Tuesday, October 9, 2018

RƠI NGHIÊNG


Qua đèo nghiêng
Nắng nghiêng nghiêng
Chiều nghiêng nghiêng
Nỗi buồn nghiêng nghiêng
Đất nước nghiêng nghiêng

Chiếc lá rơi
Bóng chiều rơi
Niềm đau rơi
Nước mắt rơi rơi
Tình người rơi rơi

Lá rơi, đèo nghiêng
Chiều rơi, nắng nghiêng
Niềm đau rơi, chiều nghiêng
Nước mắt rơi rơi, nỗi buồn nghiêng nghiêng
Tình người rơi rơi, đất nước nghiêng nghiêng

ĐÓI

Chữ viết tôi bắt đầu bị lệch hàng. Tôi không sao tường thuật một cách rõ ràng về cuộc hành quân của quân đội Đức Quốc Xã qua vùng băng tuyết của nước Nga trong Thế Chiến Thứ II. Khi phải viết về cơn đói khát và cái lạnh nghiệt ngã mà quân đội họ phải đương đầu, mắt tôi dường như mờ đi. Tim tôi đập chậm lại. Người tôi đổ xuống băng ghế trong lớp. Loáng thoáng có tiếng bạn bè nhốn nháo quanh tôi.

Tiếng thằn lằn trên trần nhà phòng bệnh làm tôi tỉnh lại. Về sau tôi biết người ta đã đưa tôi vào bệnh viện Nguyễn Văn Học gần trường. Bác sĩ chẩn bệnh bảo tim tôi “đập loạn nhịp” và cho tôi được nhập viên. Tám ngày nằm trong nhà thương là tám ngày hạnh phục nhất của tuổi thơ tôi. Tôi được ăn!

Sau "giải phóng", gia đình tôi bỗng như biến thành vô hình, không được công nhận là dân cư Sài gòn. Lý do vì chúng tôi đi vượt biên thất bại sau ngày 30 tháng 4, rồi sau đó trốn lên Túc Trưng làm ruộng để khỏi bị “đấu tố” và “chôn sống”. Mẹ tôi bảo vậy. Tôi đã được nghe rất nhiều về chuyện mẹ tôi phải chứng kiến cảnh đấu tố và người trong họ của mẹ tôi bị chôn sống sau cuộc Cách Mạng Tháng 8 Năm 1945. “Mình không thể ở lại đây được, nhất là con bé Thanh”. Mẹ tôi nói đi nói lại câu này với những người trong gia đình. Bà khẳng định là bằng mọi giá nhà tôi phải rời thành phố Sài gòn. Vì tôi! Lúc ấy, tôi không thể hiểu được nguyên do lạ thường ấy. Nhưng tôi cũng chẳng hỏi, chỉ làm theo những gì người lớn sai bảo trong những ngày căng thẳng đó.

Vì không có mặt tại Sài gòn trong những ngày đầu của việc kiểm tra các “hộ dân”, gia đình tôi không được cấp “hộ khẩu” – giấy chứng nhận dân cư của Thành phố. Đây là nguồn gốc của bao cuộc thăng trầm. Chín năm đầy đọa. Chín năm dạy cho tôi những bài học làm người. Chín năm thấm nhận được những đói khát của cơ thể, những đói khát của trí tuệ đến tột đỉnh. Chín năm thèm thuồng màu sắc đến điên dại. 
Không có hộ khẩu là không có quyền mua gạo và thực phẩm theo giá nhà nước. Cuộc sống bên lề này đã biến chúng tôi thành những nạn nhân của thị trường chợ đen. Thay vì một ký gạo chỉ có 2 đồng “Cụ Hồ”, mẹ tôi phải trả 20 đồng để mua một ký gạo mốc. Cái tủ gỗ lim của mẹ tôi, bàn ghế trong nhà, tranh trên tường, các chén kiểu Thượng hải của Ngoại tôi để lại, bộ đồ “com lê” của một người đàn ông mà tôi chưa từng gặp và những vật dụng có giá trị khác dần dần đưa nhau đi đánh đổi lấy gạo, khoai mì, khoai lang, hoặc rau muống. Gạo nấu cơm phải trộn lẫn với bắp, rồi dần dần trộn thêm khoai lang. Và sau cùng khoai lang cũng bị thay thế bằng sữa bột Liên-Xô. Lý do duy nhất mà tôi được uống sữa này là vì không gia đình nào muốn uống sữa bột. Ai cũng sợ sữa, mà sữa bột tanh hăng của Liên Xô lại càng sợ hơn. Mỉa mai thay, những giọt sữa bất đắc dĩ này lại là nhiên liệu giúp tôi cầm cự một thời gian trước khi bị ngã gục trong lớp giờ thi Sử.

Sáng dậy mẹ tôi nấu một nồi nước nóng rồi khuấy bột sữa vào để làm sáu bát sữa. Tôi được uống một bát đầu ngày trước khi đi học và một bát vào buổi tối. Thế thôi. Ngồi trong lớp, bạn bè tôi thường cười ầm lên khi nghe tiếng cồn cào ọt ẹt của bao tử tôi.

Cái đáng sợ của ngày ấy là phải nhìn người khác ăn uống quanh mình. Cơm, xôi, bánh mì của những người khác là những đe dọa lớn nhất đối với tôi. Nó làm tôi nhỏ lại, hèn hạ, thấp kém. Mệt và thèm là hai tình trạng đáng buồn của cơ thể. Nó hay xuất hiện vào buổi trưa hoặc tối. Giờ tan học dưới ánh nắng cháy da là lúc tôi phải trở về với thực tế phũ phàng. Tiếng chén đũa khua vào nhau, tiếng người gọi người về ăn, mùi thức ăn phảng phất đâu đó trong không khí nhắc cho tôi biết tôi vẫn còn sống và còn đầy cảm giác. Nhưng tôi phải trở thành câm và điếc – phải tranh đấu để cơ thể không còn cảm nhận được những cám dỗ của thế giới xung quanh. Tôi không thể đầu hàng trước sức mạnh của cái Đói. Dần rồi tôi tìm đủ mọi phương tiện để tránh những giờ phút đầy cám dỗ và nhục nhã đó.

Tan học về là tôi đến thẳng cổng chùa, nơi mẹ tôi để một tủ bán thuốc lá rất nhỏ ngay trước cổng. Tôi giành ngồi đó để bán thuốc cho mẹ nhưng thực chất là để đọc truyện tìm lối thoát. Chỉ có đọc truyện mới giúp tôi có đủ sức mạnh đối phó với cơn đói. Càng đói tôi đọc càng nhiều, và bỏ quên các bài toán lý hóa, các lý thuyết chính trị vô nghĩa của nhà trường. Khi hòa mình vào hàng chữ ngả nghiêng nhảy múa trên giấy là khi tôi quên đi cái nôn nao dày vò của cơ thể.

Ngày ấy, “sách truyện” mà tôi tìm được là những tờ giấy tái dụng sần sùi, ố bẩn được khâu vào với nhau thành những cuốn vở dày. Người ta chép truyện bằng tay vào những cuốn vở đó và chuyền tay nhau để đọc.  Mặc dù mọi người nâng niu những “cuốn sách” đó, các trang giấy dần dà cũng bị nát ra từng mảnh. Vào cái thời “cải cách giáo dục” này, các sách nước ngoài được dịch ra tiếng Việt và sách của “chế độ cũ” đều bị cấm và bị đốt. Những bản chép tay trên giấy ố là những bè phao vô giá đã cứu vớt tôi, đã cho tôi nhìn thấy những bầu trời của chị em trong gia đình họ Bronte, chia sẻ nỗi bất hạnh của nàng Tess d’Urbervilles. “Cuốn sách” mà tôi đọc đi đọc lại là tác phẩm “Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà” của Victor Hugo. Tôi cảm thấy gần gũi với cô nàng gypsy trong truyện và mong được lang thang như cô, tuy rằng không hiểu được tại sao đời lại hắt hủi cô. Có những đêm tôi để nước mắt tuôn rơi xuống gối để thấy mình là Cosette trong “Les Miserables”. Trong những đêm sống ở chùa, nghe nước mắt rơi chầm chậm trên má, tôi mong đợi mãi bàn tay của Jean Valjean đến cứu tôi, nhưng Jean Valjean của tôi không hề xuất hiện.

Cơn ngất xỉu trong lớp lần ấy đã vực tôi dậy và làm tôi sống lại. Giờ cơm đầu tiên trong Khoa Nhi của bệnh viện, tôi kêu thốt lên thành tiếng khi thấy mâm đồ ăn đặt xuống giường ngay trước mặt tôi. Nào là cơm trắng, nào là đậu hũ kho vàng quyến rũ và rau luộc xanh mướt đầy ắp trước mắt tôi. “Cháu có được ăn hết chỗ này không ạ?” Tôi ngớ ngẩn hỏi người y tá mặc áo trắng khi cô nhanh chân đẩy xe cơm ra khỏi phòng tôi. Xấu hổ lắm nhưng tôi phải thú thật là tôi đã ăn như chưa bao giờ được ăn. Sặc lên được. Vừa nghẹn vừa hả hê.

Sau lần đầu tiên được nhận lại mùi cơm trắng, mùi đồ ăn, tôi mong đợi từng giờ từng phút để được đến bữa ăn kế tiếp. Điều lạ lùng hơn hết là cứ trước giờ ăn thì tôi lại được một bác sĩ đứng tuổi tên Phú có bộ râu cằm lởm chởm đến khám bệnh cho tôi. Phòng chúng tôi có sáu trẻ, sáu giường. Tôi lúc ấy 14 tuổi, là đứa lớn nhất trong đám trẻ. Đứa bé nhất chỉ mới lên bốn tuổi, những đứa còn lại hầu hết khoảng sáu bảy tuổi. Bác sĩ đến phòng này chỉ để khám bệnh cho tôi. Lần nào bác sĩ cũng cởi áo tôi ra để đặt ống nghe lên tim tôi, rồi sau đó là ông nắn ngực tôi từ trái sang phải rồi từ phải sang trái. Ông cứ làm vậy liên tục. Có lần ông làm tôi đau lắm vì ông nắn hơi mạnh. Tuy nhiên, tôi không hề than phiền vì tôi biết rằng sau giờ khám bệnh tôi sẽ được ăn cơm.

