Tuesday, September 9, 2008

Trọng Thủy

Mỵ Châu!
Khi lệ trộn máu hồng
Vỡ giọt xuống Biển Đông
Nước biển tái xanh, trân châu ngời chói
Anh giờ đây không còn nghe em nói
Áo trắng màu tinh khiết
Đẫm máu hồng màu chung thủy
Đã bị màu bội phản nhuộm khô đen
Anh nghe dòng máu anh
Đang chuyển sang màu âm u cõi chết…

Em đã biết tình anh không trọn vẹn
Giữ làm gì lời hứa buổi tiễn đưa ?
Đường lông ngỗng ghi dấu cũng bằng thừa
Chỉ tố cáo em thông đồng với giặc.

Tình em sáng thuở thanh bình Âu Lạc
Lòng anh đục như tiếng ốc Cổ Loa
Anh đã tập hát bản hùng ca
Những lời lẽ dệt ra từ tham vọng
Những bài hát hùng tâm
Thường mang tên thủ đoạn
Tiếng ca phảng phất bóng Thủy Hoàng
Anh nghe để thấy hào quang
Quên đi lối cũ con đường trăng thanh…
Và quên câu ca dao thanh bình
Em đã dạy anh
Ngày đôi ta chưa thành phu phụ.

Mỵ Châu!
Anh vừa giết em vừa giết anh
Khi ngựa Triệu binh vượt Loa Thành
Anh vừa dối em vừa dối anh
Khi nói cùng em chữ chân tình
Trời Âu anh nhớ ngày hôm ấy
Giông tố đập tan ánh bình minh

Anh muốn trả nỏ thần anh đã trộm
Làm phạm nhân xưng tội dưới chân em
Anh chẳng sợ mang ô danh phản quốc
Nếu được cùng em sống lại phút êm đềm.

Triệu Vương ơi ! Thục Vương ơi !
Vì đại nghĩa diệt thân tình
Lấy thành bại luận hùng anh
Chém con gái chung tình, phải chăng tiểu lượng phi quân tử?
Dạy con trai lừa vợ, xứng danh vô độc bất trượng phu !
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì !
Mỵ Châu !
Em cứ ngủ đi, anh sẽ về cùng em tạ tội
Ta sẽ gặp lại nhau nơi không còn phản bội
Hãy chờ anh, cửa vĩnh cửu kia rồi.

Đỗ Quý Dân

Thursday, September 4, 2008

Hỏi thăm thức giả đáo nơi neo?

Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
(Chùa Quàn Sứ)


Hai câu đầu nghe hơi sỗ sàng của một bài thơ nôm làm ra vào những năm đầu tiên của triều Nguyễn vang lên như chất vấn và lên án sự hủ bại của xã hội Việt Nam mấy nghìn năm phong kiến. Người đặt câu hỏi là một nữ nhân. Không cần nói ra, ai cũng biết đó là Hồ Xuân Hương, nhà thơ lỗi lạc trong văn học sử Việt Nam.

Hồ Xuân Hương công nhiên sử dụng thuật “nói lái” đầy tính dân giã để cảnh báo giới lãnh đạo. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Sư cụ không tu, tín đồ có quyền lắt léo. Nhà thơ cũng từ đó báo hiệu cho người đọc để ý đến những chữ nói lái trong thơ bà, cái lắt léo đầy tính chất dân gian của người Việt:

Chày kình tiểu để xuông không đấm
Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo.
(Chùa Quán Sứ)


hoặc:

Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
Vị gì một chút tẻo tèo teo.
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo.
(Sư hoang dâm)


Trong môi trường văn hóa Khổng Nho, trọng nam khinh nữ, người lên tiếng chất vấn lẽ ra phải là kẻ sĩ thuộc nam giới. Thế nhưng ở cái thời đại nhiễu nhương đó, phản ứng của người đàn ông lại hoàn toàn tiêu cực. Ngay cả đại thi hào Nguyễn Du, người đứng đầu giới trí thức đương thời, chỉ biết cảm thán bằng cách gửi gấm tâm sự mình qua nhân vật Thúy Kiều, và mong được sự thông cảm của hậu thế:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như?

Sống trong bối cảnh như thế, không trách Hồ Xuân Hương coi thường đám sĩ tử đàn ông. Biết rằng chỉ trích các bậc danh nho đương thời là quá đáng, bà quay qua mắng lũ học trò:

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ…
(Mắng học trò dốt)


Và để chế giễu sự bất tài, bất lực của đàn ông triều Nguyễn, bà mượn tướng giặc Sầm Nghi Đống làm đối tượng để chê bai:

Ví đổi thân này làm trai nhỉ
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu?
(Đề đền Sầm Nghi Đống)


Qua giọng thơ Hồ Xuân Hương, ta thấy bà là một người năng động và tích cực. Đúng như bà nói, nếu bà là đàn ông, sự nghiệp bà sẽ tiến xa. Thế nhưng, nếu bà là đàn ông, ai là người sẽ nói lên nỗi đau của người đàn bà đất Việt? Ai là người dám công khai nói lên những ước vọng bình thường nhưng khó nói ra của phụ nữ?

Gần một thế kỷ trước Kate Chopin, Colette và Anais Nin, những nữ văn hào Tây phương đã đem bản năng tính dục của phụ nữ vào đề tài văn chương, Hồ Xuân Hương đã thẳng thắn chiêm nghiệm và bộc lộ cái khát khao về tính dục của mình. Có khác chăng, bà lên tiếng trong một môi trường khắt khe với phụ nữ gấp mấy lần xã hội Tây phương. Bà nói thẳng, bà nói bóng gió, nhưng cái ý của bà thì rõ ràng, không thể hiểu lầm được.

Trừ kẻ si ngốc, không ai không cảm thấy cái đòi hỏi xác thịt của nàng thiếu nữ ngủ trưa:

Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc lỏng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm
Một suối Đào Nguyên lạch chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở, ở chẳng xong.
(Thiếu nữ ngủ ngày)


Đối với Hồ Xuân Hương, những đòi hỏi xác thịt là những nhu cầu căn bản của con người, đàn ông cũng như đàn bà, không cần phải giấu giếm. Người đàn bà của Hồ Xuân Hương đi trước cả những Emma Bovary (Gustave Flaubert), (Lady) Connie Chatterley (D. H. Lawrence), hoặc Anna Karenina (Leo Tolstoy) của hơn nửa thế kỷ sau. Nàng thẳng thắn mời gọi phái nam đáp ứng nhu cầu xác thịt của mình, mà không cần phải ngoại tình, đóng kịch, hay che giấu như các bạn nữ phương Tây. Ta hãy thử nghe nàng mời gọi:

Quân tử có yêu thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay.
(Vịnh quả mít)


hoặc

Quân tử có thương thì bóc yếm
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.
(Con ốc nhồi)


Vì tính dục là bản năng, Hồ Xuân Hương không thấy bộ phận kín của phụ nữ là ghê, là xấu, như một số đông đàn bà khác. Bà kiêu hãnh diễn tả bộ phận ấy một cách thẳng thắn, đôi khi với ngụ ý mời mọc:

Quả trau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi…
(Mời trầu)


Mỏng dày chừng ấy, chành ba góc
Rộng hẹp dường nào, cắm một cây.
(Vịnh cái quạt)


Người đàn bà của Hồ Xuân Hương nồng nhiệt trong vấn đề chăn gối, nhập cuộc vui một cách tự nhiên:

Hai chân đạp xuống năng năng nhấc
Một suốt đâm ngang thích thích nhau.
Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả
Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau.
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ…
(Dệt cửi)


hoặc:

Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
(Đánh đu)


Chuyện tình cảm là chuyện tự nhiên, Hồ Xuân Hương không ngại nói thẳng lòng mình ra:

Quân hữu tâm
Ngã hữu tâm
Mộng hồn tương luyến liễu hoa âm.
(Chàng có lòng, tôi cũng có lòng. Mơ được quấn quýt với nhau bên bóng hoa, rặng liễu)
(Thuật y kiêm trình hữu nhân Mai Sơn Phủ - Lưu hương ký)


Chuyện chăn gối cũng là chuyện tự nhiên, mà người phụ nữ phải được bình đẳng trong cuộc vui đó:

Chàng với thiếp canh khuya trằn trọc
Đét đồn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi…
(Cờ người)

Khi chơi ván cờ thú vị kia, không phải lúc nào người đàn bà cũng được như ý. Trong nền văn hóa Khổng Mạnh, đề cập đến tính dục là dâm ô, đồi trụy. Người đàn ông trong môi trường đó trở thành thiếu cương quyết và bất lực trong tư tưởng. Thế cho nên chàng sẽ chỉ mân mó hay ngó ngoáy mà thôi chứ không đủ dũng lực để bóc yếm hay đóng cọc. Khi đứng trước một thiếu nữ ngủ trưa, đang vô tình hay cố ý phơi bày những nét đẹp thiên nhiên, chàng chỉ dám nghĩ đến chuyện quay lưng bỏ đi nhưng chân lại không nỡ cất bước.

Hồ Xuân Hương thương cảm cho những người đàn bà không có được sự tự nhiên và bình đẳng trong liên hệ tính dục. Bà xót cho cái thân phận nô lệ của kẻ làm vợ, làm mẹ:

Hỡi chị em ơi, có biết không?
Một bên con khóc, một bên chồng.
Bố cu lổm ngổm bò trên bụng,
Thằng bé hu hơ khóc dưới hông…
(Thân phận đàn bà)


Bà cảm thán cho nỗi đau của những kẻ cam chịu cảnh lấy chung một chồng:

Kẻ đáp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
. . .
Thân này ví biết đường này nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong.
(Lấy chồng chung)


Thương cho kẻ bị phụ tình, để đến nỗi phải bụng mang dạ chửa, bà viết:

Cả nể cho nên phải dở dang
Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng?
. . .
Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa
Mảnh tình một khối thiếp xin mang.
(Không chồng mà chửa)


Người đàn bà thời Hồ Xuân Hương có bổn phận phải thỏa mãn đòi hỏi tính dục của người đàn ông, nhưng lại không được phép đề cập đến nhu cầu của chính bản thân mình. Hồ Xuân Hương là người thay mặt họ để đòi cái quyền được thỏa mãn những nhu cầu đó.

Lấy tính dục làm cảm hứng nguồn thơ vào cái thời đại phong kiến kia, lẽ cố nhiên là Hồ Xuân Hương bị công kích nặng nề (tình trạng này vẫn còn tiếp diễn đến ngày hôm nay, như trường hợp gần đây của tập truyện ngắn Bóng Đè của Đỗ Hoàng Diệu). Thế nhưng thơ Hồ Xuân Hương hay quá, lôi cuốn quá, nên dù đám “thức giả” phong kiến có công kích đến mấy cũng không sao ngăn cản thơ bà được phổ biến rộng rãi. Thế là những “huyền thoại” được đặt ra, trong đó có “huyền thoại” bà là đàn ông! Không ai tin vào “huyền thoại” đó, giới “thức giả” kia bèn bàn rộng về thơ bà, kẻ thì lên án, người thì nhấn mạnh về tinh thần dân tộc và cách mạng trong thơ, tính chất nhân bản trong tư tưởng của thi sĩ. Rồi từ đó, giới “thức giả” biến đề tài tính dục trong thơ bà thành ngụ ngôn, thành chi tiết không đáng kể. Có nhắc đến, chỉ thấy một nụ cười tủm tỉm che đậy dấu vết của một quá khứ mốc meo phong kiến. Tiếng nói dũng cảm của nhà thơ nữ lỗi lạc kia vẫn còn vang lên trên văn đàn xứ Việt, tiếng nói đó thẳng thắn, đồng âm điệu với tiếng nói của những phong trào phụ nữ của hơn trăm năm sau, nhưng thông điệp của người nói vẫn còn bị bóp méo, bị che đậy bởi tấm bình phong của tinh thần lạc hậu.

Đỗ Quý Dân