Tuesday, October 9, 2018

RƠI NGHIÊNG


Qua đèo nghiêng
Nắng nghiêng nghiêng
Chiều nghiêng nghiêng
Nỗi buồn nghiêng nghiêng
Đất nước nghiêng nghiêng

Chiếc lá rơi
Bóng chiều rơi
Niềm đau rơi
Nước mắt rơi rơi
Tình người rơi rơi

Lá rơi, đèo nghiêng
Chiều rơi, nắng nghiêng
Niềm đau rơi, chiều nghiêng
Nước mắt rơi rơi, nỗi buồn nghiêng nghiêng
Tình người rơi rơi, đất nước nghiêng nghiêng

ĐÓI

Chữ viết tôi bắt đầu bị lệch hàng. Tôi không sao tường thuật một cách rõ ràng về cuộc hành quân của quân đội Đức Quốc Xã qua vùng băng tuyết của nước Nga trong Thế Chiến Thứ II. Khi phải viết về cơn đói khát và cái lạnh nghiệt ngã mà quân đội họ phải đương đầu, mắt tôi dường như mờ đi. Tim tôi đập chậm lại. Người tôi đổ xuống băng ghế trong lớp. Loáng thoáng có tiếng bạn bè nhốn nháo quanh tôi.

Tiếng thằn lằn trên trần nhà phòng bệnh làm tôi tỉnh lại. Về sau tôi biết người ta đã đưa tôi vào bệnh viện Nguyễn Văn Học gần trường. Bác sĩ chẩn bệnh bảo tim tôi “đập loạn nhịp” và cho tôi được nhập viên. Tám ngày nằm trong nhà thương là tám ngày hạnh phục nhất của tuổi thơ tôi. Tôi được ăn!

Sau "giải phóng", gia đình tôi bỗng như biến thành vô hình, không được công nhận là dân cư Sài gòn. Lý do vì chúng tôi đi vượt biên thất bại sau ngày 30 tháng 4, rồi sau đó trốn lên Túc Trưng làm ruộng để khỏi bị “đấu tố” và “chôn sống”. Mẹ tôi bảo vậy. Tôi đã được nghe rất nhiều về chuyện mẹ tôi phải chứng kiến cảnh đấu tố và người trong họ của mẹ tôi bị chôn sống sau cuộc Cách Mạng Tháng 8 Năm 1945. “Mình không thể ở lại đây được, nhất là con bé Thanh”. Mẹ tôi nói đi nói lại câu này với những người trong gia đình. Bà khẳng định là bằng mọi giá nhà tôi phải rời thành phố Sài gòn. Vì tôi! Lúc ấy, tôi không thể hiểu được nguyên do lạ thường ấy. Nhưng tôi cũng chẳng hỏi, chỉ làm theo những gì người lớn sai bảo trong những ngày căng thẳng đó.

Vì không có mặt tại Sài gòn trong những ngày đầu của việc kiểm tra các “hộ dân”, gia đình tôi không được cấp “hộ khẩu” – giấy chứng nhận dân cư của Thành phố. Đây là nguồn gốc của bao cuộc thăng trầm. Chín năm đầy đọa. Chín năm dạy cho tôi những bài học làm người. Chín năm thấm nhận được những đói khát của cơ thể, những đói khát của trí tuệ đến tột đỉnh. Chín năm thèm thuồng màu sắc đến điên dại. 
Không có hộ khẩu là không có quyền mua gạo và thực phẩm theo giá nhà nước. Cuộc sống bên lề này đã biến chúng tôi thành những nạn nhân của thị trường chợ đen. Thay vì một ký gạo chỉ có 2 đồng “Cụ Hồ”, mẹ tôi phải trả 20 đồng để mua một ký gạo mốc. Cái tủ gỗ lim của mẹ tôi, bàn ghế trong nhà, tranh trên tường, các chén kiểu Thượng hải của Ngoại tôi để lại, bộ đồ “com lê” của một người đàn ông mà tôi chưa từng gặp và những vật dụng có giá trị khác dần dần đưa nhau đi đánh đổi lấy gạo, khoai mì, khoai lang, hoặc rau muống. Gạo nấu cơm phải trộn lẫn với bắp, rồi dần dần trộn thêm khoai lang. Và sau cùng khoai lang cũng bị thay thế bằng sữa bột Liên-Xô. Lý do duy nhất mà tôi được uống sữa này là vì không gia đình nào muốn uống sữa bột. Ai cũng sợ sữa, mà sữa bột tanh hăng của Liên Xô lại càng sợ hơn. Mỉa mai thay, những giọt sữa bất đắc dĩ này lại là nhiên liệu giúp tôi cầm cự một thời gian trước khi bị ngã gục trong lớp giờ thi Sử.

Sáng dậy mẹ tôi nấu một nồi nước nóng rồi khuấy bột sữa vào để làm sáu bát sữa. Tôi được uống một bát đầu ngày trước khi đi học và một bát vào buổi tối. Thế thôi. Ngồi trong lớp, bạn bè tôi thường cười ầm lên khi nghe tiếng cồn cào ọt ẹt của bao tử tôi.

Cái đáng sợ của ngày ấy là phải nhìn người khác ăn uống quanh mình. Cơm, xôi, bánh mì của những người khác là những đe dọa lớn nhất đối với tôi. Nó làm tôi nhỏ lại, hèn hạ, thấp kém. Mệt và thèm là hai tình trạng đáng buồn của cơ thể. Nó hay xuất hiện vào buổi trưa hoặc tối. Giờ tan học dưới ánh nắng cháy da là lúc tôi phải trở về với thực tế phũ phàng. Tiếng chén đũa khua vào nhau, tiếng người gọi người về ăn, mùi thức ăn phảng phất đâu đó trong không khí nhắc cho tôi biết tôi vẫn còn sống và còn đầy cảm giác. Nhưng tôi phải trở thành câm và điếc – phải tranh đấu để cơ thể không còn cảm nhận được những cám dỗ của thế giới xung quanh. Tôi không thể đầu hàng trước sức mạnh của cái Đói. Dần rồi tôi tìm đủ mọi phương tiện để tránh những giờ phút đầy cám dỗ và nhục nhã đó.

Tan học về là tôi đến thẳng cổng chùa, nơi mẹ tôi để một tủ bán thuốc lá rất nhỏ ngay trước cổng. Tôi giành ngồi đó để bán thuốc cho mẹ nhưng thực chất là để đọc truyện tìm lối thoát. Chỉ có đọc truyện mới giúp tôi có đủ sức mạnh đối phó với cơn đói. Càng đói tôi đọc càng nhiều, và bỏ quên các bài toán lý hóa, các lý thuyết chính trị vô nghĩa của nhà trường. Khi hòa mình vào hàng chữ ngả nghiêng nhảy múa trên giấy là khi tôi quên đi cái nôn nao dày vò của cơ thể.

Ngày ấy, “sách truyện” mà tôi tìm được là những tờ giấy tái dụng sần sùi, ố bẩn được khâu vào với nhau thành những cuốn vở dày. Người ta chép truyện bằng tay vào những cuốn vở đó và chuyền tay nhau để đọc.  Mặc dù mọi người nâng niu những “cuốn sách” đó, các trang giấy dần dà cũng bị nát ra từng mảnh. Vào cái thời “cải cách giáo dục” này, các sách nước ngoài được dịch ra tiếng Việt và sách của “chế độ cũ” đều bị cấm và bị đốt. Những bản chép tay trên giấy ố là những bè phao vô giá đã cứu vớt tôi, đã cho tôi nhìn thấy những bầu trời của chị em trong gia đình họ Bronte, chia sẻ nỗi bất hạnh của nàng Tess d’Urbervilles. “Cuốn sách” mà tôi đọc đi đọc lại là tác phẩm “Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà” của Victor Hugo. Tôi cảm thấy gần gũi với cô nàng gypsy trong truyện và mong được lang thang như cô, tuy rằng không hiểu được tại sao đời lại hắt hủi cô. Có những đêm tôi để nước mắt tuôn rơi xuống gối để thấy mình là Cosette trong “Les Miserables”. Trong những đêm sống ở chùa, nghe nước mắt rơi chầm chậm trên má, tôi mong đợi mãi bàn tay của Jean Valjean đến cứu tôi, nhưng Jean Valjean của tôi không hề xuất hiện.

Cơn ngất xỉu trong lớp lần ấy đã vực tôi dậy và làm tôi sống lại. Giờ cơm đầu tiên trong Khoa Nhi của bệnh viện, tôi kêu thốt lên thành tiếng khi thấy mâm đồ ăn đặt xuống giường ngay trước mặt tôi. Nào là cơm trắng, nào là đậu hũ kho vàng quyến rũ và rau luộc xanh mướt đầy ắp trước mắt tôi. “Cháu có được ăn hết chỗ này không ạ?” Tôi ngớ ngẩn hỏi người y tá mặc áo trắng khi cô nhanh chân đẩy xe cơm ra khỏi phòng tôi. Xấu hổ lắm nhưng tôi phải thú thật là tôi đã ăn như chưa bao giờ được ăn. Sặc lên được. Vừa nghẹn vừa hả hê.

Sau lần đầu tiên được nhận lại mùi cơm trắng, mùi đồ ăn, tôi mong đợi từng giờ từng phút để được đến bữa ăn kế tiếp. Điều lạ lùng hơn hết là cứ trước giờ ăn thì tôi lại được một bác sĩ đứng tuổi tên Phú có bộ râu cằm lởm chởm đến khám bệnh cho tôi. Phòng chúng tôi có sáu trẻ, sáu giường. Tôi lúc ấy 14 tuổi, là đứa lớn nhất trong đám trẻ. Đứa bé nhất chỉ mới lên bốn tuổi, những đứa còn lại hầu hết khoảng sáu bảy tuổi. Bác sĩ đến phòng này chỉ để khám bệnh cho tôi. Lần nào bác sĩ cũng cởi áo tôi ra để đặt ống nghe lên tim tôi, rồi sau đó là ông nắn ngực tôi từ trái sang phải rồi từ phải sang trái. Ông cứ làm vậy liên tục. Có lần ông làm tôi đau lắm vì ông nắn hơi mạnh. Tuy nhiên, tôi không hề than phiền vì tôi biết rằng sau giờ khám bệnh tôi sẽ được ăn cơm.

Khi mẹ tôi đến thăm và bảo tôi chuẩn bị xuất viện, tôi cảm thấy thất vọng và buồn một cách vô lý. Tôi mỉm cười khi nhìn thấy giấy xuất viện phê là tôi bị “thiếu dinh dưỡng” chứ không phải bị đau tim.

Vì chuyện tôi bị ngất xỉu, cô Bắc, một người bạn quen giàu có của mẹ tôi nhắn tin bảo tôi lên thăm nhà cô ở đường Trương Minh Giảng. Mẹ tôi bảo tôi nghỉ học một ngày để làm chuyện đó. Ngày trước “giải phóng”, gia đình tôi còn khá giả, mẹ tôi thường mặc áo dài chấm chân cùng cô Bắc đi “dạo phố” mua hàng. Từ ngày chúng tôi trở thành người vô sản, mẹ tôi không còn đi lại với cô Bắc và những người quen giàu có khác. Sau nhiều năm trôi qua, tôi được trở lại nhà cô. Cô khen tôi lớn nhanh và bắt đầu có “nét phụ nữ”. Tôi kể cho cô nghe những cơn đói dữ dội của tôi. Cô nghe nhiều hơn là nói, rồi sau đó đưa cho tôi một cái bị khá nặng. “Gạo Nàng Hương mới đây con, ngon lắm. Cho cô biếu mẹ con.” Tôi cám ơn cô rối rít, thầm nhủ “gạo Nàng Hương chắc chắn phải thơm lắm” mặc dù chẳng biết gạo Nàng Hương là gạo gì! Tôi thường mơ thấy những cơn mưa rào của Sài gòn, những hạt mưa đang rơi ào ạt bỗng chợt biến thành gạo. Phải chi tôi được đứng dưới những cơn mưa gạo trắng xóa như trong giấc mơ.

Tôi hí hửng ôm bao gạo lên bến xe buýt đi về chùa. Chiều gần tối, trời như sắp chuyển mưa, gió hất giấy rác và bụi bay khắp nơi cay cả mắt, xe đông kịt. Xe quá đông khách. Tôi ngần ngại nhưng cũng phải chen chân lên xe vì không muốn phải đợi chuyến sau, sợ trời mưa. Tôi cố lấn lên. Mọi người thúc nhau, đẩy nhau, người sát người, nhễ nhại. Cơ thể tôi được mọi người xô đẩy dần dần vào bên trong. Xe chạy lắc lư làm mọi người nhào qua nhào lại ôm bám lẫn nhau để có tư thế đứng vững. Bao gạo nặng trên tay tôi từ từ sa xuống chân. Xe lại nhào thật mạnh. Tôi suýt té. Sợ mất bao gạo, tôi nhìn xuống chân để kiểm lại. Đột nhiên tôi thấy có hai bàn tay to, bóng nhớt và đen thui thủi đang nắn nót bộ ngực nhỏ của tôi. Tôi bắt đầu cảm giác được sức mạnh của sự nắn bóp này. Nó là một cảm giác rất lạ. Trong thoáng giây đó, nó làm tôi liên tưởng đến các buổi viếng thăm của Bác Sĩ Phú! Cảm giác ghê sợ chợt như một cơn lũ tràn về, mãnh liệt.

Mặt tôi nóng lên, rồi người tôi nóng lên, không thở được. Ngay lúc đó, xe ngừng lại ở một trạm lớn tại chợ Bà Chiểu. Vẫn chưa tới nhà, nhưng như người đang vừa bị bỏng vừa bị tê liệt, tôi vùng người thoát ra khỏi đôi bàn tay đen nhễ nhại kia để theo mọi người bước ra khỏi xe. Tôi nhảy xuống đất, hứng trọn cơn gió lốc đầy bụi lúc đó. Khi đã hoàn hồn, tôi liền quay lại để nhìn xem người có bàn tay đen đủi đó là ai. Tôi nhìn thẳng lên cửa xe và nhận ra được cái đầu hói của một người đàn ông nhô ra giữa đám người đứng chen nhau như cá hộp, và thấy cánh tay đen của người đàn ông đó đang xoa bụng dưới của ông ta. Tôi không sao quên được đôi mắt nhỏ và sâu của ông ta nhìn thẳng vào mặt tôi một cách thật bình thản. Tim tôi vẫn đập mạnh mặc dầu cửa xe đã đóng lại và xe đã chuyển bánh. Bụi cát bay mịt mờ. Tôi lấy tay dụi mắt và sực nhớ là tay mình đã không còn bao gạo nữa!

Á! Tôi chết lặng trong người rồi vội vã thất thanh chạy theo chiếc xe buýt. “Ê! Bác Tài ơi, đứng lại!” Tôi hét lên trong cơn gió. Vừa vẫy tay, vừa gào, vừa chạy. Mọi người xung quanh nhìn tôi chăm chăm. Đầu xe càng lúc càng nhỏ dần. Tôi thở hổn hển đứng lại giữa dòng xe đạp đổ lên từ hai bên. Tôi biết mình đã mất gạo thật rồi và không hiểu mình sẽ phải giải thích thế nào với mẹ. Tôi đã mất cơ hội làm cho mẹ tôi vui, mất cơ hội cho mẹ tôi và em tôi được ăn cơm. Sự mất mát này khủng khiếp quá. Tôi làm sao có thể kể lại câu chuyện xấu xí kia dù chính bản thân cũng không hiểu tại sao nó xấu và tại sao tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi không có lời giải thích chuyện gì đã xảy ra. Không. Tôi không thể nói thật cho mẹ tôi biết được. Tôi phải nghĩ ra một lý do nào thật đặc biệt để làm cho mẹ tôi phải tội nghiệp cho tôi và không trách tôi bất cẩn hoặc đãng trí.

Bị bùa! Thế là tôi nghĩ ra giải pháp. Tôi sẽ nói tôi bị người ta bỏ bùa để lấy mất bao gạo. Tôi nhỏ lớn chưa biết “bùa” hình thù ra sao; nhưng hình như mọi người ai ai cũng tin vào sự màu nhiệm của nó. Truyền rằng hễ ai bị bỏ bùa thì người đó bị mê hoặc để phải làm theo sự điều khiển của người giữ bùa. Đó là lần đầu tiên tôi biết nói dối với mẹ. Mẹ tôi chắng những tin tôi mà còn cám ơn Trời đất là người có bùa đã không bắt cóc lấy tôi. Mẹ tôi cho rằng tôi hết sức may mắn nên chỉ mất gạo chứ không mất người! Thấy mẹ tôi mừng mà lòng tôi như bị xé ra trăm mảnh. Hối hận là đã lừa dối bà nhưng tôi không biết làm sao để nói lên sự thật kia. Tuy không hiểu tôi đã làm sai chuyện gì, chỉ biết rằng tôi thấy xấu hổ nhục nhã vô cùng. Tôi giữ kín câu chuyện này cho đến hơn mười năm sau mới kể lại được. Và mẹ tôi đến giờ lâu lâu vẫn nhắc đến chuyện tôi bị “bỏ bùa” mất gạo.

Jenny Đỗ