Monday, September 5, 2011

Văn Hóa Nhậu, Văn Hóa Giả

“Anh ơi, tối nay rảnh không? Em mời anh đi nhậu.”
“Có chuyện vui hả? Kể anh nghe với.”
“Em vừa bị mất việc anh ạ. Đi nhậu cho đỡ buồn.”

Giữa lúc chén thù chén tạc, anh chàng vừa thất nghiệp tâm sự là đã quá chán công việc. Lương bổng không bao nhiêu mà việc làm ngập đầu. Bỏ việc thì vợ cự là lười biếng, nay bị cho nghỉ việc thì có quyền nghỉ ngơi mà không bị mặc cảm tội lỗi. Đó là lý do để nhậu.

Hai hôm trước một người bạn tôi được một đứa “đệ tử” mời đi nhậu vì mới mua được một chiếc điện thoại di động thật “chiến”. Tôi được rủ đi theo vì lỡ bị mang tiếng là sành rượu! Cả buổi nhậu chẳng ai nhắc nhở gì đến cái điện thoại chiến kia cả. Không dẹp được tính tò mò, tôi yêu cầu chủ nhân cho xem chiếc điện thoại di động mới của chàng ta.

“Em cho con bé bồ nhí của em rồi anh ạ.”

Thật là quái lạ. Lúc đó tôi chịu, không sao hiểu nổi anh chàng mời nhậu. Bảo là muốn khoe đồ chơi mà lại đem đồ chơi đi cho người khác thì không biết là khoe cái gì? Tôi thật sự hoang mang.

Nhưng bây giờ tôi bắt đầu hiểu.

Đây chẳng qua là một vấn đề văn hóa. Cái văn hóa mới của nước Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến.

Cái nền luân lý Khổng Mạnh, các tư tưởng văn hóa hội nhập từ các nước Âu Mỹ hiện giờ đã nhường bước cho một trào lưu văn hóa mới: văn hóa bàn nhậu.

Ngày xưa nếu có người phê bình An Nam ta có cái tật là gì cũng cười, thì hôm nay ta có thể kết luận rằng Việt Nam ta giờ có cái tập quán mới là có chuyện gì cũng nhậu. Ta cứ đi từ Sàigòn ra Hà Nội, từ Huế vào Đà Nẵng, đâu đâu cũng sẽ thấy những quán nhậu, và lúc nào quán nhậu cũng đông kín người. Có những nơi khách có thể uống bia hoặc rượu cùng với các cô hầu bàn, để niềm vui nhậu nhẹt được pha trộn với một chút lả lơi, sàm sỡ cho đủ ý vị của nền văn hóa mới. Kiểu nhậu này không phải chỉ có ở riêng Việt Nam, mà còn rất thịnh hành ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Mã Lai, Thái Lan, v.v. Nhưng có lẽ không đâu có nhiều lý do để nhậu như ở Việt Nam. Kiếm được việc làm là đi nhậu ăn mừng, mất việc cũng đi nhậu vì “thoát nợ”. Mua chiếc điện thoại mới cũng cần nhậu để khoe, chắc khi mất chiếc điện thoại đó cũng sẽ nhậu vì có lý do mua điện thoại mới!

Nhậu nghiễm nhiên đã trở thành một nhu cầu của xã hội Việt Nam hôm nay.

Anh T. , chủ một khu du lịch hoành tráng trên vùng cao nguyên, kể cho tôi nghe là anh phải mướn một phó giám đốc và ba cô phụ tá để đỡ cho anh về việc “tiếp khách” hàng tuần. Khách gồm đủ mọi thành phần: quan chức nhà nước, thương gia hạng xộp, tài tử nghệ sĩ, v.v. Khách nào cũng phải có bàn nhậu. Không đủ sức để đương nổi các buổi tiệc nhậu liên tục, anh cử “phó giám đốc” và ba cô phụ tá đi thay thế. Riết rồi bốn người này trở thành “chuyên viên nhậu” của công ty: chỉ đi nhậu chứ không làm gì khác! Có vẻ nhàn nhưng chẳng nhàn chút nào. Bận liên miên vì phải nhậu liên miên! Đó là chưa kể thận gan chắc rồi cũng sẽ có vấn đề. Chuyện nhỏ. Chuyện phát huy nền văn hóa mới, tức văn hóa nhậu, mới là chuyện chính. Việc của công ty có tiến hành tốt đẹp hay không cũng là trông vào các bữa nhậu đó. Lấy được các giấy phép nhà nước cũng cần phải hiểu văn hóa đó. Ký được hợp đồng với các đối tác kinh doanh cũng phải thương lượng trên diễn đàn văn hóa đó. Không hiểu được văn hóa nhậu là khó nói chuyện được với nhau. Coi thường chuyện nhậu là khinh bỉ văn hóa mới của người Việt Nam hôm nay!

Cái cách nhậu của người Việt hôm nay cũng khác thường. Đối với dân nhậu, thì văn hóa nhậu hôm nay tiến một bước rất xa. Cái tiến bộ là ở chỗ biết uống rượu Tây!

Ngày xưa dân nhậu có mấy chai 33 đã là cao cấp rồi. Thường thì chỉ có ba xi đế. Phải đám trưởng giả mới uống Cognac (Courvoisier, Martell, Hennessey, v.v), mà cũng chỉ uống đến cấp VSOP là cùng. Ngày nay, dân nhậu chỉ thích uống Martell Cordon Bleu, Hennessey hoặc Remy Martin XO, mỗi chai mua cả trăm đô chứ không phải chuyện chơi. Có điều là ở Việt Nam rượu bán ngoài tiệm có đến 90% là rượu giả mạo. Uống vào nhiều khi mồm mép sưng phồng lên, trông như cái phao câu vịt! Còn chóng mặt, nhức đầu, nôn mửa thì khỏi nói. Chuyện quá bình thường. Thế nhưng người ta cứ uống. Và bây giờ thì dân nhậu Việt Nam lại chuyển qua Whiskey (Scotch). McCallan, Chivas, và Johnny Walker là ba loại Scotch thông dụng nhất. Người ta cứ lựa loại đắt tiền mà uống. Chivas và McCallan thì phải từ 18 đến 25 năm, Johnny Walker (còn được dịch là Giô Ni đi bộ) phải ít nhất là Gold Label, hoặc nếu sang hơn là Blue Label thì mới đúng điệu. Rồi cũng toàn uống phải rượu giả, sản xuất tại Trung Quốc. Thế nhưng anh em ta vẫn bỏ tiền ra uống. Vì anh em ta chẳng phải uống để lấy ngon, mà để người khác biết là mình sang!
Có nghĩa là các bác chẳng biết thế nào là rượu ngon hoặc rượu dở. Các bác chỉ thấy rượu đắt tiền là gọi. Để gây ấn tượng với bạn bè, với gái. Các bác pha rượu với nhiều nước soda cho dễ uống, lại vừa uống vừa ăn các món ăn đặc sản nặng mùi mắm muối gia vị, mùi Cognac hoặc Scotch không thể nào lấn át nổi. Thế nhưng các bác vẫn biết được rượu ngon (dù là rượu giả). Thế mới đúng là sành điệu.

Nếu các bạn khó kiếm được một ông Tây uống Cognac hoặc một ông Mỹ uống Scotch lúc ăn bữa trưa hoặc bữa tối thì các bạn tìm ra đối tượng Việt Nam uống kiểu này rất nhiều. Đây là văn hóa mới của Việt Nam, Tây Mỹ khó mà so sánh nổi.

Cũng có nghĩa là văn hóa nhậu cũng giống như các nét văn hóa khác ở Việt Nam hôm nay. Đây là nét đáng yêu của những cái giả tạo mà mình không biết, hoặc biết nhưng vẫn chuộng vì tuy giả tạo nhưng rất ấn tượng! Ở một đất nước mà mọi thứ đều giả thì rượu khó mà thật được. Nhưng nếu không biết giá trị của cái thật, thì cái giả cũng chẳng có gì xấu!

Nói qua chuyện thật giả, ta còn nhớ ngày xưa các bà hay nấu các món giả cày, giả ếch. Ngày nay các cô gái làm việc ở các bar và vũ trường bán những nụ cười, những ngôn ngữ “giả nai”. Rồi sau đó sẽ tặng cho khách chơi những lời yêu thương giả dối.

Đồng hồ giả, quần áo giả, giày dép giả, người Việt hôm nay là những tấm biển quảng cáo di động cho đồ giả. Mắt mũi giả, ngực mông giả, ngay cả chỗ kín của phụ nữ giờ đây cũng có đồ giả. Ở một xã hội phong kiến có những gã đàn ông đi mua trinh để lấy hên nên có nhiều anh cũng mua phải trinh giả!

Đó là về phương diện vật thể. Về tinh thần, người Việt ngày nay cũng bắt đầu “sắm” học thức giả. Bằng cấp chính hiệu khó kiếm nên phải mua bằng cấp giả. Nếu cần bằng cấp thật thì nhiều đấng lãnh tụ ngày nay chắc sẽ tiếp tục bị mất mặt vì xưa kia chỉ nằm trong chiến khu, chẳng biết chữ nghĩa gì cả. Phải kiếm một cái bằng giả như bằng Phó tiến sĩ chẳng hạn. Như thế mới an tâm nắm giữ chức vụ chủ tịch, ủy viên, giám đốc, v.v. Có thế thì kẻ dưới mới phục chứ!

Trong môi trường văn hóa diệu kỳ của nước Việt, những cái giả đó giờ đã thành thật. Đã chấp nhận được cái giả thì không còn cần phải tỉnh táo. Mà nếu không cần tỉnh táo thì nên nhậu. Khi nhậu mọi chuyện đều thật cả. Thật trong tinh thần văn hóa Việt Nam, thật trong tinh thần văn hóa nhậu, thật trong tinh thần văn hóa giả.

Người viết tôi hình như đã bắt đầu thấm nhuần cái tinh thần văn hóa mới này vì dạo gần đây cứ phải đi từ bàn nhậu này đến bàn nhậu khác. Cái đó gọi là dấn thân để “nghiên cứu” vấn đề. Nói cho kêu hơn là hy sinh (giả) cho đại nghĩa (giả).

Sống giữa nền văn hóa mới này, mình biết hỏi ai để tìm ra sự thật đây?

DQD

No comments: