bí ẩn hiện tại. Nhưng tác giả lại thoải mái với dòng thơ tự do, dù đôi khi để lộ vài âm hưởng cước vận (rime caudale) lẫn yêu vận (rime intérieure), lồng nối ngay trong lòng câu thơ:

Và chỉ cho Anh nơi hò hẹn đôi ta

Ở chốn không là

Chốn ấy Anh đã qua.

Tác giả còn áp dụng Cựu Ước (Old Testament) để so sánh thi nhân và Nàng Thơ với thánh A-đông (Adam) và Nữ tổ Ê-và (Ève/Eva). Có điều lạ là thi sĩ Đỗ Quý Dân, với tư cách tác nhân (actant) lại muốn đổi mình thành Ê-và (bắt chước Eve), vốn là hiện thể của nội lực táo bạo, dụ dỗ A-đông (Adam) vào cảnh đày đoạ trần gian. Chính A-đông mới thực sự “cắn vào Trái cấm” (trái Táo), mong tìm hiểu siêu thực từ “Cây Kiến Thức” (Arbre du Savoir, Arbre de la Connaissance), cũng như tìm hiểu sự đời từ đam mê khám phá dục vọng (Carnal knowledge). Khác với Tôn Ngô Không khi hành hương, mới bỏ trái đào vào miệng, đã thấy tiêu tan hương vị, A-đông sau khi “cắn vào Trái cấm” đã không nuốt nổi vì Trái Táo bị mắc nghẹn ngay giữa cuống họng. Người Pháp gọi xưong gồ nơi cổ họng của người đàn ông (chỉ đàn ông mới có?) là “pomme d'Adam” (Trái Táo A-đông), vốn nhắc tới người đàn ông nguyên thủy ăn “Trái Cấm” mắc cổ họng, không xong sự việc. Có lẽ cũng để xác định, người trần tục (nhất là đàn ông?) chỉ có thể hiểu biết một phần lẽ sống siêu thoát, sâu sắc, tế nhị, huyền linh, huyền hoặc.

Trong hệ thống luật pháp Hoa kỳ, về hình sự tố tụng, bất cứ cuộc điều tra, tìm kiếm tài liệu hoặc chứng cớ một cách bất hợp pháp hoặc trái phép nào (như vào nhà nghi can lục soát không giấy phép Toà) sẽ bị coi là bất hợp pháp “tại gốc”, và sẽ bị Toà bác, không cho phép dẫn chứng, căn cứ vào học thuyết “Poisonous tree doctrine”. Nên những tài liệu hoặc chứng cớ thu lượm từ nguồn gốc trái phép trên được gọi là “trái cấm”, “trái độc” (Fruit of poisonous tree) sẽ không được dùng để chứng minh vụ kiện. Bất khả thực (không đúng, không ăn được). Không biết các luật gia Hoa kỳ khi đưa ra những án lệ trên có mang máng nhớ tới Cây Hiểu Biết / Cây Kiến Thức của Thánh A-đông và Nữ Thánh Ê-và hay không? Sử dụng luật pháp và quyền hành một cách bừa bãi dễ bị kẹt lắm.

Nhà thơ cũng vậy, thường bị kẹt, nên mất (cảm) hứng vào giờ phút chót, khi lâm cảnh hân hoan, tưng bừng nhất của sáng tạo lẫn sinh tạo. Chắc vì vậy mà thi sĩ họ Đỗ đã nhường cho Ê-và ăn trước, rồi mình ăn sau, cho xuôi câu chuyện (mong ăn hết món quà thi hứng). Nhưng nghịch lý hay quan niệm đối nghịch về “đàn ông/đàn bà” chỉ có tính cách tạm bợ, vì sự phân chia nam nữ tính rất “tình cờ” về mặt sinh lý (YYX); có khi còn lầm tính (thân nam, tâm nữ, hoặc ngược lại, thân nữ, tâm nam); hoặc lại bán tính (cơ thể không hoàn chỉnh về một giống tính rõ rệt, ở vào tình trạng lưỡng tính, hermaphrodisme); đôi khi còn lâm vào cảnh “thiến bỏ” (castration) vì nghề nghiệp (hoạn quan, ca sĩ cổ điển giọng kim/castrato), hoặc vì làm con tin, bắt cóc nô lệ Thời Hán Thuộc v.v.. Nhưng cả trong những trường hợp bình thường nhất, theo Gaston Bachelard,[5] nam nữ tính của bất cứ ai chỉ khác biệt độ vài phần trăm: người đàn ông bình thường chỉ có nổi 51% nam tính (khoẻ mạnh, cương quyết, động, hung dữ), 49% còn lại là nữ tính (yếu đuối, nhân từ, lo âu, tĩnh). Còn người đàn bà bình thường cũng chỉ có nổi 51% nữ tính (yếu đuối, nhân từ, lo âu, tĩnh), 49% còn lại là nam tính (bền bỉ, cương quyết, linh động, nóng nẩy). Vậy, quan niệm cho rằng chỉ Thánh A-đông ăn Trái Cấm, vì bị Ê-và dụ dỗ là một huyền thoại. Về mặt sinh lý và tâm lý chung, dù đó là người đàn bà nguyên thủy, Ê-và cũng có thể bị A-đông dụ dỗ và bị đẩy vào tình trạng “Ăn Trái Cấm”, đúng như thi sĩ họ Đỗ phát giác vài chục thế kỷ sau. Thơ đôi khi cũng là sự thật vậy. Một thứ sự thật hoàn nguyên, đối chiếu hư thực. Ê-và chắc lúc đó có râu và cổ họng Nàng sưng lên cục “pomme d'Ève” (Trái Táo Ê-và), nếu bị mắc nghẹn như Thánh A-đông. Không biết trong tình trạng “nửa vời” đó, nhà thơ họ Đỗ ngày nay còn muốn “bắt chước” Ê-và nữa hay không? Nếu còn ý đồ đó, Nhà Thơ cũng sẽ bị kẹt như “chàng ngớ ngẩn Adam” vậy.

Cái tài tình, khôn khéo “bắt chước” mà không bắt chước đó, tác giả đã thực hiện bằng cách lồng vào tác động tiêu thụ hân hoan mắc kẹt mà không mắc kẹt nhiều thành tố khác nhau trong vai vế nhân bản:

“Bước xuống sân khiêu vũ cùng em”.

Ở đây, chữ “cùng” biểu thị quan hệ vừa liên hợp (cùng=với), vừa ở trạng thái tuyệt đối hội nhập (tận/tột cùng, trong cùng). Tiếng Pháp có chữ “connaître” cũng hàm ý như vậy, khi tách và ghép lại thành “con-naître”: sinh-cùng. Muốn hiểu biết người, sự kiện, chỉ có cách độc nhất là phải sinh sống, sinh hoạt cùnghội nhập tận/tột cùng môi sinh đó. Đó cũng là ý niệm kết sinh (symbiosis/ symbiose/co-existence) hội nhập trong đời sống, trong sáng tạo.

Nàng Thơ của Đỗ Quý Dân không phải là người yêu (aimée, beloved one), cũng không phải là nhân tình (amante, lover). Nàng Thơ đó còn đồng loã (chắp cánh) với thi sĩ trong cuộc hành trình tay đôi xa cách phòng the gia đạo, ra khỏi vòng đai lễ nghi “tình yêu vợ chồng”, nặng mùi “luận lý”, yêu sách lung tung. Nàng Thơ đó tận/tột cùng chỉ là “tình yêu” tuyệt đối, vô thường, vô hạn, mà nghi thức và lý lẽ phù phiếm không thể đạt tới.

Thơ Đỗ Quý Dân, [6] một mặt khai diễn bẳng những phủ định tâm thức, xoá bỏ kỳ vọng: “không tầm thường”, “không huyền thoại”, “không...hạnh phúc”, “không...sưởi ấm”, “không ...dừng chân”, “không... bình yên”, “không ...dinh dưỡng”, “không...hồi sinh”, “không ...tự do”, kể cả không “giác ngộ” v.v., mặt kia, lại ẩn dụ những thực trạng biên tế, nhỏ nhoi, căn bản: Nàng Thơ đó còn là giai nhân, yêu tinh, thần tiên, khoái lạc, tia chớp, thay đổi, trỗi dậy, tự hữu v.v. Trạng thái nghịch lý này tức khắc được giải thể để trở thành thuần lý khi ứng dụng ngay những bản thể bổ sung cần thiết, như âm với dương, như bóng tối với ánh sáng, như hư với thực. Lý do là Thơ Đỗ Quý Dân khuyếch xung phạm trù hiện hữu, đam mê và sự thật tới những giới hạn tuyệt đối trong không gian và thời gian, đến mức độ không tưởng, tự hủy để tự tạo:

chốn không là

Chốn Anh đã đi qua

...

Trong vũ trụ vô cùng

Chỉ có Đổi Thay là Tuyệt Đối

...

... Em là tất cả

Với Đỗ Quý Dân, Thơ Nàng Thơ và Tình Yêu, “tất cả” chỉ còn là “cùng” và “tận/tột cùng”, kết hợp thành những trạng thái thâm sâu tạo dựng hiện hữu, vừa phá cách, vừa tái tạo. Cũng trong cái “cùng” và “tận/tột cùng”, có tính cách dẫn giải công án (koan), một vị Thiền Sư đi hành hương đã tới nhà chùa nhổ vào tượng Phật, rồi khi bị dân chúng đánh đuổi, bèn cất tiếng: “Các người hay cho ta biết đâu không có Phật để ta nhổ bây giờ!”

Vậy, trong cái “cùng” và “tận/tột cùng” đó, một nhà thơ cỡ Đỗ Quý Dân khi bị độc giả yêu sách, quay vấn, đã nhiệt tâm trả lời: “Quý Bạn hãy cho tôi biết đâu không là Thơ, không là Tình Yêu, không là Sự Thật Tuyệt Đối để tôi từ bỏ “cẩm nang làm thi sĩ” trong cõi đời trần tục này?

Và đây là câu hỏi chót dành cho người viết bài tham luận, trước khi tạm biệt: “Quý vị hãy cho tôi biết đâu không là Dấu Hiệu, không là Chữ Nghĩa, không là Tư Tuởng Ngang Trái, Hư Thực để tôi từ bỏ cuộc Hành Trình với Trào lực Sáng Tạo?

LƯU NGUYỄN ĐẠT

August 10, 2006

GHI CHÚ

[1] một cách ứng dụng quan niệm liên bản/liên thảo (métatexte / intertextualité) mà Julia Kristeva nói tới trong Semiotiké, Paris, Seuil, 1969.

[2]complementarity & deconstruction

[3] Foucault, Michel, “Qu’est-ce qu’un auteur?”, in Dits et écrits, Gallimard, 1994

[4] Barthes, Roland. “La mort de l’auteur”, in Le Bruissement de la langue, Seuil, 1984.

[5] Gaston Bachelard, La Poétique de l'espace. Paris: PUF, 1957.

[6] Đính kèm toàn thể bài thơ “Jenny (Nàng Thơ)” của tác giả Đỗ Quý Dân:

JENNY (NÀNG THƠ)

Anh đã vì em bỏ rơi người tình bé nhỏ

Những mối tình xưa

Giờ chỉ là những ngôi quán trọ

Anh đã vì em bỏ quên tình yêu chồng vợ,

Em mách cho Anh nghe

Tình yêu ấy giờ đây thành Luận Lý

Em cho Anh cẩm nang làm Thi Sĩ

Và chỉ cho Anh nơi hò hẹn đôi ta

Ở chốn không là

Chốn Anh đã đi qua.

Anh đã vì Em quên vực sâu trước mặt

Nhảy từ Hy Mã xuống lãng quên

Rồi căng buồm lên chiếc du thuyền

Để vượt biển cát vàng trên sa mạc

Địa đàng xưa, vì Em Anh từ bỏ

Chẳng chia tay chàng ngớ ngẩn Adam

Anh bắt chước Eve cắn vào Trái Cấm

Bước xuống sân đời khiêu vũ cùng Em

Anh rất hay đổi thay

Vì Em cần thay đổi

Trong vũ trụ vô cùng

Chỉ có Đổi Thay là Tuyệt Đối

(Nên Em phải thay đổi)

Nên Anh không thể yêu ai mãi mãi

Nên Anh chẳng muốn tin ai mãi mãi

Anh gọi tên Em

Từ chốn cực vi của từng nguyên tử

Là giai nhân – Em không tầm thường thế

Là yêu tinh – Em không là huyền thoại

Là thần tiên – Đừng đề cao Em mãi

Em không là hạnh phúc

Nhưng Em như Khoái Lạc

Bùng lên giữa cơn đau

Của tột cùng thân thể

Em không là bếp hồng sưởi ấm,

Mà là tia chớp nhoáng lên

Sáng hơn cả mặt trời

Em không là trạm dừng chân

Của người lữ thứ

Đang lạc bước trên con đường vô định

Em không là bình yên

Chẳng bao giờ Em cần ngơi nghỉ

Em không là dinh dưỡng

Vì Em luôn vắt kiệt sức Anh

Em không là hồi sinh

Nhưng từ Em Anh ngang nhiên trỗi dậy

Và giết chết đi những cái chết trong sự sống

Em không là Tự Do

Nhưng Em là Tự Hữu

Em ban Anh tự do

Nên anh trở thành Nô Lệ.

Em mỉm cười khi Anh gọi tên Em

Tên Em là Nàng Thơ

Em là Em, Em là Anh, Em là tất cả…

Em hẹn Anh nửa đêm trên đỉnh đồi Sáng Tạo

Anh nhìn thấy đồi nhưng chẳng thấy đường đi

Bỗng chợt thấy mình lạc trên hoang đảo

Em lại hiện ra chỉ lối Anh đi

Em đưa Anh vào những cuộc tình

Khi tim anh ngập ngừng đứng lại

Rồi xúi Anh phụ tình

Khi Em hóa thân làm tình nhân mới

Anh đã biết đời là bể khổ

Phải quay đầu mới thoát khỏi biển mê

Anh muốn thử bơi về miền Giác Ngộ

Nhưng sợ đi lại chẳng có đường về

Em nói Anh đừng ngại chi lầm lỡ

Tìm giác ngộ ta cùng vỗ cánh bay,

Anh thét vang trên đỉnh những tầng mây

Nhìn xuống chân, đời vẫn còn Bể Khổ.

Đỗ Quý Dân

No comments:

Post a Comment