Khi mẹ tôi đến thăm và bảo tôi chuẩn bị xuất viện, tôi cảm thấy thất vọng và buồn một cách vô lý. Tôi mỉm cười khi nhìn thấy giấy xuất viện phê là tôi bị “thiếu dinh dưỡng” chứ không phải bị đau tim.

Vì chuyện tôi bị ngất xỉu, cô Bắc, một người bạn quen giàu có của mẹ tôi nhắn tin bảo tôi lên thăm nhà cô ở đường Trương Minh Giảng. Mẹ tôi bảo tôi nghỉ học một ngày để làm chuyện đó. Ngày trước “giải phóng”, gia đình tôi còn khá giả, mẹ tôi thường mặc áo dài chấm chân cùng cô Bắc đi “dạo phố” mua hàng. Từ ngày chúng tôi trở thành người vô sản, mẹ tôi không còn đi lại với cô Bắc và những người quen giàu có khác. Sau nhiều năm trôi qua, tôi được trở lại nhà cô. Cô khen tôi lớn nhanh và bắt đầu có “nét phụ nữ”. Tôi kể cho cô nghe những cơn đói dữ dội của tôi. Cô nghe nhiều hơn là nói, rồi sau đó đưa cho tôi một cái bị khá nặng. “Gạo Nàng Hương mới đây con, ngon lắm. Cho cô biếu mẹ con.” Tôi cám ơn cô rối rít, thầm nhủ “gạo Nàng Hương chắc chắn phải thơm lắm” mặc dù chẳng biết gạo Nàng Hương là gạo gì! Tôi thường mơ thấy những cơn mưa rào của Sài gòn, những hạt mưa đang rơi ào ạt bỗng chợt biến thành gạo. Phải chi tôi được đứng dưới những cơn mưa gạo trắng xóa như trong giấc mơ.

Tôi hí hửng ôm bao gạo lên bến xe buýt đi về chùa. Chiều gần tối, trời như sắp chuyển mưa, gió hất giấy rác và bụi bay khắp nơi cay cả mắt, xe đông kịt. Xe quá đông khách. Tôi ngần ngại nhưng cũng phải chen chân lên xe vì không muốn phải đợi chuyến sau, sợ trời mưa. Tôi cố lấn lên. Mọi người thúc nhau, đẩy nhau, người sát người, nhễ nhại. Cơ thể tôi được mọi người xô đẩy dần dần vào bên trong. Xe chạy lắc lư làm mọi người nhào qua nhào lại ôm bám lẫn nhau để có tư thế đứng vững. Bao gạo nặng trên tay tôi từ từ sa xuống chân. Xe lại nhào thật mạnh. Tôi suýt té. Sợ mất bao gạo, tôi nhìn xuống chân để kiểm lại. Đột nhiên tôi thấy có hai bàn tay to, bóng nhớt và đen thui thủi đang nắn nót bộ ngực nhỏ của tôi. Tôi bắt đầu cảm giác được sức mạnh của sự nắn bóp này. Nó là một cảm giác rất lạ. Trong thoáng giây đó, nó làm tôi liên tưởng đến các buổi viếng thăm của Bác Sĩ Phú! Cảm giác ghê sợ chợt như một cơn lũ tràn về, mãnh liệt.

Mặt tôi nóng lên, rồi người tôi nóng lên, không thở được. Ngay lúc đó, xe ngừng lại ở một trạm lớn tại chợ Bà Chiểu. Vẫn chưa tới nhà, nhưng như người đang vừa bị bỏng vừa bị tê liệt, tôi vùng người thoát ra khỏi đôi bàn tay đen nhễ nhại kia để theo mọi người bước ra khỏi xe. Tôi nhảy xuống đất, hứng trọn cơn gió lốc đầy bụi lúc đó. Khi đã hoàn hồn, tôi liền quay lại để nhìn xem người có bàn tay đen đủi đó là ai. Tôi nhìn thẳng lên cửa xe và nhận ra được cái đầu hói của một người đàn ông nhô ra giữa đám người đứng chen nhau như cá hộp, và thấy cánh tay đen của người đàn ông đó đang xoa bụng dưới của ông ta. Tôi không sao quên được đôi mắt nhỏ và sâu của ông ta nhìn thẳng vào mặt tôi một cách thật bình thản. Tim tôi vẫn đập mạnh mặc dầu cửa xe đã đóng lại và xe đã chuyển bánh. Bụi cát bay mịt mờ. Tôi lấy tay dụi mắt và sực nhớ là tay mình đã không còn bao gạo nữa!

Á! Tôi chết lặng trong người rồi vội vã thất thanh chạy theo chiếc xe buýt. “Ê! Bác Tài ơi, đứng lại!” Tôi hét lên trong cơn gió. Vừa vẫy tay, vừa gào, vừa chạy. Mọi người xung quanh nhìn tôi chăm chăm. Đầu xe càng lúc càng nhỏ dần. Tôi thở hổn hển đứng lại giữa dòng xe đạp đổ lên từ hai bên. Tôi biết mình đã mất gạo thật rồi và không hiểu mình sẽ phải giải thích thế nào với mẹ. Tôi đã mất cơ hội làm cho mẹ tôi vui, mất cơ hội cho mẹ tôi và em tôi được ăn cơm. Sự mất mát này khủng khiếp quá. Tôi làm sao có thể kể lại câu chuyện xấu xí kia dù chính bản thân cũng không hiểu tại sao nó xấu và tại sao tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi không có lời giải thích chuyện gì đã xảy ra. Không. Tôi không thể nói thật cho mẹ tôi biết được. Tôi phải nghĩ ra một lý do nào thật đặc biệt để làm cho mẹ tôi phải tội nghiệp cho tôi và không trách tôi bất cẩn hoặc đãng trí.

Bị bùa! Thế là tôi nghĩ ra giải pháp. Tôi sẽ nói tôi bị người ta bỏ bùa để lấy mất bao gạo. Tôi nhỏ lớn chưa biết “bùa” hình thù ra sao; nhưng hình như mọi người ai ai cũng tin vào sự màu nhiệm của nó. Truyền rằng hễ ai bị bỏ bùa thì người đó bị mê hoặc để phải làm theo sự điều khiển của người giữ bùa. Đó là lần đầu tiên tôi biết nói dối với mẹ. Mẹ tôi chắng những tin tôi mà còn cám ơn Trời đất là người có bùa đã không bắt cóc lấy tôi. Mẹ tôi cho rằng tôi hết sức may mắn nên chỉ mất gạo chứ không mất người! Thấy mẹ tôi mừng mà lòng tôi như bị xé ra trăm mảnh. Hối hận là đã lừa dối bà nhưng tôi không biết làm sao để nói lên sự thật kia. Tuy không hiểu tôi đã làm sai chuyện gì, chỉ biết rằng tôi thấy xấu hổ nhục nhã vô cùng. Tôi giữ kín câu chuyện này cho đến hơn mười năm sau mới kể lại được. Và mẹ tôi đến giờ lâu lâu vẫn nhắc đến chuyện tôi bị “bỏ bùa” mất gạo.

Jenny Đỗ


Thursday, August 21, 2014

NGƯỜI SỢ ÁNH SÁNG

                     Viết cho TTA. Mày yên nghỉ.  Bạn bè vẫn thương mày.


Lời mở đầu

Tám năm qua hắn chưa một lần nhìn thấy ánh sáng mặt trời.


Hắn đã tự nguyện vào cư ngụ trong cái mỏ hoang này.  Ngày đó Ủy Ban Bảo Vệ Môi Trường Thiên Nhiên loan báo là thành phố Hoa Viên, nơi hắn sinh ra đời, bị ô nhiễm bởi một chất phóng xạ cực kỳ nguy hiểm. Chất phóng xạ này, nếu hòa vào ánh sáng mặt trời, có tác động làm cho con người mất lý trí, trở thành sa đọa, gây hiểm họa cho xã hội.

Hắn được giao trách nhiệm quản lý gần 400 gia đình sống trong khu vực bị nhiễm độc.  Họ đã theo hắn dọn vào sống trong bóng tối của cái mỏ than đã bị bỏ hoang từ thời còn chiến tranh, nằm ở phía Bắc thành phố. Sau khi họ dọn vào mỏ, chính quyền đã cho dựng một cánh cửa sắt để bít lối ra vào. Họ cẩn thận khóa cánh cửa sắt bằng nhiều vòng xích và một ổ khóa thật lớn, thật cứng. Những cái ngách thông hơi trên triền núi cũng bị phong tỏa, mặc dù họ vẫn thỉnh thoảng sử dụng những ngách này để tiếp tế thực phẩm, vật liệu cho đám người trong mỏ.

Cứ thế mà hắn đã sống trong mỏ được tám năm.

*** 


1.

Dạo trước, hắn là một sinh viên xuất sắc của viện Đại Học Quốc Gia. Bố hắn làm công chức cho chính quyền cũ. Hắn đỗ đầu vào đại học, được nhận học bổng do chính Bộ trưởng Bộ Giáo Dục trao tặng. Sau đảo chánh, hắn bị mất học bổng và cũng không được tiếp tục đi học vì bố hắn bị liệt vào danh sách chống đối chính quyền mới.

Đối với hắn, việc học là việc quan trọng nhất trên đời. Bị bắt buộc phải bỏ học, hắn đâm ra oán hận những kẻ còn được tiếp tục. Hắn có cảm tưởng như bị đám bạn học cũ thương hại. Vì tự ái, hắn tìm đủ mọi cách để tránh né họ. Dần dần, họ trở thành xa lạ với hắn.

Hoa Viên là một thành phố nhỏ, chuyên sản xuất hoa và rau để cung cấp cho cả nước. Dân cư ở đây, mọi người hầu như quen biết nhau, chẳng có ai hoàn toàn là người xa lạ. Thế cho nên, khi chính quyền đảo chánh tuyển người đi tịch thu tài sản của các "thành phần chống đối", chẳng mấy ai tình nguyện tham gia. Hắn là ngoại lệ. Các bạn cũ đã bỏ rơi hắn, hoàn cảnh hắn đã thay đổi, hắn tự nguyện tham gia mà chẳng thấy ngại ngần gì. Trái lại, hắn còn ngấm ngầm đắc ý, cảm thấy việc làm của hắn là đúng, là công bằng cho hắn, cho những người cùng hoàn cảnh với hắn. Không lý gì hắn lại mãi chịu thua kém đám bạn cũ.

Hắn được tuyển vào Ủy Ban Kiểm Soát Tài Sản Quốc Gia. Hắn được làm phó trong một nhóm chuyên đi tịch biên tài sản của những thành phần chống đối. Chính hắn đã dẫn đồng đội đến tịch biên tài sản của gia đình một người bạn gái cũ, bố của cô xưa kia có chức vụ khá cao trong chính quyền. Hắn còn nhớ rõ nét mặt của Liên ngày hôm ấy. Hắn thấy rõ những biến chuyển nội tâm trên khuôn mặt cô, từ ngạc nhiên đến thù hận. Hắn nhớ rõ ánh mắt khinh bỉ của cô nhìn hắn lúc hắn mở miệng nói vài câu đãi bôi trước khi ra lệnh cho đồng đội thi hành nhiêm vụ.  Hắn cũng nhớ cả ánh mắt van xin của mẹ cô.

Và hắn bỗng mắc phải một chứng bệnh bất trị.  Chứng bệnh này là nguyên do chính để hắn tình nguyện dọn vào ở trong mỏ hoang.

Từ sau hôm tịch biên tài sản của gia đình Liên, da mặt hắn cứ bị nứt ra thành sẹo, đôi khi còn bị bưng mủ.  Mỗi lúc hắn la hét, giục giã thuộc hạ tịch thu tài sản của ai, da mặt hắn lại nứt ra, cả đầu hắn bừng nóng lên như bị châm vào lửa. Thế nhưng hắn không ngưng được.  Công việc đòi hỏi hắn phải làm thế. Hơn nữa, da mặt càng bị nứt, đầu càng phát hỏa, hắn lại càng tức giận, càng cần tìm chỗ để giải tỏa cơn giận đó. Hắn cần tìm nạn nhân để chia sẻ cái đau khốn nạn đó, mặc dù nạn nhân của hắn chỉ bị đau dưới một hình thức khác.

Khuôn mặt hắn trở thành dị hợm.  Chính hắn chẳng còn dám nhìn mình trong gương. Hắn bớt đi ra ngoài khi còn ánh nắng mặt trời.  Hắn chỉ ra ngoài khi đêm xuống, khi bóng tối che đi nét dị hợm, ma quái trên khuôn mặt lở lói, nứt nẻ của hắn. Ánh sáng trở thành độc tố đối với hắn.  Hắn thù ánh sáng, và thù cả những người thích ánh sáng.

Hắn thù ánh sáng vì hắn sợ ánh sáng.


2.

Hắn ra lệnh cho cư dân trong mỏ không được đốt lửa thắp đèn khi tiếp xúc với hắn.  Hắn chẳng bao giờ ghé qua những khu bếp, nơi cần đốt lửa để nấu nướng. Hắn ít ra khỏi cái động ở cuối mỏ nơi hắn chọn làm chỗ ở. Hắn giao mọi công việc cho Phó, một người trạc tuổi hắn, hình như dạo trước cũng là sinh viên.  Phó không bao giờ than phiền về công việc, hắn giao việc gì Phó cũng hoàn thành một cách chu đáo.

Cả với Phó hắn cũng không muốn để lộ mặt. Mỗi lần ra lệnh cho Phó là mỗi lần hắn quay mặt vào vách động. Phó đứng sau lưng hắn, nhận lệnh mà chẳng nói gì cả. Chính hắn cũng không biết rõ nét mặt của Phó như thế nào. Hắn chỉ mường tượng là Phó có nhiều nét giống hắn. Có điều hắn thụ động còn Phó lại luôn luôn tích cực. Sự khác biệt đó không làm cho hắn quan tâm. Ngược lại, hắn thấy rõ sự khác biệt đó cần thiết cho hắn, cho cư dân trong mỏ.

Người trong mỏ dần dần cũng quen với cuộc sống trong bóng tối. Để giữ vững tinh thần họ, hắn đã bỏ rất nhiều thì giờ suy gẫm về cái mà hắn gọi là “diệu dụng của bóng tối.” Mỗi tháng hắn tổ chức một cuộc “hội thảo” trong bóng tối để “hướng dẫn” cư dân về đề tài này.

Trong bóng tối mọi người đều như nhau, hắn đã giảng dạy như thế. Lấy kinh nghiệm bản thân làm ví dụ, hắn giảng cho mọi người nghe là dù hình dạng của con người có dị hợm, xấu xa như thế nào đi nữa, trong bóng tối cũng chẳng ai phân biệt cả. Do đó, bóng tối trở thành phương tiện để con người đồng đẳng. Từ chỗ đồng đẳng đó sẽ đưa đến bình đẳng và công bình trong xã hội.

Bóng tối còn tôi luyện cho khả năng sinh tồn của con người. Khứu giác, thính giác, vị giác và xúc giác của con người sẽ tinh tế hơn. Nhưng quan trọng hơn cả là sự xét đoán của con người sẽ không còn bị sai lầm và thừa thãi nữa. Khi thiếu ăn, con người trong bóng tối sẽ tìm thức ăn để sinh tồn mà không bị những khái niệm như ngon, sạch, lành mạnh chi phối. Điều cần thiết là tìm cho ra bất cứ cái gì có thể ăn được để sinh tồn. Hắn nhắc lại chuyện mọi người đã từng phải đào giun để dùng làm thực phẩm khi chính quyền quên không tiếp tế lương thực cho mỏ trong ba tháng. Hắn khuyên mọi người phải tự hào về điều đó: “Đám người sống ngoài ánh sáng làm sao có đủ ý chí, can đảm để tranh đấu cho sự sống còn của mình như những người của bóng tối chúng ta.” Hắn khẳng định thế.

Bóng tối cũng giúp cho con người loại bỏ những lễ nghi, luân lý, đạo đức không cần thiết. Lễ nghi, luân lý và đạo đức được đặt ra vì loài người tự cảm thấy hổ thẹn về vóc dáng, về hành vi của mình và vì loài người sợ bị phán xét. Trong bóng tối, những điều đó không cần thiết. Không ai phán xét ai trong bóng tối. Hắn nhắc cho mọi người nhớ là từ ngày dọn vào mỏ, sống trong bóng tối, cư dân chỉ quan tâm về chuyện sinh tồn chứ không để những vấn đề kia chi phối.

Nói chung, bóng tối giúp con người bớt tranh chấp.  Hắn nhận xét là từ ngày dọn vào mỏ, hắn chưa hề nghe ai nhắc đến chuyện đánh ghen giữa hai người phụ nữ, chưa bao giờ hắn nghe thấy hai người đàn ông tranh chấp vì một người đàn bà. Bóng tối đã làm cho các vấn đề đó trở nên không cần thiết.

Nói tóm lại, diệu dụng của bóng tối thật vô biên, không thể nói hết được.

Đúng hay sai, hắn chẳng cần biết. Hắn phải tin như thế để còn tiếp tục sống.


3.

Trước ngày vào mỏ, Hiền đã từng được bầu là hoa hậu sinh viên. Nàng chẳng tự hào về điều đó cho lắm mà chỉ coi đó như một trò đùa. Nàng từng học sư phạm, muốn đi dạy cho các em khuyết tật. Biết về quá trình học vấn của nàng, cư dân trong mỏ đã nhờ nàng dạy dỗ cho con em của họ.

Hiền đã phải dựa vào Phó để có đủ vật liệu dạy học. Phó giúp nàng, nhưng luôn luôn bảo với nàng là chỉ thi hành nhiệm vụ do Sếp giao cho. Cũng như Sếp, Phó tránh vào những nơi có ánh sáng.  Phó ân cần và chu đáo với nàng cũng như với tất cả mọi người. Nhưng cũng chỉ là để thi hành nhiệm vụ do Sếp giao phó.

Dần dần Hiền cảm thấy mình có cảm tình đặc biệt với Phó. Phó như cái bóng của Sếp. Sếp giao nhiệm vụ, Phó cứ thế mà thi hành. Hiền hầu như không bao giờ gặp Sếp, trừ lúc đi tham dự những buổi hội thảo để nghe Sếp nói về diệu dụng của bóng tối.  Những lúc đó Hiền không thấy Phó tham dự. Chắc Phó phải đi lo việc khác cho Sếp.

Có cảm tình với Phó bao nhiêu, Hiền cảm thấy sợ Sếp bấy nhiêu. Sếp không bao giờ lớn tiếng với ai, trừ một lần Sếp nổi giận vì có người cầm đèn vào gặp Sếp. Tội nghiệp cho người đàn ông kia bị Sếp giao cho Phó trừng trị. Hiền nghe rõ tiếng Phó khóc khi ra lệnh cho người khác dùng roi quất tới tấp lên người kẻ phạm tội. Mỗi lần nhớ lại, Hiền có cảm giác còn nghe thấy tiếng kêu khóc của người kia. Ôi, tại sao lại có người ghê sợ ánh sáng đến thế!

Hôm qua Phó đem lại cho Hiền mấy tập giấy mới nhận được, do người bên ngoài thả qua ngách thông hơi. Phó ngồi lại khuyến khích Hiền vài câu. Hiền bỗng cảm thấy muốn được Phó ôm nên đã ngả người vào Phó.  Hiền thấy người Phó rung nhẹ lên, bàn tay Phó ôm ngang lưng Hiền, tay kia nhẹ nhàng vuốt tóc nàng. Hiền cảm thấy hạnh phúc...

Nhưng Phó đột ngột đẩy Hiền ra khi bàn tay Hiền đưa lên sờ vào mặt Phó. Hiền đã không cưỡng nổi đòi hỏi muốn “thấy mặt” Phó. Nàng vuốt mặt Phó mà không ngờ hắn phản ứng mạnh như thế. Nàng cảm thấy ngỡ ngàng. Tủi thân. Và bỗng nhiên, nàng có cảm tưởng như mình đã phạm tội với Phó.

Trong giây phút thảng thốt vì bị Phó đẩy ra, Hiền có cảm tưởng là mặt Phó có rất nhiều vết sẹo.


4.

Đã mấy ngày Hiền không gặp Phó. Hiền đoán là Phó đang tìm cách lẩn tránh nàng.  Nàng đánh bạo tìm đến “nhà” Sếp để hỏi thăm về Phó.

“Nó có chuyện phải lo ở bên ngoài. Một tuần nữa mới quay về.”

Hiền chưa bao giờ nghe thấy ai phải ra lo việc bên ngoài cả. Thế còn phóng xạ thì sao? Hiền thắc mắc nhưng không dám hỏi.

Hiền trở về khu dạy học của nàng.  Nàng nhìn thấy lờ mờ gần chỗ nàng và Phó ngồi đêm trước có một tập giấy. Nàng thắp chiếc đèn dầu treo gần đó, rồi cầm tập giấy đó lên xem. Một tờ giấy cũ, chi chít những chữ đánh máy, rơi ra ngoài. Đây là tờ thông báo về hiểm họa phóng xạ tại Hoa Viên có lẽ đã được cấp cho Sếp tám năm về trước.  Không hiểu sao Phó lại có để mang theo. Nàng thấy có mấy chữ viết tay thật to, đè xéo lên tờ thông báo: “Lừa bịp!”

Có một tờ khác có chữ viết trong tập giấy. Một tờ giấy trắng, nói đúng hơn là một tờ giấy vàng ố. Có ba chữ viết xéo thật to: “Tự lừa mình.” Ngoài ra không còn tờ nào có chữ viết.

Lừa bịp? Ai lừa bịp? Lừa bịp ai? Hiền thắc mắc nhưng không có câu trả lời.

Tự lừa mình? Ai viết câu này? Phó tự lừa Phó? Hay Sếp tự lừa Sếp?

Ôi, người viết những câu này chắc đã trăn trở rất nhiều.


5.

Cùng với những món vật dụng do bên ngoài tiếp tế kỳ này, hắn có nhận được một thư nhắn, để trong một phong bì dán kín.  Đại khái là người bên ngoài đã mở khóa cửa sắt, yêu cầu hắn ra ngoài để bàn thảo việc trở lại Hoa Viên.

“Cái nguy hại của phóng xạ hãy còn, nhưng người dân phải can đảm trở ra để xây dựng lại thành phố. Tình trạng kinh tế của đất nước hiện rất khó khăn, người dân Hoa Viên phải trở về để sản xuất, bất chấp sự nguy hại của phóng xạ.”

Lá thư nhắn còn dài, nhưng hắn chẳng thèm đọc kỹ. Vấn đề chính là liệu hắn có thể quay về nơi ánh sáng không?

Hắn mở ngăn kéo bàn lôi ra một bọc giấy.  Trong bọc có những sợi màu nâu giống như thuốc lá.  Thật ra đây là một loại rêu mọc trong mỏ. Một lần bị đứt tay, hắn dùng rêu này đắp lên vết thương, chợt thấy người đê mê khoan khoái. Hắn đem mớ rêu ra phơi khô rồi quấn thành điếu hút.  Mỗi lần hút vào, hắn có cảm tưởng như người đi lạc vào một thế giới khác, giống như thế giới ngày xưa của hắn. Nhờ mớ rêu này, hắn có thể tìm về quá khứ mà không thấy mặc cảm, sợ hãi.

Hắn đặt tên cho rêu này là rêu “Hồi Ức”.

Hít một hơi Hồi Ức vào, hắn chợt nhớ lại thời còn sinh viên. Hắn đã từng là thần tượng của rất nhiều bạn phái nữ.  Học giỏi, hoạt bát, tháo vát, có khả năng tổ chức, có khiếu nghệ thuật, cái gì ở hắn cũng trội hơn người khác. Hắn thấy lòng nao nao, và trong thoáng giây quên đi nỗi sợ ánh sáng.

Hắn không còn nhớ mình ở đâu nữa.  Bỗng chợt, hắn cảm thấy có ai đang ở trong “phòng”.  “Phó, mày đấy hả?” Hắn hỏi.

Mình phải dọn ra ngoài trong vòng tuần tới, Phó cho biết. Thôi đành, mày cứ chuẩn bị dùm tao. Nhớ gói theo nhiều Hồi Ức. Hồi Ức đủ tao mới trở về với ánh sáng được.

À, con Hiền nó đang tìm mày.  Hãy ra thăm nó. Con bé...  Con bé... Hắn không biết phải nói thế nào về Hiền cho phù hợp.

Hình như Phó tiến lên đứng gần hắn khi hắn nhắc đến tên Hiền. Hắn chờ nhưng không thấy Phó nói gì. Hắn hít thêm một hơi Hồi Ức rồi nhìn vào tấm gương.  Dưới ánh sáng lóe lên từ điếu Hồi Ức hắn vừa rít vào, bóng Phó phản chiếu lại. Hao hao giống hắn ngày xưa...

Khói Hồi Ức làm hắn lâng lâng.  Im lặng bao phủ chung quanh hắn. Phó đã bỏ ra ngoài.
Hắn chợt nhớ hình như vừa rồi hắn không thấy mình trong gương. Chỉ thấy Phó.  Hắn bước ra trước gương đứng. Rít thêm một hơi Hồi Ức. Hắn vẫn còn đó.  Trong gương.


6.        

Thảm hoa bên ngoài đẹp rực rỡ dưới ánh mặt trời.  Cây cỏ chung quanh mỏ xanh tươi, đầy sức sống. Tám năm tắm phóng xạ mà sao cỏ cây tốt thế, hắn tự hỏi.

Một cô gái từ trong mỏ bước ra.  Mặt cô dính bụi than, không trang điểm nhưng vẫn không mất nét đẹp. Hắn cố lục lọi trí nhớ. Đây có phải là con bé Hiền? Nó đẹp thế ư?

Hắn tiến về phía một bụi hoa hướng dương, màu vàng của hoa rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời.  Điếu Hồi Ức của hắn vừa cháy đến sát ngón tay. Hắn búng mẩu thuốc còn lại ra xa, lòng nghe nao nao tiếc nuối.  Hắn nhìn vào hoa.  Chất Hồi Ức trong người hắn tan dần đi.

Ta đang đứng dưới ánh mặt trời.  Ta đang đứng dưới ánh mặt trời.  Trời ơi!

Làm sao giấu được khuôn mặt dị hợm của ta đây? Mỗi vết nứt là một lần ta tuyên chiến với những kẻ địch, những kẻ đã từng là bạn ta, chỉ vì thời cuộc mà coi thường ta...

Ta phải trở về với bóng tối.  Hồi Ức không thể giúp ta được.  Hồi Ức đang làm hại ta. Hồi Ức làm ta phải phơi bày mặt thật ra dưới ánh mặt trời!

Trời ơi! Hồi Ức!

Phó đâu! Đưa tao quay về mỏ! Đưa tao trở về bóng tối! Mày ở đâu? Mày là ai? Phó ơi!


7.

Kết

Hiền tìm thấy Phó ở bên bụi hướng dương. Dựa vào linh cảm, nàng biết đó chắc chắn là Phó. Phó đã tắt thở, khuôn mặt có một nét ngỡ ngàng, tiếc nuối.  Dưới cặp mắt nhắm, hai dòng nước mắt chảy ra. Lúc Hiền lật người Phó lên, nước mắt Phó vẫn còn chảy.
Nàng thấy chỗ nào nước mắt Phó chảy qua, đường nứt trên mặt Phó chỗ đó bỗng biến mất.  Nàng đưa tay ra, xoa nước mắt Phó khắp mặt hắn. Một khuôn mặt hiền lành, khôi ngô hiện ra.

Chỉ tiếc đó là khuôn mặt của một người đã chết.

ĐQD





Monday, December 23, 2013

Rượu Vào Thơ Ra


Rượu vào thơ ra
Thơ không ra, rượu không tiêu hóa
Bao tử chương sình
Đốc tờ lặng thinh

Rượu vào thơ ra
Thơ không ra, đành cười khỏa lấp
Cười chỉ một mình
Bạn bè lặng thinh

Rượu vào thơ ra
Thơ không ra, đường về lạc lối
Chân chồn gối mỏi
Người tình lặng thinh

Rượu vào thơ ra
Thơ không ra, lại tìm men rượu
Uống mãi cạn bình
Rượu cũng lặng thinh…

Rượu vào...
Thơ phải ra...

Drunken Poet

Thursday, December 19, 2013

Cô Đơn


Xa như bờ môi xa bờ môi
Chơi vơi, đêm về ta chơi vơi
Say? Ta chưa say?  Ta say rồi!
Mênh mông sầu, mênh mông sầu rơi…

Ừ, sao thơ ta toàn âm bằng
Vì buồn, hay vì ta lăng nhăng?
Khi lăng nhăng, thơ ta dùng âm bằng
Thôi âm bằng, khi ta thôi lăng nhăng…

Ta chưa say. Không, ta chưa say!
Hơn mười năm rồi ta không say
Hơn mười năm rồi, ta quên đời
Nhưng sao bây giờ ta chơi vơi…

Lăng nhăng? Ừ, thì ta lăng nhăng
Hôm nay thơ ta toàn âm bằng
Mai này, khi ta thôi lăng nhăng
Ta ngưng làm thơ toàn âm bằng…

Ta không chờ nhau từ ban đầu
Nhưng sao bây giờ không quên nhau?
Không quên nhau, nhưng không cần nhau
Không cần nhau, nên không tìm nhau…

Thôi thì đành, ta thôi lăng nhăng
Dù thơ ta còn toàn âm bằng
Thôi lăng nhăng, ta đâm hoang mang
Dù không vui, ta đành cười vang…

Không tìm nhau, nhưng không quên nhau
Ngày qua ngày, thời gian hư hao
Sầu không rơi, sầu bay lên cao
Ta và ta, riêng ta còn nhau
Ta và ta, còn riêng niềm đau…

Ta và ta, hai ta = mình ta…

Đỗ Quý Dân

Tuesday, December 17, 2013

Sến


Tôi nằm nghe nhạc sến
Rồi đọc một bài thơ sến
Để tối về đi xem tranh sến
Chẳng hiểu đích xác thế nào là sến
Nhưng cảm được cái sến.

Sến là giọt nước mắt mượn của nàng Kiều
Rớt xuống đời từ thuở Nguyễn Du
Mà thi sĩ đang ngồi đây
Tay ôm bia, tay ôm gái
Mượn để viết bài thơ về giọt lệ người tình
Nàng đã nhỏ xuống vì thi sĩ
Lúc nàng phải lỡ bước sang ngang

Sến là chiếc lá thu rơi
Trong phòng tắm hơi
Trên chiếc giường đấm bóp
Giữa một ngày nắng nực của vùng nhiệt đới
Thi sĩ đã mượn để vẽ bức tranh thơ
Mượn luôn cả con nai vàng đã đi lạc từ bao thế kỷ
Giờ đây nằm thư giãn
Thi sĩ để trí tưởng tượng của mình
Ngủ quên trong vay mượn

Sến là những bản nhạc
Viết bằng những mối tình lập đi lập lại
Những sầu đau nhai đi nhai lại
Những xót thương vay mượn đến nghẹn ngào
Như tiếng nức nở của nhạc sĩ lúc đang xót xa
Cho những mối tình trong sáu câu vọng cổ.

Sến là những bức tranh
Của những thiếu nữ với những chiếc áo dài
Đã trăm lần lột ra mặc lại
Của những con trâu đứng ngắm cảnh đồng quê
Từ thuở họa sĩ chưa sinh ra đời
Những tà áo vẫn bay
Những con trâu vẫn đứng
Đứng im như óc sáng tạo của họa sĩ
Từ ngày họa sĩ biết cầm chiếc cọ lông

Có lẽ sến là những gì vay mượn
Bởi những kẻ không cố tình vay mượn
Nhưng vì yêu thích cái mình vay mượn
Nên tự cho phép mình vay mượn
Rồi coi đó
Như sở hữu của chính mình
Để rồi xúc động với chính mình
Vì những cái chính mình vay mượn
Ôi, thế nên sến luẩn quẩn
Người sến luẩn quẩn tình cảm sến
Tình cảm sến luẩn quẩn “sáng tạo” sến
Đều đặn như điệu nhạc bolero
Của những bài ca bao nhiêu người ưa chuộng.

Và hôm nay sến đã đổi dạng
Vì nghệ sĩ “mới” phải vay mượn cái “mới”
Sến ngày nay là sến trong cách làm dáng
Của những văn, thi, họa sĩ sợ mang tiếng sến
Nên cải trang “nghệ thuật” mình
Bằng những phong trào, trường phái…
Bằng những ngụ ngôn, ẩn dụ
Nghe sâu xa nhưng cũng chỉ là dáng bề ngoài
Sến hôm nay là sến hiện thực
Sến siêu thực, sến trừu tượng
Sến cách tân
Sến hậu hiện đại
Phức tạp hơn, khó nhận diện hơn nhưng vẫn là sến
Là cái vay mượn ở những nơi xa xôi, kín đáo
Để cái sến tránh phô bày sự sến
Để sến không bị bắt quả tang mình sến
Nhưng cái sến vẫn đều đặn
Như nhịp điệu bolero
Những mặt nạ ngụy trang
Bằng kiến thức google
Dần dà cũng trở thành mặt nạ sến
Đó là điều không tránh được
Đó là căn bản
Của một văn hóa đã thấm nhuần chất sến

Tôi đang bị ám ảnh vì cái sến
Nên chắc mình cũng sến
Nhưng nhất định mình chỉ sến với riêng mình
Thế nên mình cô đơn
Nhưng không sao
Bởi
Đời tôi cô đơn nên mần chi cũng cô đơn…

ĐQD

Thursday, October 3, 2013

ARS (CONTRA) POETICA

NGHỆ THUẬT (PHẢN) THƠ

Có những dòng thơ như trận mưa rào
Rơi xuống phố người, tràn dâng như nước lũ
Trôi ra sông, mất tăm vào biển cả
Khi mưa tạnh
Chỉ còn một vùng nước đọng
Tỏa mùi nồng khai làm choáng váng hồn thơ

Có những áng thơ vương vào mạng nhện
Long lanh như giọt sương buổi sớm
Đẹp như ngấn lệ của mỹ nhân trong huyền thoại
Bốc thành hơi khi rớt xuống đời người
Rồi tan vào quên lãng

Có những ý thơ tỏa hào quang như những mảnh thủy tinh
Của những tấm gương vỡ nát
Những mảnh sáng lung linh dưới ánh nắng mặt trời
Khoe muôn màu sắc lạ
Để khi đêm về
Ý thơ giãy chết.

Có những món thơ trang trọng như món quà
Gói thật đẹp
Người cảm thơ qua vẻ đẹp của giấy gói
Và cũng gói thơ mình để tặng lại tha nhân
Trong một bao giấy đẹp

Có những tiếng thơ rổn rảng như những trận cười
Vang vọng từ những cơn say
Để lúc men rượu tan
Thơ sẽ đối diện với hồn thơ
Trống rỗng

Có những điệu thơ ai oán như cơn đau
Của góa phụ trẻ
Đang hoang mang vì mất định hướng của ngày mai
Để rồi tìm lại được mình
Khi ngồi vẽ mắt trước bàn trang điểm

Và có những bài thơ
Ở những nơi cao mà người không với tới…

ĐỖ QUÝ DÂN

Monday, June 11, 2012

Số

-->

Số là những con số, là căn bản của luận lý, của khoa học.  Số cũng là căn bản của những tính toán, mưu mô của loài người.

Số còn là số mạng.  Những người tin vào số mạng là những người tin rằng cuộc đời mình đã do một bàn tay vô hình, quyền uy nào đó sắp đặt trước, muốn cưỡng lại cũng không được.

Số còn là may rủi, là xác suất để tiên đoán khả năng thành bại của con người.  Dựa trên những xác suất này, con người quyết định lựa chọn đường đi cho mình.  Vì xác suất của một sự kiện không đồng nghĩa với sự kiện đó, con đường người ta lựa chọn không phải lúc nào cũng là con đường đúng như ý người ta muốn.

Lối suy nghĩ của các nhân vật trong truyện ngắn dưới đây ít nhiều đã bị quy luật của số chi phối.  Có điều là mỗi nhân vật có một định nghĩa riêng về số.  Không hẳn là định nghĩa của người viết.


Tư (Ca Ca)

Đù má thiệt xui xẻo.  Mới ăn hai cây bài được năm chục ngàn mà giờ coi như tiêu rồi.  Tui đâu có chơi sai.  Tui đánh Băng Cơ[1] theo đúng sách vở mà.  Đặt lớn lúc vận đang lên mà.  Đù má thằng Lây Ơ[2] mắc dịch tự nhiên lại rút được 9 điểm.  Tổ cha nó.  Giờ thì tui chỉ có từ chết tới bị thương thôi.  Làm sao rút cho được 9 điểm để huề vốn đây?  Đù má nửa triệu vừa đặt vô chắc tiêu rồi.

Nè Thầy Giáo què, ông có chia bài ăn gian không vậy?  Ờ, thì giễu dở cho vui mà.  Không được lau mồ hôi trán nghen.  Dân chơi không lau mồ hôi khi bài bị bể.  Phải tỉnh như hít tô phen[3] vậy.  Thôi đù má để ván bài đó, lên phòng ngủ đã.  Mai hẵng rút con bài cuối.  Tui đã bao trọn gói, tui phải hành hạ tụi nó cho bõ ghét, cho đáng đồng tiền bát gạo.  Để tụi nó đứng đây chờ.  Thằng cha thầy giáo què chia bài mặt nó trơ trơ, giống như con cặc người ta vậy.  Đù má thiệt tức.

Còn năm con đĩ ngựa tui gọi vô hầu rượu nữa.  Nhìn cái mặt đang tiếc tiền của tụi nó kìa.  Mấy em ơi, thua bài là chuyện nhỏ mà.  Đừng có ham hố ra mặt như vậy.  Coi dơ quá.  Tụi bay đứng đây chờ tao về ngủ đã, đừng có đi đâu nghen.  Tao quay lại mà thấy tụi bay bỏ đi là có chuyện đó.  Nè quản lý A Woòng, biểu tụi nó ngồi chờ tui về đánh tiếp nghe!

Ủa, đứa nào làm đổ cái gì ra quần tao vậy?  À cái con điếm thúi này.  Đúng là mày muốn chết mà.  Lên phòng với tao.  Tao trị tội cho mày biết.  Chỉ có rót rượu mà cũng không xong nữa.  Đù má vậy mà đòi làm việc trong phòng víp[4].  Tao sẽ cho mày chết.


Việt Què

Cái thằng Cứt khốn nạn kia (nó hay tự xưng là ca ca với mấy con Tàu mà không hiểu caca là cứt), nó lại sắp thua nữa rồi.  Lần trước đến Macau nó đã nướng hết nửa triệu.  Lần này lại sắp mất nửa triệu nữa.  Chúng nó xài tiền như nước vậy.  Toàn tiền ăn cướp của dân thôi.

Cái thằng này chỉ biết cậy vào cái thằng anh làm lớn của nó thôi.  Nếu không làm sao nó dám lên mặt như vậy?  Cả thằng anh nó cũng thuộc hạng dốt nát.  Mình đã dạy học cho nó mà.  Dạy để nó lấy cái bằng phó tiến sĩ.  Để nó còn tiếp tục giữ chức vụ mà khỏi bị chúng cười.  Cái thằng Cứt nó nhận ra mình là thằng đã từng dạy học cho anh nó.  Nó gọi đểu mình là giáo què.  Tiên sư nó.

Hà hà, nó đâu biết thằng lót bàn[5] cho nhà cái hôm nay là thằng Thạch Đen mà nó ghét.  Thằng Thạch Đen lót ba trăm, ăn đủ ba trăm.  Thằng đại gia Cứt này mà biết được sẽ tức ói máu.  Kệ tụi nó.  Mình được ăn năm phần trăm là vui rồi.  Mình lại còn được ăn thêm hai phần trăm tiền ăn bài của thằng Thạch Đen để chuyển tiền cho nó về Việt Nam nữa.  Tụi nó lót bài là mình được ăn tiền đã điếu.  Cứ để tụi nó giết lẫn nhau đi.  Kệ cha tụi nó!

Tội nghiệp con Loan.  Không hiểu sao nó lại vô ý thế?  Cái thằng Cứt hung bạo có tiếng.  Tối nay chắc con bé khổ với nó đấy.  Không khéo lại ăn đòn của nó.  Đã làm ở phòng víp là phải ý tứ.  Mấy bố đại gia này thất thường, khó chơi lắm.  Hơi làm chúng phật lòng là khổ vào thân.

Tội nghiệp em.  Chính anh gọi em vào đây để phục vụ cái thằng Cứt này.  Chỉ vì có mình em là gái Việt trong đám gái này thôi. Con Xuân đã rời Macau rồi.  Không hiểu nó biến đi đâu?  Con Xuân thành thạo hơn, đối phó với thằng Cứt này được.  Còn em thì… Tội nghiệp em.

Con Loan trông nó hiền lành quá.  Số nó xui nên mới lọt vô chỗ này.  Mấy con nhỏ Tàu, Mông Cổ, Thái Lan đang ở trong phòng VIP này coi tướng dân chơi hơn con Loan nhiều.  Tụi nó toàn thứ ma quỷ.  Vào đây là thành ma hết.  Anh đã thành ma rồi mới vào đây đó, em ơi!  Ngày xưa anh là ma.  Bây giờ anh nuôi ma.  Anh nuôi ma để trị mấy cái thằng khốn nạn như cái thằng Cứt này.

Cái con ma cờ bạc này ghê lắm em ạ.  Nó không bao giờ buông tha nạn nhân của nó.  Em có thấy cái đám chơi máy “slot” ngoài kia không?  Em có thấy chúng chơi thế nào chưa?  Chúng nó nhét cả que tăm vào chỗ nút bấm để đỡ phải mỏi tay vì bấm!  Đấy, chúng đánh bạc máy nhiều như thế đấy.  Không bỏ được em ơi!

Anh mong là em đừng mê cờ bạc.  Mê là chết.  Những thằng như thằng Cứt này, đại gia thật đấy, nhưng chúng sẽ chết.  Có điều trước khi chúng chết, chúng cũng đã làm hại không biết bao nhiêu người rồi.  Đời nó chó đẻ như thế đấy.

Con gái anh nếu còn sống chắc cũng khoảng tuổi em đấy Loan à.  Tội nghiệp cho nó.  Bố nó chẳng ra gì mà mẹ nó cũng đoảng.  Nó chết cũng đúng thôi.  Đời nó không có gì đáng để sống cả.  Nhìn em anh nhớ đến nó.  Anh đã tìm đủ cách để bảo vệ em chỉ vì nhớ đến nó.  Không biết tối nay em ra sao?  Thằng Cứt nó sẽ hành em ra sao?  Anh chỉ muốn hét lên cho hả tức mà không được em ơi!  Đây là phòng VIP của sòng bạc nổi tiếng Macau.  Đây là thế giới không tiếng khóc, không tiếng kêu gào, không tiếng than thở.  Đây là đất của ảo ảnh, của hào quang.  Tiếng khóc, tiếng kêu gào, tiếng thở than không có âm vang trong vùng đất này em ạ.

Anh đang cười với thằng quản lý Tàu, cái thằng nó đang cười với anh…


Loan

Không ngờ mình gặp lại nó.  Nó là thằng lo việc xuất khẩu lao động cho mình.  Nó là thằng bảo mình sẽ làm được nhiều tiền để nuôi gia đình, để giúp các em ăn học.  Nó là thằng đã thuyết phục bố mẹ mình ký giấy nợ để cho mình có đủ tiền mua vé máy bay ra nước ngoài làm việc.  Nó là thằng đã để mình phải làm con hầu cho cả gia đình cái thằng Tàu mất dạy kia.  Mình đã phải hầu hạ bố con chúng nó, khách khứa chúng nó.  Mình đã ăn những trận đòn thừa sống thiếu chết của chúng nó.  Mình đã bị chúng hiếp, chúng dày vò hàng ngày.  Mình đã có bầu với chúng.  May mà mình bị xảy thai.  Nếu mình có con, mình cũng không biết nó là con đứa nào?

Tất cả là vì cái thằng khốn nạn này.

Nó mở công ty xuất khẩu lao động là nhờ ở thế lực của thằng anh nó.  Nó đã lừa không biết bao nhiêu người rồi.  Giờ nó lại còn dám đóng vai đại gia ở đây nữa.  Mình sẽ phải theo nó.  Mình cố tình đổ rượu vào người nó để đi theo nó.  Mình phải theo nó để biết nó đang làm gì.  Đang hại những ai.  Mình phải trả thù.

Mình phải làm gì đây?  Mình có thể làm gì nó đây?  Chỉ nghe giọng nó mà mình đã phát sợ rồi.

Mày tên gì, nhỏ?  Dạ thưa anh, em tên Loan.  Ai cho mày được gọi tao bằng anh?  Phải gọi tao bằng ông!  Tao có ngang hàng với tụi bay đâu mà mày gọi tao bằng anh? Mày có hiểu chưa?  Dạ con hiểu, thưa ông.  Đù má, bộ tao già lắm sao mà mày xưng con với tao?  Xưng em nghe chưa?  Gọi tao bằng ông và xưng bằng em, nghe rõ chưa?  Mấy cái con điếm như mày không biết điều biết luật chi hết.

Sao tai mình lùng bùng thế này?  Mình nghe như máy và nói cũng như máy.  Nhiều lúc mình tự hỏi mình là người hay là máy.  Cái thằng này khó chịu lắm đây.  Mình phải cẩn thận kẻo lại ăn đòn với nó chứ chẳng chơi.

Bố mẹ, con đã làm hại bố mẹ phải mất nhà để trả nợ cho thằng khốn nạn này.  Bố mẹ hãy tha lỗi cho con.  Con phải trốn đi vì không chịu nổi bố con thằng Tàu kia nữa.  Con đâu biết là tiền lương con làm trong cả năm trời đã bị lọt vào tay thằng khốn nạn này?  Con đâu biết bố mẹ đã phải đôn đáo hỏi thăm tin tức của con suốt mấy năm nay?  Con đâu biết chúng nó báo cho bố mẹ là con đã ăn cắp tiền chủ nhà rồi bỏ trốn, rồi còn dọa bố mẹ đừng làm lớn chuyện, nếu không nghe thì chúng sẽ tìm bắt con bỏ tù?  Bố mẹ tha lỗi cho con.  Chỉ vì con ham ra nước ngoài làm việc kiếm tiền cho gia đình.  Chỉ vì nhà mình nghèo.  Chỉ vì số kiếp mình nghèo.


Tư (Ca Ca)

Đù má thằng anh tui mà biết tui thua một triệu đô trong tháng này chắc nó thiến dế tui quá.  Tui phải làm sao đây?

Cái dự án xây khu nhà cao cấp phải làm gấp mới được.  Tui cần phải có tiền đưa lại cho thằng anh của tui.  Nhưng làm sao xử cái đám cứng đầu không chịu giải tỏa đây?  Mấy cái thằng dổm đó cứ bày đặt cứng đầu.  Đù má, đâu có phải tụi nó có nhà có cửa gì đâu?  Chỉ có mấy cái chòi dòm giống như ghẻ lở vậy.  Dẹp mấy cái chòi đó đi là đúng rồi.  Đất nước mình phải khang trang chớ.  Tui đuổi tụi nó là tui có công với nhà nước đó.  Tui phải cho xây nhà cao cấp và dẹp mấy cái chòi cặc đó đi chớ.  Đù má cho tụi nó hai trăm ngàn đồng một mét vuông là quá lắm rồi.  Tụi nó còn muốn cái gì nữa.  Muốn làm cha tui chắc?

Phải nhờ tới thằng Cai rồi, thằng này mới mần tụi nó được.  Nhưng cái thằng cặc này đòi nhiều tiền quá.  Nghe nó nói mà thấy mệt.  Anh Tư ơi, em phải chi cho nhiều đứa lắm vì em không ra mặt được Anh Tư à.  Đại tá công an mà tới đuổi người ta đi thì coi sao được.  Em phải kiếm những thằng chịu tội thế cho em chớ.  Em đâu có lấy riêng đồng nào bỏ túi đâu.  Anh em mình mà.  Nhưng mấy cái thằng kia, thằng nào cũng đòi chi nhiều hết Anh Tư ơi!  Còn tụi nhà báo nữa.  Tụi nó hồi này ghê gớm lắm.  Bài viết nào cũng nịnh bợ nhà nước rồi lại bắn sẻ vào tụi em để bán báo cho chạy.  Tụi nó mánh mung lắm anh ơi!  Em phải chi cho vài thằng thì mới yên.  Anh biết chuyện này còn hơn em mà.

Cái thằng nó nói không phải là không có lý nhưng nó ăn nhiều quá.  Thôi biết làm sao đây?  Đành phải chịu cái giá của nó đưa ra vậy.  Ít nhất tui cũng ăn được hai triệu trong vụ này.  Thằng chủ dự án đã chịu trả tui trước một nửa.  Thôi kệ thằng Cai đi.  Lỡ chơi thì phải chịu thôi.  Phải đưa thằng anh tui cái tiền đặt cọc này để nó còn lo cho mấy mối khác.  Nó đã cảnh cáo tui mấy lần rồi.  Tui phải ếm cái vụ thua bài này mới được. 

Hai tuần nữa thằng anh tui qua đây chơi.  Tui phải dặn thằng quản lý biểu mấy đứa im miệng.  Thằng này biết nghe.  Còn cái thằng thầy giáo què mới đáng lo.  Nó là dân có học, có bằng cấp, không giỡn chơi với nó được.  Chắc tui cũng phải chi cho nó im miệng mới xong.  Đù má không biết nó đòi bao nhiêu đây?

Cái con nhỏ Loan này coi hiền mà sao tui thấy ớn ớn.  Lúc nãy tui định kêu thằng hộ vệ vô trói nó lại hiếp cho tui coi mà sao tui lại không kêu kìa?  Bộ tui đổi tính rồi chắc?  Hà hà, lâu lâu tui cũng biết thương hoa tiếc ngọc chớ!  Có điều là mấy con điếm thúi này chẳng có hoa cỏ chi hết.  Thôi, bắt nó mát xa cho tía nó ngủ.  Để thử coi đường lưỡi của nó tới đâu?

Mà đù má nó chớ, sao mặt cái con nhỏ này dòm quen quen kìa?


Việt Què

Phải chi ngày đó mình đừng bị vướng vào nó.  Nó là thứ ma đã hủy hoại đời mình.  Bố mình đã chạy chọt cho mình về đóng ở biệt khu thủ đô mà mình vẫn chịu không nổi.  Ở trong lính không chơi được.  Mà mình thì cần chơi mỗi ngày.  Không chơi không sống nổi.

Mẹ kiếp cái thằng Hải Tặc chỉ có chút chuyện mà cũng làm không nên thân! Mình nhờ nó lấy xà beng đập vào bàn tay phải của mình để có cớ vô bệnh viện xin giải ngũ.  Nó lớ quớ làm sao mà cái xà beng sút khỏi tay, bay luôn vào đầu gối mình.  Mình còn nhớ vừa đau mà vừa sướng.  Sướng vì sắp được thoát.  Đầu gối bể nát thì chắc chắn được giải ngũ!  Có điều từ đó tới giờ chân mình bị khập khiễng, nên thằng Cứt nó gọi đểu mình là giáo què.

Tổ cha cái thằng bác sĩ ở Cộng Hòa!  Nó khám cho mình rồi phê luôn bốn chữ vào hồ sơ:  HHTT.  Hát hát tê tê.  Mình vẫn còn nhớ.  Hát hát tê tê.  Hủy hoại thân thể.  Bố mình lại phải chạy khối tiền để nó xóa hồ sơ đi.  Mẹ kiếp, muốn ra khỏi lính không phải chuyện dễ.

Thôi thì cám ơn cách mạng đã giúp mình thoát được con ma đó.  Lúc tụi Việt cộng vô, mình chẳng còn kiếm đâu ra được hai ba cc mỗi ngày.  Mình đã bị hành gần chết.  Mình đã nhớ những lúc bị nó hành.  Ôi, địa ngục đó mình không bao giờ muốn quay trở lại.  Mình đã chết đi từ dạo đó rồi.  Không hiểu làm sao mà sống lại được. 

Có cái tức cười là qua vụ đó đầu óc mình tự nhiên lại sáng sủa.  Mình lấy bằng của anh mình, khai láo là đã từng du học, có bằng cử nhân nước ngoài, vậy là được tuyển vào làm “giáo sư” Anh văn cho chương trình học lấy bằng phó tiến sĩ.  Học viên toàn là đám quan chức có trình độ văn hóa tiểu học.  Mình đã dạy cho thằng anh của cái thằng Cứt này.

Nghĩ lại thấy cũng tức cười.  Vợ thằng anh nó tự nhiên mê mình, rồi cho mình tiền để thầu mấy sòng bạc.  Mình có khiếu về cờ bạc.  Tính bài nhanh, đặt tiền đúng lúc.  Mình đánh bài giỏi chỉ vì mình không xài tiền của chính mình để đánh bạc.  Mình xài tiền của vợ thằng anh nó để đánh.  Nhờ đó mình đánh bạc đúng nguyên tắc.  Không tình cảm.  Không sợ hãi.  Những thằng giỏi cờ bạc là những thằng không tình cảm, không sợ hãi.  Mình quả thật không nhớ tình cảm là gì nữa.

Nếu thằng chủ sòng bạc Cam Bốt không đút mấy ông lớn để tố bậy, mình đã không lưu lạc đến nơi này.  Mặc dù nhà nước chỉ cho phép người nước ngoài đánh bạc, mấy đại gia Việt cũng cố đánh bạc lậu trong nước.  Mình đã làm được rất nhiều tiền từ mấy đại gia này.  Cho đến lúc thằng Cam Bốt tố.  Nó tố mình vì mấy thằng đại gia chơi ở sòng mình đáng lẽ phải qua sòng nó chơi mới hợp lệ.

Mình cướp khách của nó thì nó tố mình, không có gì đáng ngạc nhiên cả.  Mình chỉ tức là đã chia cho nó ăn một phần mà nó vẫn không thấy đủ, còn chơi xấu mình nữa.  Ai bảo mấy thằng Miên hiền lành?  Tụi nó cũng lưu manh chẳng kém gì mình.

Mình đã tưởng là tim mình chết rồi.  Cho tới khi mình gặp con Loan.  Lúc nó năn nỉ xin mình giúp cho vào làm việc trong sòng bạc, mình đã thấy có một chút xúc động trong lòng.  Mình đã chơi bao nhiêu gái ở đây rồi, nhưng chưa bao giờ thấy lòng xao xuyến như thế.  Những lời năn nỉ ngon ngọt của nó cũng có đủ mọi thứ “gia vị” giả tạo, mình biết thế mà vẫn xúc động.  Cho đến giờ mình vẫn không hiểu tại sao.  Mình chỉ biết nó quyết liệt lắm.  Mình không thể từ chối nó được.

Hay tại nó làm mình nhớ đến con mình?

Con Mai con mình cũng như một đứa con hoang.  Cũng tại thằng Sang rủ mình đến nhà nó chơi.  Hôm đó mình chơi tới mất thần hồn rồi tự nhiên nổi máu dâm đè con em nó ra chơi.  Con nhỏ sợ không dám chống cự gì hết.  Một phần chắc cũng tại nó tò mò nữa.  Chỉ có một chút xíu vậy mà nó có bầu.  May sao tối hôm đó bố mẹ thằng Sang không có nhà, còn thằng Sang thì bị ma hành không dậy nổi nên mình mới không bị bắt quả tang tại chỗ.  Vì lương tâm, đúng, mình mất hồn nhưng vẫn còn lương tâm, mình cưới con em thằng Sang làm vợ để rồi nó đẻ ra con Mai.  Gia đình thằng Sang để mình lấy nó mặc dù họ theo công giáo còn mình thì chả có đạo gì cả.  Kẻng chưa đánh mình đã ăn cơm, gia đình nó không thích cũng đành chịu.  Mẹ con Mai ngoan đạo không muốn phá thai nên chấp nhận làm vợ mình.  Mình đã cố hết sức thương yêu nó, mình đã cố gắng làm chồng làm cha, mình đã tạo được niềm tin cho người vợ miễn cưỡng của mình, nhưng rút cuộc mình vẫn không bỏ rơi được cái con ma đó.  Khi tụi Việt cộng vô, khi mình đã thoát khỏi bàn tay con ma đó thì vợ mình đã nặng lòng oán hận mình, tình cảm không sao hàn gắn được nữa.  Con Mai vừa đủ tuổi hiểu biết cũng đem lòng oán bố, bỏ nhà theo bạn bè lêu lổng đi chơi.  Mẹ mắng, nó đâm ra oán cả mẹ.  Mình còn nhớ cái hôm nó cãi mẹ rồi theo bạn bè đi chơi.  Mình còn nhớ lúc mình với vợ mình được báo tin đám tụi nó uống rượu say rồi đèo nhau ra xa lộ bị xe tải đâm chết.  Mình còn nhớ ánh mắt oán hận của vợ mình đêm hôm đó.  Mình phải bỏ đi cũng vì ánh mắt đó.  Cũng vì thế mà mình dính vào vợ của thằng anh thằng Cứt.  Mình dạy con mụ đó đánh bạc rồi nó đâm ra mê bạc, không mê mình nữa.  Đỡ khổ cho mình mặc dù mình cũng hơi tiếc.

Mình không thể để kệ con Loan như mình đã từng để kệ con Mai.  Mình phải tìm cách giúp nó mới được.


Loan

Mình phải cố lắm mới không nôn ọe.  Nhìn cái bụng phệ của nó kìa.  Nó bắt mình phải liếm cả người nó.  Liếm cái mả cha nó.  Nó bảo mình không nghe thì nó cho thằng hộ vệ vào làm thịt mình.  Thật là lũ quỷ lên làm người.

Nó vừa nằm để mình liếm vừa uống rượu.  Mình đã liếm người nhiều thằng đàn ông rồi, nhưng không hiểu sao mình lại buồn nôn khi phải liếm người cái thằng này.  Cái thằng khốn nạn này bị liệt dương.  Cũng may nó bị liệt dương, chứ nếu không mình sẽ phải tởm đến mức nào khi phải làm tình với nó.

Cũng may nó không gọi thằng hộ vệ vào “làm thịt” mình.  Cái thằng hộ vệ này mặt như cái thớt, lầm lầm lì lì như trâu nước, trông phát sợ.  Cái thằng trâu nước này mà chơi mình thì chắc mai mình đi hết nổi.  Thằng khốn nạn kia chắc đã để cái thằng trâu nước này đày đọa bao nhiêu đứa con gái ở đây rồi.  Mấy thằng liệt dương luôn luôn thù đàn bà, muốn hành hạ đàn bà cho đỡ mặc cảm bất lực.  Phúc tổ cho mình hôm nay được thoát nạn.

Nó say rồi.  Nó bắt đầu ngáy rồi.  Bây giờ là giây phút mày phải trả nợ đây, thằng chó ạ.

Mình có luồn sẵn một sợi dây đàn ở nịt ngực để phòng thân.  Sợi dây đàn này đủ sắc để cắt đứt cuống họng của cái thằng chó này.

Bố mẹ ơi, tha lỗi cho con.  Đêm nay chắc con không thoát được đâu.  Con sẽ không bao giờ được thấy mặt bố mẹ và các em nữa. Tháng trước con có nhờ người về tìm bố mẹ để đưa tiền.  Đó là chị Xuân.  Chị ấy làm chung với con, chị ấy rất tốt với con, bố mẹ ạ.  Con chắc chị ấy sẽ tìm ra bố mẹ.  Con mong bố mẹ nhận được số tiền con đã dành dụm được và dùng nó để có vốn làm ăn.  Bố mẹ ơi, bố mẹ cố dùng tiền này để thoát khỏi cái nghèo, con người ta không thoát được cái nghèo sẽ phải làm nô lệ cho người khác.  Con không muốn gia đình mình phải làm nô lệ, con không muốn các em con phải làm nô lệ như con.  Bố mẹ thương con hãy gắng làm ăn, bố mẹ nhé.

Mình phải làm sao qua mặt được gã hộ vệ đây?  À, mà mình cần gì phải qua mặt nó chứ.  Mình xử xong thằng này là được rồi, hậu quả thì chấp nhận thôi, nuối tiếc gì nữa?  Mình đâu cần phải rời chỗ này đâu?  Chuyện gì cũng phải có cái kết cục của nó.

Trước khi đi, mình sẽ đái lên mặt cái thằng chó này.


Tư (Ca Ca)

Trời ơi, sao cái cổ tui nó nghẹt nghẹt vậy, thấy khoái quá!  Hình như con nhỏ vẫn còn đang đi đường lưỡi trên người tui.  Tui chưa từng có cái cảm giác khoan khoái như vầy.  Hình như thằng nhỏ của tui nó bắt đầu động đậy rồi.

Ờ, tui sướng quá!  Cứ như ai đang bóp cổ tui vậy.  Bây giờ tui biết rồi.  Phải để đứa nào nó xiết cổ mình, mình mới cương lên được.  Trời ơi, tại sao từ trước tới giờ tui không thử, sao tui ngu quá vậy?

Ặc ặc, ê ê, xiết nhè nhẹ thôi em ơi, anh lên rồi.  Leo lên cưỡi anh đi em ơi!

Ê ê, đừng đừng em, đau em ơi!  Sướng quá!  Đau em ơi! Sướng quá em ơi! Đau em, đau…


Việt Què

Kệ mẹ thằng A Woòng.  Mình bỏ đi nó ức lắm.  Nó sợ mai thằng Cứt kia không cho nó tiền.  Toàn những thằng nô lệ vì tiền bạc.  Nó sẽ nói xấu mình.  Kệ nó.  Cùng lắm là mất việc.  Mình không thể mặc kệ con Loan được.

Mình phải ghé quầy rượu lấy chai Cordon Bleu cho thằng hộ vệ mới được.  Thằng nhà quê này chỉ thích rượu đắt tiền.  Cái thứ chuyên nhậu đế mà bày đặt uống Cognac.  Mình cũng phải chiều nó vậy.  Mình sẽ bảo nó vào nói với thằng Cứt kia là có anh nó đến, đang chờ nó ở phòng VIP.  Cái thằng Cứt kia sẽ tá hỏa tam tinh đuổi con Loan đi ngay.  Như thế thì con Loan mới thoát khỏi tay nó đêm nay.

Em ơi, em phải nghe anh.  Đi khỏi chỗ này đi.  Em còn ở đây là đời em còn khốn nạn, em ạ.  Em cần tiền anh sẽ đưa cho.  Anh dư tiền mà, em đừng lo.  Mỗi canh bài có người lót anh được năm phần trăm em ạ.  Anh đủ sức lo cho em, em cứ yên tâm.  Em theo anh đi khỏi nơi này, em nhé.  Anh cũng giã từ cái xứ chết tiệt này đây.  Đi, đi, em ơi.  Mình về lại quê mình đi em, tìm chỗ nào hẻo lánh sống qua ngày.  Anh có đủ tiền để mình làm ăn, em ạ.

Ủa, sao thằng hộ vệ trâu nước lại đứng ở quầy rượu thế kia?  À, nó đang mua rượu.  Mình phải trả tiền cho nó mới được.

Sáu nè, để anh mua tặng em chai rượu này.  Tại sao anh rời phòng víp hả?  Tại anh của Anh Tư vừa tới, nhắn anh đi gọi Anh Tư tới cho ảnh gặp.   Sáu vào nhắn Anh Tư dùm anh nghe.

Sao? Sáu không dám vô một mình hả?  Thôi được, để anh cùng vào với em.  Chuyện nhỏ.  Anh em phải đỡ cho nhau chứ.  Anh chịu hết trách nhiệm về chuyện này.  Em đừng lo.  Anh em phải lo cho nhau chứ.

À, phòng Anh Tư đây hả?  Ủa, sao cửa phòng Anh Tư mở?  Ảnh có đi đâu vào lúc này không?  Khoan, khoan, đừng vô.  Anh Tư nổi nóng là có chuyện đó.  Thôi để anh vô cho.  Có gì anh chịu.  Không sao đâu Sáu.  Anh em mình mà.

Chết rồi.  Chắc có chuyện rồi.  Loan ơi, thằng Cứt kia nó làm gì em?  Để anh vào đỡ cho em.  Anh què nhưng nó cũng vẫn phải nể anh.  Anh sẽ nói là thằng anh nó đang chờ.  Nó sẽ sợ.  Anh mong là nó sẽ sợ.  Anh thật tình mong là nó sẽ sợ.

Loan ơi, vì em mà anh đang làm những chuyện ngu si không tính toán đây.  Anh là thằng tính toán giỏi, em biết không?  Chỉ vì anh thương em, chỉ vì anh nhớ tới con anh…


Loan

Tôi ước mong được trở lại cuộc sống bình thường.  Tôi còn có thể sống cuộc sống bình thường được không?  Trời ơi, tôi phải làm gì để được cuộc sống bình thường đây?

Tôi đang chìm vào dòng sông thù hận.  Tôi đang chìm vào biển máu.  Làm sao tôi trở lại cuộc sống bình thường?

Bố mẹ ơi, tha lỗi cho con.  Bố mẹ biết không, khi con thấy được máu của thằng chó kia, con sung sướng vô cùng.  Con mà có dao sắc là con đã cắt từng bộ phận trong người nó ra nữa!

Tôi phải trốn khỏi nơi này đêm nay.  Chết rồi, thằng trâu nước đang về kìa.  Nó đi với ai vậy?  À, nó đi với chú Việt.  Sao chú Việt lại bỏ phòng víp lên đây?  Mình phải trốn cho nhanh.  Bị thằng trâu nước bắt được thì chỉ có chết.  Cháu đi nhé, chú Việt.

Mình mà bị thằng trâu nước nó bắt được thì chỉ có chết.

* * *

Mỗi một con người là một tập hợp số.  Tập hợp số của mỗi người là một tập hợp số con nằm trong một tập hợp số lớn hơn và thường bị chi phối bởi những số nằm trong tập hợp lớn.  Thí dụ tập hợp số của mỗi người Việt thường bị chi phối bởi những số nằm trong tập hợp số của cả xã hội Việt.  Mỗi một môi trường trong đời sống cũng là một tập hợp số.  Con người ta khi đã thuộc môi trường nào sẽ bị tập hợp số của môi trường đó chi phối.  Những kẻ có tinh thần phấn đấu hoặc mạo hiểm thường tìm cách thoát ra khỏi môi trường sống của mình, để rồi bị chi phối bởi một tập hợp số mới, có hoặc không liên quan với tập hợp số cũ.

Khi chưa thoát khỏi tập hợp số cũ, tất cả các tập hợp số ngoài môi trường hiện tại đều mơ hồ.  Các con số trong các tập hợp ngoài môi trường hiện tại đều là những ẩn số.

Những khu giao của các tập hợp số cá nhân là nơi con người tiếp xúc với các ẩn số, và biến các ẩn số thành số mới của mình.  Đây là nơi phát sinh ra những hệ luận rút tỉa từ tác động của những số được gài vào những bài toán cộng trừ nhân chia mới, nhưng thường xuyên nhất là tác động của những xác suất nảy sinh từ những số đó.  Nhiều xác suất tưởng chừng như sự thật, thế nhưng lại không phải là sự thật.  Con người ít sống với sự thật, mà chỉ sống với xác suất của sự thật, vì thế.

Riêng về trường hợp của những người làm thơ viết truyện, tập hợp số của họ thường chứa những con số rối loạn, không thể sắp xếp vào một thứ tự hoặc quy luật nào.  Bởi họ thường để trí tưởng tượng phủ nhận sự thật, loay hoay với sự rối loạn của trí tưởng tượng để cộng dư trừ thiếu, hay ngược lại.

Do đó, nếu người đọc muốn biết rõ câu chuyện trên đây thực sự xảy ra như thế nào, xin nói chuyện với một nhà chuyên môn về số học.  Tốt nhất là nói chuyện với những người giỏi về xác suất.  Người viết truyện này, cũng như đa số những người viết khác, thường không hiểu rõ về số, về xác suất.  Mặc dù hắn cũng có những định nghĩa riêng về số.

Xin nhắc lại, mỗi người chúng ta có một cách riêng để định nghĩa số.

Đỗ Quý Dân
(5-2012)



[1] Banker (trong trò chơi bài Baccarat ở các sòng bạc)
[2] Player (trong Baccarat)
[3] Hút thuốc phiện (tiếng lóng)
[4] Phòng VIP (VIP là viết tắt của Very Important Person)
[5] Góp tiền với nhà cái ở sòng bạc (tiếng lóng)