1.
- Dạo còn bé, ông có bị ai trong gia đình - bố, mẹ, hay anh chị em của ông - đánh đập không?
Pygmalion ngước mặt lên nhìn người đàn bà vừa đặt câu hỏi đó. Hắn mơ màng chuyển mắt qua bức tường trống sau lưng bà ta. Hắn đang ngồi trong phòng thẩm vấn của nhà tù thành phố. Hắn bị bắt vào đây tối hôm qua vì tội bạo hành tại gia. Vì hắn cứ lảm nhảm những câu nói khó hiểu, ban quản lý nhà tù phải cho mời một chuyên viên xuống thẩm định tình trạng tâm thần của hắn. Nói một cách nôm na, họ cần biết hắn có bị điên hay không. Nếu hắn có vấn đề về tâm thần, họ sẽ không truy tố hắn mà sẽ xin lệnh tòa để đưa hắn sang nhà thương điên. Luật ở thành phố này bắt buộc họ phải làm như thế.
Pygmalion nghe rõ tiếng của người đàn bà nhưng hắn không hiểu bà ta nói gì. Đầu hắn lúc này chỉ chứa đựng một hình ảnh duy nhất: hình ảnh của nàng. Sáng tác của hắn. Ý nghĩa của đời hắn. Nàng. Galatea.
2.
Pygmalion là một điêu khắc gia nổi tiếng trong nước. Những tác phẩm điêu khắc của hắn có mặt khắp nơi. Các viện bảo tàng nghệ thuật, các nhà văn hóa trong nước, đâu đâu cũng trưng bày những tác phẩm của hắn.
Trong con mắt của mọi người, hắn đã thành công, đã đạt đến tột đỉnh danh vọng. Mọi người đều nghĩ là hắn sung sướng, hạnh phúc nhất thế gian. Nhưng chính hắn lại không cảm được điều đó. Hắn mơ hồ cảm thấy những tác phẩm của mình có khuyết điểm. Hắn không hiểu rõ đó là khuyết điểm gì, chỉ biết khi nhìn lại tác phẩm mình vừa hoàn tất, hắn có cảm tưởng như nhìn một người bệnh nặng trút hơi thở cuối cùng. Mỗi tác phẩm là một đám tang cho chủ đề sáng tạo của hắn.
Cho đến khi hắn tạo ra nàng.
3.
Ba năm trước…
Hắn là khách mời danh dự của một buổi triển lãm nghệ thuật cổ. Từ khi bắt đầu nổi tiếng, hắn chẳng còn để ý mấy về nghệ thuật điêu khắc cổ xưa mà chỉ luôn đi tìm cái mới, cái lạ. Hắn đã được nhiều nhà phê bình nghệ thuật ca tụng như một thiên tài trong ngành điêu khắc đương đại và hắn rất tự hào về điều đó. Thế nhưng hôm ấy, đứng trước pho tượng cổ mà hắn nhớ loáng thoáng là tượng nữ thần Venus, hắn chợt thấy xúc động. Pho tượng chẳng có gì mới lạ, nhưng có một nét sống động mà đã lâu hắn không còn nhìn thấy. Khuôn mặt pho tượng như cười với hắn, nửa đùa giỡn, nửa khiêu khích. Trong đầu hắn bỗng vang lên một thứ âm thanh quyến rũ, cái quyến rũ của sự hứa hẹn.
Buổi triển lãm đã tan mà hắn vẫn còn cảm giác ngây ngất. Niềm tin về khả năng sáng tạo bỗng chợt hồi sinh. Hắn thấy trong người có một động lực từ đâu đó chợt xuất phát, tước đi khả năng cưỡng kháng của hắn. Hắn quyết định phải tạo ra nàng. Vừa về đến nhà là hắn đã đi thẳng vào studio, cho người đem ra một khối đá lớn để bắt đầu tạc tượng. Hắn làm việc một cách say mê. Khối đá vô tri từ từ biến hình, và nàng đã ra đời, như Venus đã từng ra đời từ bọt biển.
Hắn gặp nàng lúc ra khỏi cơn mê. Ngay giây phút đó, hắn biết hắn đã yêu nàng.
4.
Trích từ một bài phê bình nghệ thuật đăng trên tập san Nghệ Thuật Ngày Nay số 210 :
“Galatea, tác phẩm mới nhất của điêu khắc gia lừng danh Pygmalion, đánh dấu sự chuyển hướng của nghệ sĩ. Galatea phảng phất nét của những bức tượng cổ, tương tự như những tác phẩm điêu khắc thời Phục hưng. Phải chăng Pygmalion đã mệt mỏi với nghệ thuật đương đại, luôn đòi hỏi cái mới, lạ, nặng về tư duy hơn về cảm xúc con người. Phải chăng nghệ sĩ đang hát bài ca giã từ để chia tay với nàng Sáng Tạo... –Dan Do”
Pygmalion đã mời công chúng đến gặp Galatea tại studio ở tư gia. Hắn muốn giới thiệu nàng, người tình mới của hắn, với tất cả mọi người. Hắn hãnh diện và hạnh phúc vì nàng. Hắn chỉ giới thiệu nàng chứ không giới thiệu bất cứ một tác phẩm nào khác. Khách xem tượng thấy mất đi vẻ ảm đạm cố hữu ở hắn. Họ hầu như không còn nhận ra chàng Pygmalion ngày trước. Con người cũ của hắn đã tan loãng vào một thế giới riêng để nhường chỗ cho một con người mới. Con người mới này do nàng tạo ra. Hắn bây giờ là sản phẩm của nàng. Pygmalion của Galatea.
Thế giới nghệ thuật xôn xao. Đa số các tay phê bình nghệ thuật đồng ý với Dan Do, cho rằng hắn đã mệt mỏi, nguồn sáng tác đã kiệt quệ, giờ chỉ còn dựa vào những thành tích đã đạt được trong quá khứ để duy trì danh tiếng. Họ ngỏ ý tiếc nuối tài năng của hắn và họ diễn tả sự tiếc nuối đó bằng những lời giả tạo cần thiết, nghe như những lời chia buồn cùng những gia đình có người thân vừa qua đời. Những lời chia buồn của những kẻ không hiểu về nỗi buồn của người mình an ủi thường chỉ nặng về hình thức, nói ra chỉ để nói, cả người nói và người nghe đều biết thế, nhưng chẳng ai quan tâm. Những bài phê bình về hắn cũng thế. Viết để viết, để người đọc quên đi điều mình đọc, để đưa tên hắn vào quá khứ, vào lãng quên. Như những bản cáo phó đăng trên báo.
5.
Pygmalion mất ngủ đã mấy đêm. Hắn không mất ngủ vì những lời bàn tán của thiên hạ vì thực ra hắn chẳng hề biết mọi người bàn tán ra sao, hắn mất ngủ vì cảm thấy tình yêu của hắn không được nàng đáp lại. Nàng là tượng đá, dù hắn có tha thiết tỏ tình với nàng đến đâu đi nữa, nàng cũng chẳng động tâm.
Như một kẻ đang hạnh phúc bỗng chợt khám phá ra mình sống trong ảo tưởng, hắn thấy mình bị hụt hẫng. Hắn đâm ra giận dữ, gắt gỏng, và không ngủ được khi đêm về. Nghệ thuật, tác phẩm, không gian, thời gian, tất cả bỗng trở thành vô nghĩa. Hắn trở nên mê muội. Những lúc hơi tỉnh táo lại, hắn thấy mình như đang bấp bênh giữa hai cõi thực và ảo.
Hôm ấy vào đầu tháng tư. Cô thư ký vừa nhắc cho hắn về buổi hẹn với Dan Do. Gã viết báo này muốn gặp hắn để phỏng vấn. Trong đám nhà báo, hắn thích gã này nhất, vì gã không đến nỗi quá giả tạo. Hắn cũng đang muốn gặp gã. Hắn đang có nhu cầu tiếp xúc với người ngoài, đại khái như nhu cầu của một kẻ đắm thuyền tìm nơi bám víu.
Hắn ngập ngừng bước vào studio, nơi Dan Do hẹn gặp hắn. Nàng cũng đang ở đó. Hắn do dự không biết có nên gặp nàng không? Mấy hôm nay hắn đã tìm cách để quên nàng nhưng không được. Cặp mắt nàng vẫn nhìn hắn. Nàng đứng trước mặt hắn như một thiên thần, cả người nàng toát ra một vẻ siêu thoát, không có đến một khuyết điểm.
Nhưng nàng vẫn không nói với hắn một câu nào.
Hắn chợt thấy không gian trước mặt mờ đi sau một màn sương đỏ thẫm. Màu đỏ của cuồng nộ, cái thứ cuồng nộ phát sinh từ nỗi tuyệt vọng của con người. Hắn không ý thức mình đã làm gì trong phút giây cuồng nộ đó, mà chỉ bừng tỉnh khi âm thanh của vỡ đổ vang lên ở chung quanh. Hắn chợt thấy mình đang nắm chặt một chiếc búa lớn trong tay, mặt đất chung quanh phủ đầy những mảnh đá vỡ vụn, và sau đống đổ nát đó, hắn nhìn thấy nàng. Bằng xương bằng thịt. Nàng đứng đó, cặp mắt còn loang niềm sợ hãi. Và nàng chợt bật khóc.
- Tuyệt diệu, thật là tuyệt diệu!
Giọng của gã phóng viên nghệ thuật vang lên giữa khung cảnh huyền bí đó. Không biết gã đến từ lúc nào. Chỉ thấy gã tiếp tục ca tụng hắn:
- Ông đã “sáng tạo” ra tác phẩm chết rồi hủy nó đi để tạo nên tác phẩm sống. Ông đã chuyển được nghệ thuật từ tượng đá vào người mẫu! Chưa có ai đã đem được sự sống vào tác phẩm như ông vừa làm.
- Màn biểu diễn quá trình sáng tạo này quá tuyệt vời. Người mẫu hóa ra hình tượng, hình tượng trả về cho người mẫu. Cảm hứng đi đến thực thể, thực thể đi đến sự sống. Mà sự sống chính là nơi cảm hứng bắt đầu. Đơn giản thế mà không ai nghĩ ra!
- Tôi vẫn không tin là ông bỏ cuộc, bỏ sáng tạo. Tôi vẫn tin là Galatea của ông có ý nghĩa vượt trên hình tượng của nàng. Và tôi đã tin đúng. Chỉ có ông mới có được khả năng sáng tạo này!
Hắn để mặc gã phóng viên lải nhải. Hắn tiến về phía trước và dang hai tay ra ôm nàng. Hắn cảm được sự mềm mại của đôi tay, nghe được hơi thở phập phồng trong lồng ngực và bất giác cúi xuống hôn lên đôi môi nàng đang hé mở. Nàng đứng im không một phản ứng, nhưng rõ ràng nàng có sự sống ở trong người. Nàng ĐÃ có sự sống. Nàng bây giờ mới đích thực là tác phẩm của hắn.
6.
Và Galatea đột nhiên trở thành tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật. Sau khi tập san Nghệ Thuật Ngày Nay cho đăng bài viết của Dan Do, giới truyền thông đổ xô về để phỏng vấn nàng. Họ thi nhau viết về nàng, về hắn. Họ đã từng đối thoại với nghệ sĩ, nhưng đây là lần đầu tiên họ đối thoại trực tiếp với “tác phẩm”.
Hắn chẳng thèm đọc những bài viết đó, vì thực ra, hắn có đọc cũng chẳng hiểu các bài viết đó nói gì. Hắn không hiểu những người viết đã đành, họ cũng chẳng hiểu gì về hắn, về tác phẩm của hắn, về nàng. Nhưng hắn chẳng quan tâm. Hắn đang hạnh phúc.
Dan Do là một trường hợp ngoại lệ. Gã là người đã có mặt lúc nàng ra đời. Gã đã chứng kiến hắn nắm lấy đôi tay sống, vuốt lên bờ ngực sống và hôn lên đôi môi sống của nàng. Gã đã chứng kiến giây phút huy hoàng của sáng tạo.
Có điều hắn hơi bực mình về cái gã Dan Do này. Gã cứ gọi nàng là người mẫu. Hình như gã nghĩ là hắn đã thuê một cô người mẫu để tạc tượng rồi sau đó hủy pho tượng đi để biến cô người mẫu thành pho tượng sống, thành tác phẩm của hắn. Đúng, nàng là tác phẩm của hắn, nhưng nàng không phải là người mẫu! Cái gã Dan Do này không hiểu gì mà cứ làm như mình hiểu hết mọi chuyện! Tuy bực mình, hắn vẫn không phản đối. Dù gì cái gã phóng viên đó đã có cái duyên với hắn, gã đã trở thành một phần của tác phẩm hắn tạo ra. Hắn mơ hồ cảm thấy tác phẩm của hắn không chỉ giới hạn ở con người nàng. Tác phẩm của hắn đã vượt ra ngoài phạm vi kiểm soát của hắn.
7.
Và chính Galatea đã vượt ra ngoài phạm vi kiểm soát của hắn.
Những ngày đầu tiên được phỏng vấn, Galatea rất bối rối. Nàng luôn luôn chờ đợi hắn thay nàng trả lời những câu hỏi các phóng viên đặt ra. Nàng chỉ biết mỉm cười và phụ họa cho hắn. Tuy thế, nàng vẫn đủ sức chinh phục những phóng viên khó tính nhất, và khi viết về nàng, họ luôn ví nàng như một thiên thần, biểu tượng cho những gì đẹp nhất, thanh khiết nhất.
Vào khoảng thời gian ấy, nàng không dám ra ngoài một mình. Nàng để cho hắn quyết định mọi chuyện. Hắn đi đâu nàng theo đó, như hình với bóng. Hắn nghĩ nàng yêu hắn. Như hắn đã yêu nàng.
Rồi nàng bắt đầu làm quen với nếp sống mới. Nàng xuất hiện thường xuyên trước công chúng. Sự bối rối giảm đi. Nàng không còn ngại phải trả lời nhà báo. Giới truyền thông trực tiếp phỏng vấn nàng chứ không còn qua trung gian của hắn. Nàng được nhiều công ty thời trang nổi tiếng mời làm kiểu mẫu, hình ảnh nàng được đăng khắp nơi, nàng nghiễm nhiên trở thành thần tượng của giới trẻ. Các cô thiếu nữ bắt đầu để tóc kiểu Galatea, mặc những kiểu áo Galatea, đeo những cái ví xách Galatea. Chẳng ai còn nhắc đến hắn nữa, vì sự thành công của tác phẩm đã dần dà đưa tác giả vào lãng quên.
Nàng tự nhiên trở thành một thực thể độc lập, không còn nương tựa vào hắn. Nàng không còn thích đi chung với hắn nữa. Hắn với nàng không còn như hình với bóng. Bóng đã rời hình. Bóng nàng đã che khuất hình hắn.
Và nàng bắt đầu muốn sống riêng. Độc lập. Cách xa hắn.
8.
Lần đầu nàng ngỏ ý muốn tự mình tiếp xúc với giới truyền thông, hắn cảm thấy hãnh diện. Nàng là sản phẩm sáng tạo của hắn. Từ một cô gái nhút nhát, nàng giờ đây đã đủ bản lãnh để đối đầu với thế giới bên ngoài, hơn thế nữa, nàng đủ khả năng để chinh phục những kẻ đối diện. Hắn vẽ ra hành trình để nàng đi, nghĩ ra những cách để nàng tiến xa trên cuộc hành trình đó. Mục đích của nàng là mục đích của đời hắn. Mỗi khi nàng được giới truyền thông ca tụng, hắn có cảm tưởng như chính hắn được ca tụng, được tôn thờ. Nói chung, hắn cảm thấy mãn nguyện, cái mãn nguyện của một nghệ sĩ lúc chiêm nghiệm về một tác phẩm đắc ý của mình. Hắn không sợ nàng thay đổi, trái lại, hắn nói với nàng là hắn muốn nàng luôn thay đổi, để hắn còn khám phá, để hắn mãi mãi khám phá những cái mới, những cái vi diệu ở nàng. Tác phẩm của hắn. Galatea.
Cho đến lúc nàng đòi chia tay với hắn.
Hắn vẫn còn trong người cái lý tưởng của một nghệ sĩ. Cái lý tưởng của hắn chấp nhận sự chia tay. Nhưng hắn lại si mê, tôn thờ nàng như một tín đồ ngoan đạo tôn thờ thượng đế. Hắn không thể sống xa nàng, như tín đồ không thể rời xa thượng đế. Nàng là hơi thở, là sức sống của hắn, nàng là niềm tin của hắn. Hắn căm ghét sự tầm thường nên căm ghét quỵ lụy, vì quỵ lụy là tầm thường. Nhưng hắn đã phải quỵ lụy với nàng. Hắn đã khóc, đã khẩn cầu nàng ở lại, đã xin nàng bỏ ý định ra đi.
Và nàng đã chiều hắn. Nàng đã ở lại. Nói đúng hơn, thể xác nàng ở lại. Pho tượng đá ngày nào giờ đã được ráp lại, nguyên vẹn như chưa từng bị đập vỡ. Còn linh hồn tượng đá một lần nữa lại ra đi.
Hắn lại đối diện với tượng đá như lúc hắn chưa ra tay xáng nhát búa định mệnh.
9.
Là người nhạy cảm, Pygmalion nhận ngay ra sự đổi khác của nàng. Hắn muốn nàng thay đổi, nhưng không phải thay đổi để trở về tình trạng ban đầu, lúc tác phẩm còn lệ thuộc vào búa dùi điêu khắc. Hắn không muốn nàng trở lại kiếp vô tri của một khối đá. Nàng vô tri, hắn sẽ vô giác, sự sống của hắn đã tùy thuộc vào hơi thở của linh hồn nàng. Hắn sẽ chết khi linh hồn nàng tắt thở.
Galatea rời nhà mỗi sáng khi mặt trời vừa mọc và chỉ trở về nhà lúc trời đã tối khuya. Giữa nàng với hắn không còn đối thoại. Hắn có thăm hỏi thì cũng chỉ nghe được những câu trả lời nhát gừng, trả lời cho qua mà thôi. Dần dà hắn cũng thôi không hỏi nữa, để khoảng cách im lặng giữa hắn và nàng ngày càng dày thêm. Hắn cằn cỗi trong im lặng và mơ hồ cảm thấy nàng cũng cằn cỗi theo hắn. Và niềm tin về khả năng sáng tạo của hắn cũng dần dần khô héo theo.
Cứ thế mà ba năm đã qua.
10.
Hôm qua, hắn vô tình xem được ảnh khỏa thân của nàng đăng trên một trang web. Hắn suýt không nhận ra nàng vì cái dáng điệu dung tục của người trong ảnh. Những bài viết kèm theo hình ảnh trên trang web đầy giọng miệt thị, đại khái phê bình nàng đã vì tham danh, tham tiền mà đánh mất tư cách của một người nữ đã từng được coi như thiên thần. Dưới con mắt của những tay viết đó, nàng là một loại điếm hạng sang, là vợ bé của đồng tiền, là món hàng mua được bằng giá cao ở xã hội tiêu thụ. Chỉ có bài viết của Dan Do là còn chút nương tình. Gã đưa ra giả thuyết là “tác phẩm” (nàng) và “tác giả” (hắn) đang chuẩn bị cho một giai đoạn “sáng tạo” mới, và những hình ảnh trên mạng chỉ là một sự sắp đặt của hắn, một màn biểu diễn ngoạn mục như màn biểu diễn ba năm về trước, khi điêu khắc gia đưa sự sống vào tác phẩm mình bằng cách cho tượng đá vài nhát búa. Gã lý luận rằng nàng và hắn không có những nhu cầu về danh vọng và tiền bạc, vì cả hai đã quá thành công trên những phương diện đó. Dưới con mắt của Dan Do, Pygmalion đang chủ động việc hủy hoại hình ảnh thiên thần của nàng để sáng tạo một hình ảnh mới, toàn thiện hơn nhưng cũng nhân bản hơn hình ảnh của nàng Galatea của giai đoạn chuyển hóa từ đá thành thịt xương.
Nhưng bài viết của Dan Do không đủ thuyết phục để xóa tan màn sương đỏ thẫm đang tái hiện trước mắt hắn. Khi màn sương đỏ thẫm đó tan đi, khi hắn tỉnh táo lại, hắn thấy nàng nằm đó, trước mặt hắn, quằn quại trên mặt đất, máu rỉ ra hai bên mép.
Giây phút đó, mặc dù hắn xót xa cho nàng, hắn cảm thấy có chút phấn khởi trong người, vì chợt có cảm tưởng như cuộc sống đã trở lại với tượng đá.
Và hắn như mê đi khi bị còng tay đưa về sở cảnh sát vì tội bạo hành tại gia.
11.
- Ông có thể ra về. Cô Galatea đã tường thuật với báo chí là sự việc xảy ra giữa ông và cô ấy chỉ là sự sắp đặt của hai người để diễn tả sự xung đột giữa tác giả và tác phẩm. Cô ấy giải thích cho chúng tôi là màn kịch của ông và cô ấy được gọi là nghệ thuật biểu diễn. Chúng tôi đã nói chuyện với nhiều người khác, kể cả phóng viên Dan Do để kiểm chứng sự việc. Cô Galatea còn quay cả video để đưa lên truyền hình. Ông có thể tự do về nhà. Chúng tôi xin lỗi đã làm phiền ông.
Thấy hắn không có phản ứng gì, người đàn bà nói tiếp:
- Tuy ông không bị truy tố ra tòa, tôi cũng mong ông bà thôi không tiếp tục biểu diễn như thế. Tôi không biết bà nhà ra sao, nhưng về phần ông, tôi thấy tốt hơn hết ông nên đi gặp bác sĩ tâm lý, vì hình như ông đang sống trong ảo tưởng.
12.
Pygmalion lặng lẽ ra về. Hắn không nhớ đã bị cảnh sát bắt giữ bao lâu. Hắn không biết nàng có đang chờ hắn ở nhà hoặc đã bỏ đi. Hắn mong được gặp nàng nhưng cũng sợ phải gặp nàng. Hắn phải nói gì với nàng đây? Hắn đã làm nàng tổn thương. Nàng có còn muốn nhìn mặt hắn không?
Hắn chợt thấy thèm cái cảm giác va chạm với nàng lần đầu tiên. Cái cảm giác lần đầu tiên được sống, được đối diện với sự sống. Hắn nghĩ nguyên do cái cảm giác đó đến được với hắn là vì hắn đã để cơn cuồng nộ thúc đẩy hắn hủy hoại nàng, khi nàng còn là tượng đá. Hắn cũng vừa để cuồng nộ thúc đẩy hắn gây tổn thương cho nàng. Liệu cơn cuồng nộ mới đây có đem lại sự sống mới cho nàng không? Hắn mơ ước sẽ một lần nữa được chạm vào làn da sống của nàng, được nghe hơi thở sống của nàng, và được hôn lên cặp môi sống của nàng. Như hắn đã từng được hưởng thụ vào ngày nàng thoát thân khỏi tượng đá.
Hắn biết cuộc đời hắn sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu hắn không tìm lại được cái cảm giác ban đầu đó. Hắn mơ hồ cảm thấy mình đòi hỏi quá nhiều nhưng hắn thực không còn sự lựa chọn nào khác. Hắn phải giúp nàng hồi sinh, giúp nàng thoát khỏi kiếp tượng đá vô hồn vô cảm.
Vì hắn đã hiểu. Hắn chỉ là tượng đá nếu tác phẩm của hắn thiếu đi sự sống.
Hắn phải làm gì đây?
ĐOẠN KẾT
Dan Do mở phong bì có đề tên người gửi là Pygmalion. Gã lôi từ phong bì ra một cái đĩa DVD. Gã lắp đĩa vào máy. Hình ảnh của Pygmalion hiện ra trên màn ảnh máy vi tính. Trước mặt Pygmalion là một pho tượng sáp. Pho tượng của Galatea…
Hai hôm trước gã đọc báo thấy có tin biệt thự của Pygmalion bị cháy. Đội cứu hỏa tốn hết mười giờ đồng hồ mới dập tắt được ngọn lửa…
Trên màn ảnh, bàn tay của Pygmalion đang mơn trớn tượng sáp. Hắn xoa tay lên mặt tượng, bóc ra một lớp sáp để lộ một đôi môi đang hé nụ cười. Bàn tay hắn lại rơi xuống ngực tượng. Một lớp sáp khác lại vỡ ra, ngực của Galatea bấp bênh như đang phập phồng hơi thở. Pygmalion chuyển tay xuống phía dưới, nắm lấy tay tượng. Sáp lại vỡ. Bàn tay thon nhỏ của pho tượng chợt duỗi ra, bám vào tay hắn. Một điệu nhạc trỗi lên. Galatea duỗi vai rồi ngẩng mặt lên nhìn Pygmalion. Hai thân hình hòa hợp lại thành một…
Bản tin đăng trên báo cho biết là sở cứu hỏa đang điều tra lý do của vụ hỏa hoạn. Dựa theo báo cáo sơ khởi, nhà Pygmalion bị cháy là do người đốt chứ không phải là một tai nạn bất ngờ…
Gã tiếp tục chăm chú nhìn vào màn ảnh. Gã nhận ra được vẻ tiều tụy của Pygmalion và nét đẹp siêu thoát của Galatea. Hai người nhìn vào mắt nhau, không nói một lời nào…
Gã chợt cảm thấy trong người có một niềm xúc động dâng trào. Gã không dám nhìn vào hai người nữa, chỉ để mắt quan sát phạm vi của căn phòng đã được thu hình và đang chiếu trên màn ảnh.
Sàn nhà chung quanh chỗ đứng của Pygmalion và Galatea có trải đầy củi gỗ. Gã mơ hồ thấy được lớp củi đó bị thấm một chất ướt…
Hình như bản báo cáo có đề cập đến dấu vết của củi bị tẩm xăng nơi khu phòng khách. Bản báo cáo cũng đề cập đến việc nhân viên sở cứu hỏa không tìm thấy dấu vết của người nào trong đống tro tàn…
Dan Do thở hắt ra. Gã tự hỏi sự thiêu hủy của cả tác giả lẫn tác phẩm sẽ đưa đến sáng tạo gì?
Cho đến hôm nay, gã vẫn chờ đợi Pygmalion về để giải đáp thắc mắc của gã.
Đỗ Quý Dân
Tuesday, April 17, 2012
GALATEA
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